Một vị “Mai Phật” vừa lìa thế gian!

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1230 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1230 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Có lẽ khi nghe danh hiệu này, một lần nữa anh sẽ mỉm cười, như đã nhẹ cười khi nghe tôi bô bô chi trớt reo lên hai tiếng ấy một sáng đầu xuân năm nảo năm nao.

Từ đó và trước đó anh Lợi luôn đối với tôi - như khi gặp anh lần đầu trong cuộc vận động Phật giáo 1963, anh là giáo viên trường Bồ Đề, còn tôi là sinh viên Phật tử - là một Phật tử thuần thành nhất. Niềm tin ấy đinh ninh và quả quyết không lung lay suốt cả đời người, với tôi anh là hiện thân đệ tử của Như Lai chân chính nhất mà tôi từng gặp và được nâng đỡ, hướng dẫn dù anh không một lần nhấc tay.

Mọi háo thắng, đua tranh, tính ưa lý luận chi li đều hầu như được giải giáp nơi anh bằng sự dung dị, mộc mạc, từ tốn, ôn hòa qua tiếng nói nhỏ nhẹ và nụ cười chân thành của anh. Đứng trong hàng ngũ trí thức Phật giáo, anh luôn lẩn phía sau, nhường nhịn, nhưng cũng từ điều đó tôi đặt cả lòng tin vào Phật tính tỏa ra từ tấm thân ngũ uẩn qua hành trạng của anh.

Cách hành đạo của anh đơn sơ và mộc mạc, hầu như vô hình dù ở đâu - Học viện (Học viện Phật giáo VN tại Huế - BTV), hay Trung tâm Liễu Quán hay giữa lúc bàn luận sôi nổi của nhóm các bác uống trà buổi sáng, cử chỉ của anh vẫn như một người đang đưa tay sửa một cành mai: nâng niu, e dè, thương xót và không làm đau, tránh tổn thương... Nơi anh chữ “Hòa” trở nên một đức hạnh được thực hành toàn diện nhất.

Có hai kỷ niệm tôi nhớ rõ trong nhiều điều học nơi anh:

Đầu năm 2000 trong chuyến trở về Huế, anh Lợi đến thăm tôi và đưa tôi đến thăm một tháp cổ của một vị thiền sư bị bỏ quên trong vùng núi. Đây là khởi đầu cho những công cuộc tìm lại di tích và lịch sử của các vị thiền sư ở Huế sau này. Chúng tôi đến thăm ngôi tháp đã bị lún sâu vào đất, xiêu vẹo nhưng đầy thâm u. Khi nhìn vị Phật tử đầu đàn thắp hương và quỳ lạy vị thiền sư bị quên lãng, tôi chợt tỉnh ngộ về hạnh tôn kính và tri ân những bậc chân tu không ngôi thứ.

Lần thứ hai vào năm 2001 khi cố Hòa thượng Thích Trí Hải của chùa Hải Đức mở lượng đại bi giúp tôi xây dựng nhà và vườn Tích Thiện, anh Lợi đã nhắn tôi đến đem mai về trồng. Khi đến nơi cứ nghĩ anh sẽ cho những cây mai uốn éo, ngờ đâu cả vườn mai của anh cây cành tự nhiên thẳng thớm, tôi mừng vô hạn, được học lượng đại bi đối với hoa lá nơi anh.

Và cuối cùng kỷ niệm đẹp nhất là những tấm ảnh mà anh Lợi chụp chân dung của tôi vì anh vốn cũng là nhiếp ảnh gia nổi tiếng ở Huế từ những thập niên 80, 90. Những tấm ảnh của anh cho thấy thẩm mỹ của một bậc giác ngộ trong cái nhìn thế giới bên ngoài “là như thế” đầy trắc ẩn.

Hôm nay người con Phật rảo bước giã từ cõi tạm.

Anh đã đến và đi như thế! Tâm đạo của anh rộng lớn bao la!

Xin cúi đầu kính bái người anh hằng thương kính

Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính bái

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày