Lý giải cho nỗi ám ảnh lớn nhất của đời người

Ảnh trích từ trailer giới thiệu tại buổi họp báo
Ảnh trích từ trailer giới thiệu tại buổi họp báo
0:00 / 0:00
0:00
GN - Theo quan niệm Phật giáo, con người cần đối diện với cái chết một cách vô lo ngại để có một sự sống ý nghĩa hơn, và việc hiểu rõ về cái chết sẽ giúp sự sống không là bi kịch lớn nhất của đời người.

Đó là nội dung và thông điệp mà “Bardo - Màu nhiệm của sự sống và cái chết” - bộ phim tài liệu đầu tiên về vấn đề này do GHPGVN thực hiện.

Vì sao con người sợ hãi cái chết?

Trong một lần chia sẻ lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Nỗi ám ảnh lớn nhất, đeo đẳng tôi từ thuở còn nhỏ cho đến sau này vẫn luôn luôn bị ám ảnh, là cái chết. Sự sống và cái chết trở thành một vấn đề lớn trong đời sống tinh thần của tôi. Có lẽ suy cho cùng, từ đâu mà ra cái suy nghĩ đó, là do tôi quá yêu cuộc sống, sợ mất nó. Mất mát một cái gì đó mà mình từng có trong cuộc đời, đã từng đi qua và đã từng tìm thấy, như tình yêu, như cái gì đẹp nhất của cuộc sống, sợ nó sẽ mất đi một ngày nào đó”.

Cái chết, có lẽ không là sự ám ảnh của riêng ai. Nỗi ám ảnh ấy, bằng cách này hay cách khác, vẫn vây lấy toàn thể sự sống hiện hữu trên cõi đời. Chính vì thế, việc hiểu được ý nghĩa của cái chết, định nghĩa được nó, nhìn rõ tiến trình diễn ra của vòng tuần hoàn sinh - tử, con người sẽ thôi phí hoài cuộc sống và “giải quyết” được nỗi ám ảnh lớn nhất của đời mình: cái chết.

Chết là gì? Tiến trình của cái chết diễn ra như thế nào? Quá trình linh hồn rời khỏi thể xác ra sao? Liệu có còn một sự sống khác sau cái chết? Ý nghĩa thật sự của tập tục thờ cúng tổ tiên là thế nào?... Đây là những câu hỏi lớn của đời người, mà “Bardo - Màu nhiệm của sự sống và cái chết” sẽ là câu trả lời chính thức, “gỡ rối” và “dẫn đường” cho tất cả. “Bardo - Màu nhiệm của sự sống và cái chết” đánh dấu lần đầu tiên Phật giáo thực hiện sản xuất một bộ phim tài liệu lấy “tiến trình của sự sống và cái chết” làm đề tài.

Bardo - phiên âm từ tiếng Phạn: Antarābhava - theo Phật giáo có thể được hiểu là “thân trung ấm” hay “thân trung hữu”, một thuật ngữ nói về trạng thái trung gian hoặc khoảng không gian mà chúng ta sẽ trải nghiệm sau khi kết thúc sự sống và trước lần tái sinh tiếp theo. Đó là khoảng thời gian chuyển trạng thái khi mà tâm và thân đã tách rời độc lập, không còn liên kết với nhau.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN, đồng thời là tác giả kịch bản cho bộ phim nhấn mạnh: “Không có từ ngữ nào lột tả mạnh mẽ và chân thực hơn ‘Bardo’. Tôi đã bắt gặp từ này trong Tử thư Tây Tạng, một tác phẩm của Đại sư Liên Hoa Sinh, gồm những lời khai thị cho người sắp chết, được tìm thấy khoảng thế kỷ XIV - một từ gói gọn chính xác những gì bộ phim mong muốn chuyển tải”.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN, tác giả kịch bản giới thiệu về nội dung và thông điệp của bộ phim

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN, tác giả kịch bản giới thiệu về nội dung và thông điệp của bộ phim

Khởi chiếu từ ngày 5-1, bộ phim kéo dài 5 tập, với các nội dung chính bao gồm: Kiếp số và đời người, giúp khán giả hiểu về chặng đường tiếp nối không ngừng nghỉ, không có điểm đầu và điểm cuối của các kiếp đời nối tiếp nhau, được chi phối bởi luật vô thường và đề cao sự cân bằng torng cuộc sống, vũ trụ và tâm thức mỗi người; Tạng thức và nghiệp, lý giải về sự kỳ diệu của vô lượng kiếp sống tồn tại dưới dạng tiềm thức của một kiếp người, với “nghiệp” - một khái niệm đầy tính giáo dục về luân hồi và những kết quả mà con người có thể nhìn thấy từ những việc làm của mình. Ở tập 3, Sự sống và cái chết, tập phim chính của bộ phim tài liệu này, giúp khán giả hiểu được cái chết là khởi đầu cho một sự sống mới, lý giải tiến trình chết xảy ra như thế nào và cách ta ứng xử với trạng thái chết ra sao; tập 4, Ta về đâu sau khi chết, thông tin về những cửa mà thần thức sau khi lìa thân phàm sẽ bước vào, trả giá cho nghiệp lúc này ra sao và vai trò của hộ niệm trong giai đoạn cận kề cái chết; và tập 5, Con đường đạo đức, khán giả sẽ được thấy bản chất của con đường tu hành, thực chứng chính là tu tập đạo đức, tích lũy thiện nghiệp, đồng thời đề cập đến xá-lợi của những bậc cao tăng đắc đạo.

Có thể nói, thông điệp chung mà “Bardo - Màu nhiệm của sự sống và cái chết” muốn gửi gắm, không gì khác hơn là giá trị của sự sống và sự chuẩn bị hành trang tốt cho sự sống sau khi chết.

“Nếu nhận thức rõ có một sự sống sau cái chết và cần làm gì để xây tạo một nền tảng tốt đẹp cho sự sống sau cái chết đó, chúng ta sẽ biết cách trân quý từng hơi thở ở hiện tại hơn, biết làm những việc lợi lạc cho mình và cho người, cũng như dừng bức hại chúng sinh, những sự sống khác ngoài con người. Đây cũng chính là tinh thần tối thượng của triết lý Phật giáo”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh.

Với Phật giáo, chết là một phần tự nhiên của đời sống
Với Phật giáo, chết là một phần tự nhiên của đời sống

“Tiến trình của cái chết” có thể dựng thành phim?

Có thể nói, sinh - tử, luân hồi là một trong những học thuyết quan trọng của Phật giáo. Tuy nhiên, để chuyển thể một học thuyết như vậy thành phim tài liệu, nhằm đưa số đông công chúng đi đến nhận thức mới về cái chết, có thể xem là một thách thức lớn. Câu hỏi được đặt ra ở đây rằng, với khuôn khổ của một bộ phim tài liệu, ngôn ngữ về cái chết có thể được diễn đạt một cách đơn giản cho số đông hay không? Và, “tiến trình của sự sống - cái chết” khi được dựng thành phim, liệu có thật sự thuyết phục?

Trả lời cho vấn đề này, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, yếu tố tiên quyết để đưa bộ phim đến gần với công chúng là sự thực chứng. Có nghĩa, toàn bộ nội dung phim đều được lấy bối cảnh từ các câu chuyện thực tế xảy ra với những nhân vật đời thực. Họ đã từng có những phút giây bước vào cái chết, rồi vượt khỏi cõi chết nhờ vào nguồn năng lượng màu nhiệm, từ đó trở lại với đời sống. Đồng thời, sự sống và cái chết theo triết lý Phật giáo, với bốn giai đoạn của cuộc đời: sống - thực tại - chết - tái sinh, cũng được lý giải cụ thể qua lời giảng của các vị cao tăng, các nhà sư có sự chứng nghiệm tâm linh trong tu tập.

Đối với ngôn ngữ sử dụng trong phim, hầu hết đều được ban cố vấn chuyên môn lột tả, chuyển tải bằng ngôn ngữ thực tế, không bằng ngôn ngữ văn học, hay hạn chế tối đa các thuật ngữ, khái niệm khô khan, thường được thấy trong các kinh điển Phật giáo. Nói cách khác, đây sẽ là cách giảng giải dễ hiểu nhất về “thân trung ấm”, cũng như đưa ra đáp án xua tan nỗi ám ảnh về cái chết.

Bên ngoài khuôn khổ tính chất của bộ phim, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, bộ phim tài liệu lần này cũng là tiền đề quan trọng cho sự đổi mới trong công tác hoằng pháp của GHPGVN: “Chúng ta đang sống trong giai đoạn công nghệ phát triển mạnh mẽ, do đó, việc vận dụng truyền hình sẽ là một trong những bước tiến mới, nhằm đưa thông điệp Phật giáo lan tỏa mạnh mẽ, dễ dàng hơn đến với công chúng, cũng như trong công tác truyền dạy giáo pháp cho Tăng Ni trẻ”.

Bộ phim được GHPGVN thông qua kênh Truyền hình An Viên sản xuất hồi tháng 9-2020, do NSND Nguyễn Hoàng Lâm làm đạo diễn, Thượng tọa Thích Đức Thiện và NSND Nguyễn Hoàng Lâm viết kịch bản. Phim tài liệu đã chính thức được khởi chiếu từ ngày 5-1-2021 vào lúc 20g30 thứ Ba hàng tuần, trên ứng dụng VieOn. Được biết, sau đó phim sẽ được phát sóng trên kênh Truyền hình An Viên vào khung giờ phim tài liệu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày