Lòng biết ơn - chìa khóa gọi tên hạnh phúc

Công việc hàng ngày của Lê Đức Vinh tại Thư viện Sách nói Hướng Dương (Q.1, TP.HCM).
Công việc hàng ngày của Lê Đức Vinh tại Thư viện Sách nói Hướng Dương (Q.1, TP.HCM).
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Do ảnh hưởng chất độc da cam bởi người cha từng đi bộ đội trong thời kháng chiến, ngay từ nhỏ, Lê Đức Vinh (sinh năm 1990) đã không thể nhìn thấy ánh sáng.

Gia đình khó khăn cộng với điều kiện học tập cho người mù ở Lâm Đồng còn thiếu thốn, “làm thế nào để Vinh được đi học” - đó là câu hỏi mà gia đình luôn đau đáu.

Phép màu đến từ tên gọi “Hướng Dương”

Biết đến Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) qua thông tin từ báo đài, cha mẹ đã quyết định xin cho Đức Vinh vào học tại trường. Cuộc đời của bạn mở ra trang mới từ đây.

Với người khiếm thị, điều cần thiết nhất là được hòa nhập, được tạo điều kiện để việc làm, ngày càng có nhiều chương trình truyền động lực sống. Và may mắn là tất cả những yếu tố này tôi đón nhận được từ Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, và Thư viện Sách nói Hướng Dương. Cảm ơn những tấm lòng bao dung đã nâng đỡ cuộc đời tôi, để biến tôi từ một người tự ti mặc cảm bỗng trở thành người tự tin hơn và sống lạc quan hơn giữa cuộc sống này.”

Lê Đức Vinh

“Bắt đầu vào Trường Nguyễn Đình Chiểu từ năm 1998, bỡ ngỡ, bơ vơ là cảm giác của tôi lúc đó. Vì từ đây phải tập làm quen với cuộc sống xa gia đình. Nhưng bằng tình thương của thầy cô, bè bạn, mà tôi dần làm quen với cuộc sống nhộn nhịp của Sài Gòn phố thị. Ở đây tôi được học chữ nổi, được biết thế nào là giao tiếp và được hát ca vui đùa như những người bình thường. Hóa ra cuộc đời của người mù không tối tăm như tôi nghĩ”, Vinh cho biết.

Nhưng bước ngoặt cuộc đời của Vinh thực sự bắt đầu là khi bạn được thầy Hiệu trưởng giới thiệu làm quen với một người. Một người mà theo bạn chia sẻ “mãi mãi sau này là ân nhân của tôi”, đó là chị Nguyễn Hướng Dương. Chị Hướng Dương bị khuyết tật 2 chân nhưng đã dùng giọng nói của mình để đọc sách cho người mù nghe; giúp người mù dễ dàng tiếp cận hơn với con đường tri thức. “Nhờ chị sáng lập ra thư viện sách nói dành cho người mù đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, vậy là người mù như tôi đã không còn khốn khổ nữa. Có thể nói, tăm tối qua rồi bình minh dẫn lối”, Vinh xúc động chia sẻ.

Hạnh phúc được viết từ thư viện sách nói

Tại Thư viện Sách nói Hướng Dương, Vinh được tham gia cùng chị Hướng Dương vào rất nhiều hoạt động như nghe, thực hiện sách nói; tham gia chương trình văn nghệ tại trường. Lúc nào có chương trình, chị Hướng Dương đều dành cho Vinh sự quan tâm đặc biệt, để giúp bạn quên đi nỗi mặc cảm và sự thiếu hụt tình thương khi sống xa gia đình.

Trong quá trình học tập tại trường, Vinh luôn nhận được học bổng của chị Hướng Dương. Theo Vinh, học bổng “Ánh Sen” là học bổng đã theo bạn gần như suốt chặng đường đi học, làm ngọn đèn đưa lối cho bạn chạm đến tri thức, ước mơ sống được bằng chính sức lao động của mình.

Vinh cùng kỹ thuật viên phòng thu hòa âm cho ca sĩ
Vinh cùng kỹ thuật viên phòng thu hòa âm cho ca sĩ

“Sau khi học xong chương trình trung học, nhà trường đã tạo điều kiện cho tôi đi học nghề, để tôi có thể tự nuôi sống bản thân. Nhận thấy mình có khả năng về âm nhạc, tôi đã xin nhà trường cho đi học sáng tác, nhưng nếu đi học thì phải đóng học phí, hoặc chí ít thì cũng phải có học bổng. Và thế là tôi lại tìm đến chị Hướng Dương. Một lần nữa chị lại giúp tôi có được học bổng để đi học theo đúng khả năng và yêu thích của tôi”, chặng đường vượt khó chạm đến ước mơ của Vinh luôn có hình ảnh của chị Hướng Dương.

Với những ân tình được nhận, sau khi học xong, Vinh đã viết bài hát Ánh Sen” để tặng các vị ân nhân, cũng như gửi đến chị Hướng Dương lời biết ơn sâu sắc. Bài hát sau này được vang lên mỗi khi tới học bổng “Ánh Sen” hàng năm, lòng Vinh lại rưng rưng vì “nhờ ai mà mình có được như ngày hôm nay”.

Tự tin chạm vào cuộc sống

Năm 2018, Vinh được chị Hướng Dương chính thức nhận vào làm việc tại thư viện sách nói, với công việc làm chữ nổi cho người mù, dán mác cho các đĩa CD gửi các đơn vị trường học có học sinh mù trên cả nước. Trong nhật ký của mình, Vinh từng chia sẻ: “Có nằm mơ tôi cũng không thể tin được tôi chính thức bước vào ngôi nhà thư viện sách nói. Bởi vì người bình thường tìm việc đã khó, còn bản thân khiếm thị càng khó hơn. Nên khi có việc làm thời điểm đó, tôi rất hạnh phúc, không diễn tả được bằng lời. Hạnh phúc hơn là ở mái nhà này, tôi được mọi người yêu thương và hết lòng giúp đỡ”.

Vinh trong một buổi giao lưu truyền cảm hứng đến bạn trẻ
Vinh trong một buổi giao lưu truyền cảm hứng đến bạn trẻ

Tháng lương đầu tiên, được 2,5 triệu đồng, Vinh đã dành số tiền này để chia sẻ với các thầy, cô giáo và gia đình mình. Hạnh phúc của Vinh không chỉ là tiền, mà hơn hết đem đến sự an tâm cho chính người thân, người yêu thương: “Mẹ nhận được tin con trai đi làm có lương, mẹ rất vui, vì con của mình có việc làm ổn định; còn những người thầy, cô ai cũng cảm thấy hạnh phúc cho tôi. Đó cũng chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi”.

Vinh từng trải qua sự kỳ thị, lúc đầu có buồn, nhưng lúc sau mình nghĩ thoáng hơn: mình phải sống cho cuộc đời chính mình. Những tiêu cực không giúp gì cho mình, ngược lại càng làm cho bản thân mình đau khổ hơn. Vinh muốn chia sẻ với các bạn có hoàn cảnh khiếm khuyết là: mình hãy sống thật tốt, xã hội sẽ đón nhận mình theo cách này hoặc cách khác; vì bên cạnh mình luôn có những người yêu thương mình. Việc của mình là sống tốt, đầy năng lượng và lạc quan mỗi ngày”.

Lê Đức Vinh

Tại thư viện sách nói này, Vinh luôn đón nhận được tình yêu thương. Theo thời gian, thư viện nhiều lần thay đổi hình thức hoạt động, Vinh được Ban Giám đốc sắp xếp công việc theo năng lực, để Vinh sống được với sức lao động của mình. Hết dán nhãn cho dĩa CD, Vinh được phân công làm công việc lồng nhạc vào sách nói. Theo như chia sẻ thì đây là phần “đặc sản” của thư viện, do chính người khiếm thị đảm nhiệm. Với công việc lồng nhạc vào sách nói, Vinh đã tự tin hơn rất nhiều khi thể hiện đam mê, cũng là công việc mà Vinh hằng mong ước.

Đó cũng là lý do vì sao, dù hiện nay chị Hướng Dương không còn nữa nhưng với Vinh, chị vẫn luôn tồn tại. Vinh nhiều lần nhắc đi nhắc lại câu nói, gửi trọn lòng biết ơn: “Một trong những người tôi nhớ đến đầu tiên trong hành trình mỗi ngày là chị Hướng Dương; vì có chị mới có tôi như ngày hôm nay. Mỗi lần nhớ chị thì tôi càng thấy hạnh phúc”.

Khi được hỏi “câu nói nào Vinh tâm đắc nhất”, Vinh cho biết: “Tôi thích nhất câu nói ‘Cuộc đời không lấy đi hết của ai tất cả điều gì cả’. Cho nên, mỗi ngày tôi đều nói với chính bản thân mình là cố gắng hướng về phía trước, không được gục ngã, mình phải nâng cấp bản thân mỗi ngày. Vì khi mình chuẩn bị sẵn rồi, biết đâu ngày nào đó cơ hội đến với mình, thì bản thân mình có năng lực thực hiện, biến ước mơ thành hiện thực”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Mở rộng lòng từ: Con bệnh nặng không tiền chữa trị

Mở rộng lòng từ: Con bệnh nặng không tiền chữa trị

GNO - (MRLT 1274 - 2024) Đó là hoàn cảnh của anh Đặng Sa Ri, thường trú tại 86/20 đường Võ Việt Tân, khu phố 3, P.3, TX.Cai Lậy (Tiền Giang), với cháu Đặng Hoài Ngọc Bảo Trân (sinh năm 2019) bị bệnh khối u nguyên bào sau phúc mạc giai đoạn cuối.
Những tác phẩm của TS.Nguyễn Tường Bách

Đường xa bảng lảng hương trầm

GNO - Trong số những người đã đi và đã viết về chuyện hành hương đất Phật, có lẽ chưa có tập bút ký nào có sức sống đặc biệt như Mùi hương trầm. Trong số những người Việt làm khoa học và viết văn, có lẽ cũng ít ai tạo được sức hút đối với người đọc một cách âm thầm mà bền bỉ như TS.Nguyễn Tường Bách.

Thông tin hàng ngày