Khất thực và xuất gia

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

GN - Về nguyên tắc, hiện tất cả chư vị Tăng Ni đều không đi khất thực...

HỎI: Tôi là một sinh viên Phật tử. Buổi sáng, sau khi tụng kinh ở chùa xong, trên đường về nhà tôi thường gặp một vị sư đi khất thực. Vị ấy có thần thái, cử chỉ đều rất trang nghiêm khiến tôi kính mến vô cùng nên thường hay dừng xe lại cúng dường, tự cảm thấy mình rất may mắn mới cúng dường được vị Tỳ-kheo như thế. Nhưng vừa rồi tôi nghe một Phật tử khác nói rằng Giáo hội đã đình chỉ việc đi khất thực của các sư từ lâu, vị kia chắc là giả. Nghe qua tôi thấy hoang mang quá và không biết sự thực thế nào?

Và tôi còn một việc nữa muốn hỏi, đó là tôi rất muốn được xuất gia tu học. Mẹ và các dì của tôi thì rất vui mừng ủng hộ nhưng tôi biết chắc cha và ông bà nội, vốn không tín tâm với Tam bảo, lại kỳ vọng rất nhiều vào tôi, nên nhất định sẽ phản đối. Tôi từng định học xong sẽ viết thư để lại cho gia đình nói rõ ý nguyện rồi âm thầm bỏ đi tu luôn. Không biết tôi làm như vậy có lỗi lầm hay không khi tôi lường trước cha và ông bà tôi sẽ rất buồn và trút cơn giận lên mẹ và các dì của tôi, thậm chí các cô chú trong đạo tràng. Tôi không biết mình nên làm thế nào để thực hiện được ước nguyện xuất gia của mình?

(PHÁP TRÍ, m2m_wonderfullovesong@yahoo.com.vn)

ĐÁP:

Bạn Pháp Trí thân mến!

Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quy định: “Cương quyết ngăn chặn hành vi khất thực phi pháp, lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo để làm trái với truyền thống của đạo Phật…”. Các hệ phái Phật giáo Nguyên thủy và Khất sĩ từ lâu cũng đã tạm đình chỉ việc khất thực của quý sư nhằm ngăn chặn tệ nạn sư giả lợi dụng khất thực để trục lợi. Như vậy, về nguyên tắc, hiện tất cả chư vị Tăng Ni đều không đi khất thực, nên các vị sư đi khất thực ngoài khuôn viên chùa viện đều là sư giả, hoặc nếu không phải sư giả thì vị ấy phạm lỗi bất tuân Giáo hội.

Do đó, một người Phật tử chân chính phải tu học và hành xử theo tinh thần chỉ đạo của Giáo hội, Tăng-già (một trong ba ngôi Tam bảo) mà không nên hành xử theo cảm tính của riêng mình. Hiện nay, các vị sư giả khất thực phi pháp với vô số hành vi phản cảm đã làm hoen ố và ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Tăng-già. Nếu tất cả Phật tử đồng lòng, quyết tâm không ủng hộ người khất thực phi pháp nữa thì chắc chắn tệ nạn kia sẽ được chặn đứng.

Riêng việc xuất gia của bạn vốn là điều hệ trọng, nên rất cần sự đồng thuận của cả gia đình. Bạn cứ mạnh dạn bày tỏ tâm nguyện xuất gia của mình với cha và ông bà. Có thể những lần đầu bạn không thành công nhưng cứ tiếp tục nhiều lần thì cha và ông bà sẽ thuận theo tâm nguyện của bạn. Khi bạn đến tuổi trưởng thành, sau nhiều lần xin phép mà vẫn không được thì bạn sẽ tự quyết định hướng đi của đời mình. Còn hiện tại, bạn hãy cố gắng học tập, hiếu thảo với cha mẹ và sống đúng với nhân cách của người Phật tử chân chính, thực hành Tam quy và Ngũ giới trong đời sống hàng ngày. Những khó khăn trước mắt chính là thử thách trong buổi đầu hướng đến con đường xuất gia mà bạn cần vượt qua để đi tới.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày