GNO - 1. Biết đến tờ báo Giác Ngộ khi đang học trung học ở quê, rồi mãi khi học gần hết đại học, cần tìm một nơi thực tập và được anh bạn cùng lớp gợi ý “thấy báo Giác Ngộ hợp với mày đó, vì mày thích đi chùa mà” nên tôi chọn Giác Ngộ và xin thực tập - rồi cộng tác từ đó (tháng 6-2011) đến nay.
Tác giả đang tìm thông tin tại phòng Tư liệu Báo Giác Ngộ - Ảnh: Bảo Toàn
Những ngày đầu chưa quen việc nên mọi tin tức, bài vở đa số làm chưa đạt. Mỗi lần như vậy, anh hướng dẫn thực tập đều nhắn tin dưới mỗi e-mail tôi gửi. Nhớ có lần anh viết: “Đề nghị em viết tin, bài cẩn thận tí, lỗi chính tả còn nhiều; hình ảnh chưa có đầu tư nên nhìn giống như “chụp cho có”.
Đặc biệt nhớ nhất là lần anh phản hồi tin, đọc xong ngồi khóc nức nở vì: “Dặn em biên tập ảnh trước, gửi ảnh 3-5 tấm trên một tin mà em cũng gửi tới 9 tấm? Trong đó có nhiều ảnh giống nhau, không mang tính phản ánh sự kiện chính. Tin em viết vội quá, có một số lỗi morasse đơn giản (mà vẫn sót?). Em cố gắng chỉn chu hơn trong bản thảo và chọn ảnh, để gây thiện cảm với biên tập viên, nếu em thật sự yêu nghề báo và muốn làm báo tốt”.
Thật ra, tôi khóc một phần là vì buồn bản thân mình, một phần vì xúc động, hạnh phúc trước sự quan tâm, tận tụy vì nghề của một người đi trước dành cho đàn em của mình. Rồi tự hứa phải cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ những tấm lòng tin tưởng mà mình có phước duyên được nhận.
2. Từ thực tập chuyển qua cộng tác thường xuyên với báo Giác Ngộ, được đi nhiều nơi, gặp những con người đáng kính, ở đó tôi thấy mình may mắn và có nhiều duyên lành.
Đặc biệt được tiếp xúc với những vị thầy khả kính trong những lần họp tòa soạn, quý thầy ai cũng có những “bài pháp” hay về nghề và về việc làm Phật sự cho tôi “sáng mắt sáng lòng”. Như lời HT.Thích Giác Toàn - Phó Tổng Biên tập từng nhắc “mình làm ở đây đã là làm Phật sự rồi, nhưng phải làm sao cho công việc thành đặc biệt xuất sắc mới được, phải làm sao để mình giống như sứ giả Như Lai. Phải bám sát, suy tư, đi thực tế, khi viết phải đắn đo, khi phê phán thì phải làm sao cho người ta đọc hiểu chứ không giận mình. Người làm báo có trách nhiệm thì bài viết phải có đầu tư, có suy nghĩ, đắn đo, trăn trở, có độ rung...”.
Rồi trong mỗi buổi họp, hoặc có những dịp trò chuyện cùng với thầy Thư ký - thầy đều nói rất nhiều về nghề, về cuộc sống với mong muốn tay nghề phóng viên ngày càng cứng hơn, vững vàng hơn.
“Khi đăng một bài mà bị lỗi là tự bản thân các bạn phải cảm thấy có lỗi với chính mình, với độc giả. Khi viết bài đã hẹn ngày nộp thì phải gửi đúng thời hạn, vì nếu mình gửi chậm, thì sẽ ảnh hưởng đến biên tập, đến vi tính, morasse, in báo, phát hành... Đôi khi chỉ vì lỗi của cá nhân nhưng ảnh hưởng đến các khâu khác theo quy trình làm việc chung của tòa soạn”.
Thỉnh thoảng thầy chia sẻ, “Tòa soạn rất hạnh phúc khi đọc bài của phóng viên gửi hoàn chỉnh không bị lỗi, đó là món quà tốt nhất mà các anh chị gửi tặng tòa soạn” - thầy Thư ký gửi gắm.
Đối với tôi, từng bài viết của quý thầy, anh, chị phóng viên luôn là những động lực truyền cảm hứng cho tôi, để tôi cố gắng viết cứng hơn mỗi ngày.
Nhã An trong một lần tác nghiệp - Ảnh: Chế Hoàng Giác
3. Hiện tại khả năng viết của tôi vẫn chưa được tốt, chưa được đều tay nhưng tôi luôn với tâm nguyện như lời nguyện của một đồng nghiệp: “Con nguyện trước Phật, xin những điều con viết và truyền đi đều là sản phẩm của tình thương và sự hiểu biết. Nguyện cho những điều con viết ra và truyền đi đều có thể giúp cho những người tiếp nhận có được sự an lạc, tìm thấy những chất liệu hạnh phúc trong mỗi bài viết của con…”.
Đối với tôi, đó cũng là lời hứa với nghề, dù biết còn nhiều điều tôi phải cố gắng trau dồi, học hỏi, luyện tập nhiều hơn nữa trong bước đường vào nghề của mình, một phóng viên trẻ tha thiết yêu công việc mình làm, mến cơ quan nơi mình đang công tác...
Nhã An
* Giác Ngộ mong nhận được nhiều bài viết, hình ảnh nhân kỷ niệm 40 năm báo. Bài viết gửi về: toasoan@giacngo.vn hoặc bandocgiacngo@gmail.com. Bài sẽ được chọn đăng trên hai trang báo online mừng 40 năm báo Giác Ngộ và trên tuần báo Giác Ngộ... |