Người xuất gia trẻ được dạy như thế nào?

GN - Người xuất gia trẻ được dạy như thế nào? Có phải chỉ cần thuộc hai thời công phu, bốn quyển luật và một ít giáo lý căn bản?


B200A63B-16BF-475C-9FD4-3F5173B7B177.jpeg
Lớp gia giáo học oai nghi thiền môn cho các chú điệu tại chùa Ông, thời chấn hưng Phật giáo VN, trong đó có chư tôn túc là các bậc mô phạm sau này như Trưởng lão HT.Thích Thiện Siêu... - Ảnh tư liệu T.Đ

H. là một người bạn nhỏ tôi quen trên mạng, lúc Yahoo! 360° còn thịnh hành, sau này đến lượt Facebook. Lúc ấy, H. mới học lớp 8. Qua mạng, tôi chứng kiến H. trưởng thành từng ngày: từ nữ sinh rồi đến sinh viên đại học, tốt nghiệp rồi đi làm, lấy chồng rồi sinh con thứ nhất, sinh con thứ hai…

Qua những dòng nhật ký H. đăng đều đặn trên trang cá nhân, tôi vô tình hiểu rõ cách ba mẹ H. dạy con; rồi đến phiên H. giáo dục hai nhóc, khi chúng còn nhỏ xíu cho tới lúc chúng chập chững tới trường. Có thể thấy, ba mẹ H. dạy con rất kỹ và khéo - khe khắt nhưng đầy tình thương. Và, H. đã không những kế thừa lối giáo dục của ba mẹ mà còn tham gia nhiều khóa học dành cho các “mẹ bầu”, tìm hiểu các kiểu dạy con của Tây, của Nhật, chuẩn bị hành trang cho con từ khi chúng còn trong… bụng!

Từ H., tôi bỗng băn khoăn tự hỏi: các thầy, các sư cô, khi quyết định thâu nhận đệ tử nhỏ tuổi vào chùa làm điệu (chú tiểu), liệu có chuẩn bị những kỹ năng cần thiết về cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ như các bà mẹ sắp sinh?

Sinh con được ví với “vượt cạn” - hành trình nặng nhọc, hiểm nguy để đứa bé “chào đời”. Còn nhận điệu chính là giới thiệu đứa bé “vào đạo”, tức thêm một lần sinh nữa, cũng ý nghĩa không kém như thế. Lần này, đứa trẻ được sinh ra trong ngôi nhà Chánh pháp, chuẩn bị hành trình trở thành một trưởng tử Như Lai, “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”. Hiểm nguy ở chỗ, nếu không trở thành một thầy tu đúng nghĩa, đứa trẻ ấy không những sẽ hỏng cả đời mà còn có khả năng làm hư cả đạo.

Người xuất gia trẻ được dạy như thế nào? Có phải chỉ cần thuộc hai thời công phu, bốn quyển luật và một ít giáo lý căn bản? Thuộc kinh luật hẳn nhiên là điều kiện cần, nhưng biết hành trì, vận dụng lời Phật dạy thì mới có thể làm đẹp cho cuộc sống xuất gia. Do đó, vị thầy phải dạy cho đệ tử biết “hướng tới chân trời cao rộng”, dẹp bỏ tự ngã, sống với từ bi và lấy trí tuệ làm sự nghiệp.

chutieu.jpg
Ảnh: Trần Thế Phong

Cho nên, nuôi và dạy một chú điệu cho tốt chính là một “Phật sự” cao cả mà không phải vị thầy nào cũng có thể làm được. Đó là việc “truyền đăng tục diệm” - tiếp nối ngọn đèn Chánh pháp.

Khi xưa, Tăng đoàn của Phật không có những người xuất gia nhỏ tuổi. Cho tới khi La Hầu La được Phật trao cho “gia tài”, trong chúng mới xuất hiện một “khu ô Sa-di” - Sa-di đuổi quạ, tức một chú điệu, chú tiểu. Sau đó có thêm chư Ni, ngôi nhà Phật pháp gần như hội tụ đủ nam nữ, già trẻ. Nhiều thêm thì rắc rối thêm, nhưng đó là một sự tất yếu: có măng rồi mới có tre!

Măng non đầu tiên của Phật giáo, ngài La Hầu La, lúc đó mới 7 tuổi. Bảy tuổi là độ tuổi đủ cứng cáp để có thể tự tay làm những việc căn bản nhất, như ăn uống, tắm rửa, theo thầy khất thực. Bảy tuổi đã có thể tiếp thu những bài học đơn giản, sinh động về triết lý, đạo đức, trách nhiệm, đặc biệt là tình thương và lòng biết ơn. Nhưng 7 tuổi vẫn còn quá nhỏ, cần có người trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ. Và, Đức Phật đã giao cho ngài Xá Lợi Phất - vị được mệnh danh là “Tướng quân Chánh pháp” - chăm sóc Sa-di La Hầu La.

Có những câu chuyện về La Hầu La đã được kể đến trong kinh điển, tuy không nhiều, nhưng cũng đủ cho chúng ta thấy vị Sa-di đầu tiên này đã có một cuộc sống xuất gia sinh động, đặc biệt đã nhận được một sự giáo dục kỹ lưỡng, “khắt khe nhưng đầy tình thương”. Sau La Hầu La, chúng ta hiếm thấy sự xuất hiện của một Sa-di, nhất là Sa-di-ni khác nữa trong kinh điển, nhưng không vì thế mà những mầm non trẻ tuổi này bị xem nhẹ.

Chúng ta còn nhớ, trong bài kinh Tam Bồ-đề (Tạp A-hàm, số 46), Đức Phật dạy có bốn thứ không thể xem thường, trong đó có nhắc đến một vị xuất gia trẻ tuổi; dù trẻ, vị ấy vẫn đang “giữ lửa tịnh giới”, và sẽ tham dự vào hàng Thánh chúng.

Tuy vậy, cho dù vị xuất gia trẻ có mang trong mình Thánh chủng đi nữa, thì hạt giống ấy cũng cần phải được chăm sóc tưới tẩm liên tục mới mong trổ quả Bồ-đề. Trong Tương ưng bộ - kinh Tương ưng La Hầu La, chúng ta thấy rất nhiều lần Đức Phật giáo huấn La Hầu La về các phương diện tu tập, nhờ đó vị xuất gia trẻ này khéo phòng hộ được các căn, tâm nhu hòa nhẫn nhục và chứng Thánh quả lúc vừa đôi mươi, trở thành vị “mật hạnh đệ nhất” trong số 10 đại đệ tử của Phật.

Có thể thấy, Đức Phật đã rất quan tâm đến những mầm non trong Chánh pháp, từ việc giao cho người có năng lực tốt nhất dạy dỗ, đến việc đích thân giáo hóa - tất nhiên không phải vì La Hầu La là thân thuộc của Ngài. Cần lưu ý thêm rằng, trong đời sống xuất gia, La Hầu La đã chịu không ít “uất ức”, như lúc nhỏ phải nhường phòng cho những vị Tỳ-kheo, rồi vào nhà xí tránh mưa gió qua đêm; có lần đi khất thực thì được cúng cho loại thức ăn thứ cấp (vì thức ăn ngon hơn đã được thí chủ dâng cho các Tỳ-kheo); khi thọ Đại giới rồi, được cúng dường tinh xá, sau thí chủ lại đem tinh xá ấy cúng cho vị Tỳ-kheo khác…

Những “uất ức” mà La Hầu La gặp phải lúc nhỏ không phải là điều xa lạ đối với các Sa-di sau này. Vượt qua những thử thách ấy, một vị Sa-di mới trưởng thành trong Chánh pháp. Cho nên các vị xuất gia nhỏ tuổi vào chùa đừng mong được cung phụng như những cậu ấm, cô chiêu. Ở nhà, các cô/ cậu nhỏ được ông bà, cha mẹ thay nhau chăm sóc, khi vào chùa xuất gia hành điệu, các chú phải học cách hầu thầy. Gặp phải vị thầy khó tính, nhất là những vị thầy tâm còn nhiễm ô, lắm khi các chú phải chịu những trận đòn “oan không chịu nổi”.

Theo Luật, các vị thầy phải hội đủ ít nhất 10 tuổi hạ, thông hiểu hai bộ luật Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni thì mới được độ đệ tử xuất gia. Thêm nữa, các vị cần hội đủ 5 pháp: 1. Thông hiểu sự lợi ích rộng của hai bộ giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni; 2. Giải quyết được nghi vấn và tội khinh trọng đáng phạm của đệ tử; 3. Đệ tử ở phương xa đủ sức khiến đệ tử quay về; 4. Phá được kiến chấp tà ác của đệ tử và răn dạy đừng làm điều ác; 5. Nếu đệ tử bệnh, chăm sóc được như cha nuôi con (theo Cương yếu giới luật - HT.Thích Thánh Nghiêm). Chúng ta cần nhấn mạnh điều thứ 5 này, vì có nhiều vị thầy dạy đệ tử một cách đầy lý tính, khô khan như thể thiếu tình thương.

Trên thực tế, có 4 hạng thầy: 1. Có pháp lại có cơm áo; 2. Có pháp mà không có cơm áo; 3. Có cơm áo mà không có pháp; 4. Không có pháp cũng không có cơm áo (theo Cương yếu giới luật). Lý tưởng nhất dĩ nhiên là các vị thầy vừa có pháp vừa có cơm áo; thứ nữa là các vị thầy tuy có pháp nhưng thiếu cơm áo. Hai hạng thầy còn lại, dù “cưng” đệ tử đến mức nào, cũng không đáng để nương theo. Thời mạt pháp, thầy giỏi mỗi ngày một hiếm…

Ngày nay, giáo dục Phật giáo, nhất là giáo dục tuổi trẻ, đối diện với không ít thử thách. Các chú điệu ngoài việc phải hoàn tất chương trình giáo dục học đường vốn đã rất nặng, còn phải theo đuổi chương trình Phật học cũng khó khăn không kém. Giống như bao đứa trẻ khác, các chú điệu cũng phải trải qua những tháng ngày tuổi thơ, rồi những khó khăn của lứa tuổi dậy thì, những trăn trở trước ngưỡng trưởng thành, tất cả đều chứa đầy cạm bẫy. Do đó, những người thầy trong Phật giáo, ngoài việc làm gương trong tu tập, cần phải kiện toàn kỹ năng giáo dục để có thể trao cho thế hệ tương lai những gì tốt đẹp nhất.

Giáo dục là kỹ năng, không phải bản năng. Thiết nghĩ, các trường Phật học ngoài việc giảng dạy Kinh - Luật - Luận, cần chú trọng hơn nữa đến các môn tâm lý giáo dục, quản lý giáo dục… cho tất cả Tăng Ni sinh - những người sẽ sớm trở thành thầy dạy, người hướng dẫn đạo đức giải thoát trong nay mai. Theo đó, việc dạy dỗ người xuất gia trẻ cũng sẽ được thực hiện bài bản, không tùy hứng, hoặc mặc cho những mầm non Phật giáo tự lớn lên theo cách của mình.

Quảng Kiến/Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng toạ Thích Tĩnh Triệt

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp có tân Trưởng ban sau khi Hoà thượng Thích Chơn Minh viên tịch

GNO - Nguồn tin của Báo Giác Ngộ, ngày 14-11, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ấn ký Quyết định số 444/QĐ-HĐTS bổ nhiệm Thượng tọa Thích Tĩnh Triệt làm Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp.

Thông tin hàng ngày