Hàn Quốc: “Sống xanh! Trí tuệ cho cuộc sống bền vững”

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1128 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1128 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Từ ngày 11 đến 14-11, tông phái Tào Khê (Jogye) của Phật giáo Hàn Quốc tổ chức cuộc Triển lãm Phật giáo Quốc tế Seoul dưới hai hình thức online và trực tiếp, với chủ đề “Sống xanh! Trí tuệ cho cuộc sống bền vững”.

Sự kiện này do báo chí Phật giáo Hàn Quốc kết hợp với Hãng Truyền thông Bulkwang thực hiện tại Trung tâm Triển lãm Thương mại Seoul (SETEC), nhằm mục đích xây dựng mối liên kết giữa văn hóa truyền thống và nền công nghiệp của quốc gia này. Cuộc triển lãm đã thể hiện những chủ đề rất đa dạng và phong phú, từ khủng hoảng khí hậu đến carbon trung tính, từ việc sống giản đơn đến những quan điểm của Phật giáo về môi trường.

Tại sự kiện quốc tế này, một hoạt động mang tên “Bhutan: Vương quốc Phật giáo hạnh phúc nhất thế giới” đã được giới thiệu cùng với sự hợp tác của Trung tâm Bhutan tại Hàn Quốc. Các tác phẩm nghệ thuật và văn hóa của Bhutan được trưng bày để minh chứng cho cuộc sống của người dân quốc gia này.

Sự kiện này cũng bao gồm một lễ hội nghệ thuật Phật giáo đặc biệt: “Triển lãm 300.000 won [US$254]”, trong đó trưng bày các bức tranh Phật giáo được bán với giá tương đối hợp lý, nhằm hỗ trợ và hồi sinh mảng nghệ thuật Phật giáo, một lĩnh vực đã phải vật lộn với đại dịch Covid-19 trong 18 tháng qua tại quốc gia này.

Có tới 360 gian hàng từ hơn 200 công ty giới thiệu các ngành công nghiệp hướng đến giảm lượng khí thải carbon, các sản phẩm và ý tưởng thân thiện với môi trường, bao gồm nhà ở, trà, trà cụ, thực phẩm trong các tu viện, sản phẩm nghệ thuật và các hoạt động xã hội.

Các hoạt động chính của cuộc triển lãm đều xoay quanh vấn đề “Phật giáo, văn hóa và nghệ thuật ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào?”. Một trong số đó mang tựa đề “Green Buddhism is our Future” (Phật giáo xanh là tương lai của chúng ta), được tổ chức “Buddhists Solidarity for the Environment” (Phật tử đoàn kết vì môi trường) chuẩn bị và thực hiện, nhằm áp dụng giáo lý Phật giáo vào các hành động thiết thực, chẳng hạn như xây dựng những “ngôi chùa xanh”.

Một hoạt động khác với tên gọi “Green Meditation Meets with the Sound of the Field and Art” (Thiền xanh kết hợp với lĩnh vực âm thanh và nghệ thuật) là sự kết hợp của âm thanh được ghi lại từ thiên nhiên với những tác phẩm của các nghệ sĩ Hàn Quốc như Park Jin-gyu, Im Ok-sang và Choi Young-wook.

Ngoài ra, một “Sân khấu Phật” cũng được thiết lập để những người nổi tiếng trình bày các bài diễn thuyết hoặc để các vị sư Phật giáo giảng pháp. Trong đó, Đại đức Yongsu nói về đề tài “Làm thế nào để tìm thấy sự bình an trong tâm hồn, cũng giống như một con sư tử không bị âm thanh làm hoảng sợ”; Đại đức Wonbin với chủ đề “Tạm biệt cơn giận để có một cuộc sống xanh” và một số giảng sư cùng với các đề tài khác.

Cuộc triển lãm được tổ chức khi Hàn Quốc mở cửa sau nhiều tháng giãn cách bởi đại dịch Covid-19. Hiện tại, quốc gia này đang thực hiện chính sách “sống chung với Covid-19” nhằm bãi bỏ dần các lệnh hạn chế hoạt động khi 70% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ.

Vào ngày 7-11, chùa Tào Khê, trụ sở chính tông phái Tào Khê của Phật giáo Hàn Quốc tại thủ đô Seoul, đã chiêu đãi khoảng 200 vị khách trong khu vực thiền đường của chùa. Kim Jeong-ja, 81 tuổi, cho biết: “Mặc dù biết rằng những mối lo ngại còn rình rập ở phía trước, nhưng hôm nay tôi thực sự rất vui vì chúng tôi đã có thể cầu nguyện cùng nhau”.

Hàn Quốc đã ghi nhận 2.425 ca nhiễm mới vào ngày 9-1, nâng tổng số ca nhiễm lên 385.831 ca, trong đó có 3.012 trường hợp tử vong. Hiện nay, quốc gia này đã bắt đầu bãi bỏ dần các lệnh giãn cách, vì đã tiêm phòng đầy đủ cho gần 90% người trưởng thành, tương đương 77% trong số 52 triệu người.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày