Niệm Phật hồn nhiên

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Lần đầu tiên trong đời tôi nghe niệm Phật là năm lên bốn tuổi, lúc đó tôi đang nằm bệnh viện vì chứng phù thũng, trong giấc ngủ miên man, tôi nghe mẹ khấn vái rì rầm. Tôi tỉnh dậy, thều thào hỏi mẹ, mẹ ơi, mẹ đang nói gì thế hả mẹ?.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1172 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1172 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

- Mẹ cầu nguyện cho con mau chóng khỏi bệnh.

- Mà mẹ nói những gì lạ lắm, con không nghe rõ.

- Mẹ niệm Phật con ạ!

- Thế niệm Phật thì con sẽ khỏi bệnh hả mẹ?

- Ừ, mẹ niệm Phật thì con sẽ khỏi bệnh.

- Nhưng mà niệm Phật là gì hả mẹ?

- Mai mốt con lớn mẹ sẽ chỉ cho con.

- Không, con muốn mẹ chỉ cho con bây giờ cơ, vì con muốn mau khỏi bệnh để về nhà, con không muốn nằm bệnh viện.

- Ừ, mẹ dạy cho con. Nào, con đọc từng từ nào, Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát.

Tôi thuộc rất nhanh câu nói ấy cứ bắt chước mẹ niệm trong những ngày còn nằm viện. Rồi tôi nhớ ông bác sĩ có nụ cười thật hiền đến khám lần cuối trước khi xuất viện cười bảo: “Cháu khỏe rồi, nhanh thật đấy!”.

Khi về nhà, con bé tôi bắt đầu phát hiện ra người lớn chung quanh mình rất hay dùng câu niệm Phật ấy hàng ngày. Dì Út thi vào đại học cũng niệm, bà ngoại đi đòi nợ cũng niệm, cô Tâm bạn thân của mẹ bị té cũng niệm, dì Tư bán xôi trong xóm cũng niệm mỗi khi bán ế, ba tôi đi buôn cũng niệm Phật... Trong ký ức tuổi thơ của mình, tôi luôn coi Nam-mô Quán Thế Âm là một câu thần chú kỳ diệu, đầy quyền năng có thể hóa dữ thành lành, giúp mọi người đạt được ước nguyện.

Một lần ông ngoại tôi, lúc đó cũng hơn 60 tuổi, bị té từ trên cao, chân bị bong gân phải nằm một chỗ. Tôi ôm chân ngoại thủ thỉ:

- Ông ngoại có đau lắm không?

- Đau chứ, con bóp chân cho ông đi.

- Cháu sẽ dạy ông ngoại một câu thần chú, đọc xong ông sẽ hết đau liền.

- Cháu của ông giỏi quá, câu gì mà hay vậy?

- Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát.

- Ai dạy cháu thế?

- Dạ, mẹ cháu dạy.

- Ông cám ơn cháu, ông cũng có một câu khác dạy cháu nữa.

- Vậy hả ông, cháu thích lắm!

- Nam-mô A-di-đà Phật.

- Câu này có hay hơn câu trước không hả ông?

- Hay như nhau, nhưng nếu thuộc cả hai thì cháu sẽ mau khỏi bệnh hơn, học giỏi hơn.

- Mẹ cháu có biết câu này không hả ông?

- Chỉ có hai ông cháu mình biết thôi, mình ngoéo tay giữ bí mật nhé!

- Ông có nhiều phép thuật như thế chắc chân của ông sẽ mau lành thôi, phải không ông?

Tôi lớn lên và cứ niệm những câu thần chú của mình như thế những lúc bệnh tật, sắp thi cử, bị bạn nghỉ chơi, sắp bị mẹ cho ăn đòn... Cho đến một ngày, khi tôi bắt đầu học và biết chút ít về triết học Phật giáo. Tôi biết Thái tử Tất-đạt-đa là ai, Bồ-tát Quán Thế Âm hóa thân và bình nước cam lồ là gì, biết Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Ngũ uẩn... Tôi nhận thức được đó là một trường phái triết học qua những quyển sách dày ngồn ngộn chữ.

Từ đó, tôi trở nên thờ ơ với những câu niệm Nam-mô ngày xưa mẹ và ông đã dạy. Tôi cho rằng thành bại trong đời là do mình chứ chẳng nhờ một khả năng siêu nhiên nào khác. Tôi thấy mình vững tin với những tri thức khoa học hiện đại mà mình hấp thụ được. Tôi cũng ít thấy mẹ niệm Phật. Ông ngoại thì đã đi xa cõi tạm này (tôi cũng phát hiện từ lâu rằng câu niệm Phật không phải là một bí mật của riêng ông cháu tôi, bí mật chỉ là một trò chơi kỳ diệu mà ông dành cho tôi).

Thỉnh thoảng, tôi cũng niệm Phật trong những lúc rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm, đi trong đêm tối không đèn, đường vắng không một bóng người, sắp xảy ra một sự cố tồi tệ... Lúc ấy, tôi niệm Phật một cách vô thức như một sự bám víu vào ai điều gì đó không thể giải thích được. Thoát ra khỏi những sự cố ấy rồi lại thôi.

Đời tôi cứ bình thường trôi đi, tôi có công ăn việc làm ổn định, tôi lập gia đình, đón nhận một cuộc sống đủ đầy tương đối vê vật chất. Cho đến khi tôi gặp trục trặc về đường con cái, rơi vào hoang mang lo sợ, tôi mới giật mình. Một sự giật mình tự trong sâu thẳm. Con cái nào phải chỉ có tinh cha huyết mẹ. Tôi bắt đầu bắt chước tôi của mấy chục năm về trước. Tôi niệm Nam-mô A-di-đà, Nam-mô Quán Thế Âm vào mỗi khi đến gặp bác sĩ.

Khi tôi mới hoài thai, những tuần mà em bé của tôi đang còn bơi trong đại dương mênh mông, chưa xác định là có về với mẹ hay không, tôi cứ niệm Phật không ngừng. Lúc ấy tôi quên hết những triết lý đạo Phật mà tôi đọc được. Khi em bé của tôi được cái máy siêu âm cho biết đã có tim thai, có sự sống, tôi đã khóc trong nụ cười. Và tôi niệm Phật. Rồi tôi chắc mẩm lao vào công việc quên cả sức khỏe cho đến khi em bé của tôi bắt đầu gặp sự cố. Tôi nhập viện trong nỗi lo sợ vô bờ bến. Tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài việc niệm Phật.

Nằm bên cạnh tôi là một chị, tuổi cũng đã cao mà mới có con lần đầu. Thai nhi của chị có vấn đề. Trong lúc nằm chờ bác sĩ có quyết định chính xác, chị cứ nhìn lên trần nhà với ánh mắt vô hồn. Khi bác sĩ bảo, thai của chị ổn lắm, chị hét lên “Mô Phật!” rồi rưng rưng nước mắt. Tôi quay sang hỏi chị: “Chị có theo đạo Phật phải không?”. Chị cười: “Ừ, chị cũng không biết là có theo hay không, vì chị không hiểu gì nhiều về Phật pháp. Nhưng chị hay niệm Phật lắm, mỗi khi có chuyện gì cứ niệm Phật hồn nhiên như thế, chứ biết bấu víu vào đâu bây giờ hả em...”.

Tôi thấy thương hai chữ hồn nhiên của chị quá đỗi. Nó làm tôi nhớ lại cái thuở mà tôi lên bốn nằm bệnh viện, cứ ngây ngô niệm Phật nào hiểu điều gì. Câu nói của chị làm tôi nhớ lời ai đó rằng, một cụ già không hiểu gì về giáo lý Phật pháp, nhưng suốt ngày tụng kinh niệm Phật sống hiền lành thì sẽ về cõi Tịnh độ dễ dàng hơn những người tri thức triết lý Phật pháp mà chưa từng niệm Phật. Bởi việc hành trì tụng niệm ấy lặp đi lặp lại mỗi ngày sẽ làm cho tâm ô nhiễm của mình trở về với Phật tánh. Tôi không biết câu nói này có đúng hay không, nhưng tôi thích ý nghĩa mộc mạc của nó.

Mẹ biết tôi vất vả đường con cái, cứ buồn buồn. Tôi hỏi, sao hồi này con ít thấy mẹ niệm Phật như ngày xưa? Mẹ cười bảo, mẹ vẫn cứ niệm Phật từ khi con sinh ra cho đến bây giờ, và mãi mãi về sau không bao giờ dứt. Vì mẹ ít học, nghèo khó, tầm thường, không có gì hơn cho con ngoài những điều thiêng liêng ấy. Chỉ có điều ngày xưa mẹ niệm Phật bằng miệng, bây giờ mẹ niệm trong tâm con ơi!

Rồi tôi sinh em bé trong tiếng niệm Nam-mô A-di-đà Phật, Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát của mình. Tôi hiểu sâu hơn những điều mẹ nói. Em bé của tôi có một nụ cười vô ưu đẹp mê hồn, mà khi nhìn vào đó, tôi chỉ thấy một tôi trong trẻo, một tôi đầy tình thương, một tôi đầy trách nhiệm, một tôi quá đỗi yêu đời...

Mới hôm qua đây, tôi đem về cho con một bức ảnh Phật Thích Ca nhỏ xíu. Bé cầm trên tay và bỗng dưng hôn lên bức ảnh, hôn xong bé cười e thẹn ôm lấy cổ mẹ. Tôi sững sờ vài giây và thấy lòng mình rộn ràng không thể tả. Rồi tôi tự nhủ, khi em bé biết nói, mình sẽ dạy con niệm Nam-mô A-di-đà Phật, Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát. Như ngày xưa mẹ và ông ngoại từng dạy cho tôi, từ cái thuở hồn nhiên.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày