Nghệ sĩ Thành Lộc, doanh nhân Nguyễn Phi Vân và blogger Bùi Tâm chia sẻ cách “dọn vườn tâm” đón Xuân

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Họ là những người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực, hiểu và hành lời Phật dạy, biết “quét dọn vườn tâm”, ý thức chuyển hóa phiền não, kiến tạo “mùa xuân Di Lặc” - mùa xuân của sự an lạc thân tâm, an nhiên đón nhận cả những thử thách mới.

Nhân Xuân Quý Mão (2023) họ ngồi lại với Giác Ngộ như một bàn tròn nói về nghề, hào quang và buông bỏ, thách thức của thời đại và truyền thống, để cùng tìm ra đâu là giá trị đời người…

NSƯT Thành Lộc

NSƯT Thành Lộc

NSƯT Thành Lộc: “Cân bằng cái tôi của một nghệ sĩ - công dân”

Được mệnh danh là “phù thủy sân khấu”, NSƯT Thành Lộc có biệt tài diễn xuất biến hóa khôn lường. Nhắc đến Thành Lộc là nghĩ ngay đến những vai diễn “đo ni đóng giày”, sự đa dạng trong tính cách nhân vật và đặc biệt là dấu ấn cá nhân sâu đậm trong từng nét diễn.

Định nghĩa về “cái tôi” trên sân khấu, Thành Lộc chia sẻ: “Đó là thu hút sự chú ý của công chúng, thu hút “hoả lực” về chính mình”. Theo anh, người nghệ sĩ dùng chính mình làm phương tiện, ngôn ngữ để truyền tải thông điệp đời sống đến người xem. Nếu người nghệ sĩ không có tài năng thì không thể truyền được ý đồ của vai diễn, vở diễn đến với công chúng. Do đó, vai trò của tài năng cá nhân, hay nói cách khác, vai trò “cái tôi” cá nhân tỏa sáng trong một tập thể nghệ sĩ rất quan trọng, nếu không muốn nói là giữ vị trí chủ đạo.

Nghệ sĩ Thành Lộc tự nhận mình là người thua thiệt về thanh sắc so với nghệ sĩ đồng trang lứa. Thế nhưng, điều khiến anh luôn nổi bật ở bất cứ vai diễn nào, dù chỉ vài mươi giây nhập vai một người quét rác lướt ngang sân khấu, chính là nằm ở chỗ: nội lực “phát sáng”! Một khi đã ý thức được tầm quan trọng của cái tôi thì vai chánh hay phụ đã không còn quan trọng, bởi đứng ở góc nào sân khấu vẫn luôn tạo nên sức hút.

Thành Lộc bày tỏ: “Tôi yêu nghệ thuật trong mình chứ không yêu mình trong nghệ thuật!”. Trong từng vai diễn, người nghệ sĩ hóa thân vào nhân vật, sống-chết cùng nhân vật. Thông qua đó, bộc lộ thái độ, quan điểm sống của người “nghệ sĩ – công dân”. “Mục đích của tôi hòa vào nhân vật không phải để tôi nổi tiếng mà là đưa đến người xem thông điệp của nhân vật tôi đóng, thông qua cái tôi của tôi”, NS Thành Lộc khẳng định.

Nghệ thuật tự thân đã là một môi trường nhiều cạnh tranh, bởi “bầu trời” nghệ thuật vốn dĩ nhiều “ngôi sao”, sao lớn, sao bé và cả… sao xẹt. Do đó, mỗi ngôi sao phải phát huy sức mạnh tỏa sáng của mình. “Vấn đề nằm ở chỗ, ngôi sao đó biết sử dụng cái tôi của mình vào những việc có ích cho cộng đồng”, Thành Lộc nói.

Thế giới nghệ thuật nhiều vinh hoa nhưng cũng lắm đoạn trường, người nghệ sĩ nếu không tỉnh thức với cái tôi của mình thì rất dễ sa ngã. Bởi người nghệ sĩ, đặc biệt là người làm nghệ thuật trình diễn sân khấu luôn đứng giữa trung tâm của hào quang, danh vọng, sống trong tiếng vỗ tay của khán giả. “Nhưng chính vì đứng giữa ánh sáng, nên khó mà nhìn rõ bóng tối. Mình chỉ thấy mình thôi! Cho nên dễ có sự so kè “ánh sáng của tôi, ánh sáng của anh, ánh sáng nào thì mạnh hơn?”, Thành Lộc trải lòng.

Nhờ sự tỉnh thức của cái tôi mà “phù thủy sân khấu” luôn ý thức nghiêm túc rằng: diễn xuất là một sứ mạng thiêng liêng và nhân văn, chứ không chỉ mua vui cho người khác. Chính sự tỉnh thức của cái tôi đó khiến cho người nghệ sĩ không bi kịch hóa cá nhân, không tự biến mình thành nạn nhân của tiền tài, danh vọng, hơn thua, dẫn đến loạn thần, trầm cảm, tự tử… Sự trải nghiệm nhiều cuộc đời trong một cuộc đời, nhiều cái tôi trong một cái tôi của người nghệ sĩ sẽ thật sự có ý nghĩa nếu cái tôi đó cống hiến cho xã hội những giá trị nhân văn sâu sắc, người nghệ sĩ biết cân bằng tâm thế giữa sân khấu – cuộc đời, trở thành một tổng thể hài hòa mà không mang tính chất loại trừ, xung đột.

Doanh nhân - Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân: “Công nghệ sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề giữa con người với con người”

Doanh nhân Nguyễn Phi Vân

Doanh nhân Nguyễn Phi Vân

Nguyễn Phi Vân - cái tên không còn xa lạ trong giới khởi nghiệp (start-up) công nghệ Việt Nam. Chị hiện là Cố vấn phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới đầu tư thiên thần Đông Nam Á, và Đại diện cấp cao Việt Nam tại Diễn đàn đầu tư thiên thần toàn cầu. Doanh nhân Phi Vân từng lọt vào top 100 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới trong ngành nhượng quyền toàn cầu năm 2019 và 2020.

Thường xuất hiện trong trang phục giản dị, với chiếc khăn rằn Nam Bộ và mái tóc đen dài truyền thống nhưng từng cử chỉ, lời nói của chuyên gia Nguyễn Phi Vân đều chứa đựng nguồn năng lượng cháy bỏng của một người phụ nữ cá tính, luôn cập nhật công nghệ nhưng “rất người” - theo cái cách mà bà tự giới thiệu về mình.

Nữ chuyên gia có lần chia sẻ: có rất nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn về khởi nghiệp, công nghệ, đổi mới sáng tạo nhưng kỳ thực đâu đó chỉ 1% dân số cả Việt Nam và thế giới có hiểu biết hoặc làm việc liên quan đến công nghệ. Điều đó có nghĩa là có 99% đang hoàn toàn bị bỏ lại phía sau trong hành trình thế giới tiến về phía trước. Tuy nhiên, bắt kịp công nghệ không có nghĩa là quên đi các giá trị nhân văn cốt lõi, bởi đó là điều khiến nhân loại khác với người máy.

Chị đã sống và làm việc tại hơn 60 quốc gia trên thế giới, với hơn 20 năm làm việc ở môi trường quốc tế. Là người đi nhiều, trải nghiệm nhiều như tựa đề cuốn sách của chính mình “Quẩy gánh băng đồng ra thế giới”, Nguyễn Phi Vân khẳng định về sự song hành và phát triển ngày một mạnh mẽ của công nghệ, mà cụ thể ở đây là trí tuệ nhân tạo (AI) trong mọi mặt đời sống, ngay cả trong tôn giáo.

Bằng chứng là những nhà sư robot đã xuất hiện tại Trung Quốc, Nhật Bản thay thế các nhà sư thật, trả lời các câu hỏi Phật học thường thức. Không chỉ vậy, nhà sư robot còn phát triển ở mức cao là có thể giảng kinh Phật với giọng êm dịu và chắp tay cầu nguyện cùng các tín đồ. Chưa bao giờ, khoảng cách giữa người và máy lại gần đến vậy. Và câu hỏi mà nhiều người đặt ra: Liệu robot có thể thay thế con người trong tương lai?

Chia sẻ về điều này, chị Nguyễn Phi Vân cho biết: Với các thế hệ đi trước, khái niệm về đạo mang “tính người” nhiều hơn nên khó mà chấp nhận các nhà sư robot. Thế nhưng, với thế hệ trẻ, điều này sẽ gây tò mò, kích thích người trẻ đến gần với đạo, tương tác và đặt câu hỏi. Nhất là với thế hệ gen Z, cái mà các bạn muốn là sự tức thì, câu trả lời tức thì. Dưới góc độ phân tích “trải nghiệm người dùng”, chuyên gia Phi Vân cho rằng: nhà sư robot sẽ là phương tiện hỗ trợ đắc lực trong việc trả lời các vấn đề Phật pháp cơ bản, tiếp cận cùng lúc nhiều người. Bởi nếu không đáp ứng nhu cầu học - hỏi ngay lập tức, chúng ta sẽ mất đi một lượng “người dùng” tiềm năng, mà ở đây là các thiện nam tín nữ trẻ tuổi có lòng hướng Phật.

Tuy vậy, điều mà doanh nhân công nghệ Nguyễn Phi Vân luôn khẳng định một cách chắc chắn, chính là: Công nghệ hay robot sẽ không bao giờ giải quyết được những vấn đề giữa con người và con người! Bởi suy cho cùng, những gì mà trí tuệ nhân tạo trả lời con người đều do chính con người cài đặt. Những thuật toán làm nên robot không có trái tim. Và vấn đề giữa người và người, dĩ nhiên, không chỉ là đúng – sai, mà còn là những chuyện thuộc về xúc cảm. Robot sẽ không thể là một bậc đạo sư có thể trả lời “cá nhân hóa” cho từng hoàn cảnh và từng nỗi khổ niềm đau cụ thể. “Cảm xúc của chúng ta: nỗi đau, hoang mang, lo lắng, yêu thương, hạnh phúc… chúng không có dữ liệu! Chúng ta không thể nào mã hóa cảm xúc được!”, chuyên gia Phi Vân bày tỏ.

Chị cũng nêu ra thực tế rằng: có rất nhiều người trẻ tìm đến robot để kiếm câu trả lời cho chính mình trong học tập, tình yêu, gia đình, tâm sinh lý… Điều đó cho thấy một vấn đề cần suy nghĩ: sự cô đơn của người trẻ trong đời sống công nghệ. “Những câu hỏi về bản thể và ý nghĩa của đời sống mà các bạn lại phải đi hỏi công nghệ, đó là điều chúng ta cần suy nghĩ và quan tâm. Công nghệ không thể giúp cha mẹ yêu thương con cái hơn, hay con cái gần gũi cha mẹ hơn. Công nghệ chỉ có thể là công cụ mà chúng ta nên dùng để sống tốt hơn, thương yêu nhau hơn, đến gần với giáo pháp Đức Phật hơn. Còn chính chúng ta, nhờ sự chánh niệm và tỉnh thức mà thoát khổ và tìm được con đường chánh đạo cho chính mình”, chuyên gia Phi Vân kết luận.

BloggerTâm Bùi

BloggerTâm Bùi

BloggerTâm Bùi: “Giữ tâm an trên mạng xã hội”

Tâm Bùi được biết đến là một blogger chuyên viết về các trải nghiệm du lịch và đời sống. Những chuyến đi của anh không chỉ đơn thuần khám phá cảnh đẹp, con người hay đặc sản địa phương, mà còn là hành trình trải nghiệm đời sống tinh thần và tâm linh tại mỗi vùng đất.

Trên fanpage của mình, Tâm Bùi thường chia sẻ những bài viết về sự thực tập chánh niệm, hơi thở, quán chiếu nội tâm và những câu chuyện mang năng lượng tích cực, bình an. Với chàng trai 8X này, đó là cách để giữ tâm an… trên mạng xã hội.

Với hơn 60 triệu người sử dụng, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng mạng xã hội Facebook, YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ lớn. Mạng xã hội đã song hành và phát triển cùng đời sống thực tế.

Không thể phủ nhận, mạng xã hội kết nối con người không giới hạn. Nhưng mạng xã hội cũng tạo nên sự bất an cho người dùng khi đầy dẫy tin giả, những hình ảnh, chia sẻ tiêu cực từng giây phút. Nếu không tỉnh táo chọn lọc và gạn bỏ, rất có thể chính người dùng là nạn nhân của sự bất an mà mình không hề hay biết.

Tâm Bùi là một điển hình cụ thể cho việc sinh hoạt và làm việc trên mạng xã hội. Là một KOL (người có sức ảnh hưởng), Tâm Bùi thường đăng tải và chia sẻ các bài viết đến cộng đồng yêu thích du lịch, cảnh đẹp và có lối sống hướng đến thiền định, tỉnh thức.

Khi bắt đầu nổi tiếng và được chú ý, Tâm Bùi cũng như nhiều blogger khác, phải đón nhận “cơn mưa” nhận định của công chúng. Khen – chê, tán dương – phê phán, ủng hộ - trù dập là luật chơi bất thành văn của cộng đồng mạng. Với sức mạnh của sự “ẩn danh”, người dùng mạng xã hội dễ dàng đi qua giới hạn của sự bình luận mà chuyển sang hình thức chửi mắng, miệt thị, đe doạ, xúc phạm mà không sợ bị phát hiện hay bị xử lý pháp luật.

Tâm Bùi thú nhận rằng: anh từng bị căng thẳng, áp lực bởi những lời phán xét nặng nề đó. “Khi người dùng hơi thoải mái và không kiểm soát được cảm xúc, họ có thể quăng trên mạng xã hội nhiều “rác”, mà đôi khi không biết đó là “rác”. Tôi xem hành vi này như là “tác dụng phụ” khi tham gia mạng. Nếu không chánh niệm thì chính chúng ta sẽ phải hứng “rác” đó và nó không hề tốt cho sức khỏe tinh thần của mình”, anh Tâm Bùi cho biết.

Thường thì người dùng mạng sẽ thích nghe và tương tác với những câu chuyện mang tính giật gân, tiêu cực mà giới trẻ thường gọi là “drama”. Những chuyện này thường lan truyền rất nhanh và gây xáo trộn tâm trí người dùng lúc nào không hay biết, lâu dần trở thành “tập khí” gây phiền não cho tâm. Và rồi, tập khí ấy (tham – sân – si) lại dẫn dắt người dùng mạng “khẩu chiến bàn phím”, tiếp tục tạo ra các nội dung bẩn, độc hại – một vòng tròn bất an luẩn quẩn.

Với kinh nghiệm một người dùng lâu năm mạng xã hội, blogger Tâm Bùi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể giữ tâm an trên mạng. Sự an hay không nằm ở mấu chốt: cách chúng ta ứng xử với các thông tin, dữ kiện. Sẽ là an nếu ta biết chọn lọc, chỉ để mình tiếp nhận nguồn tin bổ ích, lành mạnh và nhân văn. Và sẽ là bất an khi ta chìm đắm trong tin xấu, tin giả, tin bạo lực, tiêu cực. Một nguyên tắc hàng đầu mà blogger Tâm Bùi luôn nhớ nằm lòng khi dùng mạng xã hội: “Không bao giờ tranh cãi, vì ai cũng đúng trên góc nhìn của mình”.

Anh cho hay: Mạng xã hội mở, nên chúng ta sẽ không biết người tranh cãi với chúng ta là ai, làm gì, có sự đồng đẳng về hiểu biết, kinh nghiệm sống hay không. Do đó, mọi cuộc tranh cãi trên mạng thường dẫn đến bế tắc và tạo điều kiện cho sự “khẩu nghiệp” lan nhanh.

Chia sẻ về kinh nghiệm tu tập, Tâm Bùi cho biết: anh có thói quen nghe pháp trước khi ngủ và mạng xã hội đã giúp anh tiếp cận nhiều bài pháp ý nghĩa từ các vị giảng sư uy tín. Với anh, sự hoằng pháp trên mạng xã hội như một sự gieo duyên đến người tín đạo, giúp kết nối Phật tử và chư tôn đức trong các vấn đề đời sống. Dẫu rằng, việc thọ nhận pháp online sẽ không thể bằng những khóa tu tập trung, thực hành và cảm nhận từ trường cộng hưởng của một cộng đồng tỉnh thức. Tuy nhiên, hiệu quả gieo duyên như trên rất lớn khi mỗi ngày, pháp được “rót” thụ động vào tâm người nghe, từng chút một. Đến một lúc nhân duyên hội đủ thì pháp sẽ sinh trưởng và cho quả ngọt.

Vài điều kết lại

Mạng xã hội là một xã hội thu nhỏ, có cả điều tốt, điều xấu và những thứ vô bổ. Nếu mỗi người không tự trang bị cho mình một “màng lọc” tốt, để lấy những cái mình cần, chắc chắn ta sẽ bị chìm đắm trong bể khổ sông mê mà không thấy bờ giác.

3 câu chuyện của 3 con người, 3 công việc, 3 nhân sinh khác nhau, nhưng cùng chung một quan điểm: lấy sự chánh niệm tỉnh thức làm kim chỉ nam để nhận diện và chuyển hóa các vấn đề đời sống.

Phật pháp bất ly thế gian giác. Trong đời sống cơm áo gạo tiền hàng ngày, người Phật tử khó lòng mà dành hết thì giờ diện kiến và thọ nhận pháp trực tiếp từ các vị tôn túc. Thế nhưng, học pháp, hành pháp thông qua công việc và môi trường sống chính là cách người Phật tử “đưa đạo vào đời” một cách uyển chuyển và hiệu quả nhất. Từng giây từng phút, sống trong chánh niệm, rải tâm yêu thương, làm tốt bổn phận và trách nhiệm. Ấy là ta đang dọn vườn tâm liên tục và kiến tạo “mùa xuân Di Lặc” ngay bây giờ và ở đây.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày