Mừng khi có Luật Phòng chống tác hại của rượu bia

GN - Kể từ ngày 1-1-2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sẽ có hiệu lực, đây là điều thật sự đáng mừng!

Bởi như đã biết, việc lạm dụng rượu bia thành thói quen xấu đã gây ra nhiều hậu quả: bệnh tật, suy giảm thể lực và trí lực, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống, chất lượng công việc; khiến tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực xã hội gia tăng; không an toàn giao thông và mất an ninh trật tự, thiệt hại tính mạng, tài sản và chi phí thuốc men, các dịch vụ y tế do bệnh tật và tai nạn có nguyên nhân từ rượu bia.

a ruoubia.png


Ảnh minh họa

Theo quy định tại điều 5 của luật này, nghiêm cấm uống rượu bia ngay trước hoặc trong giờ làm việc, học tập và trong thời gian nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; cấm rủ rê, lôi kéo, khiêu khích, ép buộc người khác uống rượu bia; cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu bia cho người dưới 18 tuổi. Hy vọng người dân ý thức cao trong việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật, vì lợi ích bản thân, gia đình và xã hội, vì tinh thần thượng tôn pháp luật. Đồng thời cũng mong các cơ quan chức năng thực thi tốt luật này. Có thể trong quá trình đưa Luật vào cuộc sống sẽ gặp một số khó khăn, nhưng nếu quyết tâm và có những nỗ lực tích cực thì sẽ làm được. Từ lâu  nhiều nước trên thế giới đã ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu bia nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng rượu bia gây ảnh hưởng tiêu cực đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng, xã hội, và bây giờ Việt Nam ta cũng đã thấy được tầm quan trọng của luật này.

Truyền thống Phật giáo từ ngàn xưa đã nghiêm cấm sử dụng rượu bia và các chất gây say, gây nghiện, bởi bằng tuệ giác Đức Phật thấy rõ tác hại của các chất này đối với thể chất, tinh thần và trí tuệ con người cả trong đời này và đời sau, đồng thời chúng là nguyên nhân gây ra nhiều lầm lỗi, vi phạm đạo đức khác. Cụ thể là khi phạm giới không uống rượu thì người Phật tử có thể sẽ phạm thêm nhiều giới khác như tà dâm, ác khẩu, sát sinh hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác bằng hành vi bạo lực v.v… Vì thế cho nên từ Phật tử tại gia cho đến đoàn thể xuất gia đều phải giữ giới không uống rượu.

Theo Phật giáo, các chất gây say, gây nghiện như rượu, bia, ma túy có tác hại làm mê loạn, tham đắm và tàn phá cả thể chất lẫn tinh thần con người, nguy hiểm nhất là làm mất các “hạt giống trí tuệ”. Các chất này khiến người sử dụng mê loạn, tâm trí không còn tỉnh táo, sáng suốt; không còn khả năng kiểm soát hành vi, ngôn ngữ, không làm chủ được bản thân; lạm dụng chúng lâu ngày sẽ bị lệ thuộc, thể chất và trí tuệ suy giảm, đời sau sinh ra làm người kém thông minh, thậm chí là đần độn. Điều này chúng ta dễ dàng thấy rõ, những người nghiện rượu bia thường sinh nhiều bệnh tật (viêm gan, xơ gan, ung thư gan, tim mạch, dạ dày, thần kinh, tay chân bủn rủn yếu ớt, khi chưa uống rượu bia vào thì không có sức lực để làm việc…), tâm trí không định tĩnh sáng suốt, trí tuệ sa sút, năng lực làm việc kém, thường mắc phải sai lầm và kém hiệu quả trong công việc.

Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực kịp thời ngay thời điểm đầu năm mới 2020 và Tết cổ truyền, khi mà người dân dễ sử dụng rượu bia một cách mất kiểm soát, “không say không về” để đón chào năm mới, kết quả sau những ngày xuân “dzô tới bến” là số vụ tai nạn giao thông tăng cao, người thì đau dạ dày, đường huyết cao, người thì gan nhiễm mỡ, men gan tăng, người thì vào bệnh viện. Hy vọng năm nay mọi người vui đón năm mới bình an, hạnh phúc bên người thân và bè bạn, hưởng một mùa xuân tròn đầy ý nghĩa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày