Hiểu và thương

Hiểu và thương
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Con là một thiếu nữ Phật tử hiện đang còn đi học. Con ước mong xây dựng một tình yêu đẹp đẽ, chân thật và bền vững nên kính hỏi quý Báo trong kinh điển Đức Phật dạy về tình yêu thương như thế nào? Người Phật tử thực hành theo có khó lắm không?

GNO - Con là một thiếu nữ Phật tử hiện đang còn đi học. Con ước mong xây dựng một tình yêu đẹp đẽ, chân thật và bền vững nên kính hỏi quý Báo trong kinh điển Đức Phật dạy về tình yêu thương như thế nào? Người Phật tử thực hành theo có khó lắm không?

(MỸ TRANG, Bàu Hàm II, Thống Nhất, Đồng Nai; trantai19...@yahoo.com)

Bạn Mỹ Trang và trantai… thân mến!

Tổng quan giáo điển Phật giáo là hướng đến giải thoát, tuy vậy giáo lý về Nhân thừa tức những đạo lý làm người, bao hàm các giá trị nhân bản và đạo đức được Đức Phật đặc biệt chú trọng. Tình yêu thương là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng nên gia đình và xã hội hạnh phúc, an vui. Do đó tình yêu cũng như trách nhiệm và nghĩa vụ của vợ chồng đối với nhau sao cho gia đình trong ấm ngoài êm được Đức Phật chỉ dạy rất rõ ràng.

Về tình yêu thương, theo Phật giáo, có hai hình thái yêu thương với bản chất khác biệt nhau, đó là từ và ái. Ái là tình yêu thương nam nữ, tình cảm gia đình bè bạn, tình yêu quê hương đất nước… là tình yêu dựa trên nền tảng tự ngã, cái tôi. Tôi yêu người yêu của tôi, tôi yêu gia đình và những người thân của tôi, tôi yêu quê hương đất nước tôi chính là tâm ái. Từ cũng là tình yêu thương nhưng là tình yêu rộng lớn, tình yêu này vượt lên cái tôi cá nhân, vô ngã. Tâm từ yêu thương tất cả mọi người cùng hết thảy chúng sanh, không buộc ràng, không điều kiện và không phân biệt. Trong khi tình yêu thương của chúng ta đều chưa đạt đến tâm từ mà chủ yếu là ái với các thuộc tính ích kỷ, có điều kiện, phân biệt và buộc ràng. Vì thế người ta yêu thương nhau nhiều nhưng đồng thời gây khổ cho nhau cũng không phải ít.

Ước mong xây dựng một tình yêu đẹp đẽ, chân thật và bền vững là hoài bảo của mọi người nhưng để đạt được điều ấy không phải dễ dàng. Trong dân gian, sự gắn kết và thương yêu giữa hai người dưng khác họ được gọi là duyên nợ. Theo Phật giáo thì hẳn họ có nhân duyên với nhau được hình thành trong quá khứ hoặc trong hiện tại. Duyên nghiệp này tuy không mang tính quyết định số phận cuộc hôn nhân nhưng phản ánh rõ nét dấu vết nghiệp dĩ tình cảm trong quá khứ thông qua khuynh hướng tình cảm tốt hoặc xấu, hạnh phúc hay khổ đau của hai người trong hiện tại. Vì thế, trong tình yêu hay trong đời sống vợ chồng, theo Phật giáo, chúng ta phần nào chịu ảnh hưởng bởi nghiệp dĩ nhưng không lệ thuộc nó hoàn toàn mà có thể tự chủ để chuyển hóa. Nói cách khác, duyên phận tuy có chức năng xúc tác làm kết hợp hai người với nhau nhưng khổ hay vui, hạnh phúc hay bất hạnh thì con người có thể làm chủ và chuyển hóa thông qua sự tu tập, tỉnh thức trong hiện tại.

Từ cơ sở này, người Phật tử xác định rằng tình yêu, tình cảm cao đẹp là điều họ có thể tạo dựng được trong cuộc sống muôn màu đổi thay này thông qua sự thực tập yêu thương và tu dưỡng nhân cách đạo đức. Trước hết, người Phật tử luôn rèn luyện thân tâm, giữ gìn năm nhân cách đạo đức: Không giết hại, không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối và không say sưa cờ bạc rượu chè. Năm yếu tố này luôn hỗ trợ lẫn nhau để hình thành nên một nhân cách tốt, gương mẫu và chính trực. Đặc biệt là nhân cách thứ ba, không tà hạnh tức lòng thủy chung tuyệt đối với người yêu, với vợ hoặc chồng của mình. Không trăng hoa bay bướm là một liệu pháp cổ điển nhưng có tác dụng cực kỳ to lớn trong việc nuôi dưỡng tình yêu. Tình yêu nam nữ là ái nghiệp nên luôn mang bản chất ích kỷ, do đó thực hành đức tính thủy chung (giữ giới thứ ba không tà hạnh) là thành lũy vững chắc nhất để bảo vệ tình yêu và tránh mọi tổn thương cho cả hai người.

Thương yêu nhau là điều khó, để nuôi dưỡng tình yêu ấy trải dài theo năm tháng với muôn ngàn biến động của cuộc sống lại càng khó hơn. Theo tuệ giác Phật giáo, chính sự hiểu biết sâu sắc về nhau là nền tảng cho cảm thông, xóa nhòa đi những dị biệt và xung đột để tình thương tăng trưởng. Nhiều trường hợp người ta thương yêu rất chóng vánh nhưng không dễ dàng đạt đến sự hiểu nhau trọn vẹn để cùng nhau đi hết chặng đường đời. Do vậy, phải rèn luyện bản thân là một người tốt với đầy đủ năm đức (giữ năm giới trọn vẹn), thực tập hạnh lắng nghe để hiểu, có thấu hiểu mới thực sự cảm thông, chia sẻ và yêu thương.

Tình yêu khiến hai người xa lạ trở nên thiết thân, thề non hẹn biển tự nguyện ràng buộc lẫn nhau suốt đời. Tuy vậy, tình yêu ấy nếu không nuôi dưỡng và vun bồi thì sẽ khô héo và tàn lụi. Người Phật tử cần hiểu rõ tình yêu là nghiệp ái của mình và bản chất của nó là trói buộc, vị kỷ nên hạnh phúc lứa đôi tuy có nhưng mong manh dễ vỡ. Vì thế phải nâng niu, trân quý và gìn giữ suốt cả cuộc đời mới mong kiến tạo được hạnh phúc. Chuyện hợp tan trong cuộc đời xét cho cùng là do nhân duyên tan hay hợp. Cho nên, gieo trồng nhân duyên hòa hợp bằng cách tu dưỡng đạo đức, sống chân thành, hiểu biết, chia sẻ và yêu thương hết lòng với người mình thương và với tất cả mọi người. Gieo nhân tốt ắt sẽ gặt quả lành và hạnh phúc, bình an sẽ đến với chúng ta như ước nguyện.

Chúc các bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày