Khi hình ảnh Đức Phật bị đem làm biếm họa

Trích hình từ cuoi.tuoitre.vn
Trích hình từ cuoi.tuoitre.vn

GNO - Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn xót xa chia sẻ - việc đó là rất nghiêm trọng xét trên phương diện ứng xử văn hóa.

Câu chuyện Tuổi Trẻ Cười, phụ trương của nhật báo Tuổi Trẻ lấy hình ảnh Đức Phật, đối tượng tín ngưỡng thiêng liêng nhất của tín đồ Phật giáo dùng trong các biếm họa gây tiếng cười không phải là chuyện mới xảy ra; gần đây lại tiếp tục với tiểu phẩm “Ứng dụng lễ chùa, nạp tiền được phù hộ cả tháng” đăng trên phiên bản điện tử hôm 23-9 vừa qua (https://cuoi.tuoitre.vn/truyen-tranh/ung-dung-le-chua-nap-tien-duoc-phu-ho-ca-thang-2020092365123156.html), khiến dư luận Phật tử bức xúc trên cộng đồng mạng.

Sự việc nghiêm trọng hơn rất nhiều, trước đây, Tuổi Trẻ Cười qua các ấn phẩm báo in, không chỉ một số, một tiểu phẩm như trên, mà nhiều trang, vài số liền đã dùng hình ảnh Đức Phật để trình bày biếm họa, lên cả bìa 1.

Tác giả Hoàng Độ trong một bài viết trên Báo Giác Ngộ liên quan tới hiện tượng tăng giảm số lượng tín đồ các tôn giáo tại nước ta qua số liệu được Cục Thống kê công bố chính thức, đã từng cảnh báo, rằng: “Trong truyền thống ở nước ta, chưa bao giờ hình ảnh Đức Phật và tu sĩ Phật giáo trở thành chủ đề biếm họa trên một tờ báo có ảnh hưởng đối với dư luận xã hội là Tuổi Trẻ - trong ấn phẩm Tuổi Trẻ Cười…”.

Vấn đề trên cũng đã được đại biểu thuộc đoàn đại diện Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM báo cáo tại hội nghị sinh hoạt Giáo hội tại Văn phòng 2 - Thiền viện Quảng Đức vào tháng 4-2019.

Biếm họa phê phán, châm biếm các thói hư tật xấu, nhưng không vì thế mà bất chấp, sử dụng hình ảnh thiêng liêng nhất đối với tín đồ đạo Phật, như các tiểu phẩm trên Tuổi Trẻ Cười, là khó chấp nhận đối với số đông người có tín ngưỡng Phật giáo. Điều đó dễ hiểu khi cộng đồng mạng trong mấy ngày qua đã bức xúc.

Là người quan tâm rất sớm, từ năm 2019, về việc lấy hình ảnh Đức Phật để biếm họa trên Tuổi Trẻ Cười, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn xót xa chia sẻ việc đó là rất nghiêm trọng xét trên phương diện ứng xử văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện nay có nhiều biểu hiện suy thoái đạo đức truyền thống.

“Khi nhìn hình ảnh Đức Phật, người ta nghĩ ngay tới từ bi, hỷ xả - những giá trị đạo đức đẹp đẽ, không chỉ riêng đối với tín đồ Phật giáo mà của con người nói chung. Do đó, dùng hình ảnh Đức Phật để làm biếm họa, dù để lên án điều gì, thì không thể chấp nhận. Việc làm đó cũng có thể ví như hành động giật đổ đạo đức xã hội, phá hủy niềm tin tôn giáo của người khác”, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nhận định.

Hương Trà/Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày