Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển, những dấu ấn và thành tựu đặc biệt của Viện Nghiên cứu Phật học VN 35 năm qua (1989-2024), nhân trả lời phỏng vấn Báo Giác Ngộ, Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Viện trưởng đương nhiệm cho biết:
Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN |
- Khi thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (gọi tắt là Viện), một trong những trọng tâm đầu tiên được Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu đặt ra đó là tổ chức phiên dịch, ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam.
Trong thời kỳ đảm nhiệm cương vị Viện trưởng, Trưởng lão Hòa thượng đã cho ấn hành một phần các bản dịch trong công trình Đại tạng kinh, trong đó có các tập Nikāya do chính Hòa thượng phiên dịch. Tuy nhiên, thời kỳ này công nghệ in ấn còn nhiều hạn chế nên các ấn bản còn rất đơn sơ. Hiện nay, Viện đã tiếp tục thực hiện việc phiên dịch và ấn hành Đại tạng kinh với sự tổ chức, sắp xếp chu toàn hơn, điều kiện in ấn cũng đã tốt hơn trước rất nhiều.
Có thể nói, một trong những hoạt động trọng tâm lớn nhất của Viện mà nền móng khởi thủy được Trưởng lão Hòa thượng sáng lập đặt ra và các thế hệ chư tôn đức Viện kế thừa, nối tiếp đó chính là thực hiện cho được một bộ Đại tạng kinh hoàn chỉnh bằng tiếng Việt, với tên gọi hiện nay là Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam.
* Hòa thượng chia sẻ thêm về tiến độ thực hiện Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam; có chăng những khó khăn, vướng mắc nào mà phía Viện gặp phải trong việc thực hiện công trình này?
- Chúng tôi tiếp nối việc điều hành Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam từ vị Đệ nhị Viện trưởng là Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, sau khi Hòa thượng vì đảm nhiệm nhiều công việc Phật sự khác mà giao phó lại cho chúng tôi. Ngay từ khi đảm nhiệm vai trò điều hành, bên cạnh việc phát triển các chương trình nghiên cứu của Viện, mục tiêu lớn nhất mà chúng tôi chọn làm ưu tiên vẫn là thực hiện Đại tạng kinh. Trong lần ấn hành này, chúng tôi xin phép Giáo hội dành riêng 5.000 bộ để cúng dường đến chư tôn đức giáo phẩm các cấp… tại các tự viện trong cả nước. Đó là việc làm mà bản thân chúng tôi rất hoan hỷ.
Tuy nhiên, hiện tại ở trong nước có trên 18.000 ngôi chùa, cho nên số lượng ấn tống đó vẫn còn khá hạn chế. Ngoài ra, chúng tôi cũng ấn hành thêm đôi ngàn bộ với giá đặc biệt để quý Tăng Ni, Phật tử có tâm nguyện tiếp cận với Tam tạng để học hỏi có thể thỉnh được.
Thực hiện Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, chúng tôi mong muốn tập hợp được những bản dịch tốt nhất mà chư vị Trưởng lão, chư tôn đức tiền bối đã thực hiện. Chúng tôi cũng đang từng bước lắng nghe ý kiến, trao đổi với các vị kế thừa chư tôn đức tiền bối nhằm thực hiện được tâm nguyện mà quý ngài để lại cũng như đóng góp một cách hữu hiệu vào công trình Đại tạng kinh.
Trong quá trình thực hiện Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, chúng tôi nhận được sự yểm trợ từ nhiều nơi. Bên cạnh đó cũng có nhiều khó khăn xảy đến do hoàn cảnh và một số nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, với tâm nguyện, sự đồng lòng của chư tôn đức tham gia thực hiện và suy nghĩ “vui gánh gánh nặng đang gánh”, kinh nghiệm qua nhiều năm tháng làm Phật sự, chúng tôi cố gắng khích lệ, thuyết phục những người chung chí hướng cùng gắng sức với mình nhằm hoàn thành được công trình quan trọng này của Viện nói riêng và của Phật giáo nói chung.
Đại tạng kinh Việt Nam, nay được đổi tên gọi là Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam - Ảnh: Quảng Đạo |
* Đối diện với những khó khăn, thách thức phát sinh trong quá trình xây dựng và thực hiện các mục tiêu của Viện, trong vai trò là người đứng đầu hiện nay, Hòa thượng có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình nhân dịp này?
- Quan trọng nhất là phải nhẫn nại trong công việc. Đó là điều chúng tôi cho rằng cần thiết và cực kỳ quan trọng đối với bất cứ ai, ở bất cứ vị trí nào. Trong hoạt động của Viện, mỗi vị trí có vai trò dấu ấn riêng dù lớn hay nhỏ. Trong công việc, chúng tôi có sự phân công rõ ràng và phối hợp với nhau.
Đối với các trung tâm nghiên cứu trực thuộc Viện, chúng tôi cũng luôn khích lệ chư tôn đức, quý thành viên cố gắng hết sức để thực hiện phần việc của mình. Chúng tôi cũng thấy được sự nỗ lực rất lớn từ phía các trung tâm nhằm đóng góp một cách thiết thực cho công việc chung và sự phát triển của Viện.
* Trong vòng 3 năm trở lại đây, số lượng các hội thảo khoa học do Viện chủ trì tổ chức có sự tăng lên đáng kể. Theo Hòa thượng, điều này sẽ có ý nghĩa và đóng góp như thế nào với lĩnh vực nghiên cứu Phật học nước nhà?
- Chúng tôi nhận thấy, mỗi kỳ hội thảo được tổ chức là một cơ hội để chư tôn đức, các vị trí thức được gặp nhau, chia sẻ cái nhìn và có thể có những kiến giải mới, sâu sát hơn về vấn đề được đặt ra trong hội thảo. Đó cũng là dịp để thế hệ trẻ có dịp tiếp cận, học hỏi và đóng góp thêm những ý kiến trên phương diện học thuật.
Qua mỗi kỳ hội thảo, Ban Tổ chức lẫn chư tôn đức, quý học giả tham gia cũng đều cố gắng đóng góp và đưa ra những cái nhìn mới về các vấn đề đặt ra trong các hội thảo. Cũng khó có thể đòi hỏi một sự hoàn hảo trên mọi phương diện trong việc tổ chức các kỳ hội thảo, điều quan trọng nhất theo chúng tôi là đặt ra được vấn đề để gợi ý cho các nghiên cứu lâu dài về sau nữa.
* Được biết sắp tới đây, Viện sẽ tổ chức Hội thảo khoa học về Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu - vị giáo phẩm có công lớn đối với Giáo hội và lãnh vực giáo dục Phật giáo, vị sáng lập Viện. Hòa thượng có thể chia sẻ thêm về những mục tiêu mà hội thảo hướng đến?
- Trong kỳ hội thảo lần này, Ban Tổ chức tập trung nghiên cứu, làm sáng tỏ về cuộc đời và đạo nghiệp của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu. Hòa thượng là vị giáo phẩm có đóng góp cực kỳ to lớn cho sự phát triển của giáo dục Phật giáo Việt Nam thời hiện đại cũng như trên lĩnh vực nghiên cứu Phật học, đó là hai phương diện nổi bật và đáng lưu ý nhất trong cuộc đời của Hòa thượng. Đặc biệt, như đã nói, lúc còn tại thế, Hòa thượng đã dành thời gian phiên dịch toàn bộ tạng kinh Nikāya ra tiếng Việt, mở ra hướng tiếp cận, học hỏi cho Tăng Ni, Phật tử đối với nguồn Kinh tạng Nam truyền. Tính cho đến hiện tại, Ban Tổ chức đã tiếp nhận hơn 100 bài tham luận gửi về và sẽ được lựa chọn trình bày trong hội thảo lần này.
* Xin trân trọng tri ân Hòa thượng!