Không bỏ ai

GNO - Đây là tinh thần hóa độ của Đức Phật - bởi Ngài thấy trong mỗi con người ai cũng có hạt giống Phật, nhưng chỉ vì tham-sân-si như mây mờ che lấp, khiến người ấy nghĩ-nói-làm điều sai quấy.

Họ cần được khai thị - để sáng mắt, sáng lòng - tất nhiên, ai khai thị và khai thị như thế nào còn tùy nhân-duyên của đối tượng và cả người giáo hóa.

Tuy nhiên, trên bước đường hoằng truyền Chánh pháp, môn đệ của Đức Phật luôn thực tập theo tinh thần "không bỏ ai" của Phật mà hóa độ tất cả những đối tượng trong khả năng - để vừa lợi mình, lợi người. Theo đó, vừa giúp họ hiểu Phật, tin nhân quả mà quay về đường chánh, nhưng cũng không sa đà, dành quá nhiều thời giờ vào công tác "độ sinh" mà không lo "độ mình".

Không bỏ ai - trước tiên, phải là không bỏ mình - bản thân chăm lo việc quán chiếu tự thân, dừng bớt các hoạt động thế tục để trau dồi Tam vô lậu học (giới - định - tuệ). Với Tăng Ni thì mùa An cư kiết hạ/ An cư kiết đông chính là thời điểm dừng lại như thế, nhiều nhất, một cách miên mật. Còn 9 tháng còn lại vẫn miên mật nhưng có dành thời gian cho việc hóa độ, giáo hóa người hữu duyên, trong quá trình làm Phật sự luôn nêu cao tinh thần chánh niệm.

Nét văn hóa độ sinh của người tu Phật luôn tùy duyên trong mọi hoàn cảnh, quốc độ, thời đại - nên không có đúng sai tuyệt đối mà là phù hợp - theo tinh thần "dĩ bất biến ứng vạn biến", không thay đổi cốt tủy của con đường định-tuệ dù phương thức có đổi thay.

Những ngày này, một số bạn trẻ thì đem hoa hồng xuống phố, nhắc người nhớ đến Vu lan là mùa hiếu hạnh, nếu có điều kiện hãy quay về bên đấng sanh thành, hoặc nhớ tới đấng sanh thành mà sống tốt bằng lòng tử tế. Trong khi đó, chư Tăng Ni, có những nơi đã đem Vu lan vào tận trại giam để chuyển hóa người đã từng có lúc lầm mê, lạc lối - bằng cách gợi lại ơn đức sanh thành, dưỡng dục.

DSC_7155-Copy.jpg
Nữ phạm nhân trại giam Xuân Nguyên - Hải Phòng bồi hồi đón Vu lan,
mong rằng, từ hạt mầm này, họ sẽ nỗ lực hồi tâm hướng thiện - Ảnh: Nguyễn Thành Trung

Thường, nhơn tánh con người dù có rơi rụng đến mức nào thì chắc chắn vẫn còn ít nhiều lòng thương tưởng mẹ cha - như một dây nối cuối cùng để trở về "bến bờ nhân gian". Do vậy, hoằng pháp, độ sanh đâu có thời điểm nào tốt hơn mùa hiếu - đem lời nhủ khuyên của Phật về "hạnh hiếu là hạnh Phật" để người người tu dưỡng. Khi có hiếu, họ sẽ giữ mình, sẽ nỗ lực sửa sai - nếu đã lỡ sai, sẽ nỗ lực sống tốt hơn nữa - nếu đang trên đường sống tốt. Thật là duyên lành.

Giống như như ông Đại tá Lều Quang Hòa - trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng) chia sẻ với 250 nữ phạm nhân trong chương trình Vu lan ở đây hôm tối 4-8: “Tất cả các phạm nhân tham dự buổi lễ hôm nay, khi đối trước chư Phật, đối trước chư Tăng thì các vị cũng chính là Phật tử rồi, mà đã là Phật tử thì phải thực hành theo lời Phật dạy, phải có tâm từ bi, tâm hỷ xả, biết yêu thương mọi người xung quanh…”.

Mong rằng, Phật giáo, với tinh thần không bỏ ai - sẽ đem Phật pháp đến nhiều nơi, trong đó có những nơi mà con người lạc lối như trại giam. Và cũng mong, sẽ có nhiều trại giam thấy lợi ích thiết thực của việc chuyển hóa tâm phạm nhân bằng thực tập thiền, quán niệm nhân-quả trong tinh thần Phật giáo và rộng cửa đón chư Tăng Ni vào để cùng góp sức giúp cho phạm nhân "cải tà quy chánh" - trở thành lương thiện trong tương lai. Vì rằng, ai cũng có thể sửa chữa, ai cũng có hạt giống từ bi-trí tuệ bên trong...

Lưu Đình Long

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày