Gần 5.000 người tham dự chương trình trực tuyến “Bông hồng cài áo” tại Làng Mai (Pháp)

Buổi lễ "Bông hồng cài áo" tại thiền đường Nước Tĩnh, chùa Pháp Vân (Pháp)
Buổi lễ "Bông hồng cài áo" tại thiền đường Nước Tĩnh, chùa Pháp Vân (Pháp)
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chiều 8-8 (1-7-Tân Sửu), Tăng thân Làng Mai (Pháp) đã tổ chức chương trình “Bông hồng cài áo” mừng Vu lan thắng hội Phật lịch 2565 - Dương lịch 2021.

Buổi lễ sử dụng hai ngôn ngữ chính là tiếng Việt và tiếng Anh, được diễn ra tại thiền đường Nước Tĩnh (chùa Pháp Vân) với sự tham gia trực tiếp của gần 100 chư Tăng Ni Làng Mai.

Chương trình đồng thời cũng được thực hiện trực tuyến qua phần mềm zoom, kênh Youtube Làng Mai với sự tham gia, theo dõi của gần 5.000 Phật tử và những người yêu mến đạo Phật khắp nơi trên thế giới.

Sau phần niêm hương bạch Phật, hướng dẫn đại chúng ngồi thở bình an, hướng về thầy tổ và cha mẹ, đoản văn “Bông hồng cài áo” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được diễn đọc với nhiều xúc cảm trên nền nhạc piano nhẹ nhàng ngân nga, cùng nghi thức cài hoa hồng trên áo.

Diễn đọc đoản văn “Bông hồng cài áo” của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Diễn đọc đoản văn “Bông hồng cài áo” của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Được biết, đoản văn Bông hồng cài áo ra đời vào năm 1962 khi thiền sư Thích Nhất Hạnh được một sinh viên tại Nhật cài bông hoa cẩm chướng màu trắng vào khuy áo tràng trong "Ngày của mẹ". Cảm thấy việc cài hoa trên ngực áo để tưởng nhớ mẹ mang nhiều ý nghĩa, thiền sư đã áp dụng nghi thức cài hoa hồng vào ngày lễ Vu lan. Từ đó, nhiều chùa ở Việt Nam đã tổ chức nghi thức này cho Phật tử mỗi dịp tháng 7 Vu lan về. Đến nay, nghi thức đã trở thành truyền thống tốt đẹp của Phật tử Việt Nam.

Toàn cảnh buổi lễ "Bông hồng cài áo"

Toàn cảnh buổi lễ "Bông hồng cài áo"

Đoản văn “Bông hồng cài áo” được dịch ra rất nhiều thứ tiếng khác trên thế giới, đồng thời truyền cảm hứng để nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác ca khúc “Bông hồng cài áo” - một ca khúc quen thuộc được ngân vang vào mỗi mùa Vu lan về, như một điệp khúc về tình mẹ bất diệt.

Tại chương trình, thông điệp mùa Vu lan của thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng được truyền tải tới đại chúng. Theo đó, thiền sư nhắc nhở mùa Vu lan không phải chỉ để tưởng nhớ công ơn bậc sinh thành, mà mỗi người con cần biết thực tập nhìn sâu để thấy được những tài năng, đức hạnh và nét đẹp mình đã được tiếp nhận từ cha mẹ, thấy mình là sự tiếp nối của cha mẹ: “Và mình mang mẹ, mang cha đi về tương lai. Phải biết mỉm cười cho mẹ, thở cho cha và bước đi cho cả hai. Sự tiếp nối đẹp đẽ của cha mẹ nơi mình là biểu hiện cụ thể nhất cho lòng hiếu”.

"Một bông hồng cho anh. Một bông hồng cho em. Và một bông hồng cho những ai đang còn mẹ..."

"Một bông hồng cho anh. Một bông hồng cho em. Và một bông hồng cho những ai đang còn mẹ..."

Chia sẻ về chương trình, thầy Thích Minh Hy, đại diện Hội đồng Giáo thọ Làng Mai cho biết: Trong mùa đại dịch Covid-19, khi nhiều thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta ý thức rằng đất nước đang đi qua một giai đoạn rất khó khăn, nhiều người đang chật vật với sự sống, lo lắng về ngày mai. Nhưng dù vậy chúng ta vẫn còn có nhau. Ngay cả khi chúng ta không có gì nhiều, thiếu thốn đủ thứ nhưng mình còn có nhau thì sẽ còn tất cả.

Chư Tăng Ni lễ lạy, cảm niệm công ơn thầy tổ và cha mẹ

Chư Tăng Ni lễ lạy, cảm niệm công ơn thầy tổ và cha mẹ

“Chương trình lễ Bông hồng cài áo được diễn ra với mong muốn truyền cảm hứng để mỗi người trở về nuôi lớn tình nghĩa và hạnh phúc trong gia đình và trong mỗi bản thân”, thầy Minh Hy nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày