Có người hỏi rằng nếu không có Tăng bảo thì Phật giáo có thể tồn tại được không? Tôi nghĩ rằng không. Nếu có tồn tại thì đó là một cái gì khác chứ không phải Phật giáo như từ trước đến nay. Không phải vô cớ mà Đức Phật xây dựng Tăng-già, thiết lập đoàn thể của những người “cạo bỏ râu tóc, đắp y ca-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. Nếu việc xuất gia làm Tăng không cần thiết, không ảnh hưởng đến sự tu hành thì Đức Phật không bảo chúng ta phải xuất gia làm gì, mà chỉ cần làm đệ tử tại gia thực hành giáo pháp là được rồi.
Bản thân Đức Phật là một người xuất gia, Ngài vừa là một vị Phật mà cũng vừa là một vị Tăng, chứ không phải là một cư sĩ. Những ai muốn tu học chuyên sâu theo giáo pháp của Ngài thì cũng phải xuất gia, bởi vì Ngài thấy rằng: “Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời, đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật rất khó cho một người sống ở gia đình có thể sống theo Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc”. Người tại gia nếu tu tập cũng rất khó để chứng đạt quả vị cao. Thời Đức Phật còn tại thế, đa phần các cư sĩ chỉ chứng quả Tu-đà-hoàn, rất ít người chứng được quả Tư-đà-hàm và A-na-hàm và càng hiếm hoi người chứng quả A-la-hán.
Trong trường hợp cư sĩ chứng quả A-la-hán thì sẽ xảy ra một trong hai trường hợp. Một là sẽ xuất gia làm Tăng như ngài Da-xá và hai là nhập diệt liền như vua Tịnh Phạn. Không thể có chuyện một vị A-la-hán mà mang hình thức cư sĩ. Bởi vì, như lời giải thích của Na Tiên Tỳ-kheo: “Phẩm mạo cư sĩ thấp thỏi quá, thật không xứng đáng với quả vị A-la-hán mà người ấy đã đắc, do vậy phải thay đổi phẩm mạo xuất gia… Chính phẩm mạo xuất gia như kẻ có đức, có trí, có tài, nhiều phước báu, mới xứng đáng với quả vị A-la-hán. Phẩm mạo xuất gia có thể được ví như một bảo cái lớn rộng, có khả năng che chở cho quả vị A-la-hán… Quả A-la-hán như món ăn thượng vị, mà phẩm mạo cư sĩ như một thể xác suy yếu, không đủ khả năng tiêu hóa thức ăn ấy”.
Một vị cư sĩ dù có tài giỏi đến đâu cũng không thể thay thế chư Tăng để duy trì và hoằng dương Chánh pháp. Lịch sử Phật giáo Việt Nam cận đại cho thấy có rất nhiều vị cư sĩ giỏi giang như ngài Thiều Chửu, Lê Đình Thám, v.v…; họ làm được nhiều Phật sự nhưng cũng phải dựa trên nền tảng Tam bảo. Nếu thiếu đi nền tảng Tam bảo, trong đó có chư Tăng, thì những việc làm của họ cũng vô nghĩa. Một vài cư sĩ có trình độ cao, giỏi giáo lý, có thể là thầy dạy học của chư Tăng nhưng họ vẫn không thể thay thế hình ảnh của chư Tăng được.
Ngoài ra người cư sĩ phải chịu sự ràng buộc của gia duyên như vợ con, bạc tiền, của cải, danh vọng, địa vị, nghề nghiệp nuôi sống, vẫn trang điểm, thoa vật thơm, y phục tốt, thọ hưởng ngũ dục, ăn ngon, mặc đẹp, giường cao, nhà rộng… thì làm sao có thể toàn tâm toàn ý để tu học như chư Tăng ở trong chùa.
Chính vì vậy mà Đức Phật dạy rằng người cư sĩ dù cho đã chứng Thánh quả nhưng cũng phải cung kính, đảnh lễ và cúng dường chư Tăng, bất kể là thánh hay phàm tăng. Dẫu cho sự thực hành của chư Tăng chưa trọn vẹn, chưa chứng Thánh thì họ vẫn mang hình thức đầu tròn áo vuông, thọ trì giới luật, đang đi trên con đường Phạm hạnh, thiểu dục, tri túc, sống nơi chùa chiền tịch tịnh. Họ chính là người đang kế thừa hạt giống giác ngộ, Bồ-đề để cho mạch nguồn Phật pháp được duy trì, điều mà cư sĩ bậc thánh không thể làm được.
Có người thấy một số vị Tăng phạm giới hay có những hành vi, việc làm không chuẩn mực thì liền cho rằng chư Tăng không xứng đáng để họ cung kính. Có người còn nói rằng họ chỉ tin Phật và do đó nếu có quy y thì họ chỉ quy y Phật bảo và Pháp bảo mà thôi, chứ không quy y Tăng bảo. Nhưng thử hỏi nếu không có Tăng thì họ làm sao biết được Phật và Pháp.
Lịch sử cho thấy rằng, Phật giáo đã từng biến mất tại Ấn Độ suốt gần một ngàn năm. Đó là tại sao? Là vì không có người đi tu, không có hình ảnh của chư Tăng. Chính phủ Ấn Độ ngày nay rất muốn phục hưng Phật giáo và cũng có nhiều chính sách để thúc đẩy việc đó nhưng vẫn không tiến triển đáng kể vì số lượng người đi tu quá ít. Còn ở Việt Nam ta cũng có một vài thời kỳ Phật pháp suy vi, chư Tăng thất học, các thầy tụng đám thì phá giới phạm trai, sinh hoạt Phật giáo chỉ còn các việc tụng niệm cầu an, cầu siêu và những pháp thức đầy mê tín dị đoan. Ấy vậy mà Phật pháp vẫn duy trì không dứt.
Phật giáo Việt Nam dù có khi thịnh khi suy nhưng chưa bao giờ gián đoạn trong suốt chiều dài lịch sử đất nước. Vậy mới hay rằng, chư Tăng, dù chỉ là hình thức, vẫn có một vai trò quan trọng và cần thiết hơn cả những cư sĩ tài ba. Còn hình ảnh Tăng bảo là còn Phật giáo.
Có một số người quan niệm rằng nếu không tu được thì làm cư sĩ còn tốt hơn. Thà làm một cư sĩ tốt còn hơn làm một tu sĩ tồi. Nghĩ như vậy cũng đúng, nhưng không toàn diện. Sao mình không nghĩ rằng việc rời xa gia đình, cạo tóc, mặc áo nhà tu là việc mà không phải ai cũng dám làm.
Những người phê phán người tu thế này thế nọ, nhưng bảo họ cạo tóc vào chùa ở thì họ có làm được không? Họ có thể bỏ ra rất nhiều tiền để xây chùa nhưng bảo bản thân họ hay bảo họ cho con cháu đi tu thì có mấy ai làm được. Xây chùa to, nhiều mà không có Tăng thì chùa để làm gì? Có người còn nói đi tu sao sướng quá. Ôi, nếu đi tu mà sướng thì cả thiên hạ này đều đi tu hết rồi. Bởi vì ai mà không ham sướng!
Một vị Hòa thượng nói rằng không có một vị Tăng nào mà phước đức kém cả. Bởi vì kiếp này mà được xuất gia làm Tăng thì phải biết là nhiều đời nhiều kiếp trước họ đã gieo trồng thiện căn với Tam bảo rồi. Người phước đức kém không thể mặc áo của Như Lai được. Cho nên phỉ báng Tăng là điều không nên.
Trong thực tế chúng ta chứng kiến nhiều trường hợp những người phỉ báng Tam bảo, người tu hành hoặc phá hoại chùa chiền, tượng Phật… thường có kết cục không mấy tốt đẹp, tổn hại nhiều mặt trong cuộc sống của họ như bệnh tật, gia đạo bất hòa, bất an, tai nạn, kinh tế sa sút, danh tiếng tiêu tan… Việc kính trọng hay xem thường người tu cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự tu tập.
Thiền sư Viên Minh kể lại rằng, trước đây có một Phật tử là vợ của một ông hội trưởng của một hội Phật giáo nọ. Bà nghe lời thêu dệt của một số người mà sanh tâm miệt thị, khinh khi một vị tu sĩ khác. Bà là người có phước đức, giàu có và tâm đạo cũng rất lớn. Tuy nhiên, cũng từ đó không hiểu sao mà bà không thể tu tập như ngồi thiền hay niệm Phật như trước được. Có lần bà đem chuyện đó hỏi một vị đại sư. Vị sư ấy nói rằng có thể là do bà đã làm điều gì đó xúc phạm đến Tam bảo. Bà ngẫm nghĩ có lẽ là do bà có thái độ khinh thường đối với vị sư kia. Bà liền đến gặp vị sư ấy cầu xin sám hối. Từ đó bà có thể tu tập an lành như trước.
Chúng ta không biết tại sao có những hiện tượng như vậy. Có lẽ là do khinh thường, phỉ báng người tu nên tổn đức, mất phước; hoặc do lương tâm bị cắn rứt nên lúc nào cũng cảm thấy bất an; hoặc do thái độ ngạo mạn làm cho người đó có những suy nghĩ, hành vi, lời nói thái quá dẫn đến trở ngại hoặc thất bại? Trong kinh Địa Tạng cũng có nói rằng: “Nghiệp lực rất lớn, có thể sánh với núi Tu-di, có thể sâu dường biển cả, có thể ngăn đạo thánh”. Người bị tội nghiệp quá nặng thì không thể tu được là một sự thật vậy.
Nói đi thì cũng phải nói lại. Người xuất gia mà bị người ta xem thường thì cũng là do mình không đáng kính. Một số Tăng Ni không lo tu giới, định, huệ mà lo chạy theo địa vị, danh vọng, tiền bạc. Rồi do nhu cầu xây chùa và các hoạt động khác mà Tăng Ni ngày nay lệ thuộc quá nhiều vào thí chủ, tâng bốc họ lên như đại ân nhân, đại Bồ-tát thì làm sao họ không ngã mạn cho được.
Nên nhớ rằng việc tu hành để giác ngộ mới là chính, còn chùa chiền hay bất cứ cái gì khác chỉ là phụ mà thôi. Có chùa to thì tốt, không có thì cất cái am nhỏ để ở tu cũng được. Có Phật lớn thì tốt, không có thì nặn ông Phật bằng đất để thờ cũng được. Không cần phải đánh mất phẩm giá của người tu để xin xỏ, quỵ lụy người khác. Làm được vậy thì ai dám khinh mình.