Hoàng Thanh Bình và Dự án “Triệu người sống bình an”

Anh Hoàng Thanh Bình trong một hoạt động thiện nguyện
Anh Hoàng Thanh Bình trong một hoạt động thiện nguyện
0:00 / 0:00
0:00
GN - Dự án “Triệu người sống bình an” - sản xuất và phát sóng những video ngắn vào đầu giờ sáng mỗi ngày với mục đích chia sẻ những thông điệp tích cực, lan tỏa năng lượng bình an và niềm tin yêu cuộc sống đến mọi người.

Chương trình được chính thức ra mắt lúc 8 giờ 8 phút tối 8-8-2021 qua sự kiện có tên “An vui nơi này” được phát sóng trực tiếp trên Zoom và livestream trên Facebook. Người có sáng kiến này là anh Hoàng Thanh Bình ở Hà Nội.

Chàng kỹ sư mê đọc sách và thiện nguyện

Hoàng Thanh Bình (sinh năm 1983) là kỹ sư công nghệ thông tin, đồng sáng lập Báo Net (nay là CKPay), ứng dụng đọc báo tổng hợp trên thiết bị di động với hơn 2.500.000 lượt tải.

Anh cũng có quá trình thiện nguyện dày dặn, tham gia làm tình nguyện viên cho quỹ Trò nghèo vùng cao (tiền thân là chương trình Cơm có thịt). Phụ trách toàn bộ kênh online, website, Facebook… của quỹ.

Hoàng Thanh Bình còn được biết đến là người sáng lập nhóm Giáo dục Con tự học - chia sẻ những tài nguyên học liệu hữu ích tới cộng đồng cha mẹ đồng hành cùng con tại fb.com/groups/contuhoc. Cho tới nay, nhóm đã có gần 160.000 thành viên và được nhiều thầy cô giáo và các bậc cha mẹ học sinh đánh giá cao.

Mới đây, tháng 6-2021, anh sáng lập Peacebooks với mục tiêu đưa tới người đọc những cuốn sách hữu ích về các lĩnh vực Giáo dục - Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh, nhằm giúp họ khai mở tuệ giác, thực tập sống chánh niệm, bình an và hạnh phúc.

Nói về “Triệu người sống bình an”, anh Hoàng Thanh Bình cho biết, chương trình muốn lan tỏa thông điệp chính là: BẠN BÌNH AN, TÔI BÌNH AN, TRIỆU NGƯỜI SỐNG BÌNH AN.

Ảnh tác giả

“Từ xa xưa tới nay, ai cũng mong cầu bình an và thường đi tìm bình an ở bên ngoài. Nhưng với trải nghiệm của cá nhân tôi thì bình an không cần tìm ở đâu xa, bình an ở ngay trong ta, trong từng hơi thở và bước chân có ý thức của ta. Bạn thử quan sát mà xem, trước những điều bất như ý của cuộc sống, nếu ta càng bất an thì tình hình càng rối ren và khó xử lý. Vậy có lẽ khôn ngoan hơn là ta chấp nhận mọi thứ đến với ta, hạnh phúc hay phong ba thì cũng bình tĩnh đón nhận. Chính ở thời khắc đó, ta sẽ có cảm giác bình an và sẵn sàng vượt qua những phong ba bão táp cuộc đời.

Hoàng Thanh Bình

Theo anh Bình, ý tưởng về việc sản xuất những video ngắn để chia sẻ tới mọi người thông điệp tích cực, bình an và tình yêu cuộc sống đã lóe lên trong anh vào sáng 27-7-2021, khi nhìn thấy những bức ảnh chụp những con đường TP.HCM không một bóng người sau ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội tăng cường, hạn chế người dân ra đường từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

“Với sự giúp đỡ của những người bạn tâm giao, chỉ trong chưa đầy 12 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã có sản phẩm video đầu tiên ra mắt mọi người. Thông điệp mà chúng tôi gửi gắm rất đơn giản: Nếu bạn bình an, tôi bình an thì đến một ngày, sẽ có cả triệu người bình an và rồi cả thế giới này sẽ được bình an. Có lẽ chính thông điệp đơn giản nhưng ý nghĩa ở thời điểm này đã thu hút được sự ủng hộ của nhiều người”, anh Bình nói.

Đến với chương trình tại https://peaceworld.vn/ hoặc kênh YouTube “Triệu người sống bình an” sẽ thấy rõ mục tiêu lan tỏa lối sống bình an của Hoàng Thanh Bình. Tất cả nội dung đều truyền tải tới người nghe, người đọc những thông điệp vui tươi, tích cực, chữa lành và chuyển hóa.

Anh Bình bày tỏ: “Chúng tôi định vị các video này như bữa điểm tâm sáng, do vậy, chúng tôi cố gắng để bữa điểm tâm này sẽ phong phú và thật sự thanh mát để khiến cho ai cũng cảm thấy được bình an khi bắt đầu một ngày mới”.

Tín hiệu vui

Chia sẻ với Giác Ngộ, anh Bình cho biết, có lẽ thông điệp chương trình đưa ra đã chạm đến trái tim của nhiều người nên đã có hơn 16.000 lượt người xem trực tiếp qua Zoom và Facebook tọa đàm “An vui nơi này” tối buổi ra mắt, 8-8.

Hàng trăm video tự quay nội dung thông điệp “Bạn bình an, Tôi bình an, triệu người sống bình an” gửi về cho chương trình - từ em bé 2 tuổi tới cụ già 91 tuổi, từ người ở nông thôn đến thành thị, ở Việt Nam hay ở nước ngoài, và cả những người bạn nước ngoài đang tập nói tiếng Việt.

Anh Bình cho rằng, đó là những hiệu ứng rất tốt cho một chương trình hoàn toàn mới, cũng là niềm động viên rất lớn cho ê-kíp, những con người đang phụng sự hết lòng cho chương trình.

Bài trên ấn phẩm Báo Giác Ngộ số 1120-1121 - Thiết kế: Tống Viết Diễn

Bài trên ấn phẩm Báo Giác Ngộ số 1120-1121 - Thiết kế: Tống Viết Diễn

Khi có bình an, ta có cơ hội vượt qua đau khổ

Trong khi tìm hiểu về chương trình, cộng tác viên Giác Ngộ còn được trò chuyện thú vị với anh Hoàng Thanh Bình xoay quanh việc học Phật khi biết anh cũng là một Phật tử thuần thành…

Nhân duyên nào đưa anh đến với việc học Phật?

- Từ khi đọc sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi hiểu ra rằng Phật là biểu hiện của trí tuệ và từ bi. Tôi muốn trau dồi thêm trí tuệ và lòng từ bi đó trong tôi nên tôi bắt đầu học Phật.

Từ đó đến nay anh đã thực tập giáo pháp như thế nào?

- Tôi bắt đầu đọc sách và tự thực hành theo những chỉ dẫn của Thiền sư Nhất Hạnh qua những trang sách. Đó là những bước chân đầu tiên của tôi trong việc thực tập giáo pháp Đức Phật. Sau này, tôi có tham gia trong một vài cộng đồng thực tập; việc thực hành hàng ngày giúp tôi giữ được bình an nội tâm, phát triển tuệ giác và lòng từ bi trong chính bản mình.

Trong cơn đại dịch, biến cố lớn của nhân loại và đất nước, anh giữ tâm thế ra sao? Và làm sao có thể bình an trong khổ đau?

- Có một câu trong đạo Phật mà tôi luôn nhớ và thực tập: "Tâm bình thế giới bình/Tâm an vạn sự an". Đây cũng là ý tưởng để tôi đưa ra thông điệp của chương trình: Bạn bình an, Tôi bình an, Triệu người sống bình an. Tôi ý thức được rằng, nếu mình không thể giữ được sự bình an nội tâm, gia đình mình không hòa thuận thì làm sao thế giới này có thể bình an.

Bình an là một thứ năng lượng, và nếu bạn bình an, tôi bình an thì chắc chắn thế giới này sẽ bình an.

Khi có bình an, chúng ta sẽ có cơ hội vượt qua được khổ đau. Nếu có ý thức về vô thường thì sẽ dễ dàng chấp nhận khổ đau và bình thản vượt qua nó. Mình không thể chạy trốn khổ đau, mình chỉ có thể chọn thái độ bình an hay sợ hãi trước khổ đau, và dù có chọn thế nào, thì khổ đau vẫn có đó. Vì vậy tôi chọn bình an trước khổ đau.

Covid không chỉ làm cho người ta bị bệnh ở thân mà tâm cũng tổn thương sâu sắc. Tuy nhiên, chuyện chữa lành tinh thần dường như chưa được quan tâm đúng mức. Theo anh, chúng ta cần làm gì để vượt qua tổn thương tinh thần hậu Covid?

- Câu chuyện hậu Covid có thể sẽ có nhiều điều để nói, nhưng đúng là ngoài bị bệnh ở thân thì tâm ta cũng rất dễ bị tổn thương. Tôi chọn cung cấp “bữa ăn sáng cho tâm” thay vì thức ăn cho thân.

Có nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang chung tay cung cấp những bữa ăn vật chất cho mọi người có hoàn cảnh khó khăn và chúng ta biết ơn họ về điều đó. Nhưng tâm của tất cả chúng ta cũng cần thức ăn, và đang có rất ít nguồn cung cấp thức ăn để nuôi dưỡng nó. Tâm ta có thể bị “chết đói” trước khi bị đói vật chất hay mắc bệnh về thân. Cung cấp một chút thức ăn bình an cho tâm mỗi người vào đầu ngày mới, đó là mong ước của tôi và các bạn tình nguyện viên phụng sự khi thực hiện chương trình này.

Chúc anh luôn bình an và chương trình có thể lan tỏa thật nhiều năng lượng tích cực đến cộng đồng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày