Chấp hành Chỉ thị cũng là… đang tu

TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ
TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sài Gòn là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Tôi đã chứng kiến Sài Gòn thay da đổi thịt từng ngày, từng ngày một…

Ngày nhỏ, Sài Gòn trong ký ức tôi là những đêm trời mưa kèm theo “combo” khuyến mãi cúp điện của mấy ông điện lực. Tụi nhỏ như tôi thì mỗi lần cúp điện là hớn hở lắm, bày đủ trò chơi như: ma lon, bịt mắt bắt dê, trốn tìm...

Lớn lên chút nữa, Sài Gòn trong mắt tôi được mở rộng ra, không chỉ gói ghém trong phạm vi cái chung cư mình ở, mà định vị là từ nhà cho đến trường học rồi lướt qua trung tâm học thêm.

Sài Gòn lạ lùng, dễ thương lắm! Mọi người ở mọi nơi, mọi xứ đều có thể đổ về đây mà sống. Từ những bác miền Bắc thích ăn rau muống, bún đậu mắm tôm cho đến những cô chú miền Trung bán mì Quảng, bún bò Huế; thậm chí còn có cả người nước ngoài định cư đi làm giáo viên tiếng Anh... Tất cả đều được Sài Gòn ôm trọn vào lòng. Sài Gòn bao dung là thế! Dễ chịu là thế!

Tính tình người Sài Gòn rất “kỳ cục” - ưa lo chuyện bao đồng. Cũng chẳng quen biết gì nhau, đi đường thấy ai chạy xe quên gạt chống là người Sài Gòn cố gắng rồ ga lướt lên và nhắc: “Chống chân kìa!” rồi lại rồ ga bỏ chạy như sợ người ta cám ơn.

Lần đó, chắc khoảng 12 -13 tuổi, tôi đi xe ôm để về nhà mà không đủ tiền trả, tôi lí nhí nói: “Con còn có nhiêu đây!”. Chú xe ôm chỉ nhìn tôi lắc đầu: “Tính gì nữa mậy, thôi đi đi. Coi như bữa nay tao lỗ” và chú dong xe chạy tuốt luốt.

Đó! Sài Gòn trong ký ức tôi là thế! Trưởng thành, cuộc đời tôi sang trang cũng ngay tại Sài Gòn: Năm 19 tuổi, tôi xuất gia tại chùa Hoằng Pháp.

Sài Gòn - TP.HCM hiện đang bệnh.

Tình hình dịch Covid-19 phức tạp nên thành phố nhộn nhịp này phải giãn cách theo Chỉ thị 16. Những người công nhân, làm thuê, làm mướn, hàng rong, ăn xin, vé số... chẳng biết họ phải sống sao, lên mạng xem tin tức về Sài Gòn mấy ngày nay mà thấy chạnh lòng…

Người dân bây giờ nếu đồng lòng tuân thủ theo Chỉ thị thì có lẽ chúng ta sẽ sớm vượt qua được cơn đau này.

Tôi là người xuất gia, việc giãn cách làm tôi liên tưởng đến giới luật Phật chế ra cũng nhằm mục đích hướng hàng xuất gia đến chỗ thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức.

Giới luật khái quát là chỉ trì và tác trì. Chúng ta tự bảo vệ mình, tuân thủ Chỉ thị không tập trung, không ra ngoài thì cũng như “chỉ trì”. Chúng ta thực hiện tốt 5K, khuyến khích mọi người giữ gìn, chung tay góp sức chống dịch thì cũng như “tác trì”.

Vậy thì câu hỏi cuối cùng đặt ra, ai sẽ cho chúng ta an toàn giữa đại dịch?

Vâng! Chính chúng ta! Chúng ta thực hiện tốt những điều trên là ta đang tự bảo vệ ta, cũng chính là bảo vệ người khác. Chính đây là tự lực. Tha lực của chư Phật, chư Bồ-tát cũng hiển hiện dựa trên nền tảng của tự lực. Chính công đức từ những thiện sự này phát sinh sẽ như chiếc lọng che chở cho người thực hành giáo pháp như câu kinh Pali nổi tiếng: “Dhammo have rakkhati dhammacarim” - “Pháp hộ trì người hành pháp”.

Thế đó. Là Phật tử, hãy ở nhà tu tập - đừng tụ tập!

Bài viết về Sài Gòn mùa giãn cách của bạn xin gửi về email onlinegiacngo@gmail.com, toasoan@giacngo.vn, sẽ được chọn đăng trên Giác Ngộ Online và báo in Giác Ngộ (Chủ đề xin ghi: Sài Gòn mùa giãn cách).

Tòa soạn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày