Đem yêu thương đến đồng bào dân tộc

Một thời khóa tu học của đồng bào dân tộc tại chùa Hoa Nghiêm
Một thời khóa tu học của đồng bào dân tộc tại chùa Hoa Nghiêm
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Để sống, đồng hành, hoằng pháp cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số là điều không phải người tu sĩ nào cũng thực hiện được. Hơn mười năm qua, Đại đức Thích Minh Đăng đã vận dụng đắc lực cách thức “đưa đạo vào đời”, đem lại lợi lạc cho đồng bào nơi đây thông qua những thời pháp thoại.

Ngày 29-10-2024, tại điểm trường Mẫu giáo Hoa Sim, thôn 7, xã CưKróa, H.M’ĐRăk, tỉnh Đắk Lắk, cô trò nơi xa xôi này đã có thêm niềm vui khi đón nhận một lớp học mới với diện tích gần 60m2 , 61 chiếc giường, bánh, sữa với tổng kinh phí 170 triệu đồng do Đại đức Thích Minh Đăng, trụ trì chùa Hoa Nghiêm, Trưởng ban Trị sự GHPGVN H.Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cùng quý nhà hảo tâm gần xa kết nối.

Tiếp nối hành trình nâng bước đến trường

Cũng trong chiều ngày 29-10-2024, lễ khởi công xây dựng lớp học tình thương hơn 200 triệu đồng tặng các cháu Trường Mầm non Tuổi Hồng (thôn 7, xã Cư Prông, H.Ea Kar) được tiến hành khởi công.

Phát biểu tại lễ khởi công, Đại đức Thích Minh Đăng chia sẻ ngắn gọn niềm mong mỏi duy nhất: “Chúc công trình sớm đi vào sử dụng như đã dự kiến để các cháu có được một không gian học tập khang trang, mát mẻ và an toàn hơn”. Bấy nhiêu cũng đủ để mọi người, nhất là mạnh thường quân gần xa góp gạch xây trường hình dung được, lớp học này đã xuống cấp như thế nào và lý do vì sao cần phải được xây mới.

Đó cũng chính là lý do vì sao, trong suốt 8 năm qua, những dự án dành cho giáo dục học đường “Tiếp bước em đến trường” do Đại đức Thích Minh Đăng thực hiện luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng và trở thành cầu nối đem về nhiều suất học bổng cho học sinh đồng bào dân tộc tại tỉnh nhà.

Niềm hạnh phúc của thầy trò Trường Mẫu giáo Hoa Sim trong ngày khánh thành lớp học mới
Niềm hạnh phúc của thầy trò Trường Mẫu giáo Hoa Sim trong ngày khánh thành lớp học mới

Trong năm học 2024-2025, có 205 em học sinh (tại các xã Cư M’Gar, xã Ea Mdroh, xã Cuôr Đăng, xã Ea Hđing, xã Quảng Hiệp, xã Ea Kuêh, xã Ea Mnang, xã Ea Tul, xã Ea Kiết, xã Ea Drơng, xã Cư Suê, xã Cư Dliê Mnông, xã Ea Kpam, xã Quảng Tiến, thị trấn Quảng Phú, thị trấn Ea Pốk) được nhận học bổng mỗi năm 3 triệu đồng/em.

Từng suất học bổng “nuôi em” này được vận động từ Phật tử, từ cửa hàng buôn bán nhỏ đến các doanh nghiệp, các cán bộ công chức về hưu chung tay. Học bổng không chỉ là tấm lòng, là tình thương, là sự tiếp sức nâng đỡ thầy cô giáo bám trường và giúp các em học sinh có thêm nhiều năng lượng mới, đầy niềm tin, hy vọng ở chặng đường phía trước.

Hành động thực tiễn đưa đạo vào đời

Để sống, đồng hành, hoằng pháp cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số là điều không phải người tu sĩ nào cũng thực hiện được. Hơn mười năm qua, Đại đức Thích Minh Đăng đã vận dụng đắc lực cách thức “đưa đạo vào đời”, đem lại lợi lạc cho đồng bào nơi đây thông qua những thời pháp thoại.

Những buổi sinh hoạt chia sẻ Phật pháp của nhà chùa về những lời dạy của Đức Phật tùy vào từng đối tượng, giới tính, lứa tuổi và từng hoàn cảnh cụ thể; để mọi Phật tử hiểu, ứng dụng thiết thực vào trong cuộc sống nhằm đem lại an lạc, hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Ngôi chùa nhỏ Hoa Nghiêm,H.Cư M’gar trong ngày diễn ra khóa tu hàng tháng luôn đông đồng bào về tu học cũng vì “sức hút” trên.

“Chẳng hạn như các vấn đề trong cuộc sống mà mọi người đang đối mặt và cách lý giải nó dưới góc nhìn của Phật giáo như an ninh trật tự, tình yêu và hôn nhân, Phật giáo và cách giáo dục con cái trong thời đại bùng nổ của internet…Trong những dịp chào mừng đại lễ, hoặc khóa tu định kỳ mỗi tháng, chúng tôi cũng đã mời lãnh đạo chính quyền, trí thức có chuyên môn về thăm chùa và nói chuyện thời sự để Phật tử có cách nhìn cụ thể hơn”, Thầy Minh Đăng cho biết.

Đại đức Thích Minh Đăng động viên học sinh nỗ lực học tốt

Đại đức Thích Minh Đăng động viên học sinh nỗ lực học tốt

Theo Đại đức Thích Minh Đăng, hành động thực tiễn sau những bài pháp thoại, nhà chùa đã đề ra một chương trình hoạt động xã hội rộng rãi hướng đến những đối tượng cần được quan tâm, giúp đỡ và phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi, Hội chất độc da cam… trên địa phương để triển khai những chương trình từ thiện - xã hội và cũng xem đây là hoạt động Phật sự trọng tâm của Giáo hội.

Cụ thể, hàng năm, Đại đức Thích Minh Đăng đã kêu gọi và trao tặng hàng chục căn nhà tình thương, hàng chục ngàn phần quà nhu yếu phẩm cho đồng bào nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài những ngày lễ lớn, hàng tháng vào các ngày mùng một, ngày rằm, Phật tử dân tộc ít người trú ở các buôn làng xa xôi đều được tạo điều kiện về tại chùa để cùng tu tập, sinh hoạt, giao lưu tiếp cận gần hơn ánh sáng văn minh, từ bỏ những tập tục lạc hậu, thể hiện tinh thần yêu thương, đoàn kết và bình đẳng trong đại chúng.

Trao bảng tượng trưng hỗ trợ xây dựng nhà tình thương
Trao bảng tượng trưng hỗ trợ xây dựng nhà tình thương

Các chương trình trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, trao tặng dụng cụ học tập, sách vở vào dịp đầu năm và tổng kết năm học, áo khoác, đồng phục, xe đạp…, cũng được thường xuyên tổ chức. Điều này đã giúp cho các em học sinh vùng sâu vùng xa ăn ở, sinh hoạt tại chùa để có điều kiện đến trường tốt hơn, thuận lợi hơn.

Ngoài xây lớp học, xây trường cho các cháu mẫu giáo, Tết Trung thu nhà chùa tặng hàng ngàn phần quà và tổ chức vui trung thu cho các cháu thiếu nhi, tặng giấy khen và phần thưởng cho các em đạt danh hiệu “Con ngoan trò giỏi – Phật tử hiếu hiền”. Những phần quà được trao tặng không chỉ là sự tiếp sức, mà còn là động lực để thầy trò các điểm trường khó khăn vượt lên chính mình, chinh phục tri thức, con chữ.

Nói về Đại đức Minh Đăng, nhiều đồng bào nơi đây diễn tả trong câu chữ: “Thầy như người nhà, ma chay không tiền alo kiếm ông Thầy Hoa Nghiêm. Thầy thương chúng tôi thiệt lòng, thầy không để nhà nào cho con nghỉ học vì thiếu gạo ăn, chỉ cần cho con đi học thì tháng nào cũng được thầy cho gạo”.

Đại đức Thích Minh Đăng gần gũi với đồng bào dân tộc

Đại đức Thích Minh Đăng gần gũi với đồng bào dân tộc

Sự yêu mến đó còn được thể hiện qua những lần Đại đức Thích Minh Đăng cùng cán bộ địa phương đến thăm nhà, bà con Phật tử đồng bào ai cũng vui mừng như chào đón người thân. Từ niềm tin đó, mà những lời khuyên thầy chia sẻ, nhiều gia đình lắng nghe, thực hành, để đời sống thay đổi theo hướng tích cực. Những học sinh được thầy nâng đỡ học bổng, không kết hôn sớm và không nghỉ học giữa chừng, ngày nay đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định - đó là minh chứng cụ thể cho quá trình thầy dấn thân, đem yêu thương đến đồng bào dân tộc.

“Tu với đồng bào, tôi luôn tâm đắc và luôn nhắc mình: tu là khi ta sẵn lòng cho đi sự giúp đỡ nhỏ bé mà mình có thể. Đó đôi khi chỉ là một tin nhắn thăm hỏi hay lời động viên lúc người đang chán nản; một món tiền nhỏ nâng đỡ, có khi chỉ là ánh mắt đồng cảm, cái vỗ nhẹ vào bờ vai hoặc cái nắm tay thật ấm,... để một người có thể yên tâm hơn khi gặp sóng gió trong cuộc đời”.

Đại đức Thích Minh Đăng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm

Ban Trị sự TP.Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức tọa đàm tại chùa Bằng

GNO - Sáng 19-11, Ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm chuẩn bị cho dự án “Tổ chức điều tra, sưu tầm tài liệu nghiên cứu biên soạn bộ tổng tập Phật giáo Thăng Long - Hà Nội”, tại chùa Bằng - Linh Tiên tự (Q.Hoàng Mai).
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1276 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Thân bệnh mà tâm không khổ

GNO - Già bệnh là một sự thật của thân này, ai rồi cũng phải trải qua. Hiếm hoi mới có người già mà ít hay không bệnh. Vấn đề là, làm sao khi thân già bệnh mà tâm bớt khổ hoặc không khổ?

Thông tin hàng ngày