Nhìn từ mùa Vu lan qua

GN - Qua rằm tháng Bảy được xem là đã khép lại mùa Vu lan, chư Tăng Phật giáo Bắc tông mãn hạ, Phật tử và thiện tín nam nữ thêm một lần được cài hoa hiếu hạnh, nhắc nhớ ân trọng của cha mẹ, thầy tổ, đất nước và vạn loại. Pháp hội Vu lan vì thế được gọi là “lễ hội tình thương”, thấm đẫm nhân văn, lan tỏa trong nếp sinh hoạt của nhiều người, dù có là Phật tử hay không…

Anh su kien 1.jpg
Xuống phố cài hoa mùa Vu lan tại Đà Nẵng

Nét đẹp mùa hiếu hạnh

Nhiều hoạt động mang tính giáo dục, khơi gợi đạo hiếu đã được tổ chức. Có thể đó là việc mở những trang báo để người con, học trò có cơ hội viết cảm xúc Vu lan. Ngoài Giác Ngộ có tiểu mục “Vu lan trong tim con”, gần như báo nào cũng có đăng tải những câu chuyện xúc động về tình mẹ, tình cha, về lòng biết ơn sinh thành, dưỡng dục trong những ngày tháng Bảy. Đó có thể là những trải lòng, hoài niệm, hối lỗi, biết ơn của chính tác giả và cũng có thể là câu chuyện xúc động, lấy nước mắt về tình mẫu tử của một nhân vật nào đó…

Mùa Vu lan năm nay, Phật giáo Quảng Nam lần đầu tổ chức chương trình “Đạo hiếu và dân tộc”, ngoài đêm nghệ thuật vào ngày 12-8 thì trước đó một tháng, cuộc thi viết cùng chủ đề đã thu hút đến 300 bài dự thi.

Nhà thơ Phan Chín, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Đất Quảng nhận định, những bài thi xúc động do xuất phát từ cảm xúc thật của người viết. Ông Chín bày tỏ, việc hoằng pháp qua văn chương, nghệ thuật là cách dễ đi vào lòng người. “Đạo hiếu là đề tài muôn thuở, tuy nhiên xã hội ngày càng trở nên xô bồ, vội vàng, gấp gáp trong cuộc sống, đôi khi người ta có thể bỏ quên những đạo hiếu ở đời. Chính vì lẽ ấy, cuộc thi này được tổ chức mang ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc”, ông Chín nói.

Cũng nói về cuộc thi, ThS.Trịnh Minh Hương, giảng viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Quảng Nam chia sẻ: “Đây là cuộc thi phù hợp với tâm hồn của mỗi con người, bởi lẽ nói đến đạo hiếu thì sâu xa trong tâm hồn của mỗi con người đều luôn hướng vọng về cái cao cả nhất đó là tình cha, tình mẹ; cuộc thi đã đáp ứng được nguyện vọng đó, nên tất cả bài viết được thể hiện bằng sự chân thành, nói lên cái tâm và sự thật của chính cuộc đời mình”.

Đặc biệt, tại các buổi lễ Vu lan ở các chùa, có phần “Bông hồng cài áo” với những bài “hoài niệm Vu lan” là những cảm xúc thật của một ai đó, nghi thức cài hoa trên nền nhạc ca tụng về tình mẹ, tình cha… là điểm nhấn nhắc nhớ sâu nhất về ơn cha nghĩa mẹ.

Cài hoa mùa Vu lan không chỉ diễn ra tại buổi lễ trong khuôn khổ một ngôi chùa mà đã trở thành hoạt động tình nguyện - đem hoa hồng xuống phố, xuống chợ, vào làng quê… Còn nhớ những năm trước, ĐĐ.Thích Tánh Khả (Phật giáo Thanh Hóa) lúc sinh tiền, thầy đã phát động hoạt động xuống phố, vào chợ, tới từng nhà cài hoa hồng mùa Vu lan và được sự hưởng ứng của mọi người. Năm nay, theo ghi nhận của Giác Ngộ, tại Đà Nẵng, với chương trình “Đóa hoa hiếu hạnh”, ĐĐ.Thích Tịnh Vương, Ủy viên BTS Phật giáo TP.Đà Nẵng, tri sự chùa Long Hoa (Q.Ngũ Hành Sơn) cùng hàng chục bạn tình nguyện viên, Phật tử trẻ đã phát tâm cùng mang hoa hồng xuống phố mùa Vu lan.

Theo ĐĐ.Tịnh Vương, chương trình khởi xướng lần này với mong muốn cài 10.000 hoa hồng cho mọi đối tượng, ở bệnh viện, chợ, đường phố, quán xá… “Tuy nhiên, chúng tôi chỉ cài được 8.000 hoa, nhưng ai cũng vui vì cảm nhận việc làm ý nghĩa, giúp cho người được cài có được phút giây lắng lòng, xúc động nghĩ nhớ ơn đức của cha mẹ”. Bạn Trần Văn Sĩ tham gia tình nguyện mang hoa xuống phố chia sẻ: “Đêm nay là đêm hạnh phúc, vì con hiểu sâu hơn về việc cài hoa, việc mà mình đã làm không chỉ dành cho một vài người mà còn cho những người khuất mặt…”.

Vẫn còn nếp nghĩ “tháng cô hồn” và…

Theo đó, báo Tiền Phong ngày 26-8 đăng tải nhiều hình ảnh chen lấn, giành giật đồ cúng với tít “Xem ‘cô hồn sống’ giật cô hồn gây náo loạn cả khu phố ở Sài Gòn” đã viết: “Rất đông người xô đẩy, chen lấn, thậm chí suýt ẩu đả để giật đồ cúng rằm tháng Bảy khi một gia chủ ở Sài Gòn cúng với số tiền lên đến cả chục triệu đồng”.

Bài báo cho biết, ngày 16-7 âm lịch, một nhà hàng người Hoa trên đường Nguyễn Biểu, P.2, Q.5, TP.HCM làm mâm cỗ cúng cô hồn với đầy đủ thịt gà, heo, bánh, hoa quả,... Theo lịch, đến 13g30 gia chủ mới rải tiền sau khi làm lễ cúng nhưng từ trưa, hàng chục người đã đến ngồi túc trực sẵn. Càng gần đến giờ cúng, lượng người dồn về đây càng đông khiến cả đoạn đường ken cứng người, giao thông ùn ứ.

Dù có lực lượng chức năng đến điều tiết, nhưng khi thấy gia chủ cầm bịch tiền lớn lên lan can tầng 1, đám đông bắt đầu xô đẩy, hàng trăm người hỗn loạn tìm chỗ gần vị trí rải tiền. Khi những nắm tiền được rải xuống, cả trăm người xô đẩy, chen lấn, chạy loạn xạ, thậm chí nằm hẳn xuống đường để lượm tiền. Do lượng tiền rải lớn, nhiều nhóm thanh niên tranh nhau giành giật nên suýt xảy ra xô xát. May mắn, lúc này cảnh sát nhanh chóng có mặt để ngăn chặn kịp thời màn ẩu đả để giật tiền cúng cô hồn.

Anh su kien 2.jpg


Cảnh giật cô hồn ở Q.5, TP.HCM ngày 26-8-2018 - Ảnh: Ngô Bình/Tiền Phong

Việc cúng cô hồn quá rình rang, ngoài thực phẩm (thí thực) nhiều người còn cúng tiền và nghĩ rằng càng có nhiều người giật càng tốt nên thông tin rộng rãi. Đồng thời, người giật cũng có niềm tin là giật được đồ cúng cô hồn sẽ may mắn nên cũng thích đi tới đám cúng. Ngay từ đầu tháng Bảy, Giác Ngộ online đã có bài ghi nhận ý kiến về quan niệm không đúng khi “mặc định” tháng Bảy là “tháng cô hồn”.

Cụ thể, ĐĐ.Thích Chí Giác Thông, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM cho rằng: Tháng Bảy - dân gian người ta gọi là “tháng cô hồn” là do người ta chỉ nhìn thấy một khía cạnh nhỏ trong việc các chùa tổ chức những đàn cúng gọi là cúng chẩn tế cô hồn. Nhưng thực tế tháng Bảy là tháng tri ân và báo ân, nhắc nhở mọi người phải biết ơn ông bà cha mẹ của mình.

Bất cứ người con Phật nào cũng hiểu Vu lan dịp để tri ân, báo hiếu, đa số các phương tiện truyền thông cũng đều gọi là mùa Vu lan - Báo hiếu, nhưng có một số tờ tin, báo mạng cũng cứ gọi là “tháng cô hồn”. Ví dụ như báo điện tử Zing ngày 11-8-2018 đã giật tít “Thói quen ăn kiêng vào tháng cô hồn của người Việt”, Soha thì viết “Tháng cô hồn và 18 điều cấm kỵ, 19 điều nên làm được lan truyền”…

Chính những bài viết kiểu này vô tình tạo “hiệu ứng” khiến độc giả nghĩ và tin rằng: tháng Bảy là tháng cô hồn với những điều kiêng kỵ một cách đầy mê tín, lo lắng. Từ đó, cổ vũ cho hành động sai như cúng cô hồn linh đình vì cho rằng vật phẩm càng nhiều càng… an, và dẫn tới có những nhóm người lợi dụng, hùa theo giật cô hồn - tạo hình ảnh xấu xí, mất an ninh, thậm chí thiếu an toàn khi có thể dẫn tới xô xát, đánh nhau như bài ghi nhận của Tiền Phong nói trên.

Việc cúng cô hồn: cần được giải thích và hướng dẫn

Của cúng không bằng cách cúng nên nếu cúng cô hồn - vốn xuất phát từ lòng từ bi, thí thực cho loài ngạ quỷ để “âm dương lưỡng lợi” thì nay, ở một số nơi, đã bị biến tướng - hơi hình thức và cúng nhằm cầu xin như ý của mình.

Về việc giật đồ cúng, khi đám đông tụ tập với cùng mục đích tranh nhau một thứ gì đó thì khi một người manh động, cả đám đông hùa theo - đơn giản vì để tranh lấy tiền và các vật phẩm có giá trị để không thì lỡ vào tay người khác (một số vì vui mà đi giật, số khác vì đói và có thể xem như đó là miếng ăn nên giật, số khác a dua, đi giật cho vui…). Sự lẫn lộn, trà trộn về mặt lợi ích, hành động, thái độ... mà một đám đông khác một nhóm/ tập thể là không có quy tắc chung, mỗi người một “đạo luật” nên loạn lên là dĩ nhiên.

Một câu nói rất thừa nhưng phải nói là: “giáo dục ý thức” hoặc thay đổi nhận thức. Nhưng đó là chuyện lâu dài và cần phải có nơi đàng hoàng/ đúng chức trách lên tiếng như vụ nói không với đốt vàng mã mấy năm trước vậy. Ví dụ như Bộ Thông tin-Truyền thông hay Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch nhất quán kêu gọi hạn chế đốt giấy cúng không cần thiết; gia đình thì quán triệt với con cái không ham vui, không hùa theo hay vì vài vật phẩm cúng tế mà hành động thiếu văn hóa; phường xã, khu phố loa báo các kiến thức đúng đắn vào các dịp lễ Tết rồi qua mỗi bài giảng của các nhà sư - cùng lên tiếng thì mới mong có sự thay đổi…

Ths.Lê Minh Huân
Giảng viên khoa Tâm lý -
Đại học Sư phạm TP.HCM

Chúc Thiệu

* Bạn đọc có chia sẻ, góp ý gì thêm về những vấn đề bài viết đặt ra? Bài vở kính mời bạn đọc gửi về: onlinegiacngo@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày