Liên Hoa Đài - hồn vía Thăng Long xưa

Giác Ngộ - Hội nghị bàn về việc trùng tu chùa Một Cột vừa được UBND quận Ba Đình tổ chức tại Hà Nội ngày 30-9-2011 vừa qua đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý, cơ quan chức năng... Tuy nhiên, hội nghị này cũng mới chỉ dừng ở việc lấy ý kiến và sẽ tiếp tục có thêm những hội thảo khác để đi đến kết luận cuối cùng và ít nhất phải chờ 3 cuộc hội thảo nữa mới ngã ngũ được phương án trùng tu...

1.JPG

Không gian Liên Hoa đài, một phần trong cụm kiến trúc
chùa Diên Hựu xưa

Không chỉ có Liên Hoa Đài

Kinh thành Thăng Long tráng lệ với bao cung điện nguy nga, lầu son gác tía của biết bao vương triều chỉ còn trong lịch sử, trong hoài niệm người Việt Nam . Giờ đây, những gì để ta chiêm bái chỉ là những mảnh sành, mảnh gốm tìm thấy dưới lòng đất thủ đô. May thay, chứng tích kiến trúc từ cách đây ngót nghìn năm để lại cho hậu thế vẫn còn Liên Hoa Đài (người thời nay vẫn gọi là chùa Một Cột). Nếu tìm biểu trưng cho Thăng Long - Hà Nội, người ta sẽ nghĩ ngay tới hai hình ảnh: Liên Hoa Đài và Khuê Văn Các. 

Liên Hoa Đài nổi tiếng không chỉ trong nước mà được cả thế giới biết đến bởi kiến trúc vô cùng độc đáo. Những ngày này, các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí đang sôi động với vấn đề trùng tu chùa Một Cột và các cơ quan chức năng liên quan đã họp bàn và sẽ còn nhiều cuộc họp bàn nữa về phương án trùng tu ngôi chùa trứ danh này.

 Đọc báo Nông nghiệp Việt Nam, có bài viết “Tu bổ chùa Một Cột có cần tới 31 tỷ đồng”, dẫn lời nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Chương cho rằng chùa Một Cột cần được tu bổ nhưng không thể chỉ vì dột và ẩm tường mà phải làm hẳn một cuộc đại trùng tu lớn như thế. Ông nhấn mạnh: “Hàng nghìn năm qua, các thế hệ, từ thế hệ này qua thế hệ khác đã bảo vệ và tôn tạo chùa Một Cột giữa thủ đô. Thế mà những nhà quản lý lại để nó dột nát. Thế nhưng từ cái dột, lại đưa ra việc trùng tu với con số lên tới 31 tỷ đồng, liệu có nên chăng?”. 

Đọc bài viết, thoạt tiên đông đảo độc giả sẽ cho rằng ý kiến của nhà văn hóa Hoàng Chương rất có lý, vì trùng tu một công trình kiến trúc nhỏ chỉ với mặt bằng rộng chừng hơn 4m2 trên cái cột ấy, chứ có phải là những thượng điện, tiền đường hoành tráng rộng hàng trăm mét vuông đâu mà phải cần tới số tiền lớn như thế. Nhưng thực ra, chùa Một Cột đâu chỉ có mỗi kiến trúc Liên Hoa Đài bé nhỏ đó, mà còn có bao nhiêu kiến trúc khác nằm ở ngoài Liên Hoa Đài: tiền đường, thượng điện, nhà Tăng, nhà Tổ…

Nhà sử học Dương Trung Quốc từng có lời viết nhận định được nhiều người nhớ: “Cung điện nghìn cột mẹ cột con đá tảng hoa sen lưng rùa khắc tạc lại yểu thọ hơn ngôi chùa gỗ cắm một cột xuống ao bùn”. Câu văn này của ông Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử có thể gây ra ngộ nhận trong dân chúng, rằng ngôi chùa này từ xưa rất nhỏ bé chỉ với mỗi kiến trúc Liên Hoa Đài cắm một cột xuống ao bùn. 

Nhưng thực ra thì ngôi chùa Diên Hựu xưa rất đồ sộ với nhiều hạng mục kiến trúc, hầu hết đã bị tàn phá hết bởi tháng năm, bởi địch họa, thiên tai. Và, còn sót lại chỉ là kiến trúc Liên Hoa Đài nằm trong ngôi chùa đó mà thôi. Bấy lâu nay, từ các nhà văn hóa, lịch sử đến người dân ở nước ta đã vô tình ngộ nhận kiến trúc Liên Hoa Đài là một ngôi chùa, để rồi không ít người xem đó là ngôi chùa nhỏ nhất Việt Nam

Ý kiến của riêng người viết bài này: kiến trúc Liên Hoa Đài còn tồn tại đến ngày nay mà người ta vẫn gọi là Chùa Một Cột đó, nguyên ủy từ thời Lý không phải là một ngôi chùa, mà chỉ là một điện thờ Quán Thế Âm nằm trong chùa Diên Hựu xưa. Sách Thăng Long cổ tích khảo đã từng chép về kiến trúc chùa Diên Hựu: “Tiền đường ba gian, hậu điện một gian. Sau chùa có cái ao rộng khoảng 1 sào, nước ao sâu vài ba thước. Trong ao xây trụ đá cao hơn 10 trượng, quay hai mặt trên đó dựng một gác dài rộng khoảng sáu bảy thước. Bên trong thờ Phật, phía trên tượng Quán Âm có hoành phi ghi “Liên Hoa Đài”. Phía ngoài làm cầu gỗ. Dùng thang gỗ để lên gác. Thang có chín bậc. Nay chánh quản viên tước Trung Thị Hầu trùng tu chùa, làm bi ký vào tháng 12 năm Đinh Mão”.

 Danh từ chùa thường hàm ý chỉ một tập hợp cụm kiến trúc, bao gồm: Tiền đường, thiêu hương, thượng điện, tháp, nhà Tổ, nhà Tăng… (Dĩ nhiên có những ngôi chùa không có đầy đủ mọi kiến trúc này). Lần theo Đại Việt sử ký toàn thư, không thấy có cụm từ “chùa Một Cột” mà thấy xuất hiện nhiều lần tên chùa Diên Hựu và đài Liên Hoa. Sách này có đoạn: “… Kỷ Sửu, năm thứ 6 (1049)... Mùa Đông, tháng 10, dựng chùa Diên Hựu. Trước đây, vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua đem việc ấy nói với bầy tôi, có người cho là điềm không lành. Có nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa đất, làm tòa sen của Phật Quan Âm đặt trên cột đá như đã thấy trong mộng. Cho các nhà sư đi vòng lượn chung quanh tụng kinh cầu vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu”. 

Chùa Diên Hựu xưa kia nằm ở vị trí phía Tây Hoàng thành Thăng Long, bên ngoài cửa Quảng Phúc. Kiến trúc chùa Diên Hựu không chỉ có đài Liên Hoa, mà còn rất nhiều kiến trúc đồ sộ khác. Nhiều thư tịch cổ có nói về tòa phương đình cao 8 trượng ở chùa Diên Hựu, xây toàn bằng đá xanh, làm nơi treo chuông. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Canh Thân, năm thứ 5 (1080) (Tống Nguyên Phong năm thứ 8). Mùa xuân, tháng 2, đúc chuông lớn cho chùa Diên Hựu. Chuông đúc xong, đánh không kêu, cho là đã thành khí nên không tiêu hủy, mới để ở ruộng chùa. Ruộng ấy thấp ướt, sản nhiều rùa. Người bấy giờ gọi là chuông Quy Điền”. 

Tương truyền, chuông Quy Điền là một trong An Nam Tứ Đại Khí thời Lý. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Ất Sửu, năm thứ năm (1105)… Mùa Thu, tháng 9, làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diên Hựu, ba ngọn tháp chỏm đá ở chùa Lãm Sơn. Bấy giờ vua sửa lại chùa Diên Hựu đẹp hơn cũ, đào hồ Liên Hoa Đài, gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy chung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ gọi là hồ Bích Trì, đều bắc cầu vồng để đi qua; trước sân chùa xây bảo tháp. Hàng tháng cứ ngày rằm, mồng một và mùa hạ ngày mồng 8 tháng Tư, xa giá ngự đến; đặt lễ cầu sống lâu, bày nghi thức tắm Phật, hàng năm làm lệ thường”.

 Minh văn trên bia tháp Sùng Thiện Diên Linh của chùa Long Đọi (Hà Nam) dựng năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121) đã cung cấp một hình ảnh chân thực nhất về ngôi chùa Diên Hựu, trong đó có đài Liên Hoa: “Lòng sùng kính Đức Phật, dốc lòng mộ đạo nhân quả, hướng về vườn Tây Cấm nổi danh xây ngôi chùa sáng Diên Hựu. Theo dấu vết chế độ cũ, cùng với ý mưu mới của nhà vua”. “Đào ao thơm Linh Chiểu, giữa ao mọc lên cột đá, trên cột đá có hoa sen nghìn cánh xòe ra. Trên hoa dựng một ngôi đền đỏ sẫm, trong đền đặt pho tượng sắc vàng. Ngoài ao có hành lang vẽ bao bọc. Ngoài hành lang lại đào ao Bích Trì, bắc cầu cong để đi lại. Phía sân cầu đằng trước, hai bên tả hữu xây bảo tháp Lưu Ly”.

 Theo sách Thăng Long cổ tích khảo, Liên Hoa Đài còn gọi là tòa đài sen, vì hình dáng như một bông sen nhô lên mặt nước. Kiến trúc hình vuông làm bằng gỗ, lợp ngói ta, mỗi cạnh 3m, trên một trụ đá có đường kính 1,2m. Trụ đá gồm 2 khối gắn liền với nhau, tưởng như chỉ một khối. Trụ đá cao 4m (chưa kể phần chìm dưới đất). Phần trên thân trụ mang 8 cánh gỗ, trông tựa bông sen nở, lại có chức năng ăn liền với mộng của 8 cột của tòa sen (4 cột lớn và 4 cột phụ). Các cột này đỡ lấy các đòn ngang của mái, nóc điện có mặt nguyệt bốc lửa, đầu rồng chầu về mặt nguyệt. Trong điện, tượng Đức Phật Quan Âm tọa lạc, sơn màu vàng, tượng ngồi trên một bông sen bằng gỗ sơn son thếp vàng, ở vị trí cao nhất. Phía trên tượng Phật là hoành phi Liên Hoa Đài (đài hoa sen). 

Liên Hoa Đài có 4 mái, 4 đầu đao cong được đắp hình đầu rồng. Từ mặt sân lên tới sàn Liên Hoa Đài để tụng kinh lễ bái, phải bước lên 13 bậc, bậc rộng 1,4m, hai bên có thành tường xây gạch. Điểm đặc biệt là ở mặt tường bên trái có gắn bia đá rộng 30cm, đài 40cm, Đó là bia được viết vào đời Cảnh Trị thứ 3 đời vua Lê Huyền Tông (1665) do Tỳ kheo Lê Tất Đạt ghi. Liên Hoa Đài được xây ở giữa hồ nước thả sen, mỗi cạnh hồ 20m, có tường thấp bao xung quanh. Khách trong nước và ngoài nước tới vãn cảnh, ngắm sen nở trong hồ tương phản với đài hoa sen cũng là một bông sen lớn, toát lên sự cao quý của Đức Quan Âm. 

hanoi_one-pillar-pagoda_col.jpg

Đây là một trong những dấu tích quan trọng của
chiều sâu tâm linh Thăng Long - Đại Việt

Trùng tu để lưu giữ hồn vía Thăng Long

Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Kỷ Dậu (Thiên Ứng Chính Bình) năm thứ 18 (1249). Mùa xuân, tháng Giêng, trùng tu chùa Diên Hựu, xuống chiếu vẫn làm ở nền cũ”. Như vậy cụm kiến trúc chùa Diên Hựu đã được xây dựng lại ở thời Trần. Năm 1838, tổng đốc Hà Ninh là Đặng Văn Hòa đã tổ chức quyên góp thập phương sửa chữa điện đường, hành lang tả hữu, gác chuông và tam quan. Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) quan Vinh lộc đại phu Hiệp biên Đại học sĩ, giữ chức Hữu Đô ngự sử đứng ra hưng công tu sửa.

 Về sau, các công trình kiến trúc như tam quan, tiền đường, hành lang, cầu cong không còn… Chỉ còn kiến trúc Liên Hoa Đài trên cột đá, được người đời sau thường xuyên tu sửa để lưu giữ hồn vía Thăng Long xưa, vì vậy mà dân gian gọi đó là chùa Một Cột. Ngày 11-9-1954, trước khi phải rút khỏi Hà Nội, thực dân Pháp đã cho tay sai đặt mìn phá hủy, chùa tan nát, chỉ còn lại cột đá với mấy cái xà gồ. Sau khi tiếp quản Hà Nội, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã cho dựng lại chùa theo kiểu dáng để lại từ thời Nguyễn, đến tháng 4-1955 thì hoàn thành.

Mới đây, việc các cơ quan chức năng xây dựng dự án tu bổ, trùng tu chùa Một Cột với số vốn dự tính lên tới 31 tỷ đồng (có thể còn nhiều hơn nữa) đã dấy lên sự quan tâm của dư luận. Điều ngạc nhiên trước hết là, trong suốt quá trình nhiều năm trước đây hướng đến Đại lễ nghìn năm Thăng Long Hà Nội, hàng trăm di tích đã được đại trùng tu quy mô. Thế nhưng, di tích quan trọng bậc nhất của Hà Nội còn lưu lại dấu ấn của thời Lý thì đến nay vẫn chưa được quan tâm trùng tu thỏa đáng. 

Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, không phải đến bây giờ người ta mới nhắc đến việc tượng Phật trong chùa Một Cột phải “đội nón” mỗi khi trời mưa. Mấy năm nay, mỗi khi mưa lớn là chùa lại rơi vào tình trạng ngập úng bởi nền chùa thấp hơn khu vực xung quanh từ  0,5 - 1m. Những năm qua, nhà chùa đã gửi hàng chục lá đơn đi các nơi, các ban ngành chức năng cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp và kiểm tra hiện trạng của chùa... Thế nhưng, mọi chuyện dường như chỉ nằm trên giấy.

Hội nghị bàn về việc trùng tu chùa Một Cột vừa được UBND quận Ba Đình tổ chức tại Hà Nội ngày 30-9-2011 vừa qua đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý, cơ quan chức năng... Tuy nhiên, hội nghị này cũng mới chỉ dừng ở việc lấy ý kiến và sẽ tiếp tục có thêm những hội thảo khác để đi đến kết luận cuối cùng và ít nhất phải chờ 3 cuộc hội thảo nữa mới ngã ngũ được phương án trùng tu. Vấn đề đặt hiện nay là trùng tu theo hướng nào? Theo PGS Phan Khanh, một nhà nghiên cứu di tích: Cần có tầm nhìn xa khi đưa ra phương án trùng tu chùa Một Cột làm sao cho chùa giống với ngày xưa nhất. 

Việc cần thiết hiện nay là tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm những tài liệu, hình ảnh về chùa Một Cột trước năm 1954, thời điểm thực dân Pháp cho phá chùa cũ. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, cho rằng hiện trạng chùa Một Cột hiện nay không tương xứng với tầm vóc và vị thế của nó. Một số kiến trúc như tường bao quanh chùa không tương xứng với một công trình kiến trúc độc đáo bậc nhất của thời Lý, bậc lên chùa cũng không khớp với kiến trúc. “Cột chùa Một Cột chắc chắn phải là cột bằng đá, có rồng uốn lượn, vì vậy cần phải nghiên cứu kỹ về chất liệu của vật liệu xây dựng chùa sao cho đúng với nguyên bản nhất”- ông Tuấn khẳng định. 

Nhiều đại biểu cũng có chung ý muốn như các ông Phan Khanh, ông Nguyễn Quốc Tuấn là mơ ước được phục dựng lại ngôi chùa quy mô đồ sộ theo đúng những kiến trúc ở thời Lý. Tuy nhiên, để làm được việc này rất khó, khi chúng ta không có được những hình ảnh, tư liệu đầy đủ về ngôi chùa Diên Hựu cổ xưa. Nếu phục dựng lại những gì đã mất, rất dễ xảy ra tình trạng “hồn Trương Ba, da hàng thịt” - ngôi chùa mới một tuổi mang trọng trách lưu giữ phần hồn của ngôi chùa nghìn tuổi trong tâm linh dân tộc.

 Bởi vậy, phần lớn các đại biểu cho rằng cần thiết phải bảo tồn nguyên trạng, chỉ thay thế những gì đã hỏng. Bên cạnh việc nâng cốt nền cũng như cải tạo hệ thống thoát nước trong khuôn viên nhà chùa, thay thế cột của Liên Hoa Đài (bê tông cốt thép hiện nay) bằng cột đá. Dự án tôn tạo quần thể chùa phải đảm bảo nhìn tổng thể không được che lấp chùa Một Cột ngự ở hồ Linh Chiểu. Ngoài ra, yêu cầu tách nhà Tổ khỏi nhà mẫu, và nhu cầu có nhà Tăng cấp thiết không kém. 

Theo đề cương đề xuất của Ban quản lý dự án quận Ba Đình, cuối năm nay mới hoàn thành chuẩn bị đầu tư, sang năm 2012 sẽ khởi công trùng tu và dự kiến 2013 sẽ hoàn thành. Đề cương đề xuất kinh phí trùng tu chùa Một Cột lên tới 31 tỷ đồng. Trong đó, riêng chi phí xây lắp mới lên tới con số 23 tỷ đồng. 

Thời gian thực hiện đầu tư từ quý I/2012 đến quý I/2013. Chùa sẽ được tu bổ các hạng mục như: cải tạo hệ thống đường dạo, cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, điện chiếu sáng, hệ thống cấp điện, cấp nước cho các công trình và tổng thể. Tu bổ các thành phần, hạng mục hiện còn (yếu tố gốc) như: Tam quan, tam bảo, nhà mẫu, chùa Một Cột, khu tháp Tổ...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

GNO - Thông tin từ Văn phòng Đức Pháp chủ, sau khi xem xét đệ trình của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Đức Pháp chủ GHPGVN đã chuẩn y, ban hành quyết định truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long lên giáo phẩm Hòa thượng.

Thông tin hàng ngày