Mùa Phật đản nhiều hỷ lạc

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1254 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1254 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đó là cảm xúc, niềm hạnh phúc của số đông Phật tử khi hòa chung không khí đón Phật đản Phật lịch 2568. Hạnh phúc không chỉ đến trong những công việc như thiết trí lễ đài Phật đản, tham gia lễ rước Phật và Tắm Phật, mà còn đến từ những hành động lan tỏa yêu thương, chăm sóc vườn tâm của người Phật tử.

Phật tử hân hoan tham gia tuần lễ Phật đản

Tham gia và góp sức trong Tuần lễ Phật đản Phật lịch 2568 do Phật giáo TP.HCM tổ chức, ở vai trò phụ trách trong Tiểu ban Trật tự của lễ, Phật tử Minh Hạnh chia sẻ bản thân cảm thấy thật đặc biệt, được góp công sức cho việc giữ gìn sự trang nghiêm của lễ.

“Dưới sự phân công của chư tôn đức, chúng tôi sắp xếp hướng dẫn mọi người đi theo quy định góp phần trang nghiêm buổi lễ. Tôi cảm thấy rất ấm áp, ấn tượng khi đoàn rước Phật đi qua, hai bên đường mọi người thành kính chắp tay cung kính. Mong mỗi năm, Phật giáo thành phố sẽ có nhiều hoạt động chào mừng để lan tỏa ngày đại lễ thiêng liêng nhất của Phật giáo”, Phật tử Minh Hạnh, Tiểu ban Trật tự Đại lễ Phật đản chia sẻ.

Có mặt tham gia lễ Phật đản tại Việt Nam Quốc Tự, chị Nhật Thanh, Ủy viên Thiếu nữ Phân ban Gia đình Phật tử TP.HCM từ Q.Tân Bình, đến nơi tổ chức đại lễ từ sáng sớm, để cảm nhận thời khắc hân hoan nhất trong ngày kỷ niệm Đức Phật đản sanh. Được dự lễ Phật đản tại Việt Nam Quốc Tự, với chị Nhật Thanh là cơ hội quý báu được chiêm ngưỡng nét đẹp của nghi lễ Phật giáo, được thể hiện tinh thần ngưỡng vọng, biết ơn đến Đức Từ phụ Thích Ca đản sanh.

“Tôi rất mong không chỉ lễ Phật đản, mà các dịp lễ khác nữa của Phật giáo sẽ được tổ chức quy mô để truyền tải đến Phật tử các nghi thức của Phật giáo. Hy vọng sang năm và những năm tiếp nữa sẽ có tổ chức diễu hành xe hoa, lễ rước Phật”, chị Nhật Thanh chia sẻ.

Chia sẻ về chuỗi các sự kiện diễn ra trong Tuần lễ Phật đản do Phật giáo TP.HCM tổ chức từ ngày mùng 8 đến 15 âm lịch, Đại đức Thích Minh Nghi, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Phật giáo TP.Thủ Đức nhận định việc tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ đại lễ đã cho thấy việc chư tôn đức Phật giáo thành phố luôn mong muốn đem đến cho mọi người sự cảm nhận thiêng liêng về ngày Phật đản. Năm nay, có tới 24 kiệu hoa trong lễ rước Phật từ chùa Ấn Quang thỉnh tôn tượng Phật đản sanh về Việt Nam Quốc Tự. Việc tổ chức rất trang nghiêm đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng mọi người tham dự.

Đặc biệt, Đại lễ Phật đản tại Việt Nam Quốc Tự có sự quang lâm chứng minh của Đức Pháp chủ GHPGVN, cùng chư vị Trưởng lão Hội đồng Chứng minh, đây là phước báu cho Tăng Ni Phật tử TP.HCM, để lại hình ảnh rất đẹp rất trang nghiêm, những hình ảnh đó sẽ lan tỏa trong lòng của tất cả những người con Phật của thành phố, cả nước và ngoài nước. “Tôi thấy rất hoan hỷ vì lễ Phật đản sáng nay diễn ra rất ấm áp, có cái gì đó rất đặc biệt, khi đi dự lễ về rồi đem năng lượng an lành từ Đức Phật, từ đại lễ về trú xứ. Và tôi nghĩ đây là năng lượng giúp tôi tu tập mỗi ngày một tinh tấn hơn để đạt đến đỉnh cao của giác ngộ giải thoát”, Đại đức Thích Minh Nghi chia sẻ.

Ấn tượng mùa sen tháng Tư

“Phát quà cho người nghèo khoảng 150 triệu, phối hợp xây 2 căn nhà tình thương trị giá 160 triệu, làm 103 lễ đài tư gia kính mừng Phật đản, thành lập đoàn dâng hương nghĩa trang liệt sĩ, thăm Phật tử hữu công, hơn 2.000 người thưởng thức tiệc chay với 45 món do tự tay Phật tử thực hiện. Tất cả để lại ấn tượng đẹp trong lòng quần chúng gần xa hữu duyên tham dự”, Đại đức Thích Minh Đăng, trụ trì chùa Hoa Nghiêm, Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk hoan hỷ cho biết.

Đại đức Thích Minh Đăng cho biết thêm, chào mừng Đại lễ Phật đản năm nay, Phật tử đồng bào đặc biệt là các em thiếu nhi và thanh thiếu niên hân hoan thiết trí lễ đài Phật đản tại gia. Mọi người rất hạnh phúc khi quý thầy đến nhà thăm và cử hành nghi thức Tắm Phật. Đặc biệt, mùa Phật đản năm nay, bà con phát nguyện niệm Phật nhiều hơn, không làm các việc ác, làm các việc thiện, giữ các giới. Đạo Phật đến và hiện diện sâu trong đời sống đồng bào qua các mùa Phật đản như thế.

Trong Tuần lễ Phật đản, báo Giác Ngộ lan tỏa hình ảnh Phật đản của người Việt khắp nơi, để lại nhiều dấu ấn và thêm niềm hoan hỷ với Phật tử. Bạn đọc báo Giác Ngộ bày tỏ nhiều hoan hỷ với tin tức các tỉnh thành khắp đất nước, với nhiều hoạt động đón mừng rất hân hoan và rực rỡ sắc màu với các đoàn xe hoa rước Phật diễu hành, như tại TP.Hà Nội, Ban Trị sự đã tổ chức diễu hành 30 xe hoa qua các phố phường ở thủ đô. Phật giáo TP.Vũng Tàu tổ chức diễu hành 40 xe ô-tô hoa, xe đạp hoa, xích-lô hoa trên các cung đường thuộc TP.Vũng Tàu. Tỉnh Đắk Lắk tổ chức 30 xe hoa diễu hành qua các trục lộ nội thành thành phố Buôn Ma Thuột. Phật giáo Bình Thuận cung rước tôn tượng Đản sanh và thắp sáng 7 đóa hoa sen trên sông Cà Ty; chùa Phước Quang (Đắk Nông) tổ chức nghi thức lễ rước hoa đăng từ Hoa viên đến hồ Nhân Cơ và thắp sáng 7 đóa hoa sen kính mừng Phật đản...

Nói về những ấn tượng mùa Phật đản Phật lịch 2568, Thượng tọa Thích Thiện Tài, Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN Q.3 chia sẻ: “Tôi xem các hình ảnh trên phương tiện truyền thông, đặc biệt báo Giác Ngộ, rất hoan hỷ và xúc động với hình ảnh đoàn chư Tăng Ni và Phật tử rước Phật trong mưa, Phật tử hai bên đường cũng đội mưa cung đón đoàn rước Phật. Đặc biệt rất ấn tượng với hình ảnh Đại đức Thích Nhuận Độ, Trưởng ban Trị sự GHPGVN H.Lắk (Đắk Lắk) đã vào tận buôn làng tặng quà từ thiện, hướng dẫn cho bà con thiết trí lễ đài Phật đản và thực hiện nghi thức Tắm Phật, tạo nên không khí hân hoan như lễ hội tại buôn làng”.

Nhiều bạn đọc khi xem truyền hình trực tiếp lễ rước kiệu mừng Phật đản được livestream trên báo Giác Ngộ cũng chia sẻ về niềm xúc động. Bạn đọc Nguyễn Thị Hải bình luận: “Ở xa không thể tham dự lễ, nhưng qua những hình ảnh đoàn rước trang nghiêm, con như được hòa vào cùng đoàn rước Phật. Tiếng niệm Phật vang lên thổn thức trong tâm chúng con. Từng đoàn người đi trong hoan hỷ, trang nghiêm thành kính như thấy Đức Thích Ca đang gần chúng ta, gần những người con Phật. Những bông sen đang nở rộ. Phật pháp ngày càng rộng mở. Con xin thành kính đảnh lễ Ngài”. Nhiều bạn trẻ đang ở xa cũng hướng về đại lễ với tất cả lòng thành, qua hình ảnh được xem trực tiếp, bạn Linh Ngo bày tỏ “ước gì được tham gia đoàn diễu hành”, bạn Lê Thị Kim Hương, Lê Trọng Tiến cùng chung niềm hỷ lạc: “Mùa Phật đản - mùa của yêu thương. Tự hào là người con Phật”.

Tuần lễ Phật đản hỷ lạc của Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản

Hòa trong không khí hân hoan của khắp năm châu đón mừng ngày Phật đản sanh, toàn thể Tăng Ni Việt Nam đang hoằng pháp và học tập tại Nhật Bản đã long trọng tổ chức Tuần lễ Phật đản tại các ngôi chùa Việt Nam có mặt trên khắp cả nước.

Chùa Đại Ân tại tỉnh Saitama đã cùng bà con Phật tử gần xa tôn trí tôn tượng Đản sanh, làm lễ rước Phật, lễ Tắm Phật. Đặc biệt, trong Tuần lễ Phật đản, chùa Đại Nam Himeji đã long trọng tổ chức lễ Phật đản cùng lễ bố-tát định kỳ của chư Tăng Ni tại Nhật. Đây là một dịp đặc biệt đối với bà con Phật tử đang sinh sống lao động xa quê nhà khi vẫn thấy được hình ảnh chúng Tăng quy tụ trong sự hòa hợp thanh tịnh. Mọi người đều rạng rỡ chào đón ngày Phật đản sinh trong bầu không khí hân hoan, hỷ lạc.

Đối với bà con Phật tử gần xa, hình ảnh nhìn thấy lá cờ Phật giáo được bay phấp phới, khói trầm quyện tỏa dâng lên Tam bảo, thì đó là một dịp mọi người được quay về nương tựa ngôi nhà Phật pháp của chính mình. Vì vậy, tuy nơi xa xứ còn nhiều hạn chế, khó khăn, nhưng chư Tăng Ni, Phật tử đều thành tâm thiết trí lễ đài, trang nghiêm tổ chức Tuần lễ Phật đản. 70 bạn trẻ người Việt, là du học sinh, thực tập sinh và con em của Phật tử đang định cư tại Nhật Bản đã phát tâm quy y Tam bảo trong Tuần lễ Phật đản năm nay.

“Tôi rất xúc động khi thấy được Phật giáo Việt Nam ngày một phát triển tại Nhật Bản. Hình ảnh Tăng Ni Phật tử cùng tề tựu về một điểm để tham dự lễ Phật đản và bố-tát thể hiện rõ tinh thần hòa hợp, thanh tịnh của Phật giáo mà những người đệ tử Phật đang cố gắng gìn giữ. Ngoài ra, Phật đản còn là một dịp lễ để đông đảo bà con Phật tử có cơ hội dâng lên lời ca tiếng hát, những điệu múa oanh vũ mừng Phật đản sanh bằng chơn tâm thành kính. Trên khuôn mặt của mọi người khi về chùa đều rạng rỡ nụ cười hạnh phúc như bốn câu tán thán ‘Hạnh phúc thay Đức Phật ra đời, hạnh phúc thay giáo pháp xương minh, hạnh phúc thay chúng Tăng hòa hợp, hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu’. Qua đây, chư Tăng Ni và Phật tử tại Nhật Bản cũng nguyện cầu thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc”, NS.Thích nữ Tâm Trí, Hội trưởng Hội Phật tử VN tại Nhật Bản.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày