Năm mới ta cũng mới

GN - Ai đã mang tôi đến nơi này - một đêm cuối cùng trong năm, thả theo gió lạnh mùa Đông, theo ngọn lửa hồng những muộn phiền năm cũ, lắng mình trong hơi thở an vui, để thả lời phát nguyện vào một năm mới với những niềm vui mới, làm mới chính mình?

Mùa thương còn mãi

Tôi muốn gọi những ngày cuối năm âm lịch, đầu năm dương lịch này bằng một tên gọi: Mùa Thương - để biết bên cạnh bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông xoay vần của thời gian, tôi và các bạn thiền sinh luôn có một Mùa Thương bên mình, cho tôi tìm về nương tựa. Đó là Mùa Thương bên Thiền sư Thích Nhất Hạnh, bên quý thầy, quý sư cô đến từ Diệu Trạm - Từ Hiếu trong khóa tu 3 ngày tại Hải Dương: “Năm mới ta cũng mới”.

1.jpg


Thiền sinh cùng các quý sư bên nhau đốt lửa trại, hát thiền ca chào năm mới bình an

Tôi biết đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh qua những trang sách, những câu văn khai ngộ trong tôi nhiều điều khi thấy cuộc sống nhiều lo toan, mệt mỏi. Tôi cũng được biết đến “phép mầu của sự tỉnh thức” qua lời kể của bạn bè. Tất cả chỉ là “biết” qua trang giấy, qua lời kể - mà chưa có duyên may được trực tiếp trải nghiệm.

Chỉ đến ngày khóa tu này, tôi mới được cảm nhận về “phép mầu” ấy - một thứ phép mầu chân thật nhất của cuộc đời, đưa tôi về gặp được chính tôi, gõ cửa lòng mình trong yên lắng của hiện tại tuyệt vời.

Thở và cười

Tôi và gần 500 thiền sinh đã thở cùng nhau trong những giờ thức chúng sớm tinh mơ ngồi thiền nơi thiền đường Hoa Sen - dẫu cái giá buốt cuối Đông vẫn còn se sắt. Thở cùng nhau trên những con đường đất nhỏ nở đầy hoa xuyến chi và dưới bóng những tàng thông xanh mát của quê hương Nguyễn Trãi. Bao ý nghĩ thường ngày như chú ngựa hoang bất kham giờ dừng lại, nằm gối đầu bên những thảnh thơi như mây trời êm ru. Đâu đó tiếng chim lích chích chào buổi sớm rót vào lòng dòng an vui, cùng hơi thở đất trời đầu ngày tinh khôi.

Bỗng nhiên tôi thấy mọi thứ quanh mình thân thương đến lạ kỳ. Từng nhành cây ngọn cỏ, từng viên sỏi nhỏ bên lề đường, từng xác lá khô… Tất cả đang có mặt ở đây, trong khoảnh khắc hiện tại này cùng tôi, nói với tôi về bài ca cuộc đời lấp lánh sự nhiệm mầu từ những gì bé nhỏ, giản đơn như thế. Và đang đi bên tôi - mỗi gương mặt người tựa một bông hoa tươi mát, góp cho ngày mới những nụ cười.

3.jpg


Bước chân an lạc thiền hành buổi sớm

Tôi cùng đại chúng đã mỉm cười cùng nhau trong những giờ sinh hoạt hát thiền ca, những phút trao đổi, chia sẻ sau giờ pháp thoại. Nụ cười của tình huynh đệ ắp đầy mến thương. Nụ cười của hạnh phúc đang ngập tràn khi nhân duyên như trái chín ngọt lành, đưa những người xa lạ đến gần bên nhau. Nụ cười khi biết lắng nghe, trò chuyện với chính mình, biết thương đôi mắt, thương đôi bàn tay, thương đôi chân, thương bờ vai, thương trái tim… qua những phút thiền buông thư vào buổi trưa. Nụ cười của niềm kính ơn với cuộc đời, với ông bà tổ tiên huyết thống, với tổ tiên tâm linh khi biết tất cả đang hội tụ trong mình. Mình là những hạt mầm tiếp nối trên cánh đồng của quê hương Tịnh độ. Từ mình sẽ nở ra những bông hoa thiện lành, để gió đưa hương bay khắp muôn nơi, gieo vào lòng những người mình có duyên gặp gỡ một dòng mát trong của Hiểu và Thương.

 Khi yêu thương lòng như đứa trẻ

“Khi yêu thương lòng như đứa trẻ

Xin cho hoài không đắn đo chi

Ngày gom nắng vàng tươi về thắp

Và gom lá điểm tô một mùa

… Vơi hay đầy cũng để cho thôi”.

Những câu hát ấy như một tiếng chuông vang ngân mãi trong tôi, để mỗi khi bắt gặp lại nhắc nhớ trong tôi  thật nhiều về khóa tu này - khi tôi có cả một đại gia đình đã yêu thương, đi cùng mình, nâng đỡ tôi từng ngày tại khóa tu.

5.jpg


Ấp áp sẻ chia

Là quý sư thầy, sư cô của Diệu Trạm - Từ Hiếu không quản đường xa, từ Huế ra với cái lạnh xứ Bắc, hướng dẫn tôi và đại chúng cùng tu tập, cùng vui chơi, thư thái, và cùng yêu thương.

Là các bạn tình nguyện viên trong Ban Tổ chức lo chuẩn bị từ địa điểm, cơ sở vật chất đến các giờ sinh hoạt pháp thoại, đêm văn nghệ lửa trại…

Là các cô các bác đầu bếp dậy từ sáng sớm, luôn tay nổi lửa từ sáng đến trưa và tới cả tối khuya chăm sóc dinh dưỡng cho gần 500 người - và luôn mỉm cười như những người thân trong gia đình.

Tất cả đã cùng lắng tai, lắng ánh nhìn, lắng nhịp tim, lắng trong chánh niệm, để nghe chính mình và nghe cuộc sống, nghe mọi người, để thấy vẻ đẹp, sự bình an từ chính mình và từ mọi người. Để hiểu. Và yêu thương.

Yêu thương trao đi là yêu thương còn mãi

3 ngày vụt qua như một giấc mơ. Những ngày cuối năm, không ở bên gia đình, nhưng tôi lại được lớn lên trong tình yêu thương của quý sư thầy, sư cô, của các bạn tình nguyện viên, các cô bác nấu bếp... Và tôi đã hiểu hơn về điều tôi từng được chia sẻ: Yêu thương trao đi luôn là yêu thương còn mãi....

Tất cả đã thầm lặng trao đi với trái tim mang tên phụng sự. 

4.jpg


Ngày đầu năm yên bình

Sẽ nhớ vô cùng một đêm giao thừa bên bếp lửa hồng, thơm mùi khói bánh chưng đang luộc, tôi cùng đại chúng quây quần bên quý thầy, quý cô hòa nhịp những giai điệu hạnh phúc cùng thiền ca, cùng bói Kiều và trao nhau những món quà tự tạo nho nhỏ mà ắp đầy thương yêu.

 Năm mới, tôi đã mới. Từ giây phút nhận ra mình là sự tiếp nối của quý thầy, quý cô và của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong từng hơi thở, bước chân chánh niệm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.

Thông tin hàng ngày