HT.Thích Huệ Minh nói về việc cúng giao thừa ở tư gia

“Cần đón Tết đúng pháp Phật & truyền thống dân tộc”

GN - Tết - Thời khắc đoàn viên, thiêng liêng nhất của mỗi người Việt Nam với tâm tưởng để lại sau lưng những điều xưa cũ, hướng đến một năm mới an khang, hạnh phúc và hanh thông.

HT Hue Minh.JPG

HT.Thích Huệ Minh

Do vậy, theo thời gian, mỗi khi Tết đến, mọi người luôn tìm cách chuẩn bị, thực hành các nghi thức, sinh hoạt để may mắn luôn được thường trực cho bản thân và gia đình. Trong câu chuyện cuối năm, phóng viên Giác Ngộ được dịp tiếp chuyện với HT.Thích Huệ Minh, UV Thường trực HĐTS, Trưởng ban Nghi lễ T.Ư GHPGVN, vị giáo phẩm dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về nghi lễ Phật giáo cũng như các sinh hoạt truyền thống của người Việt và được Hòa thượng chia sẻ:

- Tự bao đời nay, Tết trong tâm thức của người Việt dù ở quốc độ nào vẫn giữ nguyên các giá trị tâm linh, tinh thần sâu sắc không gì có thể thay thế được. Theo truyền thống văn hóa của mình, người Việt Nam luôn quan niệm ngày Tết là khoảng thời gian khai nguyên, mở đầu của một năm mới. Do vậy, mỗi khi Tết đến xuân về, giữa thời khắc giao hòa của đất trời, người Việt luôn mong cầu cho bản thân được bình an, gia đình yêu thương, tai qua nạn khỏi, hưởng nhiều phước lành. Riêng đối với người Phật tử, ngày Tết cũng là lúc tâm niệm được dõng mãnh nhất để phát khởi sự tu tập một năm sau đó nên ước muốn về sự thành tựu trên con đường tâm linh, đạo hạnh được sáng tỏ luôn thường trực trong thời khắc này.


Đầu xuân đi chùa, lễ Phật

Hòa thượng vừa nói đến tâm thế đón Tết của người Phật tử. Vậy sinh hoạt ngày Tết của người Phật tử nên như thế nào là vừa đúng Chánh pháp và phù hợp với truyền thống, bạch Hòa thượng?

- Trong những ngày Tết, đặc biệt ngày mùng 1 ÂL là ngày Đản sanh của Đức Phật Di Lặc - vị Phật mang đến sự hoan hỷ, an vui và bao dung cho mọi loài. Trong đó, nụ cười Đức Phật Di Lặc trở thành biểu tượng cho ý niệm hỷ xả trong các mối quan hệ giữa người với người, nên người Phật tử cần học theo đức tính, công hạnh của Ngài bằng cách giữ tâm được thư thái, giữ thân tiếp xúc với những năng lượng tâm linh tích cực và giữ miệng để nói ra những lời yêu thương, dễ nghe để mang an lạc cho mình, cho người xung quanh.

Ở một nghĩa nào đó, người Phật tử cũng là thành viên của gia đình, cộng đồng xã hội nên không nhất thiết phải tách biệt hành trì mà cần hòa vào niềm vui chung. Tuy vậy tâm niệm vui tươi, hoan hỷ này cần có chừng mực, không nên quá đà, không vượt qua phạm vi cho phép để tránh xảy ra những điều đáng tiếc.

Người Việt mình hay có quan niệm, Tết là phải vui và cái vui đó trong sinh hoạt của người Phật tử thể hiện ở việc đi chùa, lễ Phật đầu năm; khánh tuế chư Tăng Ni để nhận những chỉ dạy về cuộc sống và con đường tâm linh trong một năm mới; bố thí, cúng dường, làm và khuyên người khác làm những điều phước thiện.

VG_DS (1).JPG

Phật tử đi chùa ngày Tết tại Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: Vũ Giang


Trong sinh hoạt Phật giáo, theo Hòa thượng, việc đi chùa đầu năm phải thể hiện sao cho đúng phép?

- Đi chùa đầu năm đúng phép thể hiện trên hai phương diện: Về hình thức biểu hiện cần phải thật trang nghiêm. Điều này có nghĩa là người Phật tử hoặc khách thập phương nên ăn mặc tinh tươm, nếu khoác thêm áo tràng lúc thực hành nghi thức lễ lạy nữa thì càng tốt; trong khoảng thời gian ở chùa, nên thể hiện tâm thái vui tươi nhưng luôn ý thức đây là nơi trang nghiêm để có ứng xử cho phù hợp. Về tâm thức, cần dọn rửa tâm được an lạc, không vướng bận phiền não, buồn rầu.

Khi đến chùa, nếu có dịp được tiếp xúc với chư tôn đức Tăng Ni thì chắp tay xá chào, miệng niệm “Nam-mô A Di Đà Phật” theo đúng lễ nghi. Nếu biết giáo phẩm thì bạch và xưng theo giáo phẩm. Nếu không biết thì bạch Thầy - Cô theo cách thông thường là được.

Còn cách thức lễ Phật thì sao, bạch Hòa thượng?

- Lễ Phật, nói đầy đủ đó là lễ Tam bảo, bao gồm tự mình thực hiện nghi thức này hoặc lễ chung với đại chúng đang có thời khóa sinh hoạt tại cơ sở tự viện.

Nếu chỉ cá nhân mình lễ lạy thì trước cần quỳ trước Tam bảo, hai tay trân trọng cầm nén nhang dâng trước trán, thành tâm khấn nguyện mong ước và dâng lên mười phương Tam bảo chứng minh, gia hộ. Sau đó cắm nhang vào lư và đảnh lễ Tam bảo ba lạy theo tư thế năm vóc sát đất. Ngược lại, nếu tháp tùng cùng đại chúng lễ lạy thì cần theo sự hướng dẫn của đại chúng hoặc chư tôn đức Tăng Ni tại cơ sở tự viện.

Tâm thành không ở nén nhang

Nhiều khách thập phương và ngay cả Phật tử khi đến chùa, đốt khá nhiều nhang vì cho rằng nó thể hiện sự đủ đầy và thành tâm, điều này có cần thiết?

- Theo đúng ý nghĩa, trong phần dâng hương của các khóa lễ Phật giáo cần có “Ngũ phần danh hương” (còn gọi là “Ngũ phần hương”) gồm năm loại hương thơm: Hương Giới, hương Định, hương Tuệ, hương Giải thoát, hương Giải thoát tri kiến. Xét về sự, khi nguyện hương phải đầy đủ năm nén nhang để biểu thị năm loại hương thơm này.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, để bớt đi sự ô nhiễm do khói nhang gây ra và để tạo không gian trong lành cho cơ sở tự viện, người viếng chùa chỉ cần một nén nhang là đủ. Khi đã có sự thành tâm thì làn khói hương trầm quyện tỏa cũng có thể tượng trưng cho việc chúng ta dâng Ngũ phần hương. Lòng thành thì dù chỉ một nén nhang, chư Phật mười phương cũng chứng giám. Do vậy, người viếng chùa không cần thiết phải thắp nhiều nhang mới đúng nghi lễ.

TND_4227_106931269.jpg

Ảnh: Ngộ Dũng

Vậy đối với tục lệ chọn hướng xuất hành đầu năm, có nên không bạch Hòa thượng?

- Ngày nay, con người hay chú trọng vào phong thủy, phương hướng như là một điều kiện tạo lập nên các cơ hội tốt cho cuộc sống, đặc biệt là hoạt động kinh doanh buôn bán, xây dựng cơ nghiệp, tạo lập vị trí trong xã hội.

Riêng đối với Phật giáo, hướng đi tốt xấu không phụ thuộc vào không gian và phương hướng, đất địa mà nó phụ thuộc vào giá trị hạnh phúc được tạo dựng cho con người. Áp dụng vào việc này, xét về không gian, người tin Phật chọn hướng đi nào cũng được, miễn bản thân cảm thấy thoải mái và hạnh phúc. Đặc biệt, dịp đầu năm cũng là lễ vía Đức Phật Dược Sư, vị Giáo chủ ở phương Đông nên khi xuất hành, người Phật tử cần khởi tâm niệm hướng về phương Đông để tạo sự giao cảm với vị Phật có pháp hành trì nhằm tiêu tai tiêu nạn, tật bệnh tiêu trừ.


Có ngày giờ tốt xấu?


Trong năm mới, việc xem ngày giờ tốt xấu, sao hạn trở nên phổ biến, Hòa thượng nhìn nhận gì về hiện tượng này?

- Việc xem ngày giờ tốt xấu, cúng sao giải hạn đã lâu đời và ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Bởi lẽ, ở đất nước ta vào thời đại Lý - Trần, Phật giáo được chú trọng xiển dương và phát triển rực rỡ nhưng cũng dần bắt đầu hình thành và tồn tại tinh thần Tam giáo đồng nguyên: Nho - Phật - Lão. Theo đó, có sự chung sống hòa hợp giữa giáo lý đạo Phật và tư tưởng Nho giáo, Lão giáo nên quan niệm về Đức Phật và những lời dạy của Ngài có dấu hiệu pha trộn, dân gian hóa. Do vậy mà trong sinh hoạt của Phật giáo bị ảnh hưởng, xuất hiện các hiện tượng xem ngày giờ, đoán tốt xấu, cúng sao hạn vốn dĩ xuất phát từ Trung Hoa và có sức ảnh hưởng rất lớn đối với các nước Á Đông.

Năm mới, tự viện
cần phải tinh tươm


Dù có nhiều đổi thay, trong tâm thức của người Việt, mỗi khi lễ Tết, ngôi chùa vẫn được xem như là địa chỉ tâm linh thiêng liêng để mỗi người quay về, lễ Phật, cầu nguyện những điều an lành nhất. Do vậy, chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử tại các trú xứ nên dành thời gian trước Tết dọn dẹp, trang hoàng tòng lâm phạm vũ được tinh tươm. Vào thời khắc giao thừa, toàn thể đại chúng trong chùa đều phải vân tập về chánh điện rước lễ đầu năm, vía Đức Phật Di Lặc; cử 3 hồi chuông trống bát-nhã nghinh đón giao thừa, khai chung bảng; chúc phước lành và phát lộc cho Phật tử viếng chùa.

Trong khi đó, quan điểm căn bản của Phật giáo không chú trọng đến ngày giờ tốt xấu, sao hạn, mà ngày nào cũng có thể là ngày tốt, tháng nào cũng có thể là tháng tốt nếu con người biết tích tụ những thiện nghiệp thông qua việc suy xét cho kỹ lời nói, hành động và ý thức trên phương diện lợi mình, lợi người. Hơn nữa, tư tưởng của đạo Phật rất chú trọng đến triết lý duyên sinh - nhân quả và nghiệp báo, mọi hiện tượng xuất hiện trên thế gian này, mọi sự tốt xấu đều mang tính tương tác, liên đới theo cách thức có nhân, có quả.

Do vậy mà Đức Phật dạy rằng, cách xem ngày giờ tốt xấu đúng nhất nên dựa vào tư tưởng: “Dục tri tiền thế nhân/ Kim sanh thọ giả thị/ Yếu tri lai thế quả/ Kim sanh tác giả thị”, tạm dịch “Muốn biết nhân đời trước/ Xem thọ nhận đời này/ Muốn biết quả đời sau/ Xem tạo tác đời này”. Điều này có nghĩa những gì mà con người thọ dụng trong cuộc sống này đều do chánh báo và y báo của mình, và muốn biết tương lai ra sao, tốt xấu thế nào, cuộc sống có hạnh phúc hay không, nghèo hay giàu thì cứ soi xét cho kỹ những gì ta tạo dựng trong hiện tại.

Cũng cần nói thêm rằng, trước khi nhập Niết-bàn, trong kinh Di giáo, Đức Phật đã dạy rằng không nên xem tướng lành dữ; không nên nhìn sao trên trời để suy lường vận mệnh nên hư. Những việc xem ngày giờ tốt xấu đều chẳng nên làm. Dù vậy, vẫn có nhiều Phật tử chưa hiểu sâu về đạo Phật, chưa đủ chánh kiến để tin vào bản thân nên trước những sự việc trọng đại, đặc biệt là vào đầu năm mới vẫn muốn đến chùa xem ngày giờ, đoán tốt xấu, sao hạn như là một ý niệm trợ duyên, giúp an tâm đối với hướng đi trong năm mới cũng là điều dễ hiểu và thông cảm. Trong trường hợp này, chư Tăng Ni sẽ tùy duyên, phương tiện xem coi cho họ nhưng nó không mang tính quyết định. Vì ngày giờ tốt xấu, sao hạn có chăng cũng chỉ là một yếu tố nhỏ góp phần tạo nên thành công, hạnh phúc và hanh thông chứ không phải là tất cả.

DSC_6211.JPG

Ảnh: Chí Giác Thông

Cúng lễ tại tư gia

Bên cạnh việc đi chùa đầu năm, người Việt cũng thường tổ chức các lễ cúng tại tư gia. Xin Hòa thượng cho biết đó là lễ cúng nào, nghi thức và lễ vật ra sao?

- Thông thường, tại tư gia, khi đón chào năm mới thường có 3 lễ cúng cần chú ý bao gồm: lễ cúng rước ông bà, tổ tiên vào ngày cuối cùng của năm cũ; lễ cúng giao thừa và vía Đức Phật Di Lặc vào đêm trừ tịch (giao thừa); lễ cúng đưa ông bà vào chiều ngày mùng 3 Tết. Trong các nghi thức này, lễ cúng giao thừa khá quan trọng vì đây là thời điểm trời đất giao thoa, âm dương hòa quyện, để cho vạn vật bừng lên sức sống mới.

Đối với người Việt Nam, phút giây giao thừa rất thiêng liêng và trang trọng, và vì thế lễ Trừ tịch được cử hành đúng vào lúc giao thừa bằng cách cúng lễ ngoài trời và lễ trong nhà. Vật phẩm cần chuẩn bị bao gồm: bông hoa, ngũ quả, bánh mứt, bánh chưng, dưa đỏ, trà nước… dọn lên một bàn riêng để giữa nhà. Các bàn thờ khác cũng cần có hoa, quả, bánh mứt đủ đầy tinh tươm.

Trước thời khắc giao thừa 15 phút, gia đình cần chuẩn bị đầy đủ lễ vật, chọn người đại diện, áo lễ trang nghiêm để khấn vái. Trước hết là thắp nhang, nguyện hương, lễ Phật, lễ tổ tiên, sau đó đứng trước bàn cúng hướng ra cửa nhà rồi khấn theo bài văn cúng. (Xem toàn văn bên dưới)

Sau lễ cúng thường có nghi thức xông đất. Với tục lệ này, gia đình cần chọn người có diện mạo trang nghiêm và hoan hỷ, chạm những bước chân đầu tiên vào nhà với niềm tin sẽ mang đến sự may mắn cả năm.

Với lễ cúng giao thừa, nên cử hành một cách trang nghiêm, thiêng liêng nhưng đủ đầy và ấm áp là được.


Chân thành cảm ơn Hòa thượng!



Lời khấn lễ giao thừa


Hôm nay, ngày 1, tháng Giêng, năm Mậu Tuất 2018, là ngày Minh niên, mở đầu một năm mới, ngày vía Đức Phật Di Lặc.

Tại tư gia số… đường… phường / xã… quận / huyện… tỉnh / thành… gia đình chúng con thành tâm kính lễ chư Phật trong mười phương.

Kính lạy Đức Đương lai Hạ sanh Di Lặc Tôn Phật

Kính lạy Đức Đông phương Giáo chủ Tiêu tai Diên thọ Dược Sư Phật

Kính lễ Hoàng thiên Hậu thổ, chư vị tôn thần. Cung thỉnh đương niên sở trị: Việt Vương
Hành Khiển Thiên Bá Hành Binh chi thần, Thánh Tào Phán Quan chi thần.

Cung thỉnh chủ hương linh: Cửu huyền thất tổ, cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, bá thúc huynh đệ, cô di tỷ muội nội ngoại gia tộc, tiền hiền hậu thổ liệt vị giáng lâm gia xứ, chứng giám lễ bạc tâm thành, gia hộ cho chúng con xuân mới Mậu Tuất 2018 hạnh phúc, an khang, thịnh vượng, đạo tâm kiên cố, phước huệ trang nghiêm, vạn sự cát tường, như ý.

Nam-mô Tiêu tai tăng phước thọ Bồ-tát.


Bảo Thiên thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày