Chuyến phà hoàng hôn

0:00 / 0:00
0:00
GN - Đường về nhà tôi qua cầu Mỹ Thuận, rồi qua phà Vàm Cống, cứ ghi lại chính xác như thế để sau này còn nhớ.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hồi xưa, trước khi cầu Mỹ Thuận nối liền hai bờ sông Tiền, dân chúng di chuyển giữa hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long phải đi trên chiếc phà mà chắc hẳn ký ức về nó đã phai nhòa trong trí nhớ nhiều người. Giờ đây, bến phà Vàm Cống cũng đã bước vào đoạn đường dĩ vãng đó. Phà Vàm Cống nối hai tỉnh láng giềng, bên này Đồng Tháp với bên kia An Giang. Bến bên này đặt ở Lấp Vò, bến bên kia đặt ở Long Xuyên, từ Long Xuyên chạy một chặng nữa mới đến nhà tôi ở Châu Đốc. Qua sông là An Giang, là nhà.

Thường thì qua phà rất nhanh, nhưng mỗi độ Tết đến, như thể để cho kẻ sắp được về quê phải thêm nôn nao, lần nào đến Vàm Cống cũng phải chờ mỏi cẳng. Những hàng xe dài rồng rắn nối đuôi nhau đợi lên phà, những chiếc xe máy nép bên làn của mình, người người tộ bị lỉnh kỉnh hành lý, vài chiếc xe buộc sau yên một chậu mai đã lặt trụi lá. Những xe chở bông Tết sặc sỡ đủ màu sắc từ Sa Đéc băng qua sông. Rồi trên dòng nước, những ghe thương hồ chở trăm thức bông trái ngược xuôi. Nhiều bận, tôi đi xe đêm để tiết kiệm thời gian, nghĩ lên xe cứ ngả lưng đánh một giấc, sáng bảnh là tới nhà. Nhưng tôi quên mất là mĩnh nghĩ được vậy thì người ta cũng nghĩ được, nên người đi chuyến xe đêm thường đông, các chuyến phà đêm vì thế càng chậm. Nên thôi, rút kinh nghiệm cho những lần sau, tốt nhất là đi giấc trưa, chập choạng tối là tới nơi. Đi giấc đó thì khi đến Vàm Cống, nước sông Hậu đã loang một màu đỏ của ráng hoàng hôn.

Thường thường, khi đã lên phà, bác tài luôn mở cửa xe để khách bước xuống hít chút gió trời cho khuây khỏa. Đó cũng là cơ hội để những người bán hàng rong ùa lên xe, hết mời trà đá, mời mua nem đặc sản Lai Vung rồi lại vé số. Có cô đem theo mình cả “cửa hàng tạp hóa” di động, thứ gì cũng có: từ nước, cơm hộp, nem, thuốc lá, thuốc đau bụng, say xe… Lối đi giữa các hàng ghế hẹp, mùa Tết như càng hẹp hơn, người bán luồn lách, nhường nhịn nhau để kiếm vài đồng lời mỗi chuyến xe qua. Khi xe này thấy không ai còn nhu cầu mua gì thì đội quân bán hàng lại kéo nhau sang xe khác. Cứ vậy, đời họ gắn liền với chiếc phà. Chiếc phà trở nên một khoảnh nhân gian “di động”, dung dưỡng biết bao phận người mà nhỏ nhất ba, bốn tuổi, già nhất cũng tám, chín mươi. Sáng tinh mơ hay sập tối, họ đều có thể khuấy động sự yên tĩnh đều đặn của những chuyến phà. Tôi nhớ từng bắt gặp những đứa nhỏ bán rong, người bé như hạt tiêu, bé đến mức còn chưa thạo mặt tiền, cứ cầm bịch đậu phộng giơ lên mời khách. Khách đưa bao nhiêu, biểu thối bao nhiêu thì thối chứ có biết tính đâu. Con phà chấp chứa những đứa nhỏ đó, để chúng nó sống trong sự bảo bọc của khách thập phương, lời lãi bán buôn để hết vô lòng tin cậy.

Phà Vàm Cống bao năm như con thoi dệt qua lại một khúc sông Hậu. Một ngày kia, nó lại chuẩn bị rơi vào khoảng không kỷ niệm của biết bao nhiêu thế hệ. Cây cầu nối thêm một nhịp, cũng là dấu hiệu cho việc con phà sắp sửa đi đến buổi hoàng hôn của đời nó.

“Trù trừ hoài được đâu mậy, rồi cũng xong hết, thời tới cản sao nổi!”, một bác tài nói, khi tôi thắc mắc không biết cây cầu chừng nào mới thông xe, rồi cám cảnh cho phận phà. Phà này đã gánh trên lưng nó bao nhiêu kiếp sống, như ông già chậm chạp, qua một khúc sông mà cũng mất khá thời gian, đã đến lúc cho “ổng” nghỉ ngơi, nhường phần gánh vác giao thông liên tỉnh cho một cây cầu “trẻ khỏe” hơn.

Chợt nhớ lần cuối cùng đi qua phà, tôi nhìn quanh quất, thấy một xe bánh mì bò cuộn lá lốt thơm lừng nghi ngút khói, bên cạnh là một gia đình “cái bang” ngồi nép bên thành phà. Đứa con ngủ say trong lòng người mẹ rách rưới, chiếc nón lá tả tơi như thân phận chủ, nằm ngửa ra đón chút hảo tâm. Trên những thân thể ấy không có dấu hiệu của mùa xuân, không có gì báo hiệu đang dần đến Tết, như thể cuộc đời cứ vậy dài mãi ra, không có thời khắc quan trọng nào xảy tới với họ. Có lẽ cuộc văn minh nào thì cũng phải có hy sinh. Giao thông thuận lợi hơn thì phải chịu đánh đổi bằng chuyện mưu sinh của rất nhiều kiếp người trót gửi thân theo những chuyến phà sông đi đi về về.

Tôi từng tự hỏi rằng trong ngần ấy thời gian “sống” của con phà, biết bao đứa trẻ được nuôi lớn bằng sự chắt chiu kiếm được từ từng cái bánh tráng hay chục nem? Những cụ già đã thấy bao dâu bể trần gian cho đến khoảnh xế đời đang còn bám lấy con phà làm nguồn sống qua những ngày còn lại? Họ sẽ đi đâu về đâu khi con phà này dẹp mất?

Con phà dừng lại, kiếp sống vẫn cứ trôi đi. Chiều giáp Tết năm nào, cuộc buôn bán lại càng hối hả, ráo riết theo cái rộn ràng của những người về quê ăn Tết. Phà Vàm Cống như phải vội vàng hơn để cho những kẻ tha hương còn kịp về hưởng cuộc đoàn viên, những người bán rong vẫn mải miết cuộc mưu sinh của mình, như thể giờ giấc sinh hoạt của họ đã hòa vào chiếc phà làm một. Tôi lại tự hỏi (chớ biết hỏi ai đây), rằng có bao nhiêu người đã đón cái giao thừa trên chuyến phà này, ngắm nhìn những tàn pháo hoa vỡ tung trên bầu trời Long Xuyên?

Tết năm nay, chiếc phà đã được kéo về Sài Gòn, nằm im đợi chờ một nhiệm vụ mới. Chiếc phà già vẫn mang trên mình những trù liệu mới, như một người già còn vấn vương khoảng đời son trẻ chưa buông.

Chuyến xe khách cuối năm tăng tốc chạy lên dốc cầu Vàm Cống. Tôi nhìn ra cửa. Tiếng máy phà năm nào như còn vẳng lại từ hôm qua, khoảnh nhân gian bé tí rùng mình rời bến, băng qua sông, để lại sau đuôi nó từng vệt sóng, xua đám bèo dạt sang hai bên. Một nhân gian ấy đã bao mùa mưa nắng cần mẫn kéo lấy hai bờ sông Hậu lại gần nhau.

Những dây văng cầu lướt qua ngoài cửa kiếng xe. Trên bầu trời xanh, mấy cánh nhạn chao qua sông lạnh, nghiêng xuống ráng đỏ hoàng hôn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày