GS. TRẦN TUẤN MẪN,
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo
Tôi biết báo Giác Ngộ từ khi tờ báo ra số đầu tiên cách đây 35 năm. Từ đó, tôi trở thành bạn đọc của báo. Những năm gần đây, tôi đọc báo Giác Ngộ "kỹ" hơn và học hỏi rất nhiều điều trong cách làm báo Phật giáo. Có thể nói, từ khi ra đời cho đến nay, báo Giác Ngộ là kênh thông tin "một mình một chiếu" trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động Phật giáo Việt Nam. Với chức năng là cơ quan ngôn luận của Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, báo Giác Ngộ đã thực sự trở thành tờ báo của giới Phật giáo thành phố cũng như trên cả nước. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy giá trị truyền thống đó cũng như phát triển trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi báo Giác Ngộ phải đối mặt với những thách thức mới trong việc phát triển thị trường của mình.
Với tư cách là một độc giả có nhiều năm gắn bó với báo Giác Ngộ, tôi xin mạn phép được nói lên những suy nghĩ của mình cũng không ngoài ước mong tờ báo Giác Ngộ hay hơn, gần gũi hơn với bạn đọc. So với các tờ báo Phật giáo khác, báo Giác Ngộ có thế mạnh rất lớn về thượng tầng cũng như cơ sở vật chất, do đó Báo Giác Ngộ cần đầu tư nhằm nâng cấp công việc trình bày báo. Phải đầu tư hơn nữa để cải thiện cách trình bày để hình thức tờ báo đẹp hơn, bắt mắt hơn. Các trang quảng cáo đăng trên báo cũng phải có một tiêu chí nhất định về thẩm mỹ. Nếu chúng ta chạy theo thị hiếu của người đăng quảng cáo mà làm mất đi tính thẩm mỹ của tờ báo thì nên hạn chế. Về nội dung, cần thận trọng khi đưa những thông tin mang tính cá thể. Thí dụ, tôi thường đọc trên báo Giác Ngộ đăng tin về chùa này, chùa kia tổ chức lễ đặt đá, an vị Phật… rất hoành tráng! Mặt khác, một bản tin mà nội dung phần "phụ" lại lấn nhiều hơn phần "chính" thì đánh mất đi bản chất của thông tin. Thí dụ, tin dự lễ trai đàn, giới đàn, tưởng niệm… lại nêu danh tánh và chức vụ của những vị tham dự lễ nhiều hơn là đề cập đến nội dung của buổi lễ.
Có câu nói, Cách nhìn tạo ra cái nhìn. Cái nhìn tạo ra sự lựa chọn. Sự lựa chọn tạo ra số phận. Số phận thay đổi khi cách nhìn thay đổi. Tôi hy vọng báo Giác Ngộ luôn là tờ báo tiên phong trong tất cả các tờ báo Phật giáo hiện nay. Nhân dịp Báo Giác Ngộ kỷ niệm 35 năm ngày ra số báo đầu tiên, chúc quý vị trong Ban Biên tập cùng toàn thể phóng viên, công nhân viên của quý báo lời cầu chúc sức khỏe và thành công.
Họa sĩ PHẠM ĐỖ ĐỒNG,
Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh
Tôi đọc báo Giác Ngộ cũng trong một dịp tình cờ. Đó là dịp cùng với các anh em họa sĩ tham gia trại sáng tác Mỹ thuật ở Khánh Hòa, vào năm 1992. Khi ấy, chúng tôi làm việc gần một ngôi chùa ở Nha Trang. Vào một buổi trưa, khi chúng tôi đến viếng chùa, được một vị thầy tặng cho 1 tờ báo Giác Ngộ. Trên trang bìa của tờ báo có in hình Đức Bồ tát Quán Thế Âm vẽ theo phong cách thủy mặc. Vì tính tò mò nên tôi lật từ trang báo để xem nội dung bên trong. Và dĩ nhiên tôi giữ tờ báo ấy cho đến ngày về lại thành phố. Kể từ đó, tôi trở thành độc giả thường xuyên của báo Giác Ngộ.
Sở dĩ, tôi muốn trong gia đình mình có tờ báo Giác Ngộ vì nội dung của báo luôn nhẹ nhàng, chuyên chở những thông tin bổ ích về đạo và đời. Tôi thường khuyên các con của tôi nên dành chút thời gian để đọc báo Giác Ngộ vì trong một tờ báo đều có những bài viết có thể giúp chúng tôi cân bằng được tinh thần trước làn sóng đa văn hóa và đầy cám dỗ của xã hội ngày nay.
Về chuyên môn, tôi không phải là người làm báo nên không có ý kiến gì về nội dung của tờ báo. Tuy nhiên, để tờ báo có phần hấp dẫn hơn về hình thức trình bày, tôi xin có vài thiển ý sau. Thứ nhất, đối với hình ảnh trên báo cần có sự đặt để một cách hài hòa về bố cục. Nên sử dụng những hình ảnh có tính "động" hơn là "tĩnh". Thí dụ ở mục Thời sự, hầu hết những tấm ảnh minh họa cho tin, bài đều mang tính "tĩnh". Tôi thường xem tin ở các tờ báo khác, họ sử dụng hình ảnh rất khéo, điều này phần nào nói lên sự sinh động của tin, bài mà báo đăng tải. Thứ hai là vấn đề sử dụng cách đặt title của tin và bài viết. Những số báo gần đây, tôi nhận thấy việc title cho tin, bài có phần hấp dẫn hơn. Nhất là cách sử dụng font và bố cục chữ cho title. Trong thời đại công nghệ như hiện nay, các nhà trình bày báo luôn cập nhật những font chữ mới, có tính mỹ thuật cao. Báo Giác Ngộ cũng nên chú ý về vấn đề này hơn nữa.
Anh NGUYỄN THANH CHƯƠNG,
Chuyên viên Đô thị & Môi trường UBND TP.Hồ Chí Minh
Tôi trở thành độc giả của báo Giác Ngộ từ thời còn là sinh viên, cách đây gần 20 năm. Và, tôi cũng có khoảng thời gian tham gia viết bài cho báo Giác Ngộ. Thuở ấy, tờ báo còn phát hành nội bộ, số lượng phát hành cũng tương đối, song nó là xuất phát điểm để chính thức hòa mình vào làn sóng của làng báo chí Việt Nam. Xét về mức độ nào đó, ngày nay báo Giác Ngộ có sự thay đổi nhiều về nội dung lẫn hình thức. Tuy nhiên, vẫn còn mang âm hưởng của một tờ báo "nội bộ" chứ chưa thực sự "thoát". Cách đây hơn 15 năm, cầm tờ tuần báo Giác Ngộ với 32 trang và 4 bìa màu, đến nay vẫn với số trang như vậy! Theo tôi được biết, Ban Biên tập đã nhiều lần lên kế hoạch tăng trang cho tờ báo, lấy ý kiến thăm dò từ bạn đọc. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần tham dự những cuộc giao lưu với độc giả do báo tổ chức về việc tăng trang, tăng kỳ báo Giác Ngộ. Thế nhưng cho đến nay, tôi cũng như những độc giả khác không biết khi nào Giác Ngộ tăng trang, tăng kỳ? Để được cầm tờ báo "nặng" hơn, thông tin nhiều hơn… Nếu nói tăng trang báo đồng nghĩa với việc tăng giá báo, sẽ làm ảnh hưởng đến độc giả thì đây không hẳn là vấn đề quan trọng. Mỗi độc giả có thể bỏ thêm tiền để mua một tờ báo Phật giáo có nhiều mục để xem, nội dung phong phú và nhất là thấy được tờ báo đang phát triển! Chúng ta không thể dùng con thuyền với kích thước nhỏ để chuyên chở sản phẩm nội dung lớn.
Về nội dung của báo Giác Ngộ, thời gian gần đây cũng có những thay đổi đáng kể. Những thông tin nóng, các vấn đề mang tính thời sự được đề cập trên báo rất kịp thời. Tuy nhiên, đối tượng độc giả của báo Giác Ngộ đa phần là chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử. Theo thiển ý của tôi, Giác Ngộ nên có thêm một chuyên mục phản ảnh về những câu chuyện đời thường của các vị danh tăng Việt Nam nhằm làm nền tảng giáo dục cho thế hệ hôm nay. Tôi đã từng chứng kiến và nghe nhiều vị tôn túc kể về những câu chuyện hết sức đời thường của Ôn Thiện Siêu, qua đó mới thấy được đời sống phạm hạnh cao quý của các Ngài. Nếu mang những mẩu chuyện ấy chia sẻ qua kênh thông tin báo chí thì tính giáo dục rất có hiệu quả và chắc chắn sẽ có nhiều độc giả đón nhận những bài viết như thế.
Chị HUỲNH LONG NGỌC DIỆP,
Giám đốc Công ty Cổ phần Ngọc Việt
Tôi có duyên đọc báo Giác Ngộ từ thời còn là học sinh. Cứ vào dịp cuối tuần tôi lại tìm cho được tờ báo mới để xem và tôi luôn giữ lại cho dù đã xem hết những mục cần xem trong tờ báo. Ngày xưa là vậy, ngày nay có lẽ tôi gắn bó với Giác Ngộ nhiều hơn. Không những chỉ đón đọc mỗi số báo mà tôi thường nâng niu, ngẫm nghĩ về tiềm năng phát triển của tờ báo. Theo tôi được biết, hiện nay trên mặt bằng báo chí cả nước xuất hiện hơn một ngàn ấn phẩm báo chí khác nhau. Thế nhưng, nếu nói về báo Phật giáo thì báo Giác Ngộ là một tờ báo Phật giáo có sức ảnh hưởng và lan tỏa mạnh mẽ nhất so với các tờ báo Phật giáo khác. Ngày nay Báo Giác Ngộ không những là một ấn phẩm truyền thông dành riêng cho chư tôn đức Tăng Ni, quý vị Phật tử trong và ngoài nước nữa, mà dành cho rộng rãi tất cả mọi độc giả gần xa bởi sức thu hút của nó khá mạnh.
Tôi hy vọng trong tương lai ,hệ thống phát hành báo Giác Ngộ sẽ thiết lập được nhiều tuyến phân phối hơn nữa để ai ai cũng có thể tìm thấy tờ báo Giác Ngộ dễ dàng trên các sạp báo bên ngoài trên toàn quốc.
. Báo Giác Ngộ & nhân duyên … Cách đây chừng mười năm, trong cả "rừng" sách báo, tạp chí xanh đỏ bày trên các sạp báo, tôi chú ý đến tờ "Giác Ngộ" như nép mình trước sự chen lấn của thị trường. Tôi cầm lên thử xem và bị cuốn hút ngay từ đầu bởi giữa chốn ồn ào lại có những bài viết về cái Tâm, cái Thanh tịnh, cái Bản ngã… thật sâu sắc. Thế là tôi gặp nhân duyên với tờ "Giác Ngộ" ! Đọc "Giác Ngộ", nhiều khi mình như sực tỉnh cơn mê. Đọc "Giác Ngộ", mình cảm thấy như được dựa vào cõi tâm linh vững chắc. Báo "Giác Ngộ" đã mang đến cho bạn đọc như tôi những nhận biết, những sẻ chia bao vấn đề về cuộc sống. Đọc "Giác Ngộ", nhiều khi tôi thấy hồn mình thanh thản. Những ngày học cao học tại Đại học Cần Thơ (2006-2009), tôi là người cao tuổi nhất lớp (50 tuổi còn đi học!). Sau những giờ học Anh văn, học Triết học vô cùng căng thẳn- tôi tìm đến báo "Giác Ngộ" để cân bằng trạng thái học tập! Muốn theo học có kết quả tốt thì cái Tâm phải sáng, cái Chí phải bền - đó là những lời khuyên chân tình từ những trang "Giác Ngộ". Nếu có thể, "Giác Ngộ" nên tăng trang để chuyển tải được nhiều hơn kiến thức mọi mặt cho bạn đọc. Mặt khác, có thể thêm mục "Tản văn" - phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Bởi "Tản văn" dễ đi vào lòng người đọc bởi được viết từ cảm xúc, từ lòng mình. Tin rằng "Giác Ngộ" mãi mãi là người bạn chân tình của mỗi nhà, mỗi bạn đọc gần xa ! ThS.LÊ ĐỨC ĐỒNG (THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai - Sóc Trăng) |