"Mạch nguồn yêu thương"

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Với “từ khóa” trên, tôi nghĩ ngay đến má, người đã sinh ra mình trên cuộc đời này. Hồi nhỏ, tôi lớn lên chỉ quanh quẩn ở làng quê, nghèo thiệt nghèo nhưng má tôi không bao giờ… than nghèo kể khổ.

Má cứ thế, âm thầm chịu thương chịu khó (giống như bao bà mẹ quê khác), chỉ nhắc tôi, “dù nhà mình nghèo cỡ nào cũng sống tử tế”. Má hay nói về “đói cho sạch, rách cho thơm”. Má dạy tôi kỹ lưỡng và có lúc cũng dùng cây roi nhỏ đét tôi vài cái ở mông hoặc tay mỗi khi tôi có làm gì đó sai trái. Mỗi lần đánh, má hay nói, để con biết lỗi, không làm nữa khi nó còn là lỗi nhỏ, trong phạm vi gia đình, để tránh sau này ra ngoài xã hội con không phạm lỗi lớn hơn, gây thiệt hại khó đền bù nổi… Đó là cách má bảo vệ con mình.

Hồi nhỏ má học giỏi và viết chữ đẹp nhưng điều kiện chiến tranh, sau đó là sự nghèo khó chung của đất nước nên má không thể học hết lớp 9. Má nghỉ vì hoàn cảnh, má muốn tôi nỗ lực để học thay phần má. Tôi nhận gửi gắm ấy như một món quà, tự ước nguyện với mình là sẽ đem về cho má những nụ cười phía sau nhọc nhằn qua kết quả học tập của mình mỗi cuối kỳ, cuối năm.

Lần đầu tôi thấy má khóc là khi ba và gia đình bên nội liên hệ với tôi sau 30 năm “vắng bóng”. Phía nội muốn nhận tôi là con cháu. Má nói tùy duyên nhưng cái duyên nghiệt ngã của má là nỗi buồn thẳm sâu của người phụ nữ đã sớm lỡ làng định ước với mối tình đầu thì má nói đó là… nghiệp riêng phần mình. Má không chủ trương dạy tôi phải nghĩ xấu cho ai nhưng tôi hiểu, má đã ôm tất cả những tổn thương vào lòng để cho tôi khung trời bình yên thơ ấu. Có lẽ vì thế mà má ít nhắc đến ba mỗi khi tôi (hồi nhỏ) hay tò mò hỏi “ba con giờ ở đâu vậy má?”.

Khi tôi đủ lớn để hiểu về câu chuyện của người lớn, rằng ai cũng có lúc sai lầm, thậm chí sai lầm nghiêm trọng trong hành động, ứng xử, tôi càng thương má hơn. Vì một điều, má đã chấp nhận được cách ba hành xử - bỏ rơi má khi tôi vừa có mặt trong bụng - hồi má mới 23 tuổi.

“Con cứ về thăm bên nội nếu con thấy điều đó cần thiết. Con đã lớn, con có quyền quyết định”, má mở lòng. Có lẽ má đã quán chiếu nhân duyên thật nhiều và nghĩ đây là “món nợ” từng vay chứ không còn tha thiết giành phần hơn về mình.

Tôi đã học ở má cách chịu đựng hoàn cảnh như thế để thương yêu hết lòng và để, dẫu trên đường đời, mình gặp trúc trắc, bất ổn trong mối quan hệ thân cận, trước tiên mình phải quán nhân duyên, nghĩ về “món nợ” quá khứ từng gây để lùi lại vài bước. Nhờ vậy mà lòng mình yên ổn hơn, đỡ phiền hơn.

Má không có gia tài gì để lại cho tôi, nhưng mạch nguồn về yêu thương vô điều kiện, về xả bỏ những não phiền thế gian (dù nó kinh khủng như thế nào) để thương mình là điều vô giá. Thực ra, chúng ta phải bình an và bình an trong mọi hoàn cảnh chính là cách ta vận hành thương yêu đúng đắn.

Má không nói về chuyển hóa gì cả nhưng tôi biết, cả thanh xuân của má đã là hành trình chuyển hóa nỗi khổ niềm đau để về tuổi xế, mỗi khi nhắc về quá khứ má kịp nhẹ nhàng: “Mọi chuyện đã qua rồi”.

Đức Phật dạy, Quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, hãy sống trong giây phút hiện tại. Hiện tại đó với tôi chính là sự bình an của má của mình để dành cho nhau món quà hạnh phúc mỗi ngày dù ở xa nhau…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày