Nhiều tranh luận trái chiều về “Tam giáo” thời nhà Mạc

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1213 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1213 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - “Tam giáo đồng nguyên”, “Hỗn dung Tam giáo”, “Dung hợp tôn giáo” là những từ thường xuất hiện khi các nhà nghiên cứu nói về tôn giáo thời Mạc trong suốt nhiều năm qua.

Thế nhưng, tại Tọa đàm “Tương quan Tam giáo Phật - Nho - Đạo thời Mạc”, nhiều học giả uy tín đã chỉ ra rằng những khái niệm trên đều không đúng, đồng thời các nhà nghiên cứu và một số chư Tăng cũng nêu lên nhiều quan điểm mới, cách nhìn mới về tôn giáo thời nhà Mạc.

Tọa đàm khoa học “Tương quan Tam giáo Phật - Nho - Đạo thời Mạc” do Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào chiều 26-7-2023 tại Hà Nội, được đồng chủ trì bởi PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh (Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông) và GS.TSKH Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo Viện Trần Nhân Tông).

Những vấn đề đặc biệt trong tôn giáo thời Mạc

Tại tọa đàm, các đại biểu được nghe 7 tham luận, báo cáo nghiên cứu. Bao gồm, GS.TS Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) với “Khái quát về tôn giáo tín ngưỡng thời Mạc qua tài liệu Hán Nôm”; PGS.TS Dương Thu Hà (Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông) với tham luận “Tìm về dấu ấn văn hóa Phật giáo thời Mạc trong tương quan tam giáo Phật - Nho - Đạo”;

PGS.TS Trần Thị Biển (Đại học Kiến trúc Hà Nội) với “Mỹ thuật Phật giáo thời Mạc phát triển và thích nghi với yêu cầu lịch sử xã hội”; PGS.TS Trần Thị An (Đại học Quốc gia Hà Nội) với “Tín ngưỡng thờ Mẫu trong bối cảnh Phật giáo và Đạo giáo thế kỷ XVI”; PGS.TS Trần Thị Vinh (Viện Sử học) nói về “Sự hỗn dung: Nho - Phật - Đạo cùng tín ngưỡng dân gian trong đời sống xã hội thời Mạc”; TS. Phan Đăng Thuận (Viện Sử học) nói về “Đạo quán thời Mạc”; TS.Nguyễn Văn Quý (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) với “Vài suy nghĩ tam giáo thời Mạc: Trường hợp Phật giáo”.

Hội thảo có sự phản biện của GS.TS Nguyễn Hùng Hậu (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); PGS.TS Trần Đăng Sinh (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội); PGS.TS Đặng Văn Bài (Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia); PGS.TS Chu Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Tôn giáo); PGS.TS Trần Thị Hạnh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn); Thượng tọa Thích Nguyên Đạt (Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế); Thượng tọa Thích Tiến Đạt (Phó Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học VN tại Hà Nội); GS.TS Lê Mạnh Thát (Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM).

PGS.TS Trần Thị Vinh (Viện Sử học) nhận định: Nhà Mạc không quá sùng Nho giáo như nhà Lê, nhưng vẫn lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng trong xây dựng thiết chế nhà nước, bằng việc mở các khoa thi Nho học chọn hiền tài, dựng bia ghi danh tiến sĩ tại Quốc Tử Giám, chăm lo tu sửa nhà Thái học, cho lập Văn chỉ tại các địa phương…

Theo bà Vinh, nhà Mạc có ý thức chấn hưng Phật giáo sau một thời gian bị mai một. Trong số 186 văn bia, văn chuông thời Mạc hiện còn, có tới 160 văn bia chùa, trong đó hầu hết đều thông tin về việc xây dựng chùa mới, tu sửa chùa cũ, cúng dường Tam bảo… Đối tượng đứng ra xây dựng và trùng tu chùa nhiều nhất là tầng lớp quý tộc hoàng tộc và quan lại trong triều đình, đặc biệt là bà Thái hoàng Thái hậu họ Vũ.

Đề cập về sự hòa đồng Nho - Phật - Đạo cùng tín ngưỡng dân gian trong đời sống xã hội thời Mạc, PGS.TS Trần Thị Vinh cho rằng: Các Nho sĩ đỗ tiến sĩ trong các khoa thi Nho học, từng giữ nhiều chức vụ cao nhưng lại tham gia tích cực vào việc soạn văn bia cho các chùa Phật. Trong 186 đơn vị khắc Hán Nôm thời Mạc, có khoảng 115 đơn vị bia mà người soạn đều là những nho sĩ, tức là chiếm hơn 63% trong tổng số văn khắc thời Mạc. Đặc biệt, trong đó có cả những người đỗ Tam khôi như Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bảng nhãn Đỗ Uông… Riêng Đỗ Uông đã soạn tới 6 văn bia cho các chùa.

“Những nho sĩ tham gia soạn văn bia cho chùa, họ quan niệm soạn văn bia là để làm việc thiện, chứ không phải là nhiệm vụ của nhà nho. Qua việc tham gia soạn văn bia, thể hiện rõ thái độ của các nhà nho đối với Phật và Đạo. Trong con người họ vừa có Nho, vừa có Phật và vừa có Đạo giáo. Tam giáo đồng nguyên đã có từ trong tư tưởng của các nhà nho thời Mạc”, PGS.TS Trần Thị Vinh nhận định.

PGS.TS Trần Thị Vinh cho hay, trong suốt chiều dài lịch sử, Nho – Phật – Đạo là ba tôn giáo riêng và đều có chỗ thờ tự riêng biệt. Thế nhưng dưới thời Mạc, ba tôn giáo này có sự hòa đồng, được thể hiện rõ nhất trong việc thờ tự tại các cơ sở tôn giáo. “Có không ít cơ sở Phật giáo (các ngôi chùa), đã phối thờ cả những tượng về Đạo giáo và Nho giáo; hoặc tại những cơ sở thuộc Đạo giáo (quán) đã phối thờ những tượng về Phật giáo và Nho giáo. Nhiều ngôi chùa còn mang tên “chùa Tam giáo”, vì nơi đó có hẳn một hệ thống tượng thờ cho cả ba loại tôn giáo Nho - Phật - Đạo”, bà Vinh nói.

Điển hình như: Tam giáo tự (Đan Phượng, Hà Nội), chùa Cao Dương (Thái Thụy, Thái Bình); Linh Tiên tự (Hoài Đức, Hà Nội)… Đơn cử, chùa Linh Tiên có các tượng: Tam Thanh, Đế Thích, Thánh Phụ, Thánh Mẫu, Khổng Tử, Nam Tào, Bắc Đẩu, Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn…

“Tư tưởng hỗn dung, hòa đồng giữa các tôn giáo dưới thời Mạc là nét tích cực trong tiến trình phát triển văn hóa dân tộc. Đó cũng là một trong những đóng góp của nhà Mạc đối với lịch sử dân tộc nói chung, đối với lịch sử văn hóa dân tộc nói riêng”, PGS.TS Trần Thị Vinh nhấn mạnh.

PGS.TS Chu Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Tôn giáo), nêu câu hỏi: Nếu nói hỗn dung, thì phải có sự pha trộn, dung hợp. Nhưng chúng ta chỉ nhìn thấy sự hỗn dung ở trong mặt thờ cúng, tức là có tượng thờ của nhiều tôn giáo ở trong một cơ sở thờ tự. Trong khi đó, giữa các tôn giáo này không thấy có sự hỗn dung hay dung hợp với nhau về giáo lý, triết lý, nghi lễ, giáo luật và cả về thực hành tôn giáo.

“Theo quan điểm của tôi, đây không phải là hỗn dung, hay dung hợp, mà chỉ là sự hòa đồng, tương quan với nhau. Dùng hỗn dung theo tôi là không đúng. Nói hỗn dung thì phải là trường hợp của Cao Đài, ở đó mới có sự dung hợp giữa Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo”, PGS.TS Chu Văn Tuấn nói.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Quang cảnh buổi tọa đàm

Vì sao Phật và Thánh được thờ chung trong Tam bảo?

TS.Phan Đăng Thuận (Viện Sử học) cho hay, thời Mạc ngoài đề cao Nho giáo, thì Phật giáo phát triển, đặc biệt thời kỳ này có nhiều đạo quán được xây dựng. Bối cảnh khi nhà Mạc ra đòi, có hiện tượng nhiều nho sĩ không ra hợp tác với nhà Mạc, mà về ở ẩn. Đến thời Lê Trung Hưng, có những nho sĩ trước đó làm quan nhà Mạc, thì không hợp tác với nhà lê Trung Hưng, mà cũng về ở ẩn.

Chưa từng có thời kỳ nào, số lượng nho sĩ, quan lại về ở ẩn nhiều như thời kỳ này, họ lấy tư tưởng an nhàn của Đạo giáo làm lẽ sống, khiến cho Đạo giáo phát triển vào thời Mạc. Điều đó lý giải cho hiện tượng rất nhiều đạo quán được xây dựng vào thời nhà Mạc. Nhưng đến khi mà nhà Mạc thất bại rồi, thì các đạo quán của thời Mạc gần như là đã được chuyển hóa “biến” thành ra chùa làng. Khiến cho tên đạo quán không còn, người dân chỉ gọi là chùa. Là chùa, nhưng trong chùa có tượng thờ các tiên thánh, vì thế nên được gọi là chùa Tam giáo.

“Tam giáo đồng nguyên là cách lý giải bên Trung Hoa thời Tống, khi mà Nho, Phật, Đạo có xung khắc nhau, Có một nhóm người đề xuất rằng: cả 3 tôn giáo này sinh từ cùng một gốc, tư tưởng giống nhau, không nên bài xích nhau. Việt Nam chúng ta không có đồng nguyên theo nghĩa như vậy. Nhiều nhà khoa học, học giả khi viết về tôn giáo thời Mạc, đã dùng từ “Tam giáo đồng nguyên” là sai”, TS.Phan Đăng Thuận nêu quan điểm của mình.

Bằng tham luận Phật giáo thời Mạc, TS.Nguyễn Văn Quý (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) cho biết, thời Lê sơ, Nho giáo là chính, nhưng Phật giáo và Đạo giáo vẫn đóng vai trò trong vua quan và giới quý tộc. Tiêu biểu như các hoạt động lễ cầu mưa ở chùa Pháp Vân, và nhiều lần mở các Pháp hội Vu Lan ở các chùa thường xuyên được tổ chức bởi triều đình nhà Lê. Đây là tiền đề để cho Phật giáo ở thời nhà Mạc được phát triển.

Theo ông Quý, thời Lê sơ chỉ cho tu bổ chùa thờ Phật, chứ không cho xây dựng mới các ngôi chùa, cũng không có đạo quán nào dược xây dựng. Đến thời Mạc cho thấy tam giáo phát triển, Nho giáo không còn chiếm vị trí độc tôn như thời vua Lê Thánh Tông nữa. Vào thời Mạc, có 8 đạo quán được xây dựng; Phật giáo cũng được phục hồi và phát triển trên các phương diện: tu bổ, xây dựng mới, đặc biệt là ở vùng Dương Kinh - Hải Phòng - quê hương của nhà Mạc. Nhiều ngôi chùa Tam giáo, vừa thờ cả tượng Phật, vừa thờ cả tượng Tiên Thánh đã xuất hiện vào thời kỳ này.

GS.TS Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đồng tình với góc nhìn mới của TS Quý, rằng thời Lê sơ không chèn ép Phật giáo, Đạo giáo. Các vua thời Lê sơ chú trọng Nho giáo, chuyển giao nhiều nhiệm vụ vốn của Phật giáo ở các thời đại trước (Lý - Trần) đó là dạy học, đào tạo nhân tài, thi cử, bổ dụng quan lại về cho Nho giáo. Tức là, Phật giáo không còn là công cụ chính trị nữa, mà trở về đúng nghĩa là tôn giáo. Các hoạt động lễ hội của Phật giáo cũng vẫn được triều đình Lê sơ tổ chức, hoặc ủng hộ nhân dân tổ chức.

Tuy vậy, ông Thuân cho rằng: “Nói chùa thời Mạc có thờ cả tượng của Đạo giáo thì không phải đâu! Các ngôi chùa chuẩn thời Mạc không có tượng của Đạo giáo. Thời Mạc có nhiều đạo quán được xây dựng. Sang thời Lê trung hưng, triều đình không thích Đạo giáo mà chú trọng đạo Phật, khiến nhiều đạo quán được người dân chuyển đổi thành chùa. Các chùa do từ quán chuyển biến thành thì mới có tượng Đạo giáo cùng với tượng Phật trên ban thờ Tam bảo. Bởi vậy, dùng các từ “Tam giáo đồng nguyên”, “Hỗn dung tam giáo” đều không đúng”, GS.TS Đinh Khắc Thuân phân tích.

GS.Lê Mạnh Thát phát biểu tại tọa đàm

GS.Lê Mạnh Thát phát biểu tại tọa đàm

Những lý giải mới từ phân tích địa chính trị của nhà Mạc

Thượng tọa Thích Nguyên Đạt nêu câu hỏi: Trong hiện tượng Tam giáo hòa đồng thời Mạc, thì ai là chủ thể trong đó? Ta thấy, Tam giáo chỉ xảy ra ở trong chùa, chứ không xảy ra trong đạo quán, hay trong văn miếu thờ Nho giáo.

“Mỗi một hiện tượng xuất hiện luôn luôn hướng tới mục tiêu gì đó. Yếu tố nội sinh và ngoại sinh cộng hợp lại sinh ra hiện tượng. Các nhà khoa học hôm nay cung cấp nhiều thông tin rất giá trị, tuy nhiên phần lớn chỉ nêu lên hiện tượng trong các chùa, miếu, quán thời Mạc, chứ chưa lý giải được nguyên nhân vì sao dẫn đến hiện tượng đó. Chúng tôi mong muốn các nhà khoa học có thể làm chậm lại để nghiên cứu nhà Mạc có chiều sâu hơn, để kết đọng lại giá trị cho đời sau, chứ không nên chỉ mô tả hiện tượng”, Thượng tọa Thích Nguyên Đạt nêu quan điểm.

Thượng tọa Thích Tiến Đạt (Phó Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học VN tại Hà Nội) cho rằng nhìn về tôn giáo thời Mạc thì cần phải đặt trong hoàn cảnh chính trị xã hội thời Mạc. Các triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần, Phật giáo được coi trọng, Nho giáo chưa thịnh hành. Đến thời Lê sơ, triều đình lấy Nho giáo làm trọng, giáo dục các quan lại, các nho sĩ phải tuân thủ “Trung quân ái quốc”, cũng là muốn phòng ngừa việc ngoại tộc cướp ngôi.

Khi nhà Mạc lấy ngôi của nhà Lê, tất cả các nho sĩ đều coi nhà Mạc là ngụy triều, theo quan điểm của Nho giáo thì không xứng đáng bước vào Văn Miếu, vì làm tôi không có trung. Tại sao, nhà Tiền Lê lấy ngôi từ nhà Đinh và chỉ tồn tại được 20 năm, nhà Hồ lấy ngôi từ nhà Trần và chỉ tồn tại có 7 năm, nhưng không được gọi là ngụy triều. Nhà Mạc tồn tại tới 65 năm (đấy là chưa kể thêm 83 năm ở Cao Bằng), nhưng tại sao lại bị gọi là ngụy triều?

Ấy là vì, các thời Trần trở về trước, Phật giáo là quốc giáo, chú trọng nhân nghĩa, mà không cổ xúy “ngu trung”, nên quan điểm của quan lại và người dân, ai là vua giỏi trị vì thì được chấp nhận, không quan tâm đến việc cướp ngôi. Đến thời Lê sơ, tinh thần “ngu trung” được đề cao. Do đó, khi nhà Mạc lấy ngôi từ nhà Lê, phần lớn các nho sĩ đều từ bỏ quan tước, về ở ẩn. Nhiều quan lại, nho sĩ đã tới Thanh Hóa mưu việc phục hưng lại nhà Lê. Trong dân chúng đều coi nhà Mạc là ngụy triều.

Mặc dù nhà Mạc vẫn tổ chức các khoa thi, lấy những người đỗ đạt để bổ dụng làm quan, nhưng mục đích chỉ là quản lý đất nước. Do đó, dựa vào đâu mà nhà Mạc chuyển hướng sang Phật giáo? Tại sao các hoàng thân quốc thích thời Mạc thích xây chùa? Bởi vì họ sợ nhân quả và chỉ có dựa vào Phật giáo thì mới giải quyết được vấn dề nhân quả này.

Trong nhà Phật chấp nhận không cần phải “ngu trung” theo cái cách của nhà Nho. Thúc đẩy phát triển Phật giáo, để tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân và các nho sĩ rằng, cứ vua giỏi tôi sáng là được, không nên “ngu trung” giữ lấy triều đình đã mục ruỗng của nhà Lê. Đây mới là vấn đề mà vua Mạc Thái Tổ cho đến các vua Mạc đời sau hướng đến chùa.

“Trong tình thế các nho sĩ, quan lại chống đối, phong trào khôi phục nhà Lê phát triển mạnh tại Thanh Hóa, Nghệ An, triều đình nhà Mạc rất lo sợ sẽ bị đánh thua, nên “có bệnh thì vái tứ phương”. Vừa cần Nho giáo để lo việc triều chính, vừa cần Phật giáo để an dân, lại cần cả Đạo giáo để cầu khẩn thần linh cứu giúp. “Đạo giáo chữa bệnh ngoài da, Nho giáo chữa bệnh trong thịt, Phật giáo chữa bệnh trong cốt tủy”. Chính vì thế, nhà Mạc viện đến cả Phật - Nho - Đạo để làm thiết chế giềng mối”, Thượng tọa Thích Tiến Đạt phân tích.

Đề cập vấn đề Nho - Phật hòa đồng, mà các nhà nghiên cứu nêu lên rằng trong số 160 văn bia, văn chuông trong chùa được dựng vào thời Mạc hiện còn, có tới 115 bia mà dưới lời văn ghi tên người soạn là trạng nguyên, thám hoa, bảng nhãn, tiến sĩ, nho sĩ… Trong khi các bia dựng thời trước đó, hầu như không khắc ghi tên tác giả soạn văn bia. Thượng tọa Thích Tiến Đạt lý giải: Theo truyền thống, các vị khoa bảng được khắc tên vào bia đá ở Văn Miếu nơi kinh thành, và bia đá ở các văn chỉ địa phương. Trong thời gian trị vì ở Thăng Long (1527-1592), nhà Mạc đã tổ chức được 22 khoa thi Hội, lấy đỗ 485 tiến sĩ và 13 trạng nguyên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguy cơ nhà Mạc sẽ bị tiêu diệt, nhà Lê sẽ trung hưng, các nhà nho thời Mạc cũng lo sợ nếu nhà Lê vào được kinh thành Thăng Long, sẽ đập bỏ và xóa các bia đá khắc ghi tên các vị đỗ đạt thời Mạc, các văn chỉ thời Mạc ở các địa phương sẽ bị xóa bỏ. Khi đó, nguy cơ công lao “khổ học thành tài” sẽ bị xóa sạch. Chính vì vậy, đông đảo nho sĩ đỗ đạt khoa bảng vào thời nhà Mạc đã tìm đến dùng văn chương chữ nghĩa của mình để viết văn bia cho các ngôi chùa, cùng với mong muốn khắc rõ tên mình cùng với năm thi và thành tựu đỗ đạt, với mục đích sẽ vẫn lưu danh được tên tuổi đến hậu thế ngay cả khi nếu bia ghi danh ở Văn Miếu bị xóa bỏ.

Theo Thượng tọa Thích Tiến Đạt, thông thường, các vị vua khi mất đi sẽ được thờ trong Thái miếu ở Hoàng thành và nhiều đền thờ ở quê hương, các địa phương. Khi vua Mạc Thái Tổ qua đời, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn lo nếu bị triều Lê lấy lại ngôi báu, thì nhà Lê sẽ phá bỏ Thái miếu nhà Mạc và các đền thờ vua Mạc. Bởi vậy, bà đã đặt tượng hậu vua Mạc Thái Tổ và mình ở trong chùa, để phòng khi triều đại Mạc bị mất thì vẫn còn nơi hương khói vua Mạc.

Ngày nay, trong chùa Trà Phương (tại Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) có tượng hậu Thái tổ Mạc Đăng Dung và phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn - đã được công nhận bảo vật quốc gia. Thông thường tượng hậu trong chùa là tượng người dân, thường được bày ở những nơi không quan trọng, như hành lang chùa, thậm chí nhiều tượng hậu được đặt dưới nền đất mà không phải trên bàn thờ. Tượng hậu tại chùa Trà Phương là tượng hậu duy nhất dành cho vua ở nước ta.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày