Văn tự của người Việt trong hành trình nghìn năm “thoát” Hán tự

Bản kinh Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng
Bản kinh Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng
GNO - Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định được văn tự xuất hiện sớm nhất ở nước ta từ khi nào, nhưng với cứ liệu hiện còn tại Việt Nam, có hai nhóm cứ liệu chính về văn tự cổ, đó là chữ viết hệ Sanskrit (chữ Phạn) và chữ Hán.

Ngày 27-7-2024, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Lịch sử chữ Quốc ngữ”, với sự tham gia của các diễn giả TS.Phạm Thị Kiều Ly (Giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật - ĐH Quốc gia Hà Nội); PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm) và PGS.TS Trần Trọng Dương (Giảng viên Khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Đại học Công nghiệp Hà Nội). Tại đây các nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn tự không chỉ chia sẻ về lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ, mà còn cung cấp nhiều thông tin về sự xuất hiện của các văn tự tại Việt Nam trong tiến trình hàng nghìn năm lịch sử của đất nước.

Văn tự cổ nhất tại Việt Nam là chữ Sanskrit hay chữ Hán?

PGS.TS Trần Trọng Dương cho biết, có nhiều tiêu chí để phân biệt ngôn ngữ, trong đó có tiến trình ngôn ngữ thời kỳ tiền chữ viết. Tiêu chí thứ hai là văn tự, bởi khi có ngôn ngữ rồi thì đó chỉ là tiếng nói, cần phải có chữ viết để ghi lại âm thanh tiếng nói.

Theo PGS.TS Trần Trọng Dương, ngôn ngữ Việt xuất hiện ở Việt Nam từ thời Hùng Vương trở về trước, vì phải có ngôn ngữ thì mới hình thành xã hội, tổ chức vương triều. Tuy nhiên, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định được văn tự xuất hiện sớm nhất ở nước ta từ khi nào và thời đại Hùng Vương sử dụng văn tự gì?

“Với cứ liệu hiện còn, chúng ta có hai nhóm cứ liệu chính về văn tự cổ, đó là chữ viết hệ Sanskrit (chữ Phạn) và chữ Hán. Cứ liệu chữ Hán ở Việt Nam xuất hiện sớm nhất là trên các đồ đồng thời Đông Sơn. Cụ thể là trên một trống đồng Cổ Loa, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội’’, PGS.TS Dương nói.

Trống đồng này được người dân phát hiện vào năm 1982 tại thửa ruộng khu Mả Tre, ở xóm Chợ, xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Chính giữa mặt trống có hình ngôi sao nổi 14 cánh, trang trí họa tiết lông công xen giữa các cánh. Băng hoa văn số 6 chia thành hai nửa giống nhau, mỗi nửa đều có khắc họa hình người hóa trang, mái nhà cong hình thuyền có chim đậu trên nóc, trong nhà có một cặp nam nữ ngồi đối diện nhau. Một đầu nhà có hình trống đồng đặt nghiêng, đầu kia có người ngồi co gối đánh trống, phản ánh lễ hội cầu mùa của cư dân nông nghiệp.

Đặc biệt, mặt trong chân trống có khắc chìm một dòng chữ Hán “Tây Vu tập bát cổ, trọng lưỡng cá bách bát thập nhất cân”. Dịch là “Trống thứ 48 của bộ Tây Vu, nặng hai trăm tám mươi mốt cân” (khoảng 72kg). Theo các nhà nghiên cứu, chữ “Tây Vu” là cách ghi biến âm của Tây Âu, nhóm tộc người mà tương truyền Thục Phán An Dương Vương làm thủ lĩnh đã liên kết với Lạc Việt - Văn Lang của các vua Hùng thành nhà nước Âu Lạc ở cuối thế kỷ III trước công nguyên.

Tọa đàm “Lịch sử chữ Quốc ngữ” diễn ra vào ngày 27-7-2024, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội
Tọa đàm “Lịch sử chữ Quốc ngữ” diễn ra vào ngày 27-7-2024, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội

Đề cập về văn tự chữ Sanskrit, PGS.TS Trần Trọng Dương cho biết, văn tự cổ nhất hiện còn tại Việt Nam là tấm bia Võ Cạnh, được nhiều nhà nghiên cứu đoán định được tạc vào khoảng thế kỷ thứ II. Nhiều nhà khoa học từng nhận định bia Võ Cạnh là tấm bia cổ nhất được tìm thấy ở Việt Nam và là một trong những tấm bia cổ nhất Đông Nam Á, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia trong đợt thứ hai năm 2013.

Bia Võ Cạnh được phát hiện bên cạnh nền móng một công trình bằng gạch ở giữa hai làng Phú Văn (hoặc Phố Văn) và Phú Vinh, thuộc Tổng Xương Hà, Vĩnh Xương, Khánh Hòa (ngày nay là làng Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung, Nha Trang, Khánh Hòa). Tấm bia được Viện Viễn Đông Bác Cổ chuyển về Bảo tàng Louis Finot vào năm 1910, nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Bia cao 320cm, chiều ngang 110cm, dày 80cm. Hiện nay bia đã bị mòn rất nhiều, chữ khó đọc, có nhiều vết sứt nhỏ. Bia là khối sa thạch hình trụ có 4 mặt, khắc chữ Sanskrit trên 3 mặt, mỗi dòng khắc liền từ mặt này tới mặt kia, trong đó có 2 câu viết theo thể thơ Vasantatilaka, các câu còn lại là văn xuôi, nét khắc đã mờ, nhiều chữ không thể đọc được.

Minh văn khắc trên bia Võ Cạnh được nhiều nhà nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ xưa đánh giá là cổ nhất ở Đông Nam Á, vì thế bia được giới thiệu trong nhiều ấn phẩm khoa học lịch sử ở Việt Nam và trên thế giới. “Minh văn trên bia Võ Cạnh cho biết sự du nhập và ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo trong nền văn minh Ấn Độ vào cư dân Chăm khá sớm (khoảng thế kỷ I sau Tây lịch) và giới Tăng lữ tiểu vương quốc này. Có thể khẳng định đây là vật chứng cổ nhất Đông Nam Á nói về sự du nhập của Phật giáo. Trong khi những năm đầu công nguyên, văn tự ở Đại Việt sử dụng chữ Hán, thì với việc người Chăm sử dụng chữ Sanskrit, cho thấy Tiểu quốc Lâm Ấp từ khi mới hình thành, đã cố ‘thoát’ ra khỏi Hán tự của phương Bắc, hoặc cũng có thể là do chữ viết có mặt ở nước ta vào thời kỳ sớm chủ yếu là chữ viết thuộc ngữ hệ Sanskrit”, PGS.TS Trần Trọng Dương nhận định.

Văn bản chữ Nôm cổ nhất là “Kinh Đại báo ân cha mẹ”

Trong lịch sử văn tự cổ của người Việt, chữ Nôm được coi là chữ viết riêng của người Việt. Trong tiếng Hán thượng cổ, “Nôm” nghĩa là “Nam”, ý chỉ đây là chữ viết dùng để ghi chép tiếng nói của người phương Nam, tức người Việt (xưa kia người Việt tự xem mình là người phương Nam, người Trung Quốc là người phương Bắc).

Đề cập về lịch sử xuất hiện của chữ Nôm, PGS.TS Trần Trọng Dương cho hay, truy tìm các cứ liệu trước thời nhà Lý, thì không tìm thấy bất cứ dấu vết chữ Nôm nào. Sang thời nhà Lý, mới có một số chữ Nôm xuất hiện lẫn với văn minh chữ Hán trên một số hiện vật: chuông chùa Vân Bản, Hải Phòng (đúc năm 1076); bia chùa xã Hương Nộn, huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ (tạc năm 1173 niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 11); bia chùa Tháp Miếu, huyện Yên Lãng (nay thuộc Phúc Yên), tỉnh Vĩnh Phúc (tạc năm 1210 triều vua Lý Cao Tông).

Đặc biệt, cứ liệu thời nhà Lý chỉ duy nhất tìm thấy một văn bản được dịch và viết hoàn toàn bằng chữ Nôm. Đó là tập “Kinh Đại báo ân cha mẹ”, ra đời vào thời nhà Lý khoảng thế kỷ XI. Điều đáng nói, trong các tác phẩm chữ Nôm xuất hiện từ thời Trần trở về sau chủ yếu là thơ, vì văn xuôi ít khi dùng chữ Nôm. Thế nhưng, “Kinh Đại báo ân cha mẹ” lại là tác phẩm văn xuôi, nên càng đặc biệt ý nghĩa và giá trị to lớn.

Bản sách cổ được in vào thời nhà Lý này, cũng chính là cuốn sách cổ nhất của người Việt hiện còn lại, tuy nhiên bản gốc không còn ở Việt Nam. Bản này, vào những năm 1922-1924, GS.Demieville đã mua được và mang về Pháp. Hiện sách được lưu giữ tại Hội Á châu học, với ký hiệu D. 2350. Năm 1979, ông Tạ Trọng Hiệp khi sang Pháp, đã có công lớn bồi dán lại, rồi sao chụp, đem bản sao chụp về Việt Nam.

Theo các nhà nghiên cứu, cuốn sách nêu trên có khoảng 90 trang, gồm hai phần chính. Phần thứ nhất là chữ Hán, in toàn bộ nội dung văn bản chữ Hán của kinh mang tên “Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh”. Phần hai là bản dịch hoàn toàn bằng chữ Nôm với tiêu đề “Kinh Đại báo ân cha mẹ”, có thể nói đây là một kho tàng về các tự dạng chữ Nôm thuở sơ khai, với những lối viết chữ xa lạ, tìm thấy số lượng khá nhiều chữ có cách viết khác với chữ Nôm đồng âm ở các thời đại sau. Phần chữ Nôm của sách này quý ở chỗ, còn giữ được về cơ bản một bóng dáng về ngôn ngữ và về văn tự Việt Nam của khoảng thế kỷ XI hay nói rộng ra hơn của khoảng từ đầu độc lập đến đầu đời Lý.

Một trong những cứ liệu để các nhà khoa học nhận định cuốn sách cổ nhất này được in vào thời nhà Lý, là bởi trong nội dung đã kiêng kỵ húy chữ Càn. Rất có thể, năm 1035, khi hoàng tử Lý Nhật Trung được phong tước “Phụng Càn vương”, ông đã được giao cho tổ chức việc dịch kinh, in kinh sách, nên các nhà sư thời bấy giờ kính nể đã kỵ húy chữ “Càn” trong sách. Đặc biệt, trong văn bản này, có khoảng 70 chữ được các nhà nghiên cứu gọi là “chữ Nôm hiểm hóc”, bởi nó không xuất hiện trong các văn bản chữ Nôm thờ Trần, Hậu Lê, Nguyễn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, có lẽ đây là những chữ Nôm do chính sư nhà Lý đã tự nghĩ ra đầu tiên, rồi sau đó các đời sau đổi cách viết đi.

Tại tọa đàm, các diễn giả đã dùng phần lớn thời gian để chia sẻ lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ. PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường cho rằng, thế hệ chữ viết La-tinh dùng để ghi tiếng Việt là giải pháp tốt nhất và hoàn hảo nhất cho văn tự của người Việt. Tuy nhiên, để đến được chữ Quốc ngữ của ngày hôm nay, đã có cuộc chạy việt dã tiếp sức của chữ Hán và chữ Nôm suốt từ thế kỷ XVII cho đến thế kỷ XX. Thời điểm chữ La-tinh ghi tiếng Việt được công nhận chính thức trở thành chữ Quốc ngữ là sắc lệnh ngày 8-9-1945 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký. Tại đây, Chính phủ coi việc học và biết chữ Quốc ngữ là một trong những tiêu chí để hoàn thiện tư cách công dân. Cũng từ đây, chữ viết tiếng Việt theo hệ La-tinh đã trở thành văn tự chính thức quốc gia.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ý nghĩa đời người

Ý nghĩa đời người

GNO - Mục đích của đời người là gì? Đây là câu hỏi rất phổ biến mà người ta thường hay hỏi. Có một số người đã trả lời câu hỏi này theo cách của họ, nhưng vẫn chưa làm thỏa mãn các bậc thức giả.
[Video] Tăng Ni, Phật tử TP.HCM về Việt Nam Quốc Tự ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ

[Video] Tăng Ni, Phật tử TP.HCM về Việt Nam Quốc Tự ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ

GNO - Sáng ngày 16-9, tại Trụ sở Ban Trị sự - Việt Nam Quốc Tự, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM phát động đóng góp ủng hộ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra tại các tỉnh thành phố. Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng quang lâm phát biểu kêu gọi và đóng góp ủng hộ.

Thông tin hàng ngày