Vì nếu không tu theo căn duyên của mình, bắt chước người khác, đôi khi phản tác dụng. Điều này Phật tử phải nên lưu tâm, ở trong hoàn cảnh nào thì theo căn duyên đó mà tu.
Vì vậy, Tam thừa mà Phật chia ra có ba hạng là thượng, trung và hạ. Hàng thượng là người có phước đức, trí tuệ đầy đủ. Phước đức chính là tâm họ an lành, sức khỏe tốt, thông minh, đó là ba phước ở trong nội tại của họ, ở ngoài thì tiền của dồi dào, bạn bè của họ đông và tốt. Nếu có đủ những điều kiện này nên theo Bồ-tát thừa để làm lợi ích cho đạo, tốt đẹp cho đời thì quá hay, nhưng lại bỏ việc tốt mà làm những việc không tương xứng thì thật uổng phí.
Hàng trung thừa có trình độ hiểu biết, nhưng không có quyến thuộc Bồ-đề, cũng không có tiền của, chỉ có thông minh thì tu Duyên giác thừa. Nhờ thông minh, họ thực tập pháp quán nhân duyên là thấy sự vật bên ngoài thay đổi, tâm con người thay đổi, hoàn cảnh thay đổi nên họ có được cuộc sống thích nghi an ổn với cảnh vật đổi sao dời trong trời đất.
Thực tế cuộc sống của nhân loại từ thời cổ đại cho đến thời hiện đại đã thay đổi không ngừng. Và hàng Duyên giác quán nhân duyên chính là nhận rõ văn minh của con người tiến triển theo thời gian.
Thể hiện lý này, Đức Phật dạy rằng chúng ta phải quan sát ở đây và bây giờ nên sống thế nào tốt nhất, không nên chấp vào kinh điển một cách cực đoan. Thật vậy, Phật tùy người, tùy lúc, tùy chỗ mà Ngài nói những pháp tương ưng cho từng việc khác nhau, đối tượng khác nhau, nên không thể khẳng định đó là chân lý bất di bất dịch được. Thí dụ Phật thấy những đứa trẻ nhóm cát làm tháp Phật thì Phật khen ngợi, với những đứa trẻ chơi ác bẻ càng cua thì Ngài dạy khác. Đối với vua chúa muốn làm cho dân giàu nước mạnh thì Phật cho những bài học thực tiễn khác với lời dạy cho các ẩn sĩ tu hành chứng quả; không có thời pháp nào giống thời pháp nào.
Hiểu biết của Phật như lá trong rừng, điều Ngài nói như lá trong tay. Lá trong rừng hay hiểu biết của Phật phát xuất từ cuộc sống đúng đắn như thật. Trong khi lá trong tay đã rời khỏi sự sống, tức lá chết, nên nó chỉ có giá trị ở hoàn cảnh nào đó mà thôi. Vì vậy, muốn rập khuôn cái cũ, coi chừng mình phá pháp. Cho nên phải nhớ ý nghĩa thiết thực hiện tại “bây giờ và ở đây”. Tôi thường đặt vấn đề nếu bây giờ có Phật thì Ngài sẽ dạy gì, để mình suy nghĩ, ứng dụng. Vì tất cả chúng ta không giống nhau, mỗi người tu hành tùy hoàn cảnh, hiểu biết, phước đức… mà có pháp tu khác nhau.
Hiểu biết của Phật như lá trong rừng, điều Ngài nói như lá trong tay. Lá trong rừng hay hiểu biết của Phật phát xuất từ cuộc sống đúng đắn như thật. Trong khi lá trong tay đã rời khỏi sự sống, tức lá chết, nên nó chỉ có giá trị ở hoàn cảnh nào đó mà thôi. Vì vậy, muốn rập khuôn cái cũ, coi chừng mình phá pháp. Cho nên phải nhớ ý nghĩa thiết thực hiện tại ‘bây giờ và ở đây’. Tôi thường đặt vấn đề nếu bây giờ có Phật thì Ngài sẽ dạy gì, để mình suy nghĩ, ứng dụng. Vì tất cả chúng ta không giống nhau, mỗi người tu hành tùy hoàn cảnh, hiểu biết, phước đức… mà có pháp tu khác nhau.
Phật nói khi Ngài còn là Bồ-tát Thường Bất Khinh, nghe được hai trăm ngàn muôn ức bài kệ kinh Pháp hoa. Nhưng bây giờ mình học kinh Pháp hoa được bao nhiêu bài kệ? Điều này muốn nói hiểu biết của Phật quá rộng, còn điều Ngài nói cho mình thì hữu hạn. Cho nên người học Phật không cố chấp.
Tôi suy nghĩ Phật dạy những thầy tu hạnh đầu-đà thường đến ở nghĩa địa thấy người chết để biết mai kia mình cũng như vậy thì sẽ đoạn trừ được lòng tham dục thế gian. Xưa kia, Đức Phật lúc còn là Thái tử Tất Đạt Đa cũng vậy, Ngài dạo chơi bốn cửa thành thấy cảnh người già, người bệnh, người chết… khiến Ngài quyết tâm xuất gia để tìm ra cuộc sống có ý nghĩa đích thực.
Phật dạy hàng thượng căn có thông minh, sức khỏe, tiền của, bạn bè đông là nhắm đến vương tôn công tử. Họ có điều kiện đầy đủ mà lại muốn bỏ để xuất gia đi khất thực thôi. Nếu sử dụng phước đức này làm lợi cho cuộc đời biết bao nhiêu, đó là ý chính mà tinh thần Đại thừa muốn chỉ dạy.
Thể hiện yếu lý sâu sắc này, Thiền sư Vạn Hạnh nhận thấy Lý Công Uẩn có tố chất của một bậc minh quân điều hành quốc sự tốt đẹp và ông có khả năng giáo hóa người dân sống lương thiện, đạo đức thì ông nên thực hiện việc khó làm này mà không phải ai cũng làm được. Vì thế, nếu ông bỏ việc khó được này để đi tu thì quả là bỏ phí cái tài thiên phú an bang tế thế có một không hai vậy. Đúng như sự giáo dưỡng của Thiền sư Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn đã trở thành nhà lãnh đạo tài đức mở đầu cho thời Lý vàng son lưu danh trong lịch sử nước nhà. Rõ ràng bậc kỳ tài, phước đức như Lý Công Uẩn phải thực hiện con đường Bồ-tát thừa tốt đời đẹp đạo theo Phật dạy.
Trường hợp khác cũng rất đặc biệt về tinh thần Bồ-tát thừa. Quốc sư Phù Vân khuyên vua Trần Thái Tông rằng nhân dân muốn bệ hạ làm vua thì bệ hạ nên làm vua để mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, nhưng đừng quên việc tu hành của mình. Ý chính của Bồ-tát thừa là điều này.
Thật vậy, mình làm được mọi việc lợi ích cho mọi người, nhưng không bao giờ quên việc tu hành. Các Phật tử thấy các thầy đi tu thì cũng muốn cạo tóc xuất gia, nhưng đi tu mà nghiệp trần của mình không hết, lại mang nghiệp vô chùa quậy phá làm mất uy tín Phật giáo sẽ phạm tội phá pháp rất nặng.
Tôi có biết một người ở Pháp về, mở tiệm thuốc Tây, nhưng anh thích đi tu nên đã bán nhà và dẫn vợ con ra núi tu, không biết tu được gì nhưng tiền hết, vợ con khổ. Anh hỏi tôi sao tu khó quá vậy thầy. Tôi nói tu sai mới khó.
Có điều kiện tu Đại thừa thì tu Đại thừa. Không có điều kiện tu Đại thừa thì tu Duyên giác thừa, dù mình không có tài sản, không có sức khỏe, nhưng có trí thông minh thì dùng sự thông minh đó để cứu đời, giúp người. Thay vì sử dụng đầu óc thông minh để làm việc lợi ích, mà lại bỏ đi tu, ngồi đếm hơi thở, chấp vô pháp này cho đến kết cuộc không đạt được kết quả gì rồi sinh chán nản, phiền muộn.
Thiết nghĩ Phật dạy pháp quán nhằm để ứng vô hoàn cảnh nào đó, nghiệp nào đó mà sử dụng pháp tương ưng thích hợp, chẳng hạn ra nghĩa địa quán thây chết để kinh sợ khiến đoạn được lòng tham dục. Vì vậy, pháp có giá trị ở giai đoạn nào thôi, không phải dùng cả đời đâu. Như Phật nói qua sông cần thuyền bè, lên bờ rồi tất yếu phải bỏ thuyền để tiếp tục con đường đến bờ giải thoát. Không phải khư khư vác thuyền đi suốt cả đời mình.
Như ngài Xá Lợi Phất gặp Đức Phật thì đắc La-hán liền. Trong khi Tôn giả Ca Diếp cũng thông minh nhưng không đắc La-hán liền như Xá Lợi Phất, nên đã không vui mà tự nghĩ mình cũng phải đắc La-hán mới được. Chính sự quyết tâm đó trở thành cố chấp làm trở ngại sự chứng đắc Thánh quả.
Một tuần sau, Đức Phật bảo ngài Ca Diếp rằng ông còn vướng một số việc. Tu hành phải thấy được nghiệp của mình mới chuyển được nghiệp thì đắc đạo.
Phật dạy Ca Diếp là ông thuộc dòng họ bảy đời giàu có, thông minh nhất, nên dù đã xuất gia vẫn nhưng thường nghĩ mình là người cao quý nhất, tức còn kẹt vào dòng tộc sang trọng của mình. Cũng như La Hầu La nghĩ tiên A Tư Đà nói nếu Thái tử Sĩ Đạt Ta không đi tu là Chuyển luân Thánh vương thì ông là con của thái tử chắc chắn quyền uy không nhỏ. Vậy mà đi tu đầu trần chân đất, cực khổ thế này. Nghĩ như vậy thì không thể nào đắc đạo được.
Phật bảo đi tu phải bỏ hết, để tâm trống không thì nhìn sự vật chính xác mới đắc La-hán. Phật rầy ông còn kẹt vào quyền lực Chuyển luân Thánh vương thì làm sao đắc đạo. Vâng lời Phật dạy, hôm đó, ông an trụ thiền định đến mức tâm trống không, đắc quả La-hán.
Quên tất cả mọi sự việc của thế giới sinh tử, đắc La-hán, nhưng lại biết tất cả, đó là điều kỳ diệu của Thánh quả. Thấm sâu lý này, Tổ Phước Huệ lý giải rằng:
Kinh điển lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Đến nay tính lại chừng quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chữ như.
Tôi đi tu, học hết để biết, học không nhường ai, nhưng học xong rồi thì bỏ hết. Ban đầu là bỏ ngữ ngôn, văn tự, chỉ nhớ ý thôi. Lấy ý Phật dạy để ứng dụng trong cuộc sống, nhưng sử dụng được ý có kết quả rồi cũng bỏ ý luôn. Vì cái gì cũng ôm thì kẹt, khó giải thoát.
Có câu chuyện nói lên ý này, một học giả đến hỏi đạo thiền sư. Thiền sư chế nước trà mời khách, nhưng đến tách thứ ba thì không rót nước mời nữa. Vì ông là học giả chứa đầy ắp dữ kiện trong đầu thì không thể nào đi vào thế giới thiền được, bởi thiền là sự tĩnh lặng, có thêm một chút gì cũng chỉ là cặn bã mà thôi.
Điển hình như Bàn Đặc chỉ thuộc hai chữ chổi quét mà đắc La-hán, vì trong lòng ông trống không, không chất chứa tạp niệm, thì tuệ Phật truyền vô tâm ông khiến tâm ông sáng lên, đắc Thánh quả liền, giải thoát liền. Người nào lòng đầy ắp sự kiện không thể đắc đạo được. Vì vậy, Phật dạy muốn đựng của báu phải súc bình thật sạch, tâm mình phải thật sạch.
Ban đầu tu, nghĩ thiện, làm thiện, bỏ ác, nhưng khi đắc đạo, phải bỏ thiện luôn. Tâm trống không, Phật huệ mới rọi vô được. Tâm mình trống không rồi, tự nhiên huệ bừng sáng, đắc đạo. Cho nên nhiều người không học nhưng đắc đạo, Phật mới bảo các thầy đừng xem thường Bàn Đặc là ý này.
Một người nữa là Tổ Huệ Năng được cho không biết đọc, không biết viết, nhưng ngài làm Tổ là ngài học gì? Trong khi người khác học ngữ ngôn văn tự, kinh điển đầy đủ nhưng chứng ngộ thì xếp sách để đó. Còn ngài Huệ Năng không học, nhưng Tổ Hoằng Nhẫn bảo ông xuống nhà sau giã gạo, gánh nước, bửa củi. Ngài chỉ tu trong công việc hàng ngày.
Phật tử nhớ điều quan trọng rằng mình tu, đừng biến mình thành người vô ích. Mình còn làm được nhiều việc, nhưng không làm, mà đi xin ăn thì nguy hiểm. Tinh thần Đại thừa không cho phép điều này.
Tu là tu trong công việc. Như lúc tôi làm Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ thì tôi phải tu trong công việc của Tổng Biên tập, nghĩa là tôi phải chọn người biết viết, hiểu giáo lý và tôi chỉ định họ viết cho đúng. Hoặc tôi làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh là tôi tu trong công việc này. Không phải nói tôi bận quá, tu không được. Tu trong công việc này là sao?
Tôi quan sát xã hội mình đang sống, chánh thể mình đang sống thì Phật giáo phải tồn tại như thế nào trong xã hội mình đang sống đây, và từ chỗ này, tôi mới chỉ đạo cho Tăng Ni, Phật tử sống thích hợp để Phật giáo tồn tại, phát triển.
Ngoài ra, khi Giáo hội giao tôi điều hành Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, tôi nghĩ ngay đến việc mình phải tu trong sự điều hành Học viện. Nghĩa là tôi nghĩ phải làm sao có trường để đào tạo Tăng Ni, có người để hợp tác, rồi phải có sự phân công cho hợp lý. Tu Đại thừa là vậy. Ta học Phật pháp để ứng dụng trong cuộc sống của ta để được lợi lạc cho đạo pháp.
Vì vậy, Đại thừa Bồ-tát đạo tu trong công việc, nên người ta càng tu càng đi lên, là càng tu người ta càng khỏe mạnh ra. Khỏe mạnh ra là gì?
Ta tu trong cái thân này. Phật tử nghiệm xem tại sao mình bệnh? Phật nói mình bệnh, một là do tứ đại bất hòa, cơ thể mình không hòa, vì mình ăn thiếu quá, hay ăn dư quá, hoặc ăn những chất không cần thiết. Thật vậy, mình không bổ sung những chất cần thiết, mà lại đem vô những chất độc hại, chỉ vì tâm tham ăn những thứ mình ưa thích, cho là ngon, nên tạo thành bệnh thôi.
Nhưng tu, ta biết rồi, chỉ đưa cái gì cần thiết cho cơ thể thôi. Điều này quan trọng, nên người làm việc nhiều mà sức khỏe vẫn tốt là người biết tu. Người không biết thì chấp làm khổ thân tâm mình. Thực tế như có người tu khổ hạnh thì ngủ ngồi, hay đứng một chân, hoặc chịu đựng cái nóng lột da, hành hạ thân xác đủ thứ kiểu mà Phật nói đó là việc làm vô ích của người vô trí.
Phật nói rằng người ngủ ngồi để trị cái bệnh hôn trầm của họ, vì họ nằm xuống là ngủ mê man không biết gì, đó là cái bệnh mà người tu rất sợ, nên họ tự biết phải điều chỉnh cơ thể mình cho sức khỏe tốt thì mới có được đầu óc thông minh. Sức khỏe không tốt thì thông minh giảm liền, gọi là tinh thần minh mẫn trong thân thể tráng kiện. Thực tế tôi thấy khi bị ốm đau, đầu mình cũng bị ảnh hưởng.
Cho nên phải luôn giữ cơ thể mình cho được quân bằng, đó là tu. Tu Đại thừa nhắm vô ý này mà không nhứt thiết phải đi xuất gia. Đối với người xuất gia được, Phật khuyên xuất gia. Với người tu Duyên giác được thì Phật bảo họ tu Duyên giác, vì họ thông minh, nhưng không có sức khỏe tốt, nên phải cho họ ở riêng. Duyên giác không ở với đại chúng được, vì tu với đại chúng có quy tắc bắt buộc phải tuân thủ, không thể làm khác.
Như ngài Tối Trừng lúc 60 tuổi, tuyên bố xả giới Tỳ-kheo. Ngài nói vì ngài lớn tuổi, không sống với chúng được nữa, nên phải sống riêng một mình thôi, đó là độc giác, độc cư, vì sống chung với người nhỏ, họ có việc làm của người nhỏ, người lớn thì phải có việc của người lớn. Vì vậy, ở một mình, suy nghĩ được nhiều, hiểu được nhiều, có thể tư vấn cho nhiều người được lợi lạc.
Điển hình như Hòa thượng Trí Tịnh tu, nhờ Tổ Vạn Linh đắc đạo, nên nhận thấy Hòa thượng Trí Tịnh tuy còn nhỏ tuổi, chưa xuất gia, nhưng đời trước đã là Hòa thượng và tái sanh đời này cũng là Hòa thượng. Nghe Tổ dạy vậy, Hòa thượng Trí Tịnh phát tâm xuất gia.
Và Tổ không cho Hòa thượng Trí Tịnh ở với chúng, Tổ cho cất am tranh ở ngoài để Hòa thượng Trí Tịnh ở riêng một mình, vì ngài thông minh, nhưng không có sức khỏe, nên không chấp tác theo chúng được. Ở một mình, ngài đọc kinh, đọc tới đâu, ngài thuộc tới đó. Ngài nói rằng ở thiền thất thấy yên, ra ngoài thấy bất an. Nhờ ở thiền thất, ngài dịch được nhiều bộ kinh điển có giá trị. Trong khi Hòa thượng Trí Thủ đi khắp nơi để xây dựng chùa chiền và giáo dưỡng Tăng tài, phát triển sinh hoạt Phật giáo mạnh mẽ.
Vì vậy, các vị lấy pháp tu thích hợp với mình mà áp dụng có kết quả lợi ích, đừng lấy pháp của người khác đặt lên mình không thể thành công.
Mình tu Pháp hoa Nhứt thừa Phật giáo, không chia ra Tam thừa, mà là con đường đi suốt từ phàm phu lên Thánh vị. Cho nên, mình chưa đủ điều kiện xuất gia thì tu tại gia vẫn tốt. Chỉ sợ thân xuất gia, nhưng tâm ở nhà là hỏng đời tu.
Thật vậy, tôi có hai người bạn. Người thứ nhất xuất gia tu mười mấy năm, nhưng cứ nhớ gia đình, sự nghiệp, tài sản…, nên xin Hòa thượng cho về nhà để chết. Ở chùa đoạn dục, nhưng không đoạn được, lại phát triển thêm, đó là thân xuất gia, nhưng tâm thế tục. Ông nhớ nhà quá, rên rỉ hoài, chịu không được, đến phát bệnh. Cuối cùng Hòa thượng cho về nhà rồi ông chết liền.
Người thứ hai tu ở nhà, nhưng tâm ở chùa. Một hôm, ông này lên Hòa thượng Trí Tịnh, thưa rằng ngày mai con về Phật. Hôm sau, người con của ông đến Hòa thượng cho biết ba con đã chết rồi. Ông này thân ở nhà nhưng tâm chí đạo, tức “Cư tài chi sĩ. Cư gia chi sĩ. Tại gia chí Phật đạo giả”. Nghĩa là có gia nghiệp, tài sản, nhưng làm lợi ích cho bao người khác.
Cũng như xưa kia khi Phật tại thế, ông Cấp Cô Độc kinh doanh giỏi, tạo được nhiều tiền của và sử dụng tài sản để bố thí, cúng dường, nuôi người nghèo khổ, cô độc, nên có tên là Cấp Cô Độc. Nếu thời Phật không có Cấp Cô Độc, làm sao có Kỳ Hoàn tịnh xá để hàng ngàn Tăng Ni ở đó tu. Ông ở tại gia nhưng đã chứng Sơ quả, dù tại gia, có tài sản, có gia đình, nhưng tài sản và gia đình không ràng buộc ông, nhưng ông sử dụng của đó để cảm hóa người.
Bước theo dấu chân Phật, các Phật tử cố gắng luyện tập trước nhất không quan tâm đến việc ăn uống, ăn gì cũng được để nuôi sống thân mạng này mà tu. Ngoài ra, đối với mọi việc vui buồn vinh nhục khen chê, tập coi như gió thoảng mây bay, đừng nặng lòng.
Ngược lại, người có nhiều tiền của, nhưng bo bo ôm giữ cho đến chết, vì tâm bị dính mắc tiền của mãnh liệt, không thể buông bỏ, mà làm hồn ma quấn lấy tâm thức, không đầu thai được. Còn người hiểu đạo dùng tiền của để làm việc công đức, bố thí, cúng dường, thì phước đức của họ lại càng tăng trưởng thêm.
Có thể nói người ở tại gia nhưng tâm thoát tục có điều kiện tu tốt hơn. Thật vậy, mình ở chùa, không đụng chuyện, không biết mình còn nổi nóng không. Nhưng mình ở đời, đụng chạm nhiều, mà biết áp dụng pháp Phật được thì dễ chứng hơn. Thực tế ở ngoài thế gian, mình phải tiếp xúc, nghe nhiều điều bực tức, nhưng tâm mình có pháp Phật, suy nghĩ, nhẫn chịu được, tâm mình vẫn yên được, là tu được.
Vì vậy, trên bước đường tu, khi tôi đi học và làm việc với các đoàn thể luôn cố gắng giữ tâm thanh thản giữa dòng đời vạn biến, để trở thành người tốt theo Phật dạy.
Tóm lại, bước theo dấu chân Phật, các Phật tử cố gắng luyện tập trước nhất không quan tâm đến việc ăn uống, ăn gì cũng được để nuôi sống thân mạng này mà tu. Ngoài ra, đối với mọi việc vui buồn vinh nhục khen chê, tập coi như gió thoảng mây bay, đừng nặng lòng.
Phật dạy ở thế giới Ta-bà này, Thánh phàm đều hiện hữu sống chung. Có người từ chư thiên xuống, có người từ Sơ quả, Nhị quả, Tam quả, Tứ quả, hay Bồ-tát sanh lại cũng ở trong loài người mình. Nhìn kỹ theo Phật huệ, từ người bình thường cho đến Bồ-tát thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng đều có đủ.
Vì vậy, tu hành, mình áp dụng pháp Phật, gạn bỏ tất cả mọi thứ lăng xăng lộn xộn vô ích xung quanh để giữ tâm thực sự yên tĩnh sẽ thấy được trong cuộc sống, ai là Bồ-tát, La-hán thì mình theo các Ngài, cũng được hưởng phước đức, phát triển được huệ mạng.
Trải qua hơn 80 năm tu hành, tôi luôn cảm nhận sâu sắc rằng trên suốt chặng đường này luôn luôn có chư Phật, chư Bồ-tát, Hộ pháp thiện thần gia hộ, cứu giúp mình, với điều kiện ráng giữ tâm yên tĩnh, thanh tịnh, tốt lành đúng như pháp Phật. Nếu không, dễ bị mắc lầm, ma dắt dẫn khó thoát được khổ đau, sanh tử.