Không lầm thân mộng

Không lầm thân mộng

GN - Mỗi đêm chúng ta đều tụng Bát-nhã “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Chiếu kiến ngũ uẩn của ai? Ngũ uẩn của mình. Như vậy là soi sáng, xét nét lại chính mình để biết rõ năm uẩn không thật, không có thực thể, từ đó mà qua tất cả khổ nạn. Thân đã không thật thì cảnh bên ngoài có thật được không? Không. Vậy mà con người luôn thấy thân tâm và muôn sự muôn vật lúc nào cũng có thật.

Chư Phật, Bồ-tát biết rõ cuộc đời là ảo mộng, đã là ảo mộng thì còn gì quan trọng nữa để lôi cuốn chúng ta chìm trong mê muội. Điều thiết yếu là chúng ta phải khắc tỉnh, mạnh dạn vượt qua ảo mộng. Có một sự tích liên quan đến đến việc gá thân mộng như thế này: Thiền sư “Đả Táo Đọa”, do đập bể ông táo mà thành danh. Ngài tu ở vùng núi Xuân Sơn bên Trung Hoa với một số đồ chúng. Một hôm Ngài dẫn chúng đi dạo núi, đến gần thung lũng thấy một miếu thờ, dân chúng làm thịt bò, trâu, heo, gà dâng cúng liên miên. Hỏi ra được biết vị thần Táo ở miếu này rất linh, cầu gì được nấy. Nghe rồi, Ngài cầm gậy vô miếu, thấy trên bàn thờ có để ba viên gạch, Ngài lấy gậy gõ vào đó nói: “Đây là do gạch đất hợp thành, linh từ đâu lại, thiêng ở chỗ nào ?” Nói xong, Ngài đập một gậy, ba viên gạch bể nát rơi xuống đất. Lát sau trên đường đi, gặp một vị áo xanh mũ xanh quì trước mặt. Ngài hỏi:

- Ông là ai ?

- Con là thần Táo trong miếu đến tạ ơn Hòa thượng.

Ngài nói:

- Ta đã làm gì mà ngươi tạ ơn ?

- Nhờ ơn Hòa thượng nói lý vô sanh mà con tỉnh ngộ, thác sanh lên cõi trời, bỏ thân đọa đày trong bao nhiêu đời ở tại miếu này.

Nói xong ông đảnh lễ rồi biến mất. Thị giả thấy vậy mới thưa:

- Bạch Hòa thượng, con hầu Ngài đã lâu mà không được nghe nói lý vô sanh, thần Táo này có phước gì mà Hòa thượng mới nói một câu ông liền ngộ ?

Ngài lặp lại câu nói trên cho thị giả nghe và hỏi:

- Ông hội không ?

- Dạ con không hội.

Ngài nói:

- Bể rồi! Bể rồi! Rơi rồi! Rơi rồi!

Thị giả liền ngộ.

Kể chuyện này để quí vị hiểu chỗ chúng tôi dùng chữ gá. Thần Táo gá vào đất gạch mà phải ở đó bao nhiêu năm. Còn chúng ta gá vào cái gì? Gá vào đất nước gió lửa, rồi chấp đó cho là mình, có đau khổ chưa? Cho là mình rồi thì giành hơn giành thua, chấp phải chấp quấy. Bao nhiêu tội nghiệp cũng từ đó mà ra. Nếu bây giờ nhớ thân này là cái mình gá, không có gì quan trọng hết, biết như vậy là biết được lý vô sanh.

Thân này là giả tạm, là mộng, mộng thì có gì thật đâu. Trong khi mộng, sanh cũng mộng, tử cũng mộng, sanh không thật sanh, tử không thật tử. Nhận được như vậy thì lý vô sanh hiện tiền. Ngay thân này, nhận được lẽ thật thì thấy đạo, thấy đạo thì thoát ly sanh tử. Ngược lại, chúng ta cứ bám vào thân này cho là thật, là quí rồi xem cái khổ vui, hơn thua của nó là quan trọng, tức nhiên mình bị nó chi phối, không những trong hiện đời, mà cả lúc thọ thân sau. Cho nên ngay thân này chúng ta thức tỉnh, biết được nó là mộng thì tự nhiên có thể lần lần thoát ly, không bị nó cuốn lôi nữa. Do đó thần Táo chỉ nhờ nghe câu: “Đây là do gạch đất hợp thành, linh từ đâu lại, thiêng ở chỗ nào ?”, ông giựt mình thức tỉnh liền buông được cái gạch đất và sanh lên cõi trời.

Chúng ta khi biết rõ thân này do đất nước gió lửa hợp thành, không phải thật mình thì sao ? Thật nhẹ nhàng biết mấy, nhưng không chịu buông, cứ bám vào đó mà hơn thua phải quấy. Có những đêm tôi ngồi ở ngoài, đuổi muỗi cắn, tôi rờ thấy xương, thấy thịt, một hồi tôi tức cười quá. Thân này thật không ra gì, gá vào nó cực quá. Gá từng khúc từng mảnh, mà cứ cho là mình, từ đó bao nhiêu cái dở phát sanh, kể không thể hết. Vậy mà cứ hài lòng, động đến là phản đối chống trả mãnh liệt.

Chúng ta chỉ cần thức tỉnh thân này tạm gá mượn, lấy đó làm bè qua sông, đừng nghĩ nó là thật, cứ lo bồi bổ tô điểm đủ thứ mà chìm đắm, không qua sông được. Những điều tôi nói trên đây nhằm nhắc nhở cho cả Tăng Ni và cư sĩ. Nếu chúng ta thức tỉnh được điều đó thì chuyện thoát ly sanh tử không khó. Còn nếu chúng ta mê hoài thì không biết chừng nào ra khỏi biển sanh tử. Cho nên chủ yếu Phật dạy lý vô ngã là như vậy. Thấy rõ thân này không phải thật ngã thì tự nhiên thoát ly sanh tử. Nếu thấy là thật ngã thì ngàn đời không bao giờ ra khỏi sanh tử, dù tu hạnh gì cũng thế. Đó là một lẽ thật.

Đối với người tỉnh, thương mình là phải tìm ra cái gì thật mình, cái gì không phải thật mình. Chúng ta xét xem nơi mình cái gì thật, cái gì không thật. Thân này thật không ? Không thật. Tạo sao? Vì thân vô thường, duyên hợp tạm có. Nhà Phật nói thân do bốn phần đất, nước, gió, lửa hợp lại thành. Chất cứng trong người là đất, chất ướt trong người là nước, chất động trong người là gió, hơi ấm trong người là lửa. Bốn thứ đó thiếu một thì không sống được.

Khi bốn chất đó hợp lại thành thân rồi, muốn thân tăng trưởng lâu dài thì phải mượn đất, nước, gió, lửa bên ngoài bồi bổ thêm hoài. Như vậy nó mới còn, mới tăng trưởng. Như lỗ mũi chúng ta đang thở. Hít vô là mượn, thở ra là trả. Mượn trả, mượn trả… trả ra mà không mượn lại thì tắt thở. Nếu thân thật thì đâu cần mượn, mà mượn thì không thật. Đó là nói về gió.

Đến nước, một lát mượn tách nước, mượn rồi trả. Rồi mượn cơm tức là mượn đất, mượn rồi cũng trả. Như vậy chúng ta sống an vui, khỏe mạnh là nhờ mượn trả suông sẻ. Nếu mượn trả trục trặc thì phải đến bệnh viện cứu cấp liền. Thế thì giá trị của con người ở chỗ nào? Chỉ là sự mượn trả, mà chúng ta cứ ngỡ mình thật, mình là chủ tất cả. Khi thấy được thân này vay mượn tạm bợ, chúng ta có bớt quí nó không? Giả sử ai chê, nói mình xấu quá ta có giận không? Đã là đồ vay mượn, xấu tốt có quan trọng gì.

Sở dĩ người ta chê một câu mà mình nổi sân đùng đùng là do ta tưởng mình quí, tưởng mình tốt. Còn nếu biết mình là hư giả, người ta nói gì mình cũng cười thôi. Đó là người trí tuệ, ngược lại là kẻ si mê. Như vậy lấy cái tạm bợ làm cái chân thật của mình có được không ? Chắc chắn không được rồi. Đó là tôi nói về thân.

Đến tâm, cái gì là tâm mình ? Vấn đề này tế nhị hơn. Lâu nay chúng ta quen cho nghĩ thiện nghĩ ác… là tâm mình. Tôi xin hỏi, từ khi cha mẹ sinh ta ra đến ngày nhắm mắt, mình là một hay trăm thứ tạp nhạp ? Tâm suy nghĩ thiện ác hơn thua phải quấy tạp nhạp, một ngày đổi thay cả trăm lần. Nếu tâm ấy là mình thì chúng ta tạp nhạp mất rồi. Nên phải biết tâm buồn thương giận ghét hơn thua phải quấy chỉ là những mảnh vụn, tạm bợ, chứ không phải thật tâm mình.

Đạo Phật chỉ cho chúng ta cái gì là thật nơi mình. Như khi niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, tâm không còn suy nghĩ lăng xăng nữa, mới được đức Phật đón về Cực Lạc. Tại sao phải niệm tới chỗ nhất tâm? Vì tất cả những nghĩ suy đều là tạp nhạp hư dối, không phải thật mình. Lặng hết những thứ đó, tâm chân thật mới hiện bày. Tâm chân thật hiện bày nên Phật mới đến đón. Cho nên niệm Phật phải niệm tới nhất tâm là vậy.

Người tu thiền để được định. Định những tâm lăng xăng lộn xộn mà lâu nay chúng ta mê cứ tưởng nó là mình. Những thứ giả dối tạm bợ ấy lặng rồi thì được định. Định tới chỗ cứu kính sẽ được Niết-bàn vô sanh. Như vậy, chủ trương đạo Phật dạy tu là dẹp tâm lăng xăng lộn xộn, trở về tâm chân thật sẵn có nơi mình. Lâu nay chúng ta quên nên cứ chạy theo những thứ lăng xăng thành ra chìm mãi trong sanh tử khổ đau.

Năm cũ sắp tàn, bước qua năm mới, chúng tôi mong rằng quí vị tại gia nỗ lực làm đúng tinh thần học hiểu của mình. Còn giới xuất gia lập chí đúng tinh thần người xuất gia, để chúng ta chuẩn bị cho năm mới, cương quyết tiến tới mục đích mình đã định.

Mong tất cả chuẩn bị cho năm mới đẹp đẽ hơn, mạnh mẽ hơn, cứng cỏi hơn để đạt được sở nguyện của mình. Đó là lời chúc xuân của tôi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày