Chúng pháp và chúng phi pháp

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1216 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1216 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00

"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trú tại Đông Viên, giảng đường Lộc tử mẫu. Bấy giờ, vào lúc xế chiều, Đức Thế Tôn từ tĩnh tọa đứng dậy, bước xuống giảng đường, đi kinh hành trên khoảng đất trống, trong bóng mát của giảng đường và thuyết giảng rộng rãi về pháp thậm thâm vi diệu cho các Tỳ-kheo nghe…

Đức Phật lại bảo rằng:

- Có hai chúng, một là chúng pháp, hai là chúng phi pháp.

- Sao gọi là chúng phi pháp? Hoặc có người làm việc phi pháp, nói lời phi pháp và chúng ấy cũng làm việc phi pháp, nói lời phi pháp. Người phi pháp ấy đứng đầu trong chúng phi pháp, theo những điều chính mình đã biết, nhưng lại bằng những lời hư vọng, không chân thật mà hiển thị, phân biệt, quy định hành vi, lưu bố, tuần tự thuyết pháp, muốn đoạn trừ sự xấu xa trong tâm ý người khác, bị cật vấn thì không thể trả lời được. Đối với trong Chánh pháp luật không thể xứng lập những điều chính mình đã biết. Nhưng người phi pháp đứng đầu trong chúng phi pháp, tự cho là ‘Ta có trí tuệ, hiểu biết tất cả’. Ở nơi nào mà sự kiện trí tuệ được nói đến như vậy, ở đó được gọi là chúng phi pháp.

- Sao gọi là chúng pháp? Hoặc có người làm đúng pháp, nói như pháp và chúng ấy cũng làm đúng pháp, nói như pháp. Người đúng pháp ấy đứng đầu trong chúng pháp, theo những điều chính mình đã biết, không bằng những lời hư vọng mà bằng sự chắc thật, hiển thị, phân biệt, quy định hành vi, lưu bố, tuần tự thuyết pháp, muốn đoạn trừ sự xấu xa trong tâm ý người khác, khi bị cật vấn thì có thể trả lời được, đối với Chánh pháp luật có thể xứng lập những điều chính mình đã biết, và người ấy đứng đầu trong chúng pháp, tự cho là ‘Ta có trí tuệ, hiểu biết tất cả’. Ở nơi nào mà sự kiện trí tuệ được nói đến như vậy, ở đó được gọi là chúng pháp.

- Cho nên, các ngươi nên biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa. Sau khi đã chứng biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa rồi, các ngươi nên học pháp như thật và nghĩa như thật.

Phật thuyết như vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào tịnh thất tĩnh tọa".

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Song, kinh A-di-na, số 188 [trích])

Thời Thế Tôn còn tại thế, hội chúng phi pháp đã xuất hiện. Khi Tăng đoàn đông đảo, các nhóm Tỳ-kheo hoằng pháp ở nhiều nơi, có nơi cách rất xa chỗ Đức Phật đang hành đạo. Mỗi trú xứ ấy được một Tỳ-kheo thượng thủ (vị cao hạ hoặc có uy tín nhất trong nhóm) hướng dẫn tu học. Trong đó, có một vài hội chúng có biểu hiện phi pháp, tu tập và thuyết pháp không đúng Chánh pháp, may mắn là Đức Phật chấn chỉnh kịp thời.

Những biểu hiện của hội chúng phi pháp cũng dễ nhận ra. “Hoặc có người làm việc phi pháp, nói lời phi pháp và chúng ấy cũng làm việc phi pháp, nói lời phi pháp”. Quan trọng nhất là người đứng đầu, “Theo những điều chính mình đã biết, nhưng lại bằng những lời hư vọng, không chân thật mà hiển thị, phân biệt, quy định hành vi, lưu bố, tuần tự thuyết pháp, muốn đoạn trừ sự xấu xa trong tâm ý người khác, bị cật vấn thì không thể trả lời được. Đối với trong Chánh pháp luật không thể xứng lập những điều chính mình đã biết”. Nguy hiểm hơn, vị ấy tự cho là ‘Ta có trí tuệ, hiểu biết tất cả’.

Thế nên, ngoài lòng tôn kính và vâng phục vị thầy của mình, người học Phật cần tỉnh táo đối chiếu những lời dạy và cách sống của thầy với Kinh - Luật. Nếu không đúng với Kinh-Luật thì hết sức cẩn trọng, không mù quáng tin theo vì vị ấy đã thực hành phi pháp.

Hiện nay, có một số vị thầy thuyết giảng sai Chánh pháp, suy diễn lời Phật tùy tiện theo thấy biết hạn hẹp, phiến diện của mình. Giáo hội cũng chưa có giải pháp chấn chỉnh thích đáng, Tăng đoàn cũng không mạnh mẽ góp ý, phê bình. Do vậy, mỗi người nên tự đối chiếu với Kinh-Luật để tránh xa những người hay hội chúng phi pháp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày