Chư tôn giáo phẩm dâng hương tưởng niệm |
Trong tiết trời mưa lạnh, từ sáng sớm, Tăng Ni, Phật tử đã có mặt tại núi Thiên Thai, nơi tọa lạc bảo tháp Tổ sư Liễu Quán cùng phát quang, tảo tháp.
Đối trước bảo tháp Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán, chư Tăng Ni đã cung kính lắng nghe Hòa thượng Thích Khế Chơn cung tuyên tiểu sử Tổ sư - người đã khai sáng nên một dòng thiền mang đậm dấu ấn Việt Nam dưới thời chúa Nguyễn mà sự truyền thừa và sức ảnh hưởng còn tiếp nối mãi cho đến tận ngày nay.
Trong không khí thiêng liêng, hương trầm quyện tỏa, các đệ tử Tổ sư từ nhiều nơi hội về đã cung kính đảnh lễ cúng dường, tưởng nhớ thâm ân và hữu nhiễu bảo tháp.
Hòa thượng Thích Khế Chơn cung tuyên tiểu sử Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán |
Tổ sư họ Lê, húy Thiệt Diệu, hiệu Liễu Quán, khánh sanh vào giờ Thìn ngày 18-11-Đinh Mùi (1667) tại làng Bạc Má, H.Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (nay thuộc TT.Chí Thạnh, H.Tuy An, tỉnh Phú Yên).
Ngài mồ côi mẹ từ năm lên 6 tuổi (1673). Năm 12 tuổi (1678), trong một lần được thân phụ đưa đi chùa Hội Tôn ở Phú Yên lễ Phật, được gặp Hòa thượng Tế Viên rồi xin Hòa thượng xuất gia tại đây. Học đạo tại chùa Hội Tôn được 7 năm (1680) thì Hòa thượng Tế Viên viên tịch. Sau khi lo lễ tang của thầy hoàn tất, ngài lên đường ra Thuận Hóa, đến núi Hàm Long đảnh lễ Giác Phong lão tổ xin học đạo. Năm Tân Mùi (1691), sau hơn 10 năm học đạo tại đây và sau một năm được xuống tóc, ngài xin phép Giác Phong lão tổ trở lại quê nhà Phú Yên để phụng dưỡng thân phụ đang ốm bệnh. Sau bốn năm thì thân phụ ngài qua đời.
Hàng đệ tử vân tập trước bảo tháp Tổ sư... |
Năm Ất Hợi (1695), ngài lại trở ra Thuận Hóa cầu thọ Sa-di giới tại Giới đàn chùa Thiền Lâm, do Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu tổ chức, Hòa thượng Thạch Liêm Đại Sán làm Đàn đầu truyền giới. Hai năm sau, vào năm Đinh Sửu (1697), ngài thọ Cụ túc giới với Từ Lâm lão tổ. Sau khi đắc giới Cụ túc, ngài vào tịnh tu tại một ngôi miếu nhỏ dưới chân Hòn Mô (núi Ngự Bình) và đến mùa Đông năm Đinh Sửu (1697), Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu chính thức cho trùng tu ngôi miếu thành chùa và sắc ban biển hiệu “Sắc tứ Viên Thông am”.
Đến năm Kỷ Mão (1699), ngài tham lễ khắp chốn tòng lâm Thuận Hóa để tìm cao Tăng cầu học đạo thiền. Năm Nhâm Ngọ (1702), ngài tìm đến chùa Ấn Tôn (tức Từ Đàm ngày nay) ở núi Long Sơn, đảnh lễ Tổ Minh Hoằng Tử Dung cầu học pháp tham thiền và được Tổ trao công án:
“Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ?”
(Muôn pháp về một, một về chỗ nào?).
... dâng hương đảnh lễ |
Mùa xuân năm Mậu Tý (1708), ngài trở lại chùa Ấn Tôn cầu Tổ sư Tử Dung ấn chứng. Đến mùa hạ năm Nhâm Thìn [1712], Tổ sư Tử Dung vào Quảng Nam dự lễ “Toàn viện”, nhân đó Ngài trình lên Tổ sư bài kệ “Dục Phật” (Tắm Phật). Nhận thấy Ngài Liễu Quán lâm cơ ứng luận rất phù hợp nên Tổ sư Tử Dung tỏ ý hài lòng và ấn chứng. Ngài chính thức đắc pháp tâm thiền.
Sau khi được Tổ sư Tử Dung ấn chứng, Tổ Liễu Quán vân du thuyết pháp độ sinh từ Phú Yên đến Thuận Hóa, suối pháp trải khắp xứ Đàng Trong.
Mùa xuân năm Nhâm Dần (1722), Tổ Liễu Quán trở về Thuận Hóa, trú tại tổ đình Viên Thông. Trong các năm Quý Sửu (1733), Giáp Dần (1734) và Ất Mão (1735), ngài liên tiếp tổ chức ba Đại giới đàn tại Thuận Hóa để truyền trì mạng mạch Phật pháp. Năm Canh Thân (1740), ngài được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng tại Đại giới đàn Long Hoa. Đến mùa xuân năm Nhâm Tuất (1742), ngài lại mở Giới đàn tại chùa Viên Thông, có hơn 4.000 đệ tử xuất gia và tại gia thọ giới.
Bảo tháp Vô Lượng Quang của Tổ sư Liễu Quán dưới chân núi Thiên Thai |
Sáng ngày 21-11-Nhâm Tuất (1742), tại chùa Viên Thông, Tổ Liễu Quán dạy đồ chúng đem bút mực ra để viết bài kệ:
Thất thập dư niên thế giới trung
Không không sắc sắc diệc dung thông
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý
Hà tất bôn mang vấn tổ tông?
(Hơn bảy mươi năm trong thế giới
Không không, sắc sắc đã dung thông
Hôm nay nguyện mãn về chốn cũ
Nào phải ân cần hỏi tổ tông?).
Thành kính tưởng nhớ thâm âm của Tổ sư |
Vào giờ Mùi, ngày 22-11-Nhâm Tuất (1742), ngài viên tịch tại tổ đình Viên Thông, thọ thế 76 tuổi, với 43 năm truyền y bát, 34 năm thuyết pháp lợi sanh. Đệ tử xuất gia và tại gia có đến ngàn vạn, cao đồ có 49 người.
Tháng 2 năm Quý Hợi (1743), môn đồ tứ chúng cử hành lễ thỉnh kim quan Tổ sư nhập bảo tháp Vô Lượng Quang dưới chân núi Thiên Thai.
Cảm mến đức độ của Tổ sư, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban thụy là “Chánh Giác Viên Ngộ Hòa thượng” và cho khắc bia minh tán dương công hạnh của ngài.
Tháng 4 năm Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748), môn đồ tứ chúng dựng bia ký tháp Tổ, do Hòa thượng Thiện Kế - hàng cháu trong đạo ở tại chùa Tang Liên, H.Ôn Lăng, tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa phụng soạn.
Từ sáng sớm Tăng Ni, Phật tử đã trở về núi Thiên Thai phát quang cây cỏ dự lễ tảo tháp |
Trải qua năm tháng, bảo tháp Tổ sư bị mưa gió bào mòn, rêu phong phủ kín, cỏ gai mọc um tùm. Ngày 16 tháng Giêng năm Kỷ Hợi (1899), theo lời kêu gọi của Đại sư Tâm Truyền (1832-1911), toàn bộ sơn môn cùng khởi công sửa chữa và được đại chúng đồng thanh vui lòng hưởng ứng. Người khỏe thì phát dọn cây cối, người yếu thì lo việc gạo muối tiếp sức trên đường.
Đại sư Tâm Truyền cùng với Hòa thượng Phước Chỉ (1858-1926) đôn đốc việc ăn ở, liều trại giữa trời đất trong ba ngày đêm thì công việc thành tựu tốt đẹp.
Lễ tảo tháp Tổ sư Liễu Quán là một trong số những sinh hoạt đặc thù của Phật giáo tại cố đô |
Ngày nay, vào ngày 19-11 ÂL hàng năm, chư Tăng Ni, Phật tử các đời thuộc phổ hệ truyền thừa của Thiền phái Liễu Quán, các tự viện trên địa bàn Thừa Thiên Huế cùng tìm về phát quang, tảo tháp nhằm thể hiện lòng tri ân, tưởng nhớ ngài. Truyền thống này đã được lưu giữ bởi nhiều thế hệ Tăng Ni của Phật giáo xứ Xuân kinh. Và lễ tảo tháp Tổ sư Liễu Quán là một trong số những sinh hoạt đặc thù của Phật giáo tại cố đô.