GNO - Mỗi năm vào ngày 30 Tết, bác hàng xóm nhà đối diện đều mang biếu sang nhà tôi đôi bánh chưng lớn, màu xanh tươi của lá dông xanh rất đẹp làm tôi muốn mở nó ra ngay. Nhưng không bao giờ được như ý vì má tôi bảo để trên bàn thờ cúng ông bà trong ba ngày Tết rồi mới được mang xuống dùng.
Chiếc bánh chưng sẽ còn mãi màu xanh - Ảnh: H.D
Tôi luôn thắc mắc, chiếc bánh chưng vuông vức ấy được làm như thế nào mà đẹp và ngon đến vậy, hẳn bác rất khéo tay nên mỗi chiếc bánh là cả một nghệ thuật đối với tôi. Bác hàng xóm gốc người miền Bắc vào miền Đông sinh sống, khi gia đình tôi dọn đến thì gia đình bác đã ở đây nhiều năm. Hai nhà đối diện nhau nên rất thân thiết, có gì bác cũng mang sang biếu nhà tôi và ngược lại.
Tết là dịp bác trổ tài làm bánh chưng bằng lá dông, chiếc bánh được nấu bằng củi khô trong vườn, ngày 29 Tết, bác bắt đầu gói bánh, bao giờ bác cũng bày một thúng nếp to, nhưn đậu xanh, hành và thịt. Mỗi khi nấu bánh, từ bên nhà, tôi có thể ngửi thấy hương vị của bánh, mùi lá dông đã thẫm nước sôi, mùi cũi cháy và ánh lửa réo rắc sáng rực cả một góc vườn. Má tôi là người miền Trung nên không biết gói bánh chưng chỉ biết gói bánh tét, mấy năm trước bánh của hai nhà cũng biếu qua lại, mà bánh nào cũng ngon nên đã thành thông lệ.
Xuân về, khi cây mai lớn trước cổng bên nhà ấy trổ đầy bông rực rỡ mà không biết tại sao cây mai ấy chẳng năm nào biết chờ đợi đúng mùa, bông mai 6 cánh bung xòe ra hết cỡ làm người ngắm nó cũng cảm thấy nôn nao trong dạ. Bên nhà này, má tôi cũng trồng nhiều cây mai trong vườn nhưng vì không được chăm sóc tốt nên cũng chẳng có được mấy cây có bông. Chỉ có một cây mai tứ quý, dáng có nhiều cành tròn đầy, sum xuê rất đẹp. Đã mấy lần, anh tôi định chặt bỏ nó nhưng má tôi ngăn lại vì lẽ cây mai ấy là kỷ niệm của ba tôi để lại. Cây mai ấy được ba tôi trồng khi nó còn nhỏ xíu và chăm sóc nó rất chu đáo. Đã 12 năm rồi, ba tôi không còn nữa trên đời. Khi cây mai bên nhà ấy trổ bông và rụng cánh hết thì cây mai tứ quý nhà tôi mới bắt đầu nhú những bông xanh chớm vàng...
Vậy là chỉ cần ngắm hai cây mai là tôi biết chỉ còn một ngày nữa là sang năm mới. Năm mới, cây mai tứ quý nhà tôi sẽ nở hoa vàng rất đẹp, còn cây mai bên ấy thì đã lún phún lá non tơ.
Mỗi độ xuân về, khi cây mai bên ấy đã nở bông vàng rực, tôi biết ngày mai là ngày cuối năm. Tôi lại trông ngóng sang nhà hàng xóm xem bác chừng nào gói bánh chưng thì sang chơi để học, nhưng chẳng khi nào tôi học được. Chiếc bánh chưng tôi cố công gói lại có hình dáng méo mó rất kỳ dị.
Sáng nay, 28 Tết, tôi cũng dắt cháu sang học gói bánh chưng nhưng chẳng thấy bác ấy đâu. Cũng lá dông xanh, nhưn đậu, nếp… đã bày sẵn sàng chờ tôi. Duy chỉ có anh con trai với đôi tay còn vụng về bên nia lá, vì cuộc sống cực nhọc và nhiều lo toan nên lưng bác đã còng và đau nhiều không thể ngồi hàng giờ gói bánh như trước được.
Chẳng biết làm gì với nia nguyên liệu đã sẵn sàng vì mỗi mùa Tết đến, tôi lại bắt đầu học gói bánh chưng lại từ đầu, mà mỗi lần học gói bánh là mỗi lần được nghe những câu chuyện khác với một tâm thế khác…
Tôi nhớ bác với mái tóc dài thưa có chiếc kẹp làm bằng nhôm màu trắng mà những cô gái Bắc hay thường làm duyên. Đôi tay bác khéo léo và những câu chuyện kể của bác về quê hương mình đã xa mà ở đó, bất cứ cô gái nào cũng biết gói bánh chưng khéo léo.
Tết này, nhà tôi lại được biếu đôi bánh chưng xanh. Tôi chắc nó cũng sẽ rất đẹp, rất ngon. Con trai bác ấy rồi cũng sẽ là người gói bánh “đệ nhất” đối với tôi. Nhưng chỉ tiếc một điều, từ đây đôi bánh ấy không được làm từ đôi tay thân thuộc của bác hàng xóm.
Đôi bánh chưng ngày xưa ấy sẽ mãi xanh tươi như màu xanh của cây lá mùa nẩy lộc đâm chồi…