Những yếu tố đưa đến giác ngộ

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1231 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1231 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Khi bạn giữ hơi thở trong tâm, bạn gom bốn niệm xứ vào một. Hơi thở là thân, các cảm giác (thọ) nằm trong thân, tâm (tưởng) nằm trong thân, phẩm chất tinh thần (pháp) nằm trong tâm.

- Bốn niệm xứ khi chúng ta ngồi thiền: Hơi thở là thân, sự thoải mái và khó chịu là thọ, sự thuần khiết và rõ ràng là trạng thái của tâm và sự ổn định của tâm là pháp.

- Khi thực hành định tâm, chúng ta phải thấm nhuần nó với bốn con đường dẫn đến thành công. 1- Chanda (dục/mong muốn): Quan tâm mật thiết đến hơi thở, theo dõi để xem, khi hít vào, ta hít vào như thế nào. Nếu không thở ra, ta sẽ chết. Nếu thở ra nhưng không hít vào lại, ta cũng sẽ chết. Tiếp tục tập trung vào đấy, chứ không tập trung tâm trí vào bất cứ điều gì khác.

2- Viriya (kiên trì): Kiên trì trong mọi vấn đề liên quan đến hơi thở. Bạn phải có ý rằng: “Giờ tôi sẽ hít vào, giờ tôi sẽ thở ra. Tôi sẽ làm cho nó dài, ngắn, nặng, nhẹ, mát mẻ, ấm áp, v.v…”. Bạn phải làm chủ hơi thở.

3- Citta (chú ý): Tập trung, chú ý vào hơi thở. Quan sát cách hơi thở bên ngoài đi vào và kết nối với hơi thở bên trong ở phần trên, giữa và dưới của thân; trong ngực - phổi, tim, xương sườn, xương sống; trong bụng - dạ dày, gan, thận, ruột; hơi thở đi ra ngoài các đầu ngón tay, ngón chân và ra từng lỗ chân lông.

4- Vimaṅsā (sự phân định): Quán xét và đánh giá hơi thở đi vào nuôi dưỡng cơ thể, xem nó có tràn đầy cơ thể hay không, xem nó có cảm thấy dễ dàng, thoải mái hay không, xem có bộ phận nào cần được điều chỉnh hay không. Chú ý các đặc điểm của cách hơi thở bên ngoài chạm vào hơi thở bên trong, xem chúng có kết nối với nhau ở khắp mọi nơi hay không, xem những ảnh hưởng của hơi thở đối với các thuộc tính của đất, nước, lửa đã phát sinh, tiến hóa, rồi qua đi như thế nào.

Tất cả những điều này có mặt khi hành thiền về các hiện tượng vật lý, và được coi như đại niệm xứ (mahāsatipaṭṭhāna). Khi tâm đã phát triển đầy đủ bốn con đường dẫn đến thành công, hoàn chỉnh với sự chánh niệm, tỉnh giác, kết quả về mặt cơ thể là sự vắng lặng của cái đau. Về mặt tâm, chúng có thể đưa hành giả đến các con đường siêu việt: các giai đoạn của Nhập lưu, Nhất lai, Bất lai và A-la-hán.

- Nếu bạn thực sự phát triển định tâm, nó sẽ đưa đến năm loại sức mạnh: 1- Tín: khi bạn tin vào kết quả mà bạn có được từ những nỗ lực của mình. 2- Tấn: sự kiên trì phát sinh mà không cần ai phải thúc ép bạn. 3- Từ đó, Niệm trở nên toàn diện hơn trong những gì bạn làm. 4- Định: sự tập trung trở nên vững chãi trong những gì bạn làm, khiến trí tuệ phát sinh. 5- Tuệ: sự hiểu biết về tất cả mọi điều đúng, sai. Tóm lại, đây được gọi là ngũ lực.

- Thiền tĩnh lặng (Samatha) là tâm an trú trong một đề mục duy nhất. Nó không thiết lập liên hệ với bất cứ thứ gì khác; nó giữ cho mình khỏi những mối bận tâm bên ngoài. Thiền quán hay thiền tuệ (Vipassanā) là khi tâm buông bỏ mọi mối bận tâm trong trạng thái chánh niệm và tỉnh giác toàn diện.

Khi sự tĩnh lặng hòa quyện với cái nhìn sâu sắc phát sinh trong tâm, năm quyền lực phát sinh và lập tức thống trị tất cả:

1- Tín: Niềm tin của bạn trở nên vững chắc và mạnh mẽ. Dầu người khác có nói gì, tốt hay xấu, cũng không thể ảnh hưởng đến tâm bạn.

2- Tấn: Sự kiên trì của bạn trở nên dũng mãnh. Cho dù có ai chỉ cho bạn con đường hay không, bạn vẫn duy trì liên tục mà không hào hứng hoặc nản lòng.

3- Niệm: Niệm chiếm lĩnh ưu thế, phủ trùm bốn xứ. Bạn không cần phải thúc ép nó. Nó tỏa rộng khắp cơ thể, giống như cách các nhánh cây to bảo vệ toàn bộ thân cây, mà không ai phải kéo trì chúng xuống hoặc nâng chúng lên. Sự tỉnh giác của bạn trở nên hoàn toàn rạng rỡ trong mọi tư thế: đứng, đi, nằm hay ngồi. Tâm tự biết, không cần chúng ta phải suy nghĩ. Sự tỉnh giác toàn diện này là ý nghĩa của bốn niệm xứ.

4- Định: Sự tập trung của bạn cũng chiếm ưu thế. Bất cứ bạn đang làm gì, tâm không dao động hay phóng dật. Ngay cả khi bạn nói đến rách miệng, tâm vẫn ở trạng thái bình thường. Nếu thân muốn ăn, nằm, ngồi, đứng, đi, chạy, bất cứ điều gì, đó là công việc của nó. Hoặc nếu bất kỳ phần nào của thân trở nên mệt mỏi hoặc đau đớn, đó cũng là việc của nó, tâm không lay động, vẫn trụ vững nơi mối bận tâm duy nhất, chứ không phóng đi đâu khác.

5- Tuệ: Sự hiểu biết, trí tuệ, cũng chiếm ưu thế trong bạn, đến mức bạn có thể khiến tâm nhập vào Dự lưu, Nhất lai, Bất lai hoặc ngay cả A-la-hán.

- Để giải thoát tâm khỏi các vấn đề của sắc, thinh, hương, vị, v.v…, chúng ta phải phát triển định, bao gồm bảy phẩm chất cơ bản.

1- Niệm giác chi như một yếu tố để giác ngộ: Tâm tập trung vững chắc vào hơi thở, tỉnh giác về thân, thọ, tâm và pháp.

2- Trạch pháp giác chi như một yếu tố để giác ngộ: Chúng ta để hơi thở lan tỏa khắp thân, khuếch tán khắp bốn xứ. Ta biết cách điều chỉnh, cải thiện, chọn lựa và sử dụng hơi thở để nó mang đến cho ta sự thoải mái. Ta bỏ qua những hơi thở nguy hại và nuôi dưỡng những hơi thở có ích.

3- Tinh tấn giác chi như một yếu tố để giác ngộ: Chúng ta không từ bỏ hay quên đi hơi thở. Ta gắn bó với nó, và nó gắn bó với ta, trong khi ta tiếp tục loại bỏ khỏi tâm các trở ngại. Chúng ta không buộc chặt hay dính líu với các tưởng gây mất tập trung. Chúng ta tiếp tục cố gắng làm cho tâm tĩnh lặng ngày càng mạnh mẽ hơn.

4- Trạng thái hoan hỷ như một yếu tố cho sự giác ngộ (Hỷ giác chi): Khi tâm tĩnh lặng, hơi thở tràn đầy và sảng khoái, chúng ta sẽ thoát khỏi các chướng ngại, và khỏi mọi trạo hối, giống như tấm vải trắng sạch bóng, không vết nhơ. Khi tâm trong sáng như thế, nó không cảm thấy gì ngoài sự thoải mái, đầy đủ, khiến phát sinh cảm giác hài lòng, hoan hỷ.

5- Sự thanh thản là một yếu tố cho sự giác ngộ (Khinh an giác chi): Hơi thở đầy đặn lan tỏa khắp cơ thể. Các chi phần đều an tĩnh, và tâm cũng thế. Không có gì phát sinh hay cảm giác không ổn.

6- Sự tập trung như là một yếu tố để giác ngộ (Định giác chi): Hơi thở vững chãi, ổn định và không lay chuyển. Tâm an trú vững chắc trên một đề mục duy nhất.

7- Xả như một yếu tố cho sự giác ngộ (Xả giác chi): Khi thân, thọ, tâm và pháp hoàn toàn phù hợp với nhau trong hai loại hơi thở - khi tâm trụ trên các khía cạnh của hơi thở - nó không cần phải bày ra thêm bất cứ điều gì cả. Nó không bám vào bất cứ biểu hiện nào của tốt hay xấu. Trung lập và không bị xáo trộn, nó không chấp thuận hoặc bài bác bất cứ điều gì.

1. Hãy lập quyết tâm, với ý định giữ cho chánh niệm và sự tỉnh giác tập trung vững chắc. Liên tục theo dõi tâm để giữ cho nó và hơi thở phù hợp với ý định ban đầu của bạn. Tiếp tục xua đuổi các chướng ngại, những phiền nhiễu khác nhau sẽ đến để làm hỏng năng lượng của sự tập trung của bạn. Đây là niệm như một yếu tố để giác ngộ.

2. Một khi hơi thở đã được thanh lọc, làm sạch, hãy để hơi thở tinh khiết này lan tỏa đến tất cả các bộ phận của thân. Một khi cơ thể được nuôi dưỡng bằng hơi thở tinh khiết này, nó cũng sẽ được thanh lọc. Lời nói và suy nghĩ của chúng ta cũng trở nên thanh khiết. Những gì chúng ta trải nghiệm ngay lúc này là sự khoan khoái, dễ chịu. Hoặc, nếu bạn muốn hướng hơi thở đến bất kỳ bộ phận nào trên thân - rất nhiều hoặc một ít, nặng nề hoặc nhẹ nhàng, thô trọc hoặc tinh tế - bạn có thể làm như vậy nếu bạn muốn. Đây là sự phân tích các phẩm chất như các yếu tố giác ngộ.

3. Chú tâm đến hơi thở, theo dõi tâm, không để nó phóng đi tìm kiếm các mối bận tâm khác khiến các giải pháp ban đầu của bạn bị phá vỡ. Đừng chán nản khi đối mặt với sự mệt mỏi hoặc khó khăn của thân hay tâm. Hãy quyết tâm cắt bỏ các chướng ngại, bất kể chúng có thể đến từ hướng nào, ngay cả khi bạn có thể phải đánh đổi cả cuộc sống của mình. Đây là sự kiên trì như một yếu tố của giác ngộ.

4. Khi ba phẩm chất đầu tiên này được phát triển đầy đủ và thuần khiết, chúng tạo ra cảm giác trong sáng, toàn vẹn, tự tại. Hơi thở đầy ắp. Đây là hơi thở của trí tuệ (vijjā). Nói cách khác, hơi thở nằm dưới sự điều khiển của chánh niệm. Đây là trạng thái khinh an như một yếu tố cho sự giác ngộ.

5. Khi tâm trụ lại với hơi thở trọn vẹn, nó không dao động hoặc lơ là việc gìn giữ khi có bất kỳ sự phân tâm nào xảy ra, như khi âm thanh đập vào tai, v.v… Cảm giác vẫn được trải nghiệm như chúng được cảm nhận, nhưng tại thời điểm này, chúng không làm phát sinh các cảm giác thèm muốn, chấp chặt, các trạng thái của sự hiện hữu hay sinh. Nhận thức chỉ đơn giản là nhận thức. Đây là sự tĩnh lặng như một yếu tố cho giác ngộ.

6. Khi nhận thức vững chắc, rạng rỡ và đầy đủ về mọi mặt, định sẽ phát sinh. Tất cả chúng ta đều biết và xét xem tình trạng hiện tại của ta đến từ đâu và sẽ đi về đâu. Ta thấy điều này rất rõ ràng, đến nỗi ta có thể nhận thức được nghiệp và quả của nó, cả ở bản thân và ở người khác. Đây là sự tập trung, định như một yếu tố cho sự giác ngộ.

7. Một khi tâm đã làm theo các bước từ đầu tiên đến bước thứ sáu và sau đó buông xả hết để tĩnh lặng với một cảm giác thư giãn mênh mông, không gắn chấp vào hình ảnh, thiên kiến hay bất cứ điều gì cả, đó là trạng thái xả như một yếu tố cho sự giác ngộ.

Khi ta hiểu được tất cả bảy phẩm chất này và có thể phát triển chúng một cách đầy đủ trong tâm, tất cả sẽ cùng tụ lại ở một điểm duy nhất trong một khoảnh khắc. Lý do chúng ta được dạy để phát triển bảy phẩm chất này trong hơi thở của mình là để ta có thể ngưng đọng các cảm xúc bên trong - vì cảm xúc là chướng ngại, chúng là hơi thở thấm đẫm vô minh và bóng tối.

Khi điều này xảy ra, ta giống như một người đứng trong bóng tối, không thể nhìn thấy bản thân hay bất cứ ai khác, vì ta đang vùi dập trong phiền não, với đủ các hoàn cảnh. Đây là hơi thở bình thường, không được chú tâm, không định hướng. Đúng là nó trọn vẹn, nhưng trọn vẹn trong bóng tối. Trạng thái này quan trọng vì nó cắt đứt và đóng cửa con đường của chúng ta. Chỉ khi nào ta trút bỏ được các chướng ngại này, tâm ta mới rạng rỡ và tươi sáng, mới có thể nhìn thấy Pháp một cách rõ ràng về cả nhân lẫn quả.

- Khi niệm đã thấm nhuần châu thân giống như ngọn lửa đã lan tràn đến từng bấc đèn, các chi phần trên khắp cơ thể hoạt động cùng nhau giống như một nhóm người cùng làm chung một công việc: Người làm việc này, kẻ làm việc kia, và chẳng mấy chốc - gần như không cần cố gắng - công việc đã hoàn thành. Giống như cây đèn với các bấc thấm đẫm lửa, nếu tâm bạn cũng thấm đẫm trong niệm cho đến khi nó nhận thức được toàn bộ cơ thể, cả thân và tâm bạn sẽ trở nên rạng rỡ.

Khi bạn sử dụng năng lực của niệm để nghĩ suy, ý thức về thân sẽ ngay lập tức trở nên hoàn toàn tươi sáng, giúp phát triển cả thân và tâm. Rồi bạn sẽ có thể ngồi hoặc đứng, đi trong thời gian dài mà không mệt mỏi, chỉ ăn chút thức ăn hoặc không ăn cũng không cảm thấy đói, hoặc không ngủ đôi ngày cũng không mất năng lượng. Với tâm, nó trở nên thanh khiết, cởi mở và không có tỳ vết. Tâm sẽ trở nên tươi sáng, tràn đầy năng lượng và mạnh mẽ.

Saddhā-balaṁ (Tín lực): Niềm tin của bạn sẽ như một chiếc xe chạy suốt, không dừng lại dọc đường. Viriya-balaṁ (Tấn lực): Sự kiên trì của bạn sẽ tăng tốc và thăng tiến. Sati-balaṁ (Niệm lực): Niệm của bạn sẽ mạnh mẽ, vững chãi. Samādhi-balaṁ (Định lực): Sự tập trung của bạn sẽ trở nên kiên định và kiên cường. Không có hoạt động gì có thể giết chết nó. Nói cách khác, bất kể bạn đang làm gì - ngồi, đứng, đi, nói chuyện, bất cứ điều gì - ngay khi bạn nghĩ đến việc thực hành định tâm, tâm của bạn sẽ ngay lập tức tập trung. Bất cứ khi nào bạn cần định tâm, chỉ cần nghĩ về nó và bạn có nó. Khi định tâm của bạn mạnh mẽ đến thế, việc hành thiền quán không thành vấn đề.

Paññā-balaṁ (Tuệ lực): Trí tuệ của bạn sẽ giống như con dao hai lưỡi: Tuệ nhận biết những gì bên ngoài rất sắc bén. Tuệ nhận biết những gì bên trong cũng rất sắc bén. Khi năm lực này có mặt trong tâm, tâm sẽ hoàn toàn trưởng thành. Tín, tấn, niệm, định và tuệ, tất cả sẽ sung mãn và ưu việt trong lĩnh vực riêng của chúng.

Đó là bản chất hòa hợp của người trưởng thành. Khi họ chung tay làm gì, họ sẽ hoàn tất công việc đó. Vì vậy, khi bạn có được năm người này hợp tác làm việc, bạn sẽ có thể hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ gì. Tâm bạn sẽ có sức mạnh để phá hủy mọi ô uế trong tâm, giống như quả bom hạt nhân có thể phá hủy bất cứ thứ gì, ở bất cứ đâu trên thế giới.

- Khi định của bạn mạnh mẽ, tuệ sẽ phát sinh: khả năng nhìn thấy khổ, nguyên nhân của khổ, sự biến hoại của nó và con đường dẫn đến sự tan rã của nó, tất cả đều rõ ràng trong từng hơi thở. Chúng ta có thể giải thích điều này như sau: Hơi thở vào và ra là khổ - hơi thở vào, khổ phát sinh, hơi thở ra khổ hoại diệt. Không nhận thức được hơi thở vào ra, không biết các trạng thái của hơi thở: Đây là nguyên nhân của khổ.

Biết khi nào hơi thở đi vào, biết khi nào nó đi ra, biết rõ các đặc điểm của nó - đó là, giữ quan điểm của bạn phù hợp với bản chất của hơi thở: Đây là chánh kiến, một chi phần của Bát chánh đạo. Biết cách thở nào là không thoải mái, biết cách thay đổi hơi thở; biết rằng, “Cách thở đó thật khó chịu; chúng ta sẽ phải thở như thế này để cảm thấy thoải mái”: Đây là chánh tư duy. Các yếu tố tinh thần phân định, đánh giá đúng tất cả các khía cạnh của hơi thở là chánh ngữ.

Biết nhiều cách cải thiện hơi thở khác nhau; thí dụ, thở vào dài, thở ra dài, vào ngắn và ra ngắn, vào ngắn và ra dài, vào dài và ra ngắn, cho đến khi bạn nhận được hơi thở thoải mái nhất: Đây là chánh nghiệp. Biết cách thở để thanh lọc máu, cách để dòng máu tinh khiết này nuôi dưỡng cơ tim, cách điều chỉnh hơi thở để nó làm mềm thân và xoa dịu tâm, cách thở để bạn cảm thấy thỏa mãn, làm sảng khoái thân, tâm. Đó là chánh mạng.

Cố gắng điều chỉnh hơi thở để thân, tâm thoải mái, và cứ tiếp tục cố gắng khi bạn chưa hoàn toàn thoải mái: Đây là chánh tinh tấn. Luôn lưu tâm đến hơi thở vào, ra, biết các khía cạnh khác nhau của hơi thở - hơi thở lên, hơi thở xuống, hơi thở đến dạ dày, hơi thở đến ruột, hơi thở chạy dọc theo các cơ bắp và ra từng lỗ chân lông - theo dõi những điều này với từng hơi thở vào và ra: Đây là chánh niệm. Tâm chỉ dính khắn trên các trạng thái của hơi thở, không để bất kỳ thứ gì chen vào, cho đến khi hơi thở trở nên tinh tế, làm phát khởi định và tuệ giải thoát: Đó là chánh định.

Khi tất cả mọi khía cạnh của Bát chánh đạo - giới, định và tuệ - được tập hợp lại đầy đủ trong tâm, bạn sẽ có cái nhìn sâu sắc về tất cả các khía cạnh của hơi thở, biết rằng “Thở theo cách này làm phát khởi các trạng thái tinh thần tốt đẹp; thở theo cách kia sẽ làm phát khởi tâm loạn động”. Bạn sẽ buông các yếu tố - tức là hơi thở với tất cả các trạng thái của nó. Các yếu tố tạo nên thân, tạo ra ngôn ngữ, tạo ra tâm, dù tốt hay xấu, hãy để chúng như chúng là, phù hợp với bản chất của chúng: Đây là sự chấm dứt khổ.

Ajahn Lee Dhammadharo

Diệu Liên Lý Thu Linh

(Trích dịch từ sách Skill Of Release,

Bhikkhu Ṭhānissaro (Geoffrey DeGraff) biên soạn và dịch từ tiếng Thái)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày