Nhiều chùa nhận văn bản đề nghị báo cáo thu chi tiền công đức

Chùa Sắc tứ Bác Ái tại TP.Kon Tum, di tích cấp tỉnh (Kon Tum) được công nhận năm 2008
Chùa Sắc tứ Bác Ái tại TP.Kon Tum, di tích cấp tỉnh (Kon Tum) được công nhận năm 2008
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chư Tăng ở một số chùa tại Kon Tum và nhiều địa phương khác cho biết vừa nhận được các văn bản của UBND đề nghị báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ tại di tích trên địa bàn. Gởi kèm là mẫu số 2 và danh mục phân cấp quản lý các di tích.

Như tại TP.Kon Tum, trong văn bản số 602/UBND-TH ghi ngày 16-2-2024 gửi đến UBND các phường; các tổ chức, cá thể là chủ sở hữu được giao quản lý, sử dụng di tích trên địa bàn, cho biết việc làm này nhằm thực hiện Quyết định số 49/QĐ-UBND ngày 29-1-2024 của UBND tỉnh Kon Tum, tổng kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh nhà.

Văn bản cũng đề nghị báo cáo theo biểu mẫu số 2 (có đính kèm biểu mẫu và gửi về UBND phường sở tại, trước ngày 24-2-2024).

Theo đó, UBND các phường (nơi có địa chỉ các di tích) tổng hợp báo cáo của các tổ chức, cá thể là chủ sở hữu được giao quản lý, sử dụng di tích gửi về UBND TP.Kon Tum trước ngày 27-2-2024.

Căn cứ mẫu số 2, nội dung báo cáo tiền công đức gồm tổng thu và tổng chi, cùng chi tiết các khoản chi (quản lý di tích, lễ hội, tu bổ và các khoản chi từ thiện, nhân đạo).

Chia sẻ với Báo Giác Ngộ chiều 28-2-2024, Đại đức Thích Đồng Tri, trụ trì chùa Sắc tứ Bác Ái (TP.Kon Tum), di tích văn hóa - lịch sử tỉnh Kon Tum được xếp hạng từ năm 2008, cho biết sau Tết Giáp Thìn, chùa đã nhận được văn bản đề nghị báo cáo thu chi tiền công đức, nhưng do lúng túng chưa biết phải kê khai như thế nào cho đồng bộ và phù hợp.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhận đề nghị này, mà trước đó chưa có một sự hướng dẫn nào từ Giáo hội tỉnh cũng như các cơ quan chức năng, nên rất lúng túng. Chúng tôi cũng đã trình báo lên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và đang chờ hướng dẫn cụ thể để việc kê khai đúng, đồng bộ.”, Đại đức Thích Đồng Tri cho biết.

Không phải là các chùa chiền, mà chỉ với các chùa đã được công nhận là di tích (các loại và các cấp, hoặc các chùa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích) mới phải thực hiện việc báo cáo này, nếu chính quyền địa phương có công văn đề nghị

Không phải là các chùa chiền, mà chỉ với các chùa đã được công nhận là di tích (các loại và các cấp, hoặc các chùa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích) mới phải thực hiện việc báo cáo này, nếu chính quyền địa phương có công văn đề nghị

Tại TP.HCM, Sở Tài chính cũng đã phổ biến Văn bản số 990/STC-HCSN ngày 23-2-2024, về việc triển khai thực hiện kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn Thành phố.

Trước đó, ngày 22-2-2024, UBND TP.HCM cũng đã ban hành Quyết định số 550/QĐ-UBND chỉ đạo triển khai về việc này.

Công văn của Sở Tài chính TP.HCM đề nghị các Sở Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện tổng hợp báo cáo gửi về Sở Tài chính trước ngày 10-3-2024.

Cũng trong ngày 28-2, nhóm phóng viên Báo Giác Ngộ đã liên hệ với một số chùa là di tích đã được xếp hạng các cấp trên địa bàn TP.HCM, được biết có nơi đã nhận được văn bản và đã báo cáo theo đề nghị; có nơi thì vẫn chưa, và có nơi thì chính quyền địa phương có thông báo lịch hẹn xuống làm việc tại di tích.

Đại đức Thích Huệ Quang, trụ trì chùa Sắc tứ Trường Thọ (Q.Gò Vấp), di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia được công nhận năm 2000, cho Báo Giác Ngộ biết chùa đã nhận được văn bản đề nghị báo cáo và đã thực hiện báo cáo đầy đủ gửi chính quyền địa phương theo yêu cầu.

Thượng tọa Thích Trí Chơn, trụ trì tu viện Khánh An (Q.12), di tích cấp Thành phố, cho biết chính quyền địa phương thông báo sẽ đến kiểm tra thu, chi tiền công đức của di tích này vào ngày 15-3-2024.

Thượng tọa Thích Từ Tánh cho biết chùa Giác Lâm (Q.Tân Bình), di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia, tới hôm nay vẫn chưa nhận được một văn bản đề nghị báo cáo nào.

Đại đức Thích Minh Thông, trụ trì chùa Phước Hải (chùa Ngọc Hoàng, Q.1), di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia được công nhận từ năm 1994, cho biết dù chưa nhận văn bản chính thức, nhưng nhà chùa sẵn sàng thực hiện báo cáo theo quy định.

Được biết, việc tổng kiểm tra thu, chi tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa được tiến hành trên cả nước, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, do Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện tại Quyết định số 11752/BTC-HCSN ngày 30-10-2023.

Đối tượng kiểm tra các di tích lịch sử đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Như vậy, không phải là tất cả chùa chiền, mà chỉ với các chùa đã được công nhận là di tích (các loại và các cấp, hoặc các chùa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích) mới phải thực hiện việc báo cáo này, nếu chính quyền địa phương có công văn đề nghị.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày