Không có chuyện “Đại lão Hòa thượng được ơn trở lại đạo nhờ đọc kinh Mân Côi kính Đức Mẹ”

Chùa Nam Thiên Nhất Trụ ở Thủ Đức, TP.HCM
Chùa Nam Thiên Nhất Trụ ở Thủ Đức, TP.HCM
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nhiều bạn đọc gửi về tòa soạn một video phổ biến trên YouTube Thanh Long Vlog và các trang mạng xã hội khác có tên gọi "Nhờ lần chuỗi Mân côi, Hòa thượng Việt xưng tội trở lại Đạo Công Giáo" với những thắc mắc, bức xúc và cả sự nghi ngờ.

Video này cũng được đặt tên khác: “Hy hữu: Đại lão Hòa thượng được ơn trở lại đạo nhờ đọc kinh Mân Côi kính Đức Mẹ” .

Trong đoạn video có nêu danh một nhân vật được xác nhận là Hòa thượng Thích Trí Dũng, nguyên trụ trì chùa Nam Thiên Nhất Trụ (Thủ Đức, TP.HCM), mặc dù YouTuber đã dùng kỹ thuật che chữ Dũng trong pháp danh và làm nhòe chân dung của ngài tôn trí trên ban thờ.

Câu chuyện thêu dệt làm dư luận bức xúc

Câu chuyện thêu dệt làm dư luận bức xúc

Câu chuyện thêu dệt được cho là bắt nguồn từ một vị linh mục đang ở nước ngoài, “dù ở trong chùa nhưng Hòa thượng vẫn không quên Chúa, âm thầm lần hạt mân côi”, “về già Hòa thượng muốn trở lại đạo” nhưng lại ngại “thiếu bác ái với Giáo hội Phật giáo và khiến cho người ta rất sốc” và Hòa thượng đã “xin xưng tội với ngài (một vị linh mục) cho Hòa thượng sống đạo trở lại một cách âm thầm và xin ngài thỉnh thoảng cho Hòa thượng được rước lễ”.

Và theo lời kể, vị linh mục kia cũng nhờ một soeur thỉnh thoảng “kiệu mình thánh Chúa” đến chùa cho Hòa thượng rước lễ. “Trước khi viên tịch, Hòa thượng đã nhắn xin một vị linh mục khi Hòa thượng qua đời, nhờ vị linh mục kia làm lễ cầu nguyện cho Hòa thượng ở nhà thờ”…

Dường như ai cũng biết Hòa thượng Thích Trí Dũng, một vị giáo phẩm có pháp tướng và tinh thần cởi mở, ngài khánh sinh năm 1906, nguyên quán thôn Ứng Luật, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, trong một gia đình yêu nước, kính tin Phật giáo thuần thành.

Sau khi cụ thân sinh bị thực dân Pháp bắt đày đi Côn Đảo và qua đời ở đó, Hòa thượng được chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng nhận làm con nuôi.

Hòa thượng xuất gia đầu Phật năm lên 13 tuổi với Sư tổ Thích Thanh Nghĩa tại chùa Kim Liên (Ninh Bình), được ban pháp hiệu Thanh Đàm, pháp danh Trí Đức.

Năm 1934, khi Hội Phật giáo Bắc kỳ thành lập, Hòa thượng được cử làm Ủy viên Trung ương. Năm 1946, Hòa thượng là Ủy viên Hội Liên Việt Liên khu 3, từng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1947, Hòa thượng là người có sáng kiến giải cứu 2.000 người yêu nước bị giam cầm ở Phát Diệm (Ninh Bình).

Năm 1953, ngài vào miền Nam. Năm 1960, Hòa thượng bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam, tra tấn. Ngài đã xây dựng chùa Một Cột (Nam Thiên Nhất Trụ) ở huyện Thủ Đức tại Sài Gòn cũ (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM); tái thiết chùa Phổ Quang ở quận Tân Bình và nhiều ngôi chùa khác trong thành phố.

Hòa thượng được cung thỉnh làm Chứng minh Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM và suy tôn Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN năm 1997. Hòa thượng viên tịch năm 2001, thượng thọ 96 tuổi, 76 hạ lạp.

Trao đổi với Giác Ngộ về nội dung được thêu dệt trong video trên, được cho là dẫn lại từ một vị linh mục ở hải ngoại, Thượng tọa Thích Giác Dũng, trụ trì tu viện Vĩnh Nghiêm (Q.12) khẳng định “làm gì có chuyện đó”!

Được biết, Thượng tọa Thích Giác Dũng gọi Hòa thượng Thích Trí Dũng là sư bác và vẫn thường lên xuống thăm hỏi Hoà thượng lúc ngài sinh tiền. Lúc Hoà thượng viên tịch, Thượng tọa Giác Dũng và Thượng tọa Thanh Phong là những vị tổ chức tang lễ của Hoà thượng tại tổ đình Vĩnh Nghiêm.

Thượng tọa Giác Dũng kể lại rằng Hòa thượng Thích Trí Dũng là người có pháp tướng đẹp, sinh tiền ngài có mối giao hảo với chức sắc các tôn giáo khác, trong đó có một vài vị linh mục. Các soeur dòng Đa Minh gần đấy rất kính mến và gọi ngài bằng “Bố”, thỉnh thoảng kéo cả đoàn sang biểu diễn Thánh ca cho ngài nghe.

Nói với Giác Ngộ, Thượng tọa Thích Thanh Phong, trụ trì tổ đình Vĩnh Nghiêm (Q.3) cũng cho biết Đại lão Hòa thượng Thích Trí Dũng là vị có tinh thần quảng giao, được nhiều người, nhiều giới quý mến vì tính cách hòa đồng, hoan hỷ. Cụ là vị đồng môn, huynh đệ với Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN, từng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc còn ở miền Bắc, và sau này khi sang nước ngoài dự các sự kiện ngoại giao quốc tế, cũng từng gặp nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo tôn giáo khác, trong đó có đức Giáo hoàng Phaolô IV.

“Làm gì có chuyện xưng tội, rồi trở lại đạo”, Thượng tọa Thích Thanh Phong khẳng định.


Xem ghi nhận về "Chuyện một ni cô đến với Giáo điểm Tin Mừng"

Nói về video trên, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN TP.HCM cho biết đã xác nhận thông tin nhiều nguồn, khẳng định nội dung nêu trong video là không có thật.

Thượng tọa cho biết trong kênh của YouTuber Thanh Long Vlog không chỉ có video đó, mà còn những chủ đề được cho thuộc dạng "hy hữu" như vậy để minh chứng cho sự mầu nhiệm của một tín lý tôn giáo khác cũng đã được thực hiện và phổ biến công khai.

Thượng tọa Tâm Hải chia sẻ Ban Thông tin - Truyền thông nhận được nhiều thông tin liên quan tới hiện tượng được cho là người tu (Tăng, Ni) cải đạo, được xem và chia sẻ rất nhiều qua mạng xã hội, "Chúng tôi đã đến tận cơ sở để tìm hiểu và xác minh, sự thật không phải như thế. Báo Giác Ngộ cũng từng phản ánh nhiều trường hợp gây xôn xao dư luận", Thượng tọa cho biết.

"Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, chuyện giả như... thật và được diễn đạt, lắp ghép hình ảnh nhằm đánh lừa công chúng đầy rẫy trên mạng xã hội. Chúng ta cần tỉnh giác để không bị lầm lẫn, rồi tự mang rác vào nhà mình. Nếu gặp trường hợp tế nhị hoặc hoài nghi, xin liên lạc với các báo Phật giáo, hoặc các Ban Thông tin - Truyền thông Phật giáo để được chia sẻ, giải thích và hướng dẫn", Thượng tọa nói.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày