Đau bàn tay do nghiện điện thoại thông minh

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Chính những tiện ích của điện thoại thông minh khiến chúng ta dễ bị nghiện hơn và kéo theo các vấn đề sức khỏe. Thực hành chánh niệm khi sử dụng điện thoại thông minh là cách giúp chúng ta hạn chế bớt các tác động này.

Điện thoại thông minh ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Thậm chí, nó có thể trở thành thứ “gây nghiện”. Bằng chứng là chúng ta dùng điện thoại cả khi học tập, giải trí, lái xe, hay thậm chí trước khi đi ngủ. Nghiện điện thoại thông minh ảnh hưởng đến sức khỏe là vấn đề mới được các nhà y học quan tâm trong những năm gần đây. Bài viết này sẽ làm rõ hiện tượng đau bàn tay do nghiện sử dụng điện thoại thông minh.

Điện thoại thông minh gây nghiện

Điện thoại thông minh cung cấp một loạt các ứng dụng di động để liên lạc, giáo dục, giải trí… Nó đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống hàng ngày và là thiết bị công nghệ được nhiều người yêu thích trên toàn thế giới. Một nghiên cứu gần đây cho thấy 79% dân số độ tuổi 18-44 luôn mang theo điện thoại thông minh. Trừ lúc đi ngủ, họ chỉ dành 2 giờ trong ngày không dùng điện thoại thông minh.

Các thiết bị điện thoại thông minh đã phát triển nhanh chóng cả về chức năng và sự phổ biến trong hai thập kỷ qua. Nó kết hợp các tính năng của điện thoại di động thông thường với các chức năng kỹ thuật số khác bao gồm: trình duyệt internet, truy cập email, đồng bộ hóa máy tính để bàn, nhận dạng giọng nói, chụp ảnh chất lượng cao, màn hình cảm ứng, cảm biến chuyển động, các ứng dụng giải trí. Điều này giúp thỏa mãn đa dạng nhu cầu của con người, dẫn đến việc sử dụng thường xuyên và “nghiện” điện thoại thông minh. Ước tính số người dùng điện thoại thông minh trên thế giới là 3,5 tỷ người vào cuối năm 2019 và dự kiến sẽ đạt 3,8 tỷ người vào năm 2022.

Những người trẻ tuổi có khả năng bị nghiện điện thoại nhiều hơn những người lớn tuổi. Thanh thiếu niên có nguy cơ nghiện điện thoại thông minh cao hơn vì họ dễ tiếp nhận công nghệ mới và có nhiều nhu cầu xã hội hơn.

Một nghiên cứu công bố tỷ lệ nghiện điện thoại thông minh lên đến 40% dân số khảo sát. Người dùng điện thoại thông minh thường có sự lo lắng bỏ lỡ các cuộc trò chuyện. Hơn 60% người dùng thừa nhận ở một mức độ nhất định họ liên tục kiểm tra điện thoại để không bỏ lỡ các cuộc trò chuyện. 1/3 số người dùng điện thoại thông minh có tình trạng đau cơ xương khớp. Tất cả những con số này cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa việc nghiện điện thoại thông minh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đau bàn tay do điện thoại thông minh

Khi dùng điện thoại thông minh, bàn tay thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: giữ điện thoại trong tay và bấm các chức năng trên màn hình. Tư thế cầm điện thoại trong thời gian dài hoặc các chuyển động lặp đi lặp lại dẫn đến các rối loạn hệ cơ xương khớp mà trực tiếp nhất là bàn tay và ngón tay.

Các thao tác trên điện thoại tuy có biên độ cử động thấp nhưng lặp lại nhiều lần gây ra hiện tượng tê mỏi, đau nhức ở bàn tay, cẳng tay, cánh tay và vùng cổ gáy. Các ngón tay cử động liên tục, đặc biệt là ngón cái dẫn đến chứng viêm gân hoặc hội chứng đau cơ ở bàn tay. Một nghiên cứu cho thấy tất cả những người sử dụng thiết bị cầm tay đều bị đau ở ngón tay cái, cẳng tay, kèm theo bỏng rát, tê và dị cảm với các mức độ khác nhau.

Khi cầm điện thoại, khớp cổ tay thường bị uốn cong làm tăng áp lực quá mức lên dây thần kinh giữa gây tê ngón tay. Việc ngón tay bấm màn hình liên tục có thể gây ra tình trạng đau nhức do viêm bao gân và bệnh ngón tay lò xo.

Điện thoại truyền thống thường nhỏ gọn nằm trong lòng bàn tay và dễ cầm nắm. Ngược lại, điện thoại thông minh có kích thước thiết kế càng to thì càng gây đau bàn tay nhiều hơn. Khi cầm điện thoại, các ngón phải dang rộng dễ gây mỏi cơ, đau khớp ngón tay và giảm sức cầm nắm ở bàn tay. Lực cầm nắm bị yếu dẫn đến suy giảm khả năng lao động, nhất là các công việc đòi hỏi sử dụng bàn tay nhiều. Điều này có thể được giải thích do hiện tượng mỏi cơ và tổn thương dây thần kinh điều khiển các cơ gấp ở cổ tay, bàn tay.

Làm sao để cải thiện triệu chứng?

Những người sử dụng điện thoại thông minh thường xuyên sẽ bị giảm hiệu suất ngón tay, nhất là khi thao tác với nút bấm nhỏ. Khi cần soạn thảo văn bản bạn nên xoay ngang màn hình để tăng kích thước nút bấm. Điện thoại thông minh đang được sử dụng thường xuyên hơn máy tính hàng ngày. Nên điều quan trọng là hạn chế tối đa soạn thảo văn bản trên điện thoại và nên dùng máy tính.

Trên thực tế, chúng ta thường tự điều chỉnh tư thế bàn tay và ngón tay cái một cách tự nhiên để phù hợp với bố cục điện thoại. Bạn nên cài đặt các ứng dụng thường sử dụng ở gần phía màn hình ngón tay thao tác. Giữ nguyên một tư thế hay dùng một ngón tay liên tục có thể tác động xấu đến mô cơ, thần kinh ở bàn tay. Nên thường xuyên thay đổi tư thế và ngón tay bấm trên điện thoại, ưu tiên các tư thế trung tính ở cổ tay, ngón tay, tránh để gập hay căng quá mức.

Dùng điện thoại thông minh bằng một tay có thể gây ra triệu chứng cơ xương khớp ở vùng vai - cánh tay - bàn tay hơn là sử dụng hai tay để điều khiển. Điều khiển điện thoại bằng hai tay giúp tách chức năng cầm giữ và chức năng bấm tác vụ trên điện thoại thông minh ra riêng biệt, sẽ cải thiện hiệu suất và thay đổi chuyển động bàn tay. Nhắn tin bằng một tay khiến cơ cẳng tay hoạt động nhiều hơn đáng kể so với nhắn tin bằng hai tay. Dùng điện thoại ở tư thế nằm có thể giúp đỡ đau vùng vai gáy nhưng lại nhanh mỏi vùng cẳng bàn tay nhiều hơn.

Dùng điện thoại thông minh trên 5 giờ mỗi ngày sẽ gây đau bàn tay nhiều hơn. Hiện nay kiểm soát thời lượng dùng điện thoại được hỗ trợ bởi tính năng thống kê trên điện thoại. Việc dùng điện thoại có kiểm soát, kết hợp với các bài tập vùng cổ tay, co duỗi ngón tay có thể giúp bạn giảm bớt nguy cơ bị đau bàn tay.

Tóm lại, điện thoại thông minh đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Màn hình cảm ứng đã trở thành phương thức tương tác do khả năng kết hợp đầu vào và đầu ra trên một giao diện duy nhất. Để thực hiện tác vụ đó, bàn tay là nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp. Chính những tiện ích của điện thoại thông minh khiến chúng ta dễ bị nghiện hơn và kéo theo các vấn đề sức khỏe. Trầm cảm, lo lắng, ngủ kém, giảm khả năng tập trung, cảm giác kiệt sức và đau nhức cơ xương khớp đều có liên quan đến chứng nghiện điện thoại thông minh. Thực hành chánh niệm khi sử dụng điện thoại thông minh là cách giúp chúng ta hạn chế bớt các tác động này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày