Ngày xuân đọc lại Giữ thơm quê mẹ

 Nghiên cứu văn học Việt Nam một cách toàn diện không thể không tìm hiểu văn học Phật giáo. Và nghiên cứu văn học Phật giáo thế kỷ XX một cách sâu sắc không thể không khảo sát báo chí Phật giáo.

Kế thừa truyền thống văn hóa Phật giáo, những tờ báo Chánh đạo, Đất tổ, Hải triều âm, Đuốc tuệ, Thiện Mỹ, Vạn Hạnh, Liên hoa, Giữ thơm quê mẹ… vừa đóng góp vào sự nghiệp truyền thông của xã hội, vừa phổ biến tư tưởng Phật học và văn hóa Phật giáo.

Như tiêu đề ghi rõ, Giữ thơm quê mẹ là “tập san văn nghệ” ra hàng tháng do Lá Bối xuất bản. Khổ 18x25, Giữ thơm quê mẹ số đầu ra mắt tháng 7 năm 1965 có hình thức như một tuyển tập thơ văn. Trên tờ báo không ghi tên chủ nhiệm và chủ bút, thay vào đó là người “coi sóc”: Hoài Khanh, được hiểu như Thư ký tòa soạn. Sau tám số, từ số 9 đến số 12 (tháng 6 năm 1966) là số cuối cùng, Trụ Vũ thay Hoài Khanh “coi sóc” Giữ thơm quê mẹ.

0000(GiuThomQueMe01).jpg

Nhan đề tờ báo lấy cảm hứng từ trường ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy vừa sáng tác xong một năm trước đó:

Chúng con đã về khát khao hơi Mẹ

Chúng con xin thề giữ thơm quê Mẹ

Cuộc đời rồi phai tàn sau thế giới

Chỉ còn tình yêu của Mẹ mà thôi…

 Dân tộc và Phật giáo là hai chủ đề hòa quyện trong nội dung các trang báo Giữ thơm quê mẹ, từ văn thơ cho đến tiểu luận. Dù không đứng tên chủ biên, có thể nói Nhất Hạnh là linh hồn của tờ báo, tác phẩm của ông thể hiện “chỗ đứng” của tạp chí, như nhan đề bài thơ in trên trang đầu số ra mắt:

quê hương tôi là đây

chỉ có dòng sông, hàng cau, vườn chuối;

mặt đất dù mang đầy cát bụi

nhưng trăng sao vẫn đẹp những đêm rằm.

Các thể loại cấu trúc nên tờ tạp chí gồm: Thơ, Truyện ngắn, Nhạc, Tạp bút, Tiểu luận, Truyện dài.

Giữ thơm quê mẹ đã đăng thơ của những thi sĩ miền Nam thời ấy: Nhất Hạnh, Bùi Giáng, Hoài Khanh, Trụ Vũ, Nguyễn Đức Sơn, Kim Tuấn, Trần Tuấn Kiệt, Phạm Công Thiện, Hà Nguyên Thạch, Nguyễn Phan Thịnh, Viên Linh, Chinh Văn, Thành Tôn, Thi Vũ, Kim Tuấn, Luân Hoán, Thái Tú Hạp, Thái Luân, Nguyễn Nho Nhượn, Trần Dzạ Lữ, Đynh Trầm Ca … Nhiều bài thơ trong số đó về sau được chọn và tập hợp trong Tuyển tập thơ Giữ thơm quê mẹ, được xem như “một vườn hoa thơ bị vùi dập vì giông bão chiến họa trên lòng đất mẹ Việt Nam nhưng vẫn vươn lên khoe sắc”, “một tổng hợp tiếng nói về quyền sống, về tình yêu thương”.

Ngoài những thể thơ truyền thống, Giữ thơm quê mẹ còn đăng những bài thơ tự do và thơ văn xuôi là hai thể thơ bắt đầu thịnh hành thời đó, chẳng hạn một bài thơ văn xuôi có nhan đề Những điều ghi được trong giấc ngủ của Kim Tuấn, về sau được Phạm Duy phổ nhạc:

 Khi tôi về con diều bay đùa trong gió. Ở quê nhà, trên thảm cỏ xanh, có đứa trẻ để bụng lòi chấm rốn đen cười nụ thanh bình. Buổi chiều có con trâu rung mõ vu vơ như trong giấc mộng. Khi tôi trở về hai tay níu tim lồng ngực. Giọng hát ru kéo lại dĩ vãng trầm trầm như chưa tắt thở. Có người rủ nhân loại đi xem địa ngục mà không ai trả lời…

Giữ thơm quê mẹ dành phần lớn số trang để công bố truyện ngắn và tạp bút của các nhà văn Võ Hồng, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Dương Nghiễm Mậu, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Thụy Long, Kiêm Minh, Lưu Nghi, Nguyễn Đức Sơn, Trụ Vũ, Hoài Khanh, Chinh Ba, Tuệ Uyển, Phong Sơn, Tuấn Huy, Định Giang, Văn Lệ Thiên (Lê Văn Thiện), Chín (Cao Ngọc Phượng)… Một số truyện ngắn mang đậm khí hậu tinh thần và hơi thở cuộc sống miền Nam như Kinh Tà Bang của Bình Nguyên Lộc,  Trạm Hành của Võ Hồng, Cấm bắt rùa, Sắc màu Hậu Giang của Sơn Nam…

 Giữ thơm quê mẹ cũng là nơi công bố lần đầu tiên hai tác phẩm đăng nhiều kỳ của Nhất Hạnh: Nẻo về của ýNói với tuổi hai mươi. Hai tác phẩm này về sau có ảnh hưởng sâu rộng trong công chúng, cho đến tận bây giờ.

Điều thú vị là bên cạnh những tác phẩm của các nhà văn Việt Nam, Giữ thơm quê mẹ đã dịch và công bố một số tác phẩm văn học nước ngoài đặc sắc, hầu hết là của các nhà văn lớn và có bút pháp hiện đại. Qua Giữ thơm quê mẹ, W. Faulkner, R. Barthes, H. Hesse, A. Solzhenitsyn, E. Caldwell, A. Moravia… đã được giới thiệu khá sớm ở Việt Nam.

Cộng tác với Giữ thơm quê mẹ ngay từ số đầu tiên, nhạc sĩ Phạm Duy đã chép tay để cho in liên tục trên tạp chí những ca khúc phản chiến, kêu gọi hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc: Tiếng hát thật to, Hòa bình (Tâm ca số 1), Ngồi gần bên nhau (Tâm ca số 3), Giọt mưa trên lá (Tâm ca số 4), Để lại cho em (Tâm ca số 5), Một cành củi khô (Tâm ca số 6). Đường chiều lá rụng.

Tầm vóc và quan niệm của Giữ thơm quê mẹ bộc lộ rõ hơn qua những tiểu luận triết học (Martin Heidegger, Phạm Công Thiện), tiểu luận văn hóa (Vương Hồng Sển, Hồ Hữu Tường, Sơn Nam, Đông Tùng), tiểu luận giáo dục (Nhất Hạnh, Vương Pển Liêm), tiểu luận văn học (Nguyễn Hiến Lê, Tam Ích, Thiếu Sơn, Hoài Khanh, Bùi Giáng, Vũ Đình Lưu). Có thể nói hầu hết đó là những trí thức có uy tín ở miền Nam lúc ấy.

Hoạt động chỉ vừa một năm với 12 số báo - trong đó có một số kép 7&8 Xuân Bính Ngọ, Giữ thơm quê mẹ để lại một hình ảnh đẹp trong làng báo nước ta. Hai năm 1965 - 1966 là thời gian chiến tranh leo thang, Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam. Là tiếng nói khẳng khái của lương tri dân tộc và lương tâm Phật giáo, Giữ thơm quê mẹ trở thành cái gai trước mắt của giới quân sự cầm quyền lúc đó. Nhiều trang báo đã bị cơ quan kiểm duyệt khắc nghiệt của Bộ Thông tin Tâm lý chiến buộc phải bôi đen nhiều câu liền, có khi cả những đoạn dài, như trong các truyện ngắn Thư viết từ một xóm quê của Dương Nghiễm Mậu, Ngồi đợi ngoài hành lang của Nguyễn Đức Sơn, Biến kế chấp của Chín, Giao thừa bệnh viện của Hằng Hà Sa, Lý do của Văn Lệ Thiên, Hoa vông đỏ của Nguyễn Phước, kịch Pho tượng Linh Mai của Chinh Ba…

Những người nghiên cứu lịch sử văn học và lịch sử báo chí giai đoạn này, nếu tìm cách phục hồi được những chỗ bôi đen như vậy, sẽ có được những cứ liệu thú vị để suy nghĩ, nhận định. Chẳng hạn, trong bài thơ Ghi từ Pleiku sau đây của Đinh Cường trên số 7&8 Xuân Bính Ngọ, hai câu thơ cuối viết rất nhẹ nhàng cũng bị kiểm duyệt bôi đen:

Tôi nằm trong phố chiến tranh

Xe nhà binh chạy, dãy thành đạn reo

Bụi tung mù mấy đoạn đèo

Rừng âm u có người theo bước người.

Sớm mai trở dậy qua đèo

Mù sương giăng bủa hiu hiu đất trời

 Xác người còn thắm máu tươi

Xác ai, ai nhận khi ra trận tiền…

 Thậm chí có một câu văn rất trung tính mở đầu truyện Đóa sen vàng của Chinh Ba cũng bị kiểm duyệt yêu cầu bỏ bớt một chữ: “Vào một ngày nào đó, ở một xứ sở nào đó – xứ sở của mấy nghìn năm nghèo đói và chiến tranh, có một người đàn bà bị bom lửa phủ lên người”. Chữ bị kiểm duyệt ở đây là chữ “bom”!

Có những truyện ngắn đã lên khuôn, đưa vào mục lục nhưng vào giờ chót bị kiểm duyệt bỏ, phải thay bằng bài khác, như Cuối đường của Võ Hồng, Những hình ảnh để lại của người chết của Chinh Ba.

Qua đó, đủ biết nhà cầm quyền lúc đó e ngại văn nghệ phản chiến như thế nào.

Tuy vắn số, Giữ thơm quê mẹ xứng đáng là đề tài nghiên cứu cho một tiểu luận của sinh viên ngành báo chí, văn học hay Phật học. Điều này càng cấp thiết khi những tác giả cộng tác với tờ báo và cả những độc giả của báo thời đó còn lại đây ngày càng thưa dần. Đặc biệt, hai người chủ chốt tổ chức bài vở là nhà thơ Hoài Khanh và nhà thơ Trụ Vũ, người ở Biên Hòa, người ở Sài Gòn, nay đều tuổi cao sức yếu.

Chúng tôi viết bài này như một gợi ý với những người quan tâm, chứ thật sự chưa đủ điều kiện để khảo sát và đánh giá đúng mức những đóng góp của Giữ thơm quê mẹ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày