Đủ nhân duyên việc xuất gia mới thành tựu

Chư Ni làm lễ thế phát tại Trung tâm Làng Mai ở Thái Lan
Chư Ni làm lễ thế phát tại Trung tâm Làng Mai ở Thái Lan
0:00 / 0:00
0:00

Hỏi: Tôi là Phật tử, 32 tuổi, hiện đã có chồng và con gái 5 tuổi. Từ nhỏ tôi đã biết đến đạo Phật nhưng không sâu sắc, vì thế nên tôi mới quyết định kết hôn. Rồi duyên lành đã cho tôi gặp được một bạn đạo rất tuyệt vời về cả trí tuệ lẫn đức độ. Người ấy đã mở ra cho tôi một con đường chân lý sáng ngời hào quang của Đức Phật. Giá như tôi gặp người ấy sớm hơn, biết đạo nhiều hơn thì có lẽ tôi đã không lập gia đình và phát nguyện xuất gia.

Hiện tôi thương chồng và con gái rất nhiều nhưng tâm tôi lại luôn hướng đến sự tu hành để cứu người, giúp đời và mong muốn tất cả mọi người được giải thoát. Vì còn gia duyên ràng buộc khiến tôi chưa thể xuất gia được nên trong lòng mang nhiều tâm sự. Tôi sợ rằng càng về sau sức khỏe không tốt, nếu xuất gia sẽ trở ngại trong việc tu; nhất là sợ không sống đến lúc đó vì vô thường. Hiện tôi rất phân vân, càng ngày càng thấy mình không thích hợp với đời mà hợp với đạo hơn. Rất mong nhận được lời khuyên từ quý Báo.

(MI HỒNG, phamdi...@gmail.com)

Bạn Mi Hồng thân mến!

Trong đạo Phật có hai giới xuất gia và tại gia. Cả hai giới đều phải tu tập, thành tựu từng phần giải thoát, tùy duyên cứu độ chúng sinh. Có khác biệt là, giới xuất gia sống không gia đình nên tinh chuyên tu tập hướng đến dứt nghiệp và hoằng dương Chánh pháp, giới tại gia ngoài việc chu toàn trách nhiệm gia đình thì cố gắng tu tập chuyển nghiệp và phát tâm hộ trì Phật pháp.

Một người, nếu đã biết tu thì cần nỗ lực tu tập ngay trong hoàn cảnh hiện tại. Xuất gia được thì tốt nhưng chưa đủ duyên xuất gia thì hãy tu tại gia. Chính ngay trong môi trường gia đình, thế tục mà tu được thì khi đủ duyên xuất gia mới tu tập tốt. Nên dân gian có câu: “Thứ nhất tu nhà, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Tu chùa là giỏi nhưng chỉ ở hạng thứ ba mà thôi. Nếu tu nhà chưa trọn mà cứ trông ngóng tu chùa là vọng tưởng, quá hướng về tương lai mà đánh mất thực tại.

Với bạn, tu nhà là hãy làm tròn bổn phận người mẹ, người vợ, người công dân tốt, người tín nữ Phật tử thuần thành. Sau khi hoàn thành một cách căn bản các bổn phận, bạn muốn tu tập chuyên sâu (tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền, lễ sám… nhiều hơn như ở chùa) thì càng tốt. Sự tu hành cốt yếu dựa trên sự phát tâm, thệ nguyện thực hành Chánh pháp chứ không phải ở chùa hay nhà, xuất gia hay tại gia. Tu chùa nếu thiếu duyên, gặp một số môi trường có nhiều phiền não, oán đối, bất hòa thì tu tập ở đó còn khó hơn ở nhà.

Chân tình, khi con gái của bạn chỉ mới 5 tuổi, vợ chồng còn thương yêu nhau…, mà bạn quyết chí xuất gia thì chùa cũng ngại tiếp nhận, chồng con, gia đình nội ngoại hai bên, bạn bè và xã hội cũng khó chấp nhận. Giả như bạn gạt bỏ ngoài tai tất cả để xuất gia bằng mọi giá thì bạn có lỗi với con nhỏ của bạn rất nhiều. Việc xuất gia vốn cao cả, giờ đây dường như là một cuộc chạy trốn, nhuốm màu ích kỷ, chưa biết có làm được tích sự gì không nhưng trước mắt đã làm cho chồng con đau khổ, gia đình đổ vỡ ngổn ngang.

Vậy nên bạn hãy dừng ngay ý định xuất gia, buông càng nhanh càng tốt. Nghiệp duyên đã tạo ra gia đình và con cái thì hãy chu toàn trách nhiệm và bổn phận của mình. Hãy tu tại gia cho đến khi con gái trưởng thành, chồng hoan hỷ cho phép thì bấy giờ hãy xuất gia. Xuất gia sớm hay muộn là do duyên, còn tu nhiều hay tu ít là do tâm chứ không phải ở chùa hay nhà. Tại gia mà quyết tâm lập chí tu hành như xuất gia mới quý, khó làm và nhiều người đã làm được.

Bạn sợ vô thường thì ngay bây giờ hãy sắp xếp công việc hợp lý để dụng công tu. Bạn muốn “cứu người, giúp đời và mong muốn tất cả mọi người được giải thoát” thì hãy thực thi chúng ngay nơi gia đình nhỏ của bạn. Nuôi dạy con nên người chính là cứu người, xây dựng gia đình bạn hạnh phúc là giúp đời, trợ duyên cho cả nhà biết Phật pháp và biết tu là cứu độ chúng sinh. Không cần phải đi đâu xa, nếu trong gia đình mà tự độ và độ tha được thì bạn chính là Bồ-tát.

Thế nên, hãy tu học ngay trong chính gia đình mình, nếu thành công thì bạn từng bước tích lũy được công đức, phước báo. Việc xuất gia cần hội đủ nhân duyên, nếu duyên chưa đủ mà nôn nóng, vội vã xuất gia thì sự nghiệp tu hành sẽ khó thành tựu.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1241 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Đời người ngắn ngủi đừng phí thời gian

GNO - Như người bị trúng tên độc là một trong những ảnh dụ gây ấn tượng mạnh mẽ về những việc cần làm ngay. Dĩ nhiên mỗi người có một mục tiêu riêng theo quan niệm sống của mình. Đối với người tu Phật thì vượt thoát khổ đau là quan trọng và cần kíp nhất.

Thông tin hàng ngày