Trong đó cho phép thánh địa Borobudur trở thành trung tâm sinh hoạt và thực hiện các nghi lễ tôn giáo của các tín đồ Phật giáo tại Indonesia và trên toàn thế giới.
Adung Abdul Rochman, điều phối viên đặc biệt của Bộ Tôn giáo, cho biết trước khi ký kết biên bản ghi nhớ này, thánh địa hầu như chỉ được sử dụng với mục đích nghiên cứu, văn hóa và du lịch. Sự kiện này diễn ra sau khi Chính phủ Indonesia nhận thấy việc phá hủy các địa điểm tôn giáo và văn hóa của các phần tử Hồi giáo cực đoan ngày càng gia tăng. Họ đã từng phá hoại các di sản văn hóa và tôn giáo đa dạng của thế giới ở Trung Đông, châu Phi, châu Âu và cả Bắc Mỹ.
Biên bản được ký kết vừa qua trở thành bằng chứng bảo vệ pháp lý cũng như là sự hướng dẫn quan trọng đối với việc quản lý và giữ gìn quần thể Borobudur. Trong tương lai, chính quyền khu vực Yogyakarta và Trung Java sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc đối thoại với các nhà lãnh đạo tôn giáo trong việc áp dụng biên bản ghi nhớ này. Ngoài ra, họ cũng sẽ phối hợp với các bộ liên quan trong việc sử dụng Borobudur làm nơi sinh hoạt tôn giáo đối với cộng đồng Phật tử trên toàn thế giới.
Thánh địa Borobudur là một trong những di tích Phật giáo lớn nhất thế giới, được xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII và IX dưới thời trị vì của vương triều Syailendra. Khu di tích nằm ở thung lũng Kedu, trung tâm đảo Java của Indonesia.
Ngôi đền chính của Borobudur là một bảo tháp được xây dựng thành 3 tầng xung quanh một ngọn đồi: nền tháp là 5 bậc thang vuông đồng tâm, thân là 3 bệ hình nón và trên đỉnh là bảo tháp. Mái vòm trên cùng được bao quanh bởi 72 pho tượng Phật, mỗi tượng được đặt trong một bảo tháp. Các bức tường và lan can được trang trí bằng những bức phù điêu tinh xảo với tổng diện tích là 2.520m2.
Borobudur đã được sử dụng như một ngôi chùa Phật giáo từ khi xây dựng cho đến khi bị bỏ hoang vào khoảng giữa thế kỷ X và XV. Sau đó, quần thể này được phát hiện vào thế kỷ XIX, tiến hành trùng tu vào thế kỷ XX và sau đó trở thành một địa điểm khảo cổ của Phật giáo. Vào năm 1991, khu di tích đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Trong lần ký kết quan trọng này, ông Hartati Murdaya, Chủ tịch Hội đồng Đại diện Phật giáo Indonesia, cho rằng đây là một biểu hiện cụ thể trong chính sách của chính phủ đối với cộng đồng Phật tử trong việc sử dụng quần thể Borobudur. Nơi đây không chỉ được dùng làm nơi thực hiện các nghi lễ Phật giáo mà còn là điểm đến tham quan của những người thuộc các tôn giáo khác.
“Thay mặt cho cộng đồng Phật tử ở Indonesia, chúng tôi rất biết ơn những nỗ lực của chính phủ trong việc cho phép đền Borobudur trở thành trung tâm sinh hoạt của các Phật tử ở Indonesia và thế giới. Các Phật tử từ nhiều truyền thống khác nhau cũng sẽ làm việc cùng nhau để mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người”, ông Hartati Murdaya nhấn mạnh.
Biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo và Chính phủ Indonesia cùng với sự hỗ trợ của Bộ Tôn giáo, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ, Bộ Doanh nghiệp Nhà nước (SOEs), Bộ Du lịch và Kinh tế cũng như chính quyền tỉnh Yogyakarta và Trung Java.