Hòa thượng Thích Giác Toàn: "Thực hiện Đại tạng kinh là sứ mệnh xuyên suốt của Giáo hội”

Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN - Ảnh: Bảo Toàn
Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN - Ảnh: Bảo Toàn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Với bề dày 2.000 năm đồng hành cùng dân tộc, hoàn thành bộ Đại tạng Kinh - Luật - Luận bằng chữ viết tiếng Việt là ước mơ của Tăng Ni, Phật tử; đó cũng là sứ mệnh của Viện Nghiên cứu Phật học VN, một trong những Viện Trung ương hình thành sau khi Giáo hội được thành lập.

Trao đổi với phóng viên báo Giác Ngộ, trong vai trò là giáo phẩm thành viên lãnh đạo của Giáo hội, đứng đầu Viện Nghiên cứu Phật học VN (khóa VIII, nhiệm kỳ 2017-2022), Hòa thượng Thích Giác Toàn cho hay:

- Tôi có nhân duyên gắn bó với hoạt động của Viện Nghiên cứu Phật học VN ngay trong những năm đầu thành lập cho đến ngày nay nên có cơ hội được hầu cận các bậc tôn túc lãnh đạo tiền nhiệm của Viện. Vì lẽ đó, trong nhiệm kỳ này, khi được suy cử đảm nhiệm Viện trưởng, tôi vẫn kiên định quan điểm về việc giữ đúng nề nếp và mục tiêu ban đầu của Viện do cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu sáng lập, đó là hoàn thành “Đại tạng kinh Việt Nam” từ Chánh tạng đến Tục tạng và sớ giải.

Trong đó, thực hiện Đại tạng kinh là sứ mệnh xuyên suốt đối với Viện. Khi HT.Thích Minh Châu viên tịch, HT.Thích Trí Quảng tiếp nối vẫn giữ đúng định hướng này, đồng thời mở rộng tầm hoạt động và đi vào chi tiết hơn. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ trước, HT.Thích Trí Quảng đã cho phép thành lập 10 trung tâm trực thuộc Viện và đạt được sự đồng thuận cao. Các trung tâm này đến nay vẫn tiếp tục được duy trì và đang hoạt động hiệu quả, có chiều sâu.

* Hòa thượng vừa nhấn mạnh đến sứ mệnh thực hiện “Đại tạng kinh Việt Nam”. Với những gì hiện có, chúng ta sẽ tiếp cận công việc này thế nào?

- Thực hiện Đại tạng kinh là tâm nguyện thiêng liêng của Giáo hội và Viện Nghiên cứu Phật học VN là cơ quan được Giáo hội phân công đảm trách. Xin được nhấn mạnh điểm này để thấy rằng đây không phải là trách nhiệm cá nhân mà cả một tổ chức, có sự chung tay góp sức của nhiều thành viên.

Theo đó, Viện sẽ thực hiện bằng hai phương thức cụ thể như sau: Đối với những bộ kinh đã được chư tôn đức Trưởng lão tiền bối phiên dịch và xuất bản thì chúng ta sẽ thực hiện đồng bộ lại nguyên bản. Với thành quả mà quý ngài lưu lại đã minh chứng tâm đức, tuệ đức, giới thân huệ mạng, sự hy sinh và cống hiến của quý ngài, còn chúng ta là thế hệ tiếp nối có trách nhiệm giữ gìn một cách cẩn trọng. Đối với những bản kinh được dịch dang dở hoặc chưa được dịch, chúng ta sẽ tiếp tục gánh vác. Viện sẽ thỉnh cầu chư tôn đức Tăng Ni, quý học giả, cư sĩ có khả năng chuyên môn, vừa tiếp cận được tri thức hiện đại vừa đảm bảo tính kế thừa thành quả trong quá khứ tham gia cộng tác. Chúng ta may mắn vì đang có một lực lượng đông đảo chư huynh đệ Tăng Ni được đào tạo nghiêm túc ở trong nước cũng như ở nước ngoài nên cần tạo cơ hội để cho thế hệ này góp sức. Đặc biệt là chư tôn đức và quý huynh đệ cùng quý Phật tử kỳ cựu có tâm huyết, hoài bão cùng cộng tác phiên dịch.

Về Kinh tạng Pali, Trưởng lão HT.Thích Minh Châu đã phiên dịch gần như hoàn thiện. Riêng phần luận và luật Nam truyền, chúng tôi đã liên hệ thỉnh cầu chư tôn đức giáo phẩm Nam tông Kinh và các học giả chuyên môn tổng hợp, thẩm định các bản dịch hiện hành trong cũng như ngoài nước của quý ngài: HT.Bửu Chơn, HT.Giới Nghiêm, HT.Tịnh Sự, HT.Tịnh Giác, TT.Chánh Thân, v.v… đồng thời tiếp tục phiên dịch các bản Kinh, Luật, Luận quan trọng còn lại.

Về Tam tạng Bắc truyền, như chúng ta đã biết, phần kinh hiện có nhiều bản dịch của chư tôn đức tiền hiền như chư tôn đức Trưởng lão: HT.Thích Trí Tịnh, HT.Thích Thiện Siêu, HT.Thích Trí Nghiêm, HT.Thích Trí Quang, HT.Thích Thanh Từ…; Về luật có Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ, HT.Thích Thiện Hòa, HT.Thích Đỗng Minh, HT.Thích Phước Sơn, HT.Thích Tuệ Sỹ, HT.Thích Đức Thắng…; Về luận cũng đã công bố nhiều bản dịch của chư tôn đức cũng như các vị học giả, ấn hành trong và ngoài nước.

* Nhìn lại những gì đã được thực hiện, Hòa thượng đánh giá thế nào về nỗ lực của chư tôn túc đi trước đối với công trình này?

- Phải nhìn nhận một cách công tâm rằng chư tôn túc Trưởng lão đi trước đã tập trung tâm nguyện đối với công trình này. Tuy vậy, do thời duyên, do môi trường xung quanh và những yếu tố khách quan nên quá trình thưc hiện chưa hoàn thiện như hoạch định. Ví dụ, trong giai đoạn 1987-1992, nhiệm kỳ đầu của Viện, HT.Thích Minh Châu, vị giáo phẩm sáng lập Viện luôn canh cánh và tha thiết việc thực hiện Đại tạng kinh nhưng vì đất nước vừa trải qua chiến tranh, cần sự tái thiết; kỹ thuật in chưa phát triển đúng mức nên các công trình chỉ thành tưu về mặt cơ bản.

Nhìn lại những chặng đường đã qua, chúng tôi có cảm nghĩ rõ ràng công trình “Đại tạng kinh Việt Nam” từng là tâm nguyện, hoài bão thiêng liêng của chư vị Tổ sư, các bậc tòng lâm thạch trụ của các thế hệ tiền hiền, chư tôn đức danh tăng, cao tăng đã từng hiện thân hoằng pháp trên đất nước quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta. Quý ngài đã phác thảo, định hướng, đã xây dựng nền tảng lưu lại cho chúng ta, chúng ta ngày nay là thế hệ tiếp nối, chúng ta phải chí thành, chí kính thọ hưởng hồng ân đồng thời trân trọng giữ gìn, bảo quản và phát huy.

Chính tổ chức Giáo hội, Viện Nghiên cứu Phật học VN và tất cả những bản kinh, bản luật đã in (hay chưa in đồng bộ), quý ngài lưu truyền lại cho chúng ta là tài sản Pháp bảo cao quý vô tận.

* Không chỉ là chủ trương Giáo hội, việc phiên dịch trước tác kinh điển nhận được sự quan tâm của chư tôn đức người Việt ở nước ngoài. Ví dụ cố HT.Thích Tịnh Hạnh ở Đài Loan đã thực hiện bộ “Linh Sơn Pháp Bảo Đại tạng kinh”. Từ thực tiễn này, các kinh nghiệm được rút ra cho sứ mạng hiện nay là gì, bạch Hòa thượng?

- Bộ “Linh Sơn Pháp Bảo Đại tạng kinh” là việc làm vô cùng quý báu, vô lượng công đức của cố HT.Thích Tịnh Hạnh, một vị giáo phẩm Phật giáo Việt Nam tu học và hành đạo ở nước ngoài.

Và qua tin tức, tôi nhận biết cố Hòa thượng đã nỗ lực kêu gọi sự cộng tác góp sức của nhiều vị Tăng Ni, quý học giả trong và ngoài nước để hoàn thành công trình Linh Sơn Pháp Bảo Đại tạng kinh như chúng ta đã thấy. Cho nên chúng tôi xem đây là một thành quả vượt bậc của một vị giáo phẩm của Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài còn lưu lại mà Viện chúng tôi cần tham khảo, đối chiếu để rút kinh nghiệm những ưu, khuyết điểm để hoàn thiện tốt nhất công tác của chúng ta.

* Vừa qua, Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội công bố dự án Kinh điển Phương Đông trong đó có kinh điển Phật giáo, có mời một số chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội tham gia. Liệu chương trình có trùng lắp những gì với kế hoạch của Viện Nghiên cứu Phật học VN đang làm?

- Đối với mỗi người con Phật tại Việt Nam, việc thực hiện Đại tạng kinh là trách nhiệm, là bổn phận, mà cũng là sứ mạng thiêng liêng cần phải quyết tâm thực hiện để tiếp nối hoài bão các bậc tiền nhân đi trước. Nhiệm vụ này phải được tập trung, không chần chừ để tạo nên kho tàng tâm linh vô giá cho thế hệ sau.

Trong khi đó, chương trình Kinh điển Phương Đông được Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội do PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội kiêm chủ nhiệm, khởi xướng là một chủ trương lớn của Nhà nước, được Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cố vấn, chỉ đạo nhằm thực hiện những tác phẩm Kinh điển Phương Đông gồm Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo là nguồn tài sản trí tuệ, văn hóa tâm linh vô giá góp phần định hướng phát triển trong tương lai.

Chúng tôi rất vui và hoan hỷ khi đón nhận tin này vì từ nay chúng ta không còn đơn độc với nhiệm vụ của mình. Bởi lẽ, các hoạt động trong quá trình thực hiện Đại tạng kinh của Viện Nghiên cứu Phật học VN và dự án Kinh điển Phương Đông chắc chắn có sự tương tác và hỗ tương cho nhau. Không những thế, đây còn là tin vui đối với cộng đồng xã hội vì từ nay sẽ từng bước hình thành nên mạng lưới kết nối trong học thuật, trong tư tưởng, trong sinh hoạt cộng đồng và trong hội nhập, phát triển.

Tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng, việc thực hiện Đại tạng kinh là trách nhiệm của người con Phật. Giáo hội chúng ta cần quyết tâm và tiếp nối nhau thực hiện cho đến khi hoàn thành tâm nguyện.

* Hòa thượng có thể cho biết, bao giờ Viện Nghiên cứu Phật học VN sẽ giới thiệu chính thức ấn phẩm “Đại tạng kinh Việt Nam” của nhiệm kỳ này và công trình Đại tạng kinh khi nào sẽ hoàn thành?

- Dự kiến từ nay đến cuối năm 2019, phần Kinh tạng Pali sẽ được in ấn và giới thiệu đến chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước. Với mục đích và định hướng đã nói, với sự chứng minh của thập phương thường trụ Tam bảo, cùng sự hộ trì của chư Thiên, Long thần hộ pháp, chúng ta đặt niềm tin công trình Đại tạng kinh Việt Nam sẽ được hoàn thành trong vòng từ 10 năm đến 15 năm, dự phòng không quá 20 năm, gồm Chánh tạng, Tục tạng và sớ giải.

* Chân thành cảm ơn Hòa thượng!

Bảo Thiên thực hiện (Báo Giác Ngộ số 1016)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng toạ Thích Tĩnh Triệt

Đồng Tháp: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh có tân Trưởng ban sau khi Hoà thượng Thích Chơn Minh viên tịch

GNO - Nguồn tin của Báo Giác Ngộ, ngày 14-11, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ấn ký Quyết định số 444/QĐ-HĐTS bổ nhiệm Thượng tọa Thích Tĩnh Triệt làm Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp.

Thông tin hàng ngày