Đời sống tâm linh của người Việt ở xứ Hàn

Một buổi sinh hoạt của đạo tràng Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc dưới sự hướng dẫn của Sư cô Thích nữ Giác Lệ Hiếu - Ảnh: NVCC
Một buổi sinh hoạt của đạo tràng Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc dưới sự hướng dẫn của Sư cô Thích nữ Giác Lệ Hiếu - Ảnh: NVCC
0:00 / 0:00
0:00

GN - Trước thềm xuân mới Tân Sửu 2021, Giác Ngộ đã kết nối với Sư cô Thích nữ Giác Lệ Hiếu, một vị Ni trẻ đang hoằng pháp tại Hàn Quốc để trò chuyện về “nguồn cội” tâm linh của người Việt ở Hàn, nhất là khi họ đã và đang cùng cả thế giới sống trong diễn biến phức tạp của Covid-19...

Trở về nguồn tâm giữa thời Covid

Kính chào Sư cô, đầu tiên, xin cô cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hàn Quốc hiện nay đang diễn biến như thế nào? Người Việt ở Hàn có bị ảnh hưởng gì không?

- Covid-19 bùng phát lần đầu tại đây vào tháng 2-2020, đến nay, sau gần một năm, Hàn Quốc đang bước vào giai đoạn bùng dịch lần 3 với quy mô lan rộng cả nước, đặc biệt là khu vực thủ đô Seoul và các tỉnh phía Bắc (Gyeonggido), với số ca nhiễm từ 800 đến hơn 1.000 ca mỗi ngày. Điều này làm cho chính quyền thủ đô cùng Ban Phòng chống dịch bệnh Trung ương đã quyết định giãn cách xã hội cấp độ 2 trên toàn quốc, riêng Seoul là 2,5, cấm tụ tập hơn 5 người. Đồng thời, việc đeo khẩu trang là nghĩa vụ bắt buộc với toàn dân. Điều này dĩ nhiên gây ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến cộng đồng người Việt tại Hàn.

Nhiều người rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, hoặc lao động hết hạn visa nhưng không có chuyến bay về nước, dẫn đến khó khăn trong việc tìm chỗ ở, sinh hoạt, tìm việc làm thêm để trang trải chi phí. Các gia đình đa văn hóa có con nhỏ phải học online ở nhà thì người mẹ vất vả và bận rộn hơn trong việc đưa đón, chăm con và cùng con học. Số lao động hoạt động trong ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng… hầu như mất việc làm và hoàn toàn không có trợ cấp suốt một năm qua. Du học sinh hầu hết phải học online. Đặc biệt, hoạt động tôn giáo hoàn toàn chuyển sang chế độ online chứ không thể sinh hoạt tập trung theo phương thức truyền thống được nữa.

Tóm lại, Covid-19 gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, kể cả những khủng hoảng tâm lý do bất ổn đời sống đưa đến.

Trong khó khăn của dịch bệnh, suy thoái kinh tế, xa quê trong bối cảnh “ngăn cách” bởi Covid như cô vừa chia sẻ thì việc thực hành lời Phật dạy sẽ giúp gì cho con người? Và nên thực tập ra sao?

- “Không truy tìm quá khứ

Không lo lắng tương lai

An trú trong hiện tại

Hạnh phúc chính là đây

Không động không lung lay”.

Ngay từ khi Covid-19 bùng nổ lần đầu, tôi đã hướng dẫn bài kinh Người biết sống một mình cho Phật tử ở đây, bởi không phải ai cũng có thể hồi hương được vì dịch bệnh vẫn đang hoành hành. Tôi nghĩ hơn lúc nào hết, giáo lý nhà Phật phát huy triệt để những giá trị trong thời đại này.

Những minh triết của Đức Phật giúp chúng ta bớt khủng hoảng, bất an, biết thận trọng hơn, nhận ra giáo lý tương tức - ta và người không hai - khi mà mỗi cơn ho hay sốt của người không quen biết, không cùng quốc tịch màu da có thể ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và sức khỏe của chính mình. Từ đó, chúng ta biết yêu thương và giữ gìn cho nhau, biết tôn trọng thiên nhiên, sống thiểu dục tri túc hơn. Đây là những điều nếu trong thuận cảnh, mình rao giảng chưa chắc người ta chịu tin chịu nghe. Nhưng giờ đây, có thể ai ai cũng đã thấu rõ được giá trị của lời Phật dạy, để biết cách sống bình an, tỉnh thức.

Theo cô, đời sống tâm linh cần thiết như thế nào đối với người xa xứ tại Hàn?

- Tôi khẳng định là vô cùng cần thiết, nhất là ở xã hội Hàn Quốc vốn có tốc độ phát triển kinh tế thần tốc, đến mức những giá trị và tiêu chuẩn đạo đức có phần bị bỏ rơi lại, do đó, dẫn đến những bất ổn, chông chênh. Sự trống trải và trầm cảm, căng thẳng trong giới trẻ ngày càng trở nên nghiêm trọng. Người Việt xa quê sang Hàn hầu hết phải vất vả mưu sinh, cơm áo gạo tiền và sự thiếu thốn tình thương của gia đình, nỗi nhớ quê… làm khổ chồng thêm khổ.

Nếu biết tu tập đúng Chánh pháp, chánh niệm trong mỗi hành vi và tư duy, con người sẽ giảm thiểu được những sai sót, tai nạn lao động, những suy nghĩ tiêu cực, tệ nạn xã hội và có đời sống sức khỏe cũng như tinh thần vững chãi, lành mạnh hơn. Điều này làm nên một cộng đồng người Việt ưu tú, có thể tự tin và tự hào với người bản địa.

Đặc biệt, đối với những người đã chọn Hàn Quốc làm quê hương, thì thế hệ con cái sẽ được lớn lên trong môi trường có đủ đạo đức tình thương, đối với người hồi hương, cũng đóng góp cho quê hương được nhiều hơn.

Sư cô Thích nữ Giác Lệ Hiếu

Sư cô Thích nữ Giác Lệ Hiếu

Đời sống tâm linh Hàn - Việt

Nhân duyên nào cô sang Hàn hoằng pháp và đến nay Phật sự của cô tại Hàn Quốc có thuận lợi không? Đã từng có khó khăn nào và cách mà cô vượt qua?

- Hàn Quốc và Việt Nam là những quốc gia có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử, đặc biệt có Phật giáo là tôn giáo lớn trong suốt thời gian rất dài. Hiện nay Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia có mối quan hệ chiến lược ở các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính trị, thể thao… Tuy nhiên, Phật giáo giữa hai nước vẫn chưa có sự trao đổi, giao lưu ở tầm vóc tương xứng.

Hiện có hơn 200.000 người Việt Nam sinh sống ở Hàn Quốc, trong đó có hơn 50.000 cô dâu lấy chồng Hàn là những người đã chọn đất nước này làm quê hương, định cư và đổi quốc tịch, cho ra đời thế hệ thứ 2 tại đây. Cũng có hơn 150.000 người Hàn sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Nhu cầu sinh hoạt tâm linh, giữ gìn tôn giáo truyền thống của những người dân ở hai nước là nhu cầu rất thực.

Ngoài ra, những nhà nghiên cứu Phật học hai nước đều mong muốn có kênh giao lưu, trao đổi thông tin để có sự hiểu biết trọn vẹn và bổ sung cho nhau trong thời kỳ mới. Tuy vậy, Việt Nam hiện rất ít tu sĩ cũng như nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu về Phật giáo Hàn Quốc và ngược lại. Với hơn 17 năm có mối liên hệ với Hàn Quốc, hơn 5 năm cộng tác với Ban Văn hóa Phật giáo Hàn Quốc và mong muốn kết nối các trường Phật học Hàn - Việt với nhau, cũng như có cơ hội nghiên cứu bài bản về Phật giáo Hàn Quốc, tôi đã quyết định nhận học bổng bậc tiến sĩ chuyên ngành Phật học từ đại học Phật giáo lớn nhất Hàn Quốc là Trường Đại học Dongguk để sang Hàn học tập.

Xuất thân từ ngành Hàn Quốc học (khoa Đông phương, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM), cùng những mối quan hệ với các tông phái Phật giáo Hàn Quốc và các trường đại học ở Hàn, điều này tạo nên những thuận duyên trong việc hoằng pháp của tôi ở đây, không chỉ cho Phật tử Việt Nam xa xứ, mà còn giới thiệu được văn hóa Phật giáo Việt Nam đến với giới Phật giáo và các học giả người Hàn.

Khó khăn là chúng tôi vẫn chưa xây dựng được ngôi chùa Việt Nam tại đây, nên tất cả các khóa tu, chương trình Phật sự, thiện sự đều phải cần sự hỗ trợ rất lớn của các chùa Hàn. Vì vậy, nhiều khi chúng tôi bị động trong việc tổ chức, không thể triển khai hết những chương trình mong muốn thực hiện cho cộng đồng.

Hy vọng trong năm mới, kế hoạch xây dựng Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Seoul của chúng tôi sẽ viên thành, là nơi nương tựa tâm linh, hướng dẫn tu tập theo Chánh pháp; đồng thời là kênh giới thiệu và giao lưu văn hóa Phật giáo hai nước, phát huy trọn vẹn tinh thần “phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo”.

Người Hàn có đời sống tâm linh ra sao? Phật giáo Hàn Quốc có phát triển không thưa cô? Và nét đặc sắc của văn hóa Phật giáo Hàn Quốc là gì?

- Câu hỏi này rất khó trả lời cho trọn vẹn. Chúng ta cần nhiều buổi hội thảo cho đề tài này. Tuy nhiên, xin trả lời một vài ý ngắn ngọn. Phật giáo du nhập vào Hàn Quốc từ thế kỷ thứ III và đồng hành cùng dân tộc Hàn suốt 17 thế kỷ, luôn là tôn giáo có số lượng tín đồ lớn nhất tại Hàn. Nhưng từ 2015, dân số Phật tử và kể cả tu sĩ Phật giáo đã suy giảm nghiêm trọng, Phật giáo nhường vị trí số 1 cho Thiên Chúa giáo. Hiện chỉ có không quá 50% dân số Hàn Quốc có tín ngưỡng, trong đó Phật tử chiếm không quá 18%, chủ yếu là người lớn tuổi ở vùng nông thôn.

Đặc trưng của văn hóa Phật giáo Hàn Quốc là có màu sắc Bắc truyền rất rõ nét. Kinh điển dùng chữ Hán cổ, nghi lễ, Tăng phục… bị ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc rất nhiều. Hầu như không có Nam truyền Phật giáo (chỉ mới 5 năm trở lại đây mới bắt đầu có phong trào phát triển Nam truyền Phật giáo tại Hàn). Tu sĩ Phật giáo có sự bình đẳng giữa Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Tuy nhiên lại phân phái rất nghiêm trọng, có hơn 200 giáo phái Phật giáo ở Hàn, và mỗi giáo phái có Hòa thượng Chủ tịch riêng. Lớn nhất, có thể xem là đại diện của Phật giáo Hàn Quốc là tông Tào Khê, chiếm hơn 80% (với 12.000 Tăng Ni, hơn 2.000 ngôi chùa), còn lại những tông phái lớn khác là Thiên Thai tông, Thái Cổ tông, Chân Giác tông… Ngoài ra có những tông phái mới thành lập gần đây và phát triển rất mạnh như Phật giáo Won.

Người Việt tại Hàn có thường hướng tâm mình đến chùa chiền? Các ngôi chùa Việt hay chư Tăng Ni Việt Nam tại Hàn Quốc giúp được gì trong việc chia sẻ tâm linh với người Việt sinh sống, làm việc tại đây?

- Con người khi xa quê thường có nhu cầu hướng về cội nguồn và gặp gỡ đồng hương nhiều hơn. “Mái chùa che chở hồn dân tộc” không chỉ là một câu thơ suông, thật sự người Việt có truyền thống Phật giáo hay chỉ là người có cảm tình với Phật giáo cũng rất mong mỏi được đến chùa sinh hoạt tâm linh, được tụng câu kinh bằng tiếng Việt, được dùng bữa cơm chay thuần Việt. Điều này không chỉ là nhu cầu về tâm linh, mà còn là nhu cầu tâm lý, một sự khát khao được yêu thương và chia sẻ yêu thương với đồng bào, với những người con chung của Phật Thích Ca.

Vì thế một ngôi chùa Việt, hay một vị tu sĩ Việt Nam hiện diện ở đây là rất quý giá, để có thể hướng dẫn cho Phật tử tu tập, để có thể là nơi nương tựa, quay về cho những người khi thật sự bế tắc và khó khăn. Đó cũng là lý do tôi đã quyết định ở lại làm điều gì có ý nghĩa cho bà con Phật tử và đồng bào chứ không vội vã quay về tu riêng cho mình ngay sau khi tốt nghiệp.

Hoằng pháp thời công nghệ và dịch Covid

Về việc hoằng pháp, thấy cô thường có những thời pháp thoại trên Facebook và được cộng đồng mạng quan tâm, trong đó có người trẻ…

- Điều này không biết phải nói như thế nào. Thật sự thì tôi có cơ hội hướng dẫn, giúp đỡ bà con mình tu tập từ hơn 2 năm trước. Tuy nhiên, chúng tôi tổ chức offline tại các chùa Hàn vào Chủ nhật mỗi tuần. Buổi sáng cho các anh chị em người Việt học tiếng Hàn và văn hóa Hàn, các bé gia đình đa văn hóa thì học tiếng Việt. Sau đó dùng cơm chay. Buổi chiều chúng tôi sinh hoạt chung như ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật và tôi phụ trách giảng những bài giáo lý căn bản cho Phật tử. Mỗi tháng một lần, chúng tôi đi hành hương các thánh tích ở Hàn và nấu cơm chay cúng dường lên các ngôi chùa Hàn gieo duyên. Chúng tôi cũng trải nghiệm templestay cho Phật tử Việt Nam có cơ hội hiểu thêm về văn hóa lịch sử Phật giáo Hàn Quốc.

Mọi việc êm đềm trôi cho đến khi Covid-19 ập tới, toàn bộ chùa chiền bị buộc phải đóng cửa, tụ tập trên 5 người cũng đã là phạm luật. Chúng tôi không thể đến chùa được nữa, nhưng nhu cầu tu tập và học Phật vẫn còn đó. Vì vậy lớp học giáo lý online ra đời như một lẽ tất nhiên (tùy thuận nhân duyên) mà không có chuẩn bị gì trước. Bản thân tôi cũng không nghĩ rằng cộng đồng hưởng ứng và nghe những bài pháp thoại ở mức cực kỳ sơ đẳng - mà tôi hay gọi vui là “lớp mầm non” của mình như thế. Vì thực tế lúc giảng trên Zoom, có nhiều Phật tử lớn tuổi không biết cách dùng Zoom nên phải phát trực tiếp Facebook, thế là càng lúc càng nhiều người nghe, không chỉ Phật tử sinh hoạt riêng với chúng tôi nữa.

Điều này đối với tôi khá là bất tiện, vì đột nhiên bị “chú ý”. Tôi tự xét bản thân còn tu chưa tốt, học chưa giỏi, nên rất ngại nói chuyện với quần chúng chứ đừng nói là “đăng tòa thuyết pháp”. Những bài giảng theo kiểu giáo khoa đó, nhiều người cũng vào công kích, bình luận khiếm nhã. Lúc đầu tôi rất lo ngại thầy tổ, sư phụ, sư bà, chư huynh đệ mình sẽ phiền lòng, nên tôi không chủ trương mở rộng hay truyền thông. Bản thân tôi cũng quyết định ngưng dùng mạng xã hội. Nhưng việc giảng pháp cho Phật tử đã tin tưởng và tu học với mình thì tôi vẫn phải làm. Vì vậy, tôi cùng các Phật tử vẫn động viên nhau từng ngày, hết Covid-19 mình sẽ được gặp nhau, và có thể, chúng tôi không cần phải phát trực tiếp những pháp thoại như thế này nữa.

* Trước thềm xuân mới, cô có lời chúc nào cho bạn đọc báo Giác Ngộ cũng như cộng đồng người Việt, Phật tử ở Hàn?

- Nguyện chúc một năm mới bình an - an lành trong Chánh pháp, hanh thông trong cuộc đời - cho mọi người. Kính chúc quý báo luôn là cơ quan truyền thông tốt nhất của Phật giáo Việt Nam, gửi đi những thông điệp giàu tình thương và sự hiểu biết đến với mọi người, mọi nhà.

Cảm ơn cô đã dành thời gian chia sẻ!

Lưu Đình Long thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

Thượng tọa Thích Đức Thiện tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

GNO - Nhận lời mời của Hiệp hội giao lưu Văn hóa và Tôn giáo Trung Hoa, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đoàn đại biểu GHPGVN do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao (BFA) 2024 diễn ra từ 26 đến 29-3-2024 tại Hải Nam, Trung Quốc.

Thông tin hàng ngày