GN - Tuần nào cũng vậy, cứ đúng vào thứ Sáu, cô lại dậy thiệt sớm chuẩn bị mọi thứ và lên chiếc Honda quen thuộc để đến tòa soạn Giác Ngộ lúc 6g. Cô là Lê Thị Qưới - mọi người trong nhóm công quả xếp báo quen gọi là cô Bảy.
Người luôn có mặt
“Tuần nào cô Bảy cũng có mặt hết, dù bận việc gì cô cũng sắp xếp để đi, mình làm là phải có trách nhiệm với công việc mình làm”, cô chia sẻ cùng phóng viên với nụ cười hiền hòa.
Cô Bảy đồng hành cùng Giác Ngộ với công tác gói báo, kiểm tra số lượng trước khi chuyển đi - Ảnh: Yên Hà
Rồi cô sẻ chia công việc của mình đầy nhiệt thành: “Hôm trước nghe bão bùng nhưng mọi người vẫn đến đúng giờ, nếu như báo gửi đi tỉnh hoặc ra nước ngoài, mình không lên làm, mà khi xe tới lấy không có thì nó bị trễ mất, như vậy là mình đã không làm tròn công việc mình nhận lãnh”. Vì thế mà nhiều khi bị ốm, cô Bảy vẫn lên làm chút xíu rồi về, như một cách để “sách tấn” các anh em. “Cô không thể nghỉ được, anh chị em trong nhóm ai cũng nhiệt thành hết, ai cũng làm vì tâm phụng sự, lấy sức mình mà cống hiến vì thương báo, thương đạo cả…”, cô Bảy tâm sự.
Mỗi người trong nhóm làm báo nhận một khâu như bỏ báo vô bao, rồi tới người ép, cột lại, chia báo ra, đóng gói… Trách nhiệm của cô Bảy là kiểm tra số lượng, rồi cột thiệt kỹ để người chở đi không bị rớt ra. Cô Bảy hay nói với mấy chị em, là mình làm phải có trách nhiệm, báo gửi không kịp thì một phần là lỗi của mình.
Hỏi về những kỷ niệm ngày đầu, về lý do tại sao cô Bảy làm tình nguyện đóng báo, cô Bảy cho biết: “Làm lâu lắm rồi, đến giờ cô cũng không nhớ rõ là bắt đầu từ năm nào nữa. Nhóm công quả tình nguyện làm báo thuộc đạo tràng Pháp Hoa - chùa Huê Nghiêm (Q.2, TP.HCM). Khi lên chùa thấy Hòa thượng lớn tuổi rồi mà vẫn còn làm việc, thấy thương Hòa thượng lắm nên khi thầy kêu gọi là trong đạo tràng ai cũng hoan hỷ tham gia”.
Đối với cô Bảy, làm việc còn là niềm vui, cô giải thích: “Giờ tuổi mình lớn rồi, mình phụ công quả cho vui, phục vụ được lúc nào thì hay lúc đó… chứ mình đâu có làm được những việc nặng. Lâu lâu mấy anh chị em sau khi làm xong lại rủ nhau đi ăn chay, uống nước, rồi chia sẻ cho nhau về chuyện đạo, có khi rủ nhau cùng đi làm từ thiện, nên thấy cũng ý nghĩa…”.
“Giờ không mong muốn gì hết, chỉ mong muốn làm sao cho báo Giác Ngộ phát triển lên thôi. Cô đi làm báo vậy, được báo tặng, sau đó cô cho lại mọi người để họ coi và biết đến báo nhiều hơn, cũng là biết Phật pháp nhiều hơn. Rồi lâu lâu quý thầy gửi cho ít tiền để uống nước, đổ xăng các cô chú đều đem gửi qua Phòng từ thiện”, cô Bảy chia sẻ với phóng viên.
Chọn một cuộc sống yên bình
Ngoài công việc tình nguyện làm báo hàng tuần, cô Bảy còn hay đi từ thiện, đi tụng kinh hộ niệm, tụng kinh Pháp hoa, đi công quả tại các chùa có lễ. Hễ biết nơi nào cần công quả là cô nhiệt tình tham gia.
Những ngày không đi từ thiện hay phụ các công việc Phật sự tại các chùa, cô vẫn giữ những thời khóa đi tụng kinh đều đặn vào các buổi sáng hàng tuần tại các chùa như Ấn Quang, Huê Nghiêm, Từ Nghiêm, 4g30 sáng đã bắt đầu đi. Buổi chiều, cứ đến 16g là cô tụng kinh Pháp hoa tại nhà riêng. Vì siêng công phu nên cô thuộc rất nhiều kinh như Pháp hoa, Dược Sư, Di Đà, các bài chú, lời nguyện… Đối với cô, việc củng cố tâm linh là quan trọng nhất của một người Phật tử.
Cô tâm sự: “Ngày nào mà bận quá, phải bỏ một thời kinh là cô tiếc lắm. Mình theo Phật thì phải cố gắng tu tập, làm các việc thiện lành”.
Ngày trước, khi chồng đột ngột qua đời, “lúc đó gia cảnh cô khó khăn lắm, cô nghĩ đời mình sao mà khổ quá vậy. Nhưng sau đó, gia đình cô ăn nên làm ra. Con cháu đến giờ đứa nào cũng nên người, công việc thì ổn định, cô nghĩ nhờ Phật thương, gia hộ vì lòng mình hướng thiện, gieo nhân tốt, nên cô càng tin Phật pháp”, cô Bảy bộc bạch.
Ở tuổi 68, nhiều người bảo nên ở nhà để con cháu phụng dưỡng và nghỉ ngơi, nhưng cô Bảy tâm niệm, khi còn chút sức khỏe, còn làm được gì có ích cho Phật pháp thì cô đều cố gắng hoan hỷ mà làm.
Nói chuyện với phóng viên, cô nhắc về chữ hiếu, một hạnh lành của người con Phật, rằng: “Giờ ba mẹ còn sống thì nên chăm lo cho ba mẹ chu toàn, người yêu còn có thể kiếm người khác nhưng cha mẹ mất thì sẽ không kiếm lại được…”.
Như Danh
_______________
* Đọc thêm:
>> Tôi sớm có duyên với Báo Giác Ngộ
>> Tuổi 38, Giác Ngộ nhìn lại và hướng tới...
>> Rơi nước mắt trong buổi họp mặt kỷ niệm 38 năm Báo Giác Ngộ
>> Với tôi, Giác Ngộ là bạn, là thầy...
>> "Phần đông độc giả hài lòng về báo Giác Ngộ"
>> Báo Giác Ngộ "dắt" tôi vào nghề
>> Tôi yêu mến Giác Ngộ dù không là Phật tử
>> Gửi gắm với Giác Ngộ tuổi 38