“Lá thư hữu duyên” của một nhà sư trẻ

Thầy Đức Quang cùng các bạn trẻ trong một buổi thảo luận với chủ đề "Tràng hạt yêu thương"
Thầy Đức Quang cùng các bạn trẻ trong một buổi thảo luận với chủ đề "Tràng hạt yêu thương"
0:00 / 0:00
0:00
GNO - “Chia sẻ tâm tư, gieo duyên lành: Hãy gửi thư về email hoặc địa chỉ của thầy nhé, mỗi lá thư là một hạt giống yêu thương”. Đại đức Thích Đức Quang, đang tu học tại chùa Thành Phước (Châu Thành, Tiền Giang) đã gửi lời mời như vậy trong dự án “Lá thư hữu duyên” mà thầy khởi xướng.

Ngay lập tức, những câu chuyện đã được gửi về, có khi là câu hỏi cần thầy san sẻ, đưa ra lời giải đáp theo tinh thần Phật dạy. Đại đức Thích Đức Quang bằng vốn học Phật pháp và thế học, với những kiến thức tiếp nhận khi theo học chuyên ngành Tâm lý tại Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, đã có những chia sẻ đi vào lòng người.

Đại đức Thích Đức Quang

Đại đức Thích Đức Quang

Nói với Giác Ngộ về nhân duyên thực hiện dự án “Lá thư hữu duyên”, thầy cho biết:

- Khoảng 2 năm trước, trong thời điểm giãn cách xã hội do dịch bệnh, tôi bắt đầu sử dụng mạng xã hội. Thông qua trang cá nhân, tôi đã có dịp chia sẻ những lời dạy của Đức Phật, những thông điệp tích cực và cả những bài học mà chính mình trải nghiệm được trong quá trình tu học. Mong ước duy nhất của tôi khi làm việc này là lan tỏa sự bình an đến với tất cả mọi người.

Khi đó, tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực cùng vô số câu hỏi. Có người hỏi về tâm lý, Phật giáo và cả những vấn đề đời sống thường ngày. Xuất phát từ những thắc mắc đó và mong muốn được gieo duyên với mọi người trong việc chia sẻ góc nhìn của mình, tôi phát sinh mong muốn thực hiện một dự án - để có thể đọc lại và giải đáp những lá thư, những câu hỏi mà mọi người đã gửi đến.

* Với dự án này, thầy sẽ tương tác ra sao với những người gửi câu chuyện của mình cho thầy?

- Trong dự án này, với vai trò là người trò chuyện, lắng nghe, tôi sẽ tương tác một cách chân thành và gần gũi nhất với mọi người, đối tượng gửi chia sẻ, câu hỏi về “Lá thư hữu duyên”.

Với mỗi lá thư, mỗi câu chuyện mà mọi người gửi đến, tôi sẽ lắng nghe và đọc kỹ lưỡng; sau đó, dựa trên những lời dạy của Đức Phật cùng với kinh nghiệm tu học của mình, tôi sẽ chia sẻ những suy nghĩ, lời khuyên hoặc “mẹo” giúp mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề của mình. Một khi hiểu rõ vấn đề, từ nhận diện sự thật đang trải, nguyên nhân của nó, đương sự sẽ biết cách hóa giải hoặc có hướng đi tích cực hơn, tự vượt qua bằng nỗ lực tự thân.

Hơn hết, mong rằng mỗi lá thư đều sẽ nhận được sự quan tâm và hồi đáp, giúp mọi người tìm thấy sự bình an, nhẹ nhàng trong tâm hồn.

Thực sự, dự án này không chỉ là nơi giải đáp thắc mắc, mà còn là nơi để tôi kết nối và lan tỏa sự yêu thương, chia sẻ giữa mình và mọi người.

* Các nội dung thầy đưa lên nền tảng mạng xã hội liên quan đến “Lá thư hữu duyên” nhận được phản hồi ra sao?

- Rất may, các nội dung đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ mọi người. Rất nhiều bạn trẻ bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ những câu chuyện cá nhân và cảm thấy được an ủi khi nhận lại những lời động viên.

Những thông điệp từ bi, trí tuệ trong mỗi lá thư không chỉ giúp mọi người tìm thấy bình an trong tâm hồn, mà còn tạo nên kết nối sâu sắc hơn giữa người chia sẻ và những ai đang tìm kiếm tỉnh thức. Đó là nguồn động lực to lớn để tôi tiếp tục lan tỏa những giá trị này, giúp mọi người vượt qua khó khăn trong cuộc sống, tìm thấy hạnh phúc và bình an từ bên trong.

* Hiện nay, người trẻ gặp khá nhiều áp lực, theo thầy việc các chùa tổ chức tu học, hoặc mở phòng tư vấn tâm lý cho họ cần thiết ra sao?

- Đúng như anh nói, giới trẻ đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ học tập, công việc đến cuộc sống cá nhân, dẫn đến sự mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí là khủng hoảng tâm lý. Việc các chùa tổ chức các khóa tu học hoặc mở phòng tư vấn tâm lý là vô cùng cần thiết. Đó không chỉ là nơi để các bạn trẻ tìm đến sự tĩnh lặng, mà còn là nơi để họ học cách quay về với chính mình, lắng nghe nội tâm và tìm lại những bài học từ Phật pháp - có thể giúp họ hiểu về vô thường, buông bỏ và biết cách đối diện với khó khăn mà không bị quá tải bởi lo lắng hay áp lực.

Phòng tham vấn có thể trở thành nơi chia sẻ, lắng nghe những tâm sự một cách nhẹ nhàng, từ đó giúp các bạn giải tỏa và tìm thấy hướng đi đúng đắn trong cuộc sống. Điều này không chỉ giúp ích cho tinh thần mà còn nuôi dưỡng lòng từ bi và tỉnh thức cho các bạn trẻ trong thời đại đầy thách thức này.

Thầy Đức Quang với những hoạt động gắn với người trẻ, từ đó hiểu họ, uyển chuyển đưa Phật pháp đến với họ như một “diệu dược” chữa lành - Ảnh: NVCC

Thầy Đức Quang với những hoạt động gắn với người trẻ, từ đó hiểu họ, uyển chuyển đưa Phật pháp đến với họ như một “diệu dược” chữa

lành - Ảnh: NVCC

* “Chữa lành” là trào lưu của người trẻ hiện đại. Thực chất, con người cần chữa lành bằng cách nào hữu hiệu, căn cơ?

- “Chữa lành” đang trở thành một trào lưu phổ biến, nhưng để thực sự chữa lành có hiệu quả, không thể chỉ dừng lại ở bề mặt, ví dụ như đi du lịch, hòa mình với thiên nhiên, hay tham gia các khóa tu ngắn hạn… Những hoạt động đó có thể mang lại cảm giác an toàn tạm thời nhưng chưa giải quyết tận gốc rễ nỗi đau.

Theo Phật giáo, chữa lành thực sự bắt đầu từ việc hiểu gốc rễ của cơn đau - đó có thể là chấp trước, tham ái và vô minh trong tâm trí. Con người cần học cách quay về bên trong, nhìn thẳng vào những nỗi đau và chấp nhận chính những thứ đang có ở bên trong, áp dụng những giáo lý mà Đức Phật đã chỉ dạy để chữa lành.

Những giáo pháp như Bát chánh đạo, Tứ diệu đế, hay Trung đạo là những phương thuốc quý giá. Bát chánh đạo giúp chúng ta rèn luyện thân, khẩu, ý một cách đúng đắn, mang lại sự an lạc lâu dài. Tứ diệu đế dạy họ về bản chất của cơn đau và cách vượt qua nó. Những giáo lý cơ bản này sẽ không quá kén chọn căn cơ, rất phù hợp với xã hội hiện tại và cho mọi người ở bất kỳ thời đại nào. Khi hiểu và áp dụng những giáo lý này vào đời sống, không chỉ hành giả chữa lành những vết thương bên trong mà còn xây dựng được một tâm hồn vững chãi và bình an trước mọi biến động của cuộc sống.

Việc thực hành không chỉ là nắm lý thuyết mà còn đòi hỏi sự chiến đấu và tỉnh thức. Khi ta nhìn vào bản chất sâu sắc của mọi công việc, chấp nhận những gì đang có và bỏ đi những điều không cần thiết, sự chữa lành thực sự sẽ bắt đầu.

* Đức Phật được xưng tôn là bậc Đại Y vương, vị có thể chữa lành mọi nỗi khổ niềm đau. Bản thân thầy sử dụng “thuốc” của Phật ra sao trong đời sống tu học, phụng sự của mình để có thể trở thành “mentor” giúp cho Phật tử an yên giữa bận rộn, xô bồ?

- Đức Phật được tôn sùng là bậc Đại Y vương - người có khả năng chữa lành mọi nỗi khổ, niềm đau trong cuộc đời. Điều này không phải vì Ngài dùng thuốc hay phép lạ, mà bởi vì Ngài truyền dạy các phương pháp để tự mỗi người thoát khỏi cơn đau, thông qua sự hiểu biết và tu tập. Bản thân tôi trong quá trình tu học cũng nhận được những lời dạy của Đức Phật như là “thuốc” để chữa bệnh.

Phật pháp là phương thuốc tuyệt diệu. Nhờ học và hành mà tôi nhìn sâu vào bản chất của cơn đau, từ đó học cách buông bỏ, chấp nhận và cố gắng tránh lặp lại lỗi lầm xưa.

Trong cuộc sống hàng ngày, tôi luôn dành thời gian thực hành thiền định và chánh niệm - giữ tâm trí tĩnh lặng giữa những chiều kích, đồng thời nhắc nhở bản thân về lý vô thường và nhân quả.

Tôi tâm niệm, khi đã được bình an bên trong, ta mới có thể lan tỏa những giá trị đến với Phật tử và mọi người xung quanh.

Trong vai trò là người hướng dẫn, tôi luôn cố gắng lắng nghe, chia sẻ và đưa ra những lời khuyên dựa trên cơ sở giáo lý của Đức Phật. Điều này không chỉ giúp mọi người tìm thấy sự an yên giữa đời sống xô bồ, mà còn để họ có thể tự tìm ra con đường giải thoát khỏi phiền não bằng cách thực hành tâm từ bi và trí tuệ trong cuộc sống chính của mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày