Ni trưởng Thích nữ Từ Nhẫn: "Ni giới Phật giáo TP.HCM: Tiềm năng - Hội nhập - Phát triển"

Hòa thượng Thích Lệ Trang hướng dẫn Giới sư và Giới tử Tỳ-kheo-ni cầu Chánh pháp yết-ma trong đại giới đàn Trí Tịnh do GHPGVN TP.HCM tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự (2018) - Ảnh: Bảo Toàn
Hòa thượng Thích Lệ Trang hướng dẫn Giới sư và Giới tử Tỳ-kheo-ni cầu Chánh pháp yết-ma trong đại giới đàn Trí Tịnh do GHPGVN TP.HCM tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự (2018) - Ảnh: Bảo Toàn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di cùng chư Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam là sự kiện quan trọng hàng năm của Ni giới Việt Nam và được Phân ban Ni giới tỉnh thành luân phiên đăng cai tổ chức.

Năm nay, Đại lễ tưởng niệm do Phân ban Ni giới TP.HCM đăng cai tổ chức. Trước thềm sự kiện này, phóng viên báo Giác Ngộ có cuộc trao đổi với Ni trưởng Thích nữ Từ Nhẫn , Phó Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương, Trưởng Phân ban Ni giới GHPGVN TP.HCM, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức. Nói về ý nghĩa của Đại lễ, Ni trưởng cho biết:

- Được sự chấp thuận của Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phân ban Ni giới Trung ương và Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Phân ban Ni giới TP.HCM đăng cai tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo - cùng chư Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam. Thực tế, từ năm 2020, Phân ban Ni giới TP.HCM được nhận cờ luân lưu đăng cai tổ chức Đại lễ tưởng niệm, tuy nhiên hai năm liên tiếp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Ban Tổ chức Đại lễ đã phải tạm ngưng công tác tổ chức cho đến nay.

Ni trưởng Thích nữ Từ Nhẫn, Phó Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương, Trưởng Phân ban Ni giới GHPGVN TP.HCM - Ảnh: H.Diệu

Ni trưởng Thích nữ Từ Nhẫn, Phó Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương, Trưởng Phân ban Ni giới GHPGVN TP.HCM - Ảnh: H.Diệu

* Đại lễ tưởng niệm là sự kiện đầu tiên sau khi Ni trưởng được Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM lần thứ X (nhiệm kỳ 2022-2027) chính thức suy cử làm Trưởng Phân ban Ni giới TP.HCM và đảm nhiệm vai trò Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức, Ni trưởng có thể chia sẻ về công tác điều hành và quy mô tổ chức của Đại lễ lần này?

- Có thể nói đây là sự kiện quan trọng đầu tiên sau khi tôi được Giáo hội TP.HCM, chư Ni thành phố tin tưởng giao trách nhiệm Trưởng Phân ban Ni giới TP.HCM. Chư Ni Ban Tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo lần này đã cung thỉnh Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nguyện, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương làm Trưởng ban Tổ chức, chỉ đạo cho chư Ni trong Ban Tổ chức để điều hành mọi công tác liên quan.

Được phân công làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức, với tôi, đây trách nhiệm lớn. Với ý thức của từng cá nhân trong tập thể Ni giới thành phố thể hiện qua các phiên họp, tôi rất tin tưởng sẽ cùng với chư tôn đức Ni trên tinh thần “thành kính cúng dường ân đức”, sự đoàn kết, hòa hợp, chung tay của 23 tiểu ban thuộc Ban Tổ chức, Đại lễ tưởng niệm do Phân ban Ni giới TP.HCM đăng cai tổ chức sẽ diễn ra thành tựu tốt đẹp.

* Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo hàng năm được Phân ban Ni giới các tỉnh thành luân phiên tổ chức vào ngày 8-2 Âm lịch. Dịp này, Ni trưởng có thể cho bạn đọc biết rõ hơn về nhân duyên để có sự kiện ý nghĩa này trong bối cảnh xã hội hiện đại, toàn cầu hóa?

- Chúng ta đã biết trong lịch sử, Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo Kiều-đàm-di (Mahā Pajāpatī Gotamī) là vị Ni đầu tiên được Đức Phật cho thọ giới, dự vào hàng xuất gia. Đức Thánh Tổ là người dì ruột cũng là kế mẫu, trực tiếp nuôi dưỡng Thái tử Tất-đạt-đa từ lúc sinh ra đến trưởng thành, cũng được gọi là Di mẫu của Bồ-tát Gotama. Sau khi thành đạo, vào mùa hạ thứ năm, Đức Thế Tôn trở về thăm phụ thân và hoàng tộc. Lần đầu tiên nghe Đức Phật thuyết pháp, bà đã chứng sơ quả. Bà từ bỏ vương vị, điện ngọc với mục đích xin được xuất gia, theo hạnh giải thoát của Đức Thế Tôn.

Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nguyện - Ảnh: Bảo Toàn

Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nguyện - Ảnh: Bảo Toàn

“Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo là ‘ngọn đuốc’ sáng soi đường, luôn lưu chuyển trong tâm khảm và huyết mạch của chư Ni trên thế giới hơn hai ngàn năm qua, trong đó có chư Ni Phật giáo Việt Nam. Đây là dịp chư Ni Việt Nam bày tỏ sự chí thành, tri ân công đức cao vời ấy, cùng ghi nhớ công lao to lớn của chư vị Ni tiền bối Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ.

Từ khi thành lập Phân ban Ni giới Trung ương (năm 2009) đến nay đã thành lập được gần 50 Phân ban Ni giới thuộc Phật giáo tỉnh thành trong cả nước.

Tôi nay đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn mong mỏi chư Ni trưởng, Ni sư, Sư cô thuộc Phân ban Ni giới Trung ương và Phân ban Ni giới các tỉnh thành luôn giữ gìn giới luật, trau dồi giới hạnh, nỗ lực trong tu trì, cố gắng tiếp thu kiến thức có chọn lọc để vững chãi trên hành trình cầu đạo giải thoát. Trong bối cạnh thời đại, chư Ni khi đã có đủ nội lực tu tập thì cũng mạnh dạn dấn thân phụng sự cho cộng đồng, xã hội, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, nhằm đồng hành, đóng góp cho Giáo hội, cho Đạo pháp và Dân tộc”.

NT.Thích nữ Tịnh Nguyện, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ

Tuy nhiên, trong quá trình cần cầu xuất gia tu học, ngài cũng đã trải qua vô vàn khó khăn, thử thách bởi ảnh hưởng chế độ bất bình đẳng giới ở xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Với quyết tâm cao tột, ngài cùng 500 mệnh phụ phu nhân đã được Đức Thế Tôn “xóa bỏ bức tường bất bình đẳng”, chấp nhận cho xuất gia, trở thành vị Ni đầu tiên, lãnh đạo Ni đoàn phát triển lớn mạnh. Chính vì vậy, ngài được tôn xưng là Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo.

Với lòng thành kính, tri ân Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, năm 1956, cố Ni trưởng Thích nữ Như Thanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Ni bộ Bắc tông, cùng chư Ni trưởng tiền bối đã họp bàn và thống nhất, sau khi thỉnh ý kiến của Đại Tăng, quyết định chọn ngày mùng 8-2 Âm lịch (ngày Đức Phật xuất gia) hàng năm, để làm ngày tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo. Chư Ni trưởng lúc bấy giờ cũng dựa vào các tư liệu lịch sử để phác thảo hình ảnh và tạc tôn tượng Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, tôn trí tại trụ sở của Ni bộ Bắc tông - chùa Từ Nghiêm (TP.HCM ngày nay).

Vào năm 2009, được chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN cho phép Ni giới VN thành lập Phân ban Ni giới Trung ương (trực thuộc Ban Tăng sự Trung ương). Chư tôn đức Ni thống nhất hàng năm Phân ban Ni giới các tỉnh thành nếu có khả năng thì đăng cai tổ chức lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, cùng chư Ni tiền bối Phật giáo VN hữu công nhằm tỏ lòng thành kính, tri ân ngài và các bậc Ni tiền nhân nhưng phải chọn ngày mùng 6-2 Âm lịch. Riêng ngày mùng 8-2 Âm lịch vẫn duy trì như truyền thống tổ chức lễ tưởng niệm tại tổ đình Từ Nghiêm (trụ sở của Phân ban Ni giới Trung ương) và xem ngày này là ngày truyền thống của Ni giới toàn quốc.

Do điều kiện khách quan, năm nay Phân ban Ni giới TP.HCM mới tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo vào ngày 1, 2-10-2022 (nhằm ngày 6, 7-9-Nhâm Dần) tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM (cơ sở 2, A13/14 Mai Bá Hương, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh).

* Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo năm nay do Phân ban Ni giới TP.HCM đăng cai tổ chức khá quy mô, dự kiến có 1.000 đại biểu chính thức tham dự, sẽ diễn ra những sự kiện gì, hình thức lễ tâm linh và quy mô như thế nào, bạch Ni trưởng?

- Năm nay, Ban Tổ chức dự kiến sẽ đón tiếp 1.000 đại biểu gồm chư tôn giáo phẩm Giáo hội Trung ương và TP.HCM, đại diện lãnh đạo các cấp, Phân ban Ni giới Trung ương, đại diện Phân ban Ni giới trong cả nước và nữ Phật tử tiêu biểu về tham dự sự kiện của Ni giới TP.HCM.

Ở đây, chúng tôi không quan trọng tổ chức quy mô hay sự “hoành tráng” ở mức độ nào mà quan trọng là cần đặt tiêu chí trang nghiêm, thành kính lên hàng đầu, cần bảo đảm sự chu toàn để làm sao bày tỏ sự thành kính, ân đức đối với công hạnh cao dày của Đức Thánh Tổ Đại Ái Đạo và chư Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ. Toàn thể Ban Tổ chức đồng tâm cố gắng tổ chức sự kiện tâm linh - Đại lễ tưởng niệm được trang nghiêm và chu toàn.

Ni trưởng Thích nữ Từ Nhẫn trao quà trung thu đến các em thiếu nhi tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (thị trấn Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Ni trưởng Thích nữ Từ Nhẫn trao quà trung thu đến các em thiếu nhi tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (thị trấn Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

* Ni trưởng cho biết điểm nhấn của Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Đại Ái Đạo năm nay là gì?

- Ngoài chương trình chính thức của Đại lễ tưởng niệm nhằm mục đích bày tỏ tri ân và báo ân Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo - Kiều Đàm Di, cùng chư Ni tiền bối hữu công Phật giáo VN, điểm nhấn của đại lễ còn có buổi tọa đàm với chủ đề “Ni giới Phật giáo TP.HCM: Tiềm năng - Hội nhập - Phát triển”. Đại lễ tưởng niệm hàng năm cũng là ngày truyền thống của chư Ni cả nước, do đó tọa đàm là dịp chư Ni cùng nhau trao đổi kinh nghiệm tu học, chia sẻ những khó khăn nếu có trong tình cảm linh sơn pháp lữ. Qua đó, chư Ni cũng thảo luận, đóng góp xây dựng những chương trình hoạt động Phật sự thiết thực, phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, trong khuôn khổ của Đại lễ tưởng niệm, còn có các sự kiện như: thắp nến tưởng niệm, triển lãm không gian Phật giáo, trưng bày tác phẩm từ hội thi ảnh nghệ thuật Phật giáo của các tác giả nữ TP.HCM, trao học bổng cho Ni sinh các trường Phật học và tặng 1.000 phần quà từ thiện chia sẻ đến những gia đình khó khăn.

Đại diện Thường trực Phân ban Ni giới TP.HCM phát nguyện nhận nhiệm vụ trong lễ đón nhận quyết định chuẩn y nhân sự nhiệm kỳ 2022-2027 tại Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: Bảo Toàn
Đại diện Thường trực Phân ban Ni giới TP.HCM phát nguyện nhận nhiệm vụ trong lễ đón nhận quyết định chuẩn y nhân sự nhiệm kỳ 2022-2027 tại Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: Bảo Toàn

* Là vị lãnh đạo của Ni giới TP.HCM, dịp này, Ni trưởng có nhắn nhủ gì đến toàn thể chư Ni của thành phố?

- Bản thân tôi luôn tin tưởng dù chư Ni ở thời đại nào, hoàn cảnh nào nếu có chung lý tưởng, niềm tin về Đức Thế Tôn, có sự tinh chuyên nghiêm trì giới luật, sống trong sự đoàn kết, hòa hợp thì Ni đoàn được thanh tịnh, góp phần trang nghiêm Giáo hội.

Tôi mong mỏi chư Ni thành phố luôn gắn bó, nâng đỡ nhau trên hành trình tìm cầu giải thoát, trong sinh hoạt tu tập và thừa hành hoạt động Phật sự. Với chư Ni trẻ hàng hậu học cần biết cố gắng, nỗ lực tu tập, hành trì, tu bồi giới hạnh để trưởng dưỡng tự thân, góp phần thanh tịnh Ni đoàn, cũng là góp phần trang nghiêm Giáo hội. Bởi lẽ, người có nội lực thâm sâu trong hành trì, có tri thức, trí tuệ sáng suốt thì tiếp nhận mọi sự việc để thanh lọc, chọn cái “tốt đạo đẹp đời” mà phát huy. Được như vậy, chư Ni trẻ cũng sẽ đóng góp cho sự kỷ cương, ổn định của Phật giáo TP.HCM mà chư tôn đức Tăng luôn thao thức.

Chân thành tri ân Ni trưởng.

Phân ban Ni giới GHPGVN TP.HCM trực thuộc Ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM chính thức được thành lập vào ngày 23-10-2009 (nhiệm kỳ VII 2007-2012) do cố Ni trưởng Thích nữ Như Châu làm Trưởng Phân ban nhiệm kỳ đầu tiên.

Theo báo cáo, GHPGVN TP.HCM có hơn 13.200 Tăng Ni, với tổng số 1.469 tự viện, trong đó có 3.549 vị Ni tại 369 ngôi tự viện Bắc tông, 37 tịnh xá, 68 tịnh thất và 4 niệm Phật đường.

Hàng năm, Phân ban Ni giới Phật giáo TP.HCM duy trì việc tổ chức khóa An cư kiết hạ theo truyền thống, với 20 trường hạ an cư tập trung, 38 điểm an cư tại chỗ, góp phần thanh tịnh Tăng đoàn, trang nghiêm Giáo hội. Đặc biệt, năm 2019, Phân ban Ni giới TP.HCM đã tổ chức khóa huân tu 10 ngày cho lãnh đạo Ni tại chùa Từ Nghiêm (quận 10).

Chư Ni các tự viện toàn thành phố tham gia các hoạt động hoằng pháp, văn hóa, giáo dục, từ thiện xã hội… đóng góp cho thành tựu chung của GHPGVN TP.HCM. Nhiều tự viện Ni là cơ sở giáo dưỡng trẻ mồ côi, nuôi dưỡng người già neo đơn duy trì hàng chục năm qua. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, chư Ni đã đồng hành cùng GHPGVN TP.HCM, Giáo hội TP.Thủ Đức, quận, huyện, chính quyền và ban ngành, đoàn thể các cấp thực hiện hoạt động từ thiện, an sinh xã hội với trị giá khoảng 50 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày