GNO - ĐĐ.Thích Lệ Minh (ảnh), Ủy viên Ban Hoằng pháp T.Ư, Phó ban Thường trực BTS PG Q.5 (TP.HCM) trong chia sẻ với PV Giác Ngộ nhân 35 năm thành lập GHPGVN đã nói vậy.
Theo Đại đức thì - đã đến lúc Giáo hội cần quan tâm nhiều hơn về sự phát triển toàn diện của 12 ban ngành. Theo thông lệ, cứ mỗi lần đại hội nhiệm kỳ mới thì chúng ta chuẩn bị cơ cấu thành phần nhân sự đảm nhiệm cho các ban, ngành. Tiêu chí chuẩn mực nào cho sự tuyển chọn cơ cấu bổ nhiệm? Trong khi đó, chưa chắc người được bổ nhiệm lại có khả năng chuyên môn mà mình phụ trách hay chỉ tiếp nhận chức vụ cho có mà khó có thể tác nghiệp thì uổng phí biết dường nào. Tránh tình trạng hiện nay, nhân sự các ban ngành có đủ nhưng khả năng hoạt động thì quá khiêm tốn, vì sức lực của mình có giới hạn.
ĐĐ.Lệ Minh phân tích: “Đơn cử, nếu là thành viên Ban Thông tin - Truyền thông mà không có kiến thức về nghiệp vụ báo chí, không biết chụp ảnh, không biết viết bài tin thì làm sao làm tròn chức nghiệp truyền thông cho Giáo hội?”.
Không dừng lại ở việc nhận xét, ĐĐ.Thích Lệ Minh còn chia sẻ giải pháp cho việc kiện toàn khả năng chuyên môn phục vụ cho việc lãnh đạo Giáo hội ở 12 ban ngành trong thời đại hội nhập với Giác Ngộ online, như sau:
Khi tốt nghiệp xong hệ Hệ cử nhân Phật học hoặc Cao đẳng Phật học, Tăng Ni sinh trẻ được tiếp tục đào tạo và theo học các chuyên ngành của 12 ban: Tăng sự, Giáo dục Tăng Ni, Hướng dẫn Phật tử, Hoằng pháp, Nghi lễ, Văn hóa, Kinh tế - Tài chính, Từ thiện xã hội, Phật giáo Quốc tế, Pháp chế, Kiểm soát, Thông tin - Truyền thông. Ai thích ngành nào thì đăng ký học việc chuyên sâu duy nhất ngành đó.
Thời gian đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho các Tăng Ni sinh của từng ngành là 2 năm, trong đó lý thuyết và ứng dụng thực tiễn cần được tác nghiệp song hành. Khi hoàn tất khóa học thì vị ấy được cấp giấy chứng nhận hoàn tất hệ đào tạo chuyên ngành, từ đó có thể phát tâm công đức phụng sự Giáo hội. Quý tôn đức lãnh đạo các ban ngành có thể tuyển dụng các Tăng Ni sinh có giấy chứng nhận đầy đủ khả năng tác nghiệp vào việc cung ứng nhân sự cho ban ngành của mình trong nhiệm kỳ mới. Lực lượng này sẽ hoạt động rất tốt vì có thực lực, có sức khỏe của tuổi trẻ, tinh thần minh mẫn, giàu nhiệt huyết sẽ hiện đại hóa Phật giáo trong xu thế phát triển của xã hội, Đại đức nói.
Trăn trở về công tác hoằng pháp cho giới trẻ, ĐĐ.Thích Lệ Minh bày tỏ: “Việc hướng dẫn sinh hoạt tu học Phật pháp dành cho các CLB Thanh thiếu niên Phật tử cần phải có giáo trình sinh hoạt phù hợp với tâm lý đạo đức của người trẻ. Ban Hoằng pháp và Hướng dẫn Phật tử cần soạn thảo chương trình học Phật pháp đáp ứng nhu cầu: chuyển hóa khổ đau, thiết lập bình an, quân bình cảm xúc, cách thức tạo phước, nghề nghiệp chân chánh, đạo đức trong kinh doanh theo giáo pháp của Đức Phật.
Đồng thời, có giáo trình giảng dạy những bản kinh gần gũi và thiết yếu cho người mới bắt đầu học Phật: kinh Người áo trắng, kinh Thiện sinh, kinh Từ tâm, kinh Phước đức, kinh Diệt trừ phiền giận… Giảng sư hướng dẫn cho giới trẻ nên là tu sĩ trẻ, có học qua hoặc hiểu biết sâu sắc về môn học tâm lý ứng dụng thực nghiệm, thông thạo kiến thức khoa học phổ thông để thuyết giảng cho giới trẻ sống đạo trong đời.
Nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Giáo hội, ĐĐ.Thích Lệ Minh ước mong, năm thứ 36 và những năm về sau, Giáo hội Phật giáo VN sẽ có nhiều gương mặt mới góp phần kiện toàn hoạt động các ban ngành Phật giáo Việt Nam: trẻ trung, năng động, đủ tài đức phụng sự độ đời. Hàng cư sĩ tại gia là những Phật tử trẻ, tu học giáo lý, hộ trì Tam bảo, Phật hóa gia đình và cộng đồng an vui.
Hạnh Ý
* Cùng bạn đọc: Từ ngày 26-10, Giác Ngộ online mong muốn được đón nhận những gửi gắm của chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử, bạn đọc tới GHPGVN nhân kỷ niệm 35 năm thành lập (1981-2016). Những gửi gắm để Giáo hội kiện toàn hoạt động sắp tới, những mong mỏi, trăn trở với những hoạt động đã qua xin hoan hỷ gửi về: baogiacngo@yahoo.com. Trân trọng đón chào! |