Món quà kính dâng Thầy

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Cầm trên tay quyển Nhớ người lái đò (Thượng tọa Thích Viên Trí) của Sư đệ vừa tặng, tôi giở ra đọc.

Cũng đã khá lâu, thay vì đọc những tác phẩm bút ký như thế này tôi buộc phải đọc những tác phẩm mang tính nghiên cứu, một phần để để trang bị kiến thức Phật học cho mình, phần nữa là để có tư liệu nhằm hoàn thành các bài tiểu luận giữa kỳ. Lướt qua từng trang hồi ký của Ôn Viên Trí khi nhắc về các vị thầy mà Ôn từng thọ giáo, tâm thức tôi dường như bị rung động.

Hình ảnh mái chùa An Phước đầy rêu bám, hình ảnh cái sân nhỏ mà sáng nào tôi cũng cầm chổi đi quét một vòng, tiếng vang của chiếc mõ nhỏ đã bị tróc sơn trong giờ công phu, tiếng vọng của chiếc đại hồng chung mỗi buổi chiều lúc 6 giờ lại hiện lên rõ mồn một và vang vọng trong đầu tôi. Trầm lắng đôi phút, hình ảnh còn đọng lại là ánh mắt hiền từ của Sư phụ.

Sư phụ và huynh đệ chúng tôi tại chùa An Phước
Sư phụ và huynh đệ chúng tôi tại chùa An Phước

Thầy tôi!

Thầy tôi không phải là một tu sĩ nổi tiếng với nhiều Phật tử quy y, Thầy cũng chưa từng học qua chương trình cử nhân hay tiến sĩ Phật học. Nhưng điều mà không chỉ riêng huynh đệ chúng tôi hay quý Phật tử quê nhà quy kính nơi Thầy đó là chất thật tu được thể hiện rõ lên khuôn mặt từ hòa và cử chỉ tao nhã của Thầy. Thầy tôi từ bi lắm nhưng cũng nghiêm nghị lắm!

Huynh đệ chúng tôi hầu như ít ai được nói chuyện nhiều với Thầy, không phải vì Thầy khó gần mà có lẽ bởi vì quá kính nể nên mỗi lần gặp Thầy chúng tôi luôn rụt rè, khép nép như những đứa học trò ngày đầu đến lớp. Tôi nhớ khoảng thời gian mình còn hành điệu, hôm nào Thầy có việc phải đi sớm là huynh đệ chúng tôi cứ y như là những con chim được sổ lòng. Chúng tôi nói chuyện huyên huyên, cười đùa vang một góc bếp. Nhưng hễ nghe tiếng cửa lớn mở, chúng tôi biết ngay Thầy về, cả đám bỗng chốc im lặng như tờ.

Sau này, khi chúng tôi được Thầy gửi lên Châu Đốc theo học tại Trường Trung cấp Phật học An Giang và sau nữa là Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, vào những dịp lễ, chúng tôi được phép về chùa. Có khi ở chùa được tuần, nửa tháng, đôi khi là cả tháng nhưng huynh đệ chúng tôi cũng chẳng trò chuyện nhiều với Thầy. Có chăng, Thầy chỉ hỏi chúng tôi vài câu rồi thôi.... Nhưng không phải vì sự ít tiếp xúc này mà Thầy trò chúng tôi không hiểu nhau.

Tôi đã được học rất nhiều từ Thầy, nhất là những bài học về cách cư xử mà Thầy dạy cho huynh đệ chúng tôi. Thầy thường dạy huynh đệ chúng tôi: “Người xuất gia phải lấy việc giải thoát sanh tử làm chánh vụ, ngoài ra các việc khác đều là ngoại vụ”. Câu nói tưởng chừng đơn giản nhưng sau này tôi mới biết để luôn tâm niệm và thực hiện đúng điều đó không phải là việc dễ dàng.

Càng lớn tôi càng nhận thức rõ những dục vọng ẩn nấp bên trong tâm thức mỗi con người, chỉ một giây phút thiếu chánh niệm, tâm chúng ta sẽ bị ngũ dục của thế gian lôi kéo chẳng khác nào con trâu bị người nông phu xỏ dây vào mũi, tùy ý dẫn dắt. Bản chất của tâm là thế, luôn tìm đối tượng để nắm bắt, có cơ hội là nó không ngừng rong ruổi theo trần cảnh. Nhẹ thì làm thương tổn bản thể Tỳ-kheo, nặng thì bỏ việc tu để trở về đời sống thế tục.

Tôi biết ơn và kính trọng Thầy nhiều lắm. Trong đời sống tu hành của mình, tôi phải tự nhận bản thân mình đã bao lần vấp ngã bởi sức hút mãnh liệt của thứ gọi là "ngũ dục". Nhưng may mắn thay những lúc ấy khi nhớ về đời sống phạm hạnh của Thầy, lời Thầy nhắc nhở về lý tưởng mà người xuất gia cần phải thực hiện thì một nguồn động lực nào đó đã kéo tôi lần lượt vượt qua các cám dỗ và trụ vững nơi cửa thiền đến ngày nay. Giờ đây, tôi như con chim non đã đủ lông cánh với hành trang là giáo pháp của Như Lai, tôi có thể bay đi đến bất cứ nơi nào đủ thích hợp cho mình trú ẩn. Nhưng tôi biết rằng đôi cánh ấy được chắp lên bởi Thầy, bởi những tháng ngày hành điệu nơi chùa quê.

Mấy hôm nay, tôi đọc tin trên báo rồi gọi điện về chùa, biết rằng ở quê tình hình dịch bệnh đang bùng phát. Gần chùa tôi, lại vừa phát hiện một vài ca F0. Tôi có thể hình dung sự lo lắng của bà con nơi xóm nghèo này. Ai có thể ngờ được con vi-rút bé nhỏ thế kia lại mang sức tàn phá kinh khủng đến như vậy. Ấy thế mới thấu rõ lời dạy của Đức Thế Tôn: “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật” (Kinh Đại Bát Niết Bàn).

Nhưng nhìn ở một khía cạnh nào đó, dịch bệnh lại là cơ hội để người ta biết trân quý những giây phút còn sum họp bên nhau, biết hy sinh cái riêng để phục vụ cho cái chung. Rõ ràng là sự đau thương, mất mát đang hiện rõ trước mắt nhưng lại là cơ hội để chúng ta chiêm nghiệm về giáo lý của Phật đà, rõ ràng trong cái vô thường giả tạm của thế gian mà con người ta có cơ hội nhận ra các giá trị đạo đức mà thường ngày bị lãng quên. Cũng may, tôi còn kịp nhận ra điều này để có cơ hội bày tỏ cùng Thầy.

Đến Tết này, không biết huynh đệ chúng tôi có được nghỉ phép để về lại chùa không, chỉ biết viết lên đây một vài dòng tâm tư kính dâng Thầy. Sau này, dù con có đi đến phương trời nào, những lời Thầy dạy vẫn sẽ mãi là món hành trang vô giá mà tôi mang bên mình:

“Lời Thầy như ánh ban mai

Cho con thức giấc mộng dài trần gian

Lời Thầy như gió trên ngàn

Cho con bay giữa vô vàn khổ đau”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày