Những bài học thiêng liêng đầu đời

GN - LTS: Giác Ngộ là tờ báo Phật giáo ra đời sớm nhất sau ngày thống nhất đất nước (1975), là cơ quan ngôn luận được đông đảo bạn đọc tin tưởng, gửi gắm niềm tin, tìm đến như một kênh học Phật, nắm bắt thông tin Phật sự trong, ngoài nước. Thấm thoắt, Báo Giác Ngộ đã ra đời được 39 năm, làm sứ mệnh truyền thông Phật giáo một cách liên tục, với sự đa dạng, phong phú tin bài, phát triển không ngừng trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội cũng như sự chung tay cộng tác, cùng làm báo của đội ngũ cộng tác viên (CTV), bạn đọc từ khắp mọi miền Tổ quốc cũng như ở hải ngoại.>> Câu chuyện đặc biệt của 2 nữ thực tập sinh
toa soan.jpg
Báo Giác Ngộ tọa lạc tại 85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Vũ Giang

Hàng năm, tại Báo Giác Ngộ đều có các bạn sinh viên từ các trường cao đẳng, đại học đến thực tập. Họ đến bởi nhiều cơ duyên khác nhau, có nhiều bạn biết đạo, nhưng cũng có những bạn chỉ mới có cảm tình về Phật giáo. Sau thời gian thực tập họ đều chia sẻ là đã trưởng thành hơn từ môi trường thực tế của Giác Ngộ, thông qua công tác rèn nghề trực tiếp với quy trình làm báo chuyên nghiệp.

Thực ra, đó cũng là niềm vui của những người làm báo Giác Ngộ vì đã được có cơ hội chia sẻ nghiệp vụ với các sinh viên chuyên ngành báo chí hoặc yêu nghề báo tìm tới thực tập. Từ duyên đó, có những bạn đã tiếp tục đeo đuổi ước mơ làm báo ở nhiều cơ quan thông tấn báo chí khác, có bạn chọn hướng rẽ cho riêng mình, một cách tùy duyên hoặc có bạn vẫn gắn bó với báo thông qua tin, bài cộng tác, trở thành CTV thường xuyên hay phóng viên của Giác Ngộ.

Nhưng, dù là thế nào thì sau những tháng thực tập tại Giác Ngộ họ cũng đã ít nhiều góp nhặt được những kỹ năng cho nghề, với những kỷ niệm dễ thương nhất vì tình đồng nghiệp, tình đạo thấm đẫm. Nhân kỷ niệm 39 năm ngày Báo Giác Ngộ ra số đầu tiên, Ban Biên tập muốn dành dung lượng đặc biệt cho những bộc bạch của các bạn trẻ từng là thực tập sinh tại Báo...

Tôi thích báo Giác Ngộ

1CTV.jpg

CTV Trần Hà Vân

Ngày đầu tiên thực tập, hay nói đúng hơn là ngày nộp hồ sơ xin làm thực tập viên tại một tờ báo Phật giáo - báo Giác Ngộ, cảm giác của tôi rất lo lắng, hồi hộp… không biết ai sẽ là người đứng ra hướng dẫn và họ có chấp nhận cho mình thực tập hơn 2 tháng hay không. Sau đó, tôi nộp đơn tại phòng Văn thư và được trò chuyện trực tiếp với người hướng dẫn.

Trao đổi một lúc thì PV hướng dẫn thưa với thầy Thư ký tòa soạn và tôi được thầy trao đổi, giao nhiệm vụ sắp tới về việc thực tập.

Điều rất lấy làm khác ở tòa soạn báo mà tôi cảm nhận là không khí yên tĩnh nhưng người nào cũng vui, thân thiện mà gọi theo nhà Phật là hoan hỷ, đi nhẹ, nói khẽ. Dẫu nghiêm mà không cảm thấy bị gò bó, ngược lại bản thân thấy mình đi vào khuôn phép, tâm thấy nhẹ nhàng an tỉnh.

Tôi chọn báo Giác Ngộ thực tập một phần cũng do cơ duyên với Phật từ nhỏ, nhưng chưa bao giờ xác định bản thân đi theo nghề báo. Có điều gia đình tôi hồi trước, lúc tôi còn học cấp II đã từng đọc báo Giác Ngộ, một số thành viên trong gia đình cũng quy y Tam bảo nên gia đình bảo sau này nếu có duyên thì đi theo con đường làm báo. Thời gian qua đi, cũng chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ học nghề báo mà lại vào đúng báo Giác Ngộ, giống như tâm nguyện lúc trước của các thành viên trong gia đình. Tất cả cũng khó lý giải vì một chữ duyên.

Lúc chọn Giác Ngộ làm cơ quan thực tập thực sự tôi lo sợ không được nhận, vì tòa soạn báo thấy lớn quá, ai vào đó chắc phải giỏi lắm nên không dám mơ mộng. Nhưng tôi cũng liều viết đơn vào báo và được nhận thực tập, mừng lắm. Nhưng đến 2 tháng sau mới tới kỳ thực tập, cũng lo lắng rằng liệu tòa soạn có quên mình không, liệu lúc đó tới họ có nhận mình vô nữa không. Nhưng rồi mọi lo lắng dần tan biến khi tôi chính thức được nhận thực tập và được giao đề tài viết bài.

Công việc hiện tại của tôi là làm cho Quỹ Nhân ái Người cao tuổi và cộng tác cho tờ Công Lý chuyên mục Nhân ái. Chính vì thế rất có liên quan đến báo Giác Ngộ mà tôi đã từng thực tập, cụ thể làm cho Quỹ Nhân ái là làm từ thiện cho quỹ, giúp trao quà cho người nghèo, người già neo đơn và lấy những tư liệu đó viết thành bài bổ trợ cho chuyên mục nhân ái của báo Công Lý. Nhờ thực tập tại báo mà tôi có kinh nghiệm nho nhỏ trong việc làm hiện tại.

Dù không còn làm thực tập sinh tại báo đã 6 tháng, nhưng tôi vẫn thường xuyên cộng tác với báo vì một lẽ tôi thích báo Giác Ngộ, thích viết bài, tin về Phật giáo và đặc biệt thích cách làm việc thân tình của các anh chị em phóng viên tại tòa soạn.

Trần Hà Vân

Một tháng thực tập biết bao lợi ích

2CTV.jpg

CTV Khánh An

Tôi rất thích đọc báo Giác Ngộ. Từ khi còn học tiểu học, tôi đã đọc ké của cha những tờ báo Giác Ngộ mong mỏng, bên trong có nhiều truyện ngắn Phật giáo rất hay. Hồi ấy, báo hay đăng truyện dài, nhiều kỳ và tôi thường háo hức mong chờ lượt báo kế tiếp để được đọc Tế Điên hòa thượng.

Cách trình bày báo với gam màu trầm chủ đạo, không sặc sỡ, rất giản dị, thế mà lại có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với một đứa trẻ nhà quê như tôi. Và thật không ngờ là sau hơn 15 năm, sau một tháng thực tập để hoàn thành môn học, tôi đã là CTV của Báo Giác Ngộ. Tôi vui sướng và tự nhủ sẽ cố hết sức.

Nhớ ngày đầu đến nhận việc, chúng tôi được quý thầy, anh chị trong tòa soạn đón tiếp nồng hậu, vui vẻ, thân thiện. Tất cả đều thân thiết như người một nhà, tạo cho chúng tôi cảm giác yên tâm, thoải mái. Mọi lo lắng, căng thẳng trước đó cũng tự nhiên tan biến mất. Thầy Thư ký thì gần gũi, tâm lý và nhẹ nhàng. Còn người hướng dẫn chúng tôi lại trẻ trung, cởi mở, năng động và hết sức nhiệt tình, chu đáo.

Tôi nhớ có vài lần đi lấy tin tùy hứng nên khi đến nơi thì không ai cho tôi tác nghiệp, gây khó khăn và từ chối thẳng thừng. Mặc dầu tôi cố giải thích và năn nỉ nhưng họ vẫn không chấp nhận vì không có giấy giới thiệu của cơ quan. Những lần ấy, tôi buồn và thất vọng, chán nản vô cùng. Để trở thành một phóng viên thực thụ quả là gian nan hơn nhiều so với tôi tưởng.

Đang lúc muốn buông xuôi thì người hướng dẫn đã có những lời động viên giúp tôi đứng dậy và bước tiếp con đường. Tôi thực sự rất cảm động và biết ơn anh vô cùng. Được tiếp xúc với những người làm báo Giác Ngộ cũng như cộng tác với tòa soạn thật sự là điều may mắn và diễm phúc đối với tôi.

Ở báo tôi không chỉ học được rất nhiều kinh nghiệm và những bài học bổ ích từ việc đi tác nghiệp lấy tin, viết bài, biên tập mà còn “bị” ảnh hưởng những đức tính tốt của mọi người trong cơ quan. Nhờ đó mà tôi có thêm niềm tin, sức mạnh để vững chãi trước những nghịch cảnh trong đời thường cũng như tập cách “an nhiên trong tự tại”. Tôi nghĩ, báo Giác Ngộ thật sự là nơi thực tập lý tưởng cho những ai đang có ước mơ theo đuổi nghề báo. Tại đây, các bạn không chỉ được rèn luyện về mặt chuyên môn mà còn được tưới tẩm về mặt tinh thần.

Trở lại với công việc thường nhật của mình, tôi bình tĩnh và sáng suốt hơn. Nếu như trước đây, tôi làm việc gì cũng tùy hứng, cảm tính, dễ bi quan, ích kỷ thì nay những chứng bệnh ấy đều đã thuyên giảm đi nhiều. Tôi thường kể cho con trai nhỏ 3 tuổi của mình những câu chuyện cổ Phật giáo đơn giản, dễ hiểu. Tôi dạy con ngồi yên tĩnh trong 10 câu niệm Phật. Tôi dạy con lòng nhân ái để biết yêu thương đồng loại và yêu thương thế giới quanh mình.

Trên giảng đường, thỉnh thoảng tôi lồng vài câu chuyện Nhân quả - Nghiệp báo cho các em sinh viên nghe. Bởi tôi nghĩ, dù chúng ta có hạnh phúc, có vui sướng về vật chất đến đâu đi nữa thì chúng ta cũng cần có một điểm tựa tinh thần vững chắc để làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Điểm tựa đó chính là lời Phật dạy mà suốt 49 năm Đức Bổn sư đã tùy duyên, tùy cơ thuyết giảng cũng như trên 20 thế kỷ, các Tổ sư từ Thiên Trúc đến Việt Nam đã truyền bá, giữ gìn đến tận hôm nay.

Khánh An
(hiện là giảng viên ĐH Sài Gòn)

Báo Giác Ngộ giúp tôi tự tin hơn

3CTV.jpg

CTV Ngọc Đại

Đối với các bạn sinh viên năm cuối, chọn nơi thực tập luôn là khoảng thời gian khó khăn nhất và đồng thời là giai đoạn quan trọng nhất. Quan trọng bởi vì đó là giai đoạn đầu tiên, bước tăng tốc để vươn tới ước mơ, khát khao. Vì lẽ đó nên phải suy nghĩ thật lâu, thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng là chọn nơi nào, ở đâu để thực tập - sẽ là nền tảng cho mình tốt nhất, sau này mình không phải nuối tiếc.

Khác với những bạn bè cùng trang lứa, đối với tôi, một chàng thanh niên có thân hình rất khiêm tốn nhưng bản thân luôn đầy sự khao khát vươn lên, luôn đi tìm những cái mới, cái lạ. Cuối cùng tôi quyết định chọn báo Giác Ngộ - một tờ báo của Phật giáo - cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM.

Từ giây phút ban đầu đầy bỡ ngỡ cho đến lúc tự tin chứng tỏ khả năng của mình tôi đã được đi, được biết nhiều hơn, đã giúp cho tôi phần nào hiểu thêm về chính tôi và đạo Phật.

Cho đến hiện giờ, tôi chưa bao giờ nghĩ sự lựa chọn đó là sai lầm, mà hơn thế nữa, đó là ngôi nhà thứ hai, nơi nuôi nấng ước mơ của tôi. Nơi ấy, tôi đã có được những người thầy, anh chị đồng nghiệp luôn nhiệt tình hướng dẫn, nâng đỡ tôi từng bước đi. Tình người ấm áp ấy giống như tôi đã tìm được nơi dừng chân cuối cùng của mình sau những ngày rong ruổi. Khoảnh khắc ấy thật bình yên, đầy tình yêu thương.

Chỉ trong vòng hơn 3 tháng thực tập ở báo, tôi cũng cảm nhận được tình cảm của mọi người dành cho báo. Tôi thực tập ngay trong những ngày diễn ra Đại lễ Phật đản, được hòa nhịp vào tình yêu Phật giáo với bao người con Phật. Ở báo, dù mọi người ở nhiều nơi khác nhau đến nhưng cảm thấy thật gần gũi như người thân, sống như một gia đình.

Tôi có được một mùa Phật đản đẹp nhất trong cuộc đời mình; từ mọi miền quê xa xôi, đến những người con Phật đang sống trong thành phố sôi động vào bậc nhất của đất nước, họ quên đi những ưu phiền, lo lắng để hòa nhịp vào sự kiện trọng đại của Phật giáo.

Rồi tôi có dịp đi cùng đoàn từ thiện lên miền ngược Gia Lai đi trao quà và khám bệnh từ thiện cho đồng bào nghèo tại tịnh xá Phú Cường (xã Ipal, huyện Chư-sê, tỉnh Gia Lai). Nhìn thấy được niềm vui, nụ cười đầy hạnh phúc của người tặng, người nhận đồng cảm với nhau - tới tận những giây phút ấy tôi mới nghiệm ra niềm vui được đi làm từ thiện, hiểu được sự hy sinh, cái cho đi luôn hạnh phúc hơn là cái nhận được.

Dù bây giờ tôi không công tác tại báo, nhưng tôi vẫn tự hào mình đã từng có thời gian thực tập, làm CTV cho báo. Khoảng thời gian thực tập ở báo Giác Ngộ đã khiến tôi dần mất đi cảm giác tự ti. Kể từ đó tôi bắt đầu quên đi những khiếm khuyết của bản thân để sống, để cống hiến.

Ngọc Đại
(hiện là phóng viên Báo Công Lý & Xã Hội thường trú tại Cần Thơ)

Yêu nghề viết nhờ thực tập ở Giác Ngộ

4CTV.jpg

CTV Tú Linh

Vậy là đã gần 6 tháng kể từ ngày tôi đến thực tập tại báo Giác Ngộ, một trong những khoảng thời gian có thể nói là đáng nhớ nhất cuộc đời tôi… Chẳng biết nhân duyên đưa đẩy thế nào mà một sinh viên chưa từng biết gì về báo Giác Ngộ trước đó như tôi lại trở thành thực tập sinh, viết bài cho một tờ báo Phật giáo.

Vào thời điểm tôi cùng các bạn sinh viên năm 3, khoa Ngôn ngữ học đang ráo riết chọn cho mình một nơi thực tập thật lý tưởng để làm tiền đề cho công việc sau này hay ít ra là cho kỳ thực tập với kết quả thật tốt, tôi được một lời giới thiệu của một người chị, “em thử thực tập ở Giác Ngộ xem”. Bản thân tôi tuy không phải là Phật tử nhưng từ lâu cũng có một niềm tin và lòng kính mến đối với Phật giáo. Âu đó cũng là cái duyên, tôi nghĩ vậy và tôi đã quyết định đặt chân vào Giác Ngộ.

Nhớ lại những ngày đầu đến tòa soạn, tôi ấn tượng bởi nơi đây - đó không phải là một môi trường công việc xô bồ như tôi vẫn thường nghĩ, mà là không khí có chút trầm lặng, không gian khá yên tĩnh nhưng thân thiết và ấm cúng như một gia đình.

Thời gian thực tập tại Giác Ngộ là khoảng thời gian mà tôi thật sự học được rất nhiều thứ từ những anh chị trong tòa soạn về kỹ năng nghề nghiệp lẫn ứng xử trong cuộc sống, qua những cuộc trò chuyện trực tiếp ở tòa soạn hay có khi chỉ là qua những tin nhắn email, facebook nhưng vẫn rất nghiêm túc, gần gũi và chân thành.

Những ngày thử sức mình với công việc báo chí, tôi cũng được rong ruổi nhiều nơi, có duyên gặp nhiều người để trải nghiệm việc làm của một phóng viên thực thụ. Qua mỗi chuyến đi, mỗi cuộc trò chuyện là mỗi lần tôi góp nhặt về cho mình thêm những yêu thương, được trải lòng mình về các sự kiện, nhân vật trên những trang viết Giác Ngộ. Tuy chỉ là một người thực tập viết nhưng tôi cảm thấy bản thân mình dường như cũng được thực tập, được rèn luyện từ trong sâu thẳm tâm hồn. Qua từng trang viết, trên tinh thần nương dựa vào “phong cách Giác Ngộ”, tôi bắt đầu cảm nhận được sự dễ thương của cuộc sống thường nhật, dù đôi lúc cũng “khó thương” lắm nhưng thật lạ, cũng trở nên dễ mến vô cùng.

Có một người anh đã chia sẻ với tôi rằng, làm việc ở những báo khác có thể đem lại cho mình thu nhập cao hơn, thậm chí là cao hơn rất nhiều nhưng anh thích làm ở Giác Ngộ vì anh tìm thấy được sự an vui với nghề, anh có thời gian để nhâm nhi một chén trà và những phút giây suy ngẫm về cuộc đời, thực tập rèn luyện bản thân, điều mà khi làm ở các báo khác không dễ gì có được. Bản thân tôi thấy như vậy đã là một hạnh phúc lớn trong đời, tôi tâm đắc với những điều đó, có được một công việc mà mình đam mê và có được sự an nhiên với nó thì còn gì bằng…

Nhiều người nói rằng, thực tập là khoảng thời gian rất quan trọng để thử xem mình có phù hợp với công việc mà mình dự định làm sau này hay không. Đến đây, tôi đã tự nghiệm ra rằng nơi thực tập vì vậy cũng vô cùng quan trọng.

Thiết nghĩ, trong vô vàn những cơ hội đến những nơi thực tập khác, có những nơi có vẻ triển vọng và hào nhoáng hơn rất nhiều nhưng cho đến giờ phút này bản thân tôi thấy thực tập tại Giác Ngộ là một cơ hội mà tôi may mắn có được trong đời, biết đâu ngày trước khi chọn thực tập ở một tòa soạn danh tiếng nào đó tôi chưa hẳn đã có được niềm yêu thích với công việc viết lách của mình như bây giờ.

Huỳnh Thị Tú Linh

NHÓM PV thực hiện

Lời cảm ơn

Nhân Lễ kỷ niệm 39 năm ngày ra số báo Giác Ngộ đầu tiên, được tổ chức tại tòa soạn vào ngày 29-12-2014, Ban Biên tập Báo Giác Ngộ đã nhận được nhiều lẵng hoa, thư điện tử chúc mừng của Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM, UBMTTQVN TP, Ban Tôn giáo TP, cộng tác viên, các nhà doanh nghiệp đối tác, BTS GHPGVN quận, huyện cùng đông đảo bạn đọc. Ban Biên tập chân thành tri ơn, nhân dịp năm mới 2015, kính chúc quý vị nhiều sức khỏe và thành tựu trong mọi sự nghiệp.

GIÁC NGỘ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Bất biến và tùy duyên

GNO - Tôi nghe giảng thường gặp câu “Tùy duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên”. Xin cho biết ý nghĩa của câu này. Ứng dụng tinh thần này vào cuộc sống của hàng cư sĩ thế nào? Hai chữ “tùy duyên” này có giống với tùy duyên mà người ta thường nói không?

Thông tin hàng ngày