O-cha và trà đạo Việt

Nụ cười của chủ nhân O-cha.
Nụ cười của chủ nhân O-cha.

Bà Nguyễn Thị Thi tâm niệm: “bán văn hóa” là một lĩnh vực khó và kén người có tâm. Trà “ướp” một góc linh hồn tôi trong đó.

Từ lâu trong đời sống và văn hóa người Việt, trà là một thức uống tao nhã, tinh tế, biểu hiện mối quan hệ giao hòa giữa con người với thiên nhiên. Thưởng trà là một thú vui không chỉ của bậc tao nhân mặc khách mà còn là nhu cầu, sở thích của mọi người, mọi nhà. Nó trở thành tinh hoa, thành nghệ thuật ẩm thực Việt Nam.

Xưa, bao tri âm tri kỉ ngồi bên nhau nhâm nhi, đàm đạo cùng chén trà, ngắm hoa, thưởng nguyệt. Nay, trà có mặt nơi bạn bè hội họp, vài câu thăm hỏi sức khỏe, vài câu chuyện phiếm cũng góp phần làm cho tình cảm thêm thắm thiết, đậm đà, nồng ấm.
Trong vòng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, những tưởng con người bận rộn vất vả mưu sinh, người ta không còn đủ thời gian để thưởng trà nữa. Những thức uống mới, nhanh gọn như cà-phê, trà lipton,… đã đẩy trà Việt về một nơi nào đó rất xa. Trăn trở, băn khoăn với tinh hoa văn hóa Việt, người con gái Hà Thành Nguyễn Thị Thi quyết định khởi nghiệp với hành trang là những kiến thức và nềm đam mê về nghệ thuật trà truyền thống.

Ngày nay, người dân Hà thành vẫn tìm được chốn thanh bình để thưởng trà, ngắm hoa, đưa tâm hồn mình trở về với văn hóa nguồn cội dân tộc. Đến trà quán O-cha ở số 1, làng Đình Hậu, Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội vào một chiều đầu đông, chúng tôi như lạc vào một không gian đậm chất Thiền.

O-cha và trà đạo Việt ảnh 1
Cô Nguyễn Thị Thi, chủ quán O-cha bên đặc sản trà.

Trà quán có mặt tiền không quá rộng, không tọa lạc trên con phố sầm uất người xe qua lại, càng không bài trí lộng lẫy, trang hoàng theo phong cách hiện đại. Trái lại, O-cha yên ả phía trong cổng làng Đình Hậu, nằm nép mình bên cây đa ngót nghét trăm tuổi, quay mặt ra đình làng cổ kính. Tất cả đã tạo ra nét duyên, nét hấp dẫn riêng không lẫn vào đâu được của O-cha. Không gian lặng tờ khiến con người cảm thấy tĩnh tâm lạ thường, quên đi bao phiền muộn, bon chen nơi cuộc sống chốn thị thành!

O-cha và trà đạo Việt ảnh 2
Một góc thanh tịnh của O-cha quán.

Trà sen, loại thức uống đặc sắc làm nên thương hiệu của O-cha, được người chủ quán này tâm đắc nhất. Khi nhắc đến nó, đôi mắt bà ánh lên niềm tự hào, kiêu hãnh. Với người “bán văn hóa” này, trà sen luôn là “nữ hoàng” trong văn hóa trà Việt bởi hương vị thanh tao, quý phái của nó. Nhiều năm gắn bó với trà, biết rất rõ hương vị quyến rũ trời phú của sen, chủ nhân O-cha quán đã đưa trà sen trở thành thức uống chủ đạo. Bà đã trực tiếp đến Hồ Tây, nơi có những búp sen to nhất, đẹp nhất và thơm nhất, tự tay mình chọn lựa, đem kết hợp với đặc sản miền chè Thái Nguyên, tạo nên dấu ấn rất riêng cho trà quán này.

Bà chia sẻ: “Để có được chén trà thơm ngát, bao công phu, tỉ mỉ của người ướp trà phải bỏ ra. Sen, linh hồn của chén trà, bắt buộc là sen Hồ Tây vào khoảng tháng 6 đến tháng 7, bởi nếu mua ở các vùng lân cận, giá thành tuy thấp hơn nhưng hương thơm thì không đượm bằng, trà ướp xong có vị chua, không thể níu giữ vị của chè hảo hạng. Những chén trà như thế coi như bị hỏng”.

O-cha và trà đạo Việt ảnh 3
Tầng một, nơi thực khách thưởng thức bánh và kem trà.

Ít ai biết rằng, cứ khoảng 1.000 bông sen mới cho ra 1 kg chè. Bởi thế, giá thành tuy cao nhưng trong tiết trời lành lạnh của mùa đông Hà Thành, ngồi nhâm nhi chén trà ngan ngát hương sen thì không gì thú bằng. Người thưởng trà tưởng như đang ngắm hồ sen thơm ngát, đồng loạt khoe sắc, tỏa hương bởi hàng ngàn búp sen hồng.

Để có một chén trà tuyệt hảo, sen Hồ Tây không thì chưa đủ. Bà Thi phải lặn lội bao phen lên tận vùng trà Thái Nguyên, uống không biết bao nhiêu loại trà ở miền đất ấy. Bàn chân bà đã in dấu khắp các vùng chè nổi tiếng từ Minh Lập (Đồng Hỷ), Phúc Thuận (Phổ Yên), tới La Bằng (Đại Từ), Tân Cương (TP Thái Nguyên)… Trước khi trở thành chủ quán, người con gái Hà Thành này đã là một nghệ nhân thưởng trà thực thụ, biết được thế mạnh, điểm yếu của từng loại trà và từ đó sáng tạo ra cách pha chế hợp lý nhất, chọn lựa được nguồn nguyên liệu tinh khiết cho chén trà của mình.

Trà có thể độc ẩm, đối ẩm nhưng thiếu không gian thưởng ẩm thì dư vị tao nhã của trà ít nhiều bị giảm sút. Không gian thưởng trà phải thanh tịnh, thuần khiết và êm dịu. Biết được tầm quan trọng của yếu tố đó, trà quán O-cha được trang trí những bức thư pháp, thư họa, góc đọc sách hay bàn cờ vây, cờ tướng… càng thêm thi vị.

O-cha và trà đạo Việt ảnh 4
Dư vị Thiền ngập tràn trong không gian thưởng ẩm.

Vài bình thủy hoa, vài lọ gốm bài trí đẹp mắt, kết hợp với một chút ánh sáng lung linh của đèn lồng đỏ làm căn phòng trở nên ấm áp. Len lỏi trong ngõ ngách trà quán là thanh âm dìu dặt, êm ái mang âm hưởng Thiền ru linh hồn ẩm khách trôi về cõi xa xưa. Nhiều ẩm khách chia sẻ, đến với O-cha là để thưởng thức, cảm nhận một thế giới ấn tượng, hoàn toàn riêng biệt.

Người chủ nhân tài hoa “mê” sáng tạo này, còn luôn khát khao đổi mới, mong muốn làm cho thực đơn trở nên hoàn hảo hơn. Từ những búp chè non của đại ngàn vùng cao, qua bàn tay của bà “hóa phép”, hình hài từng chiếc bánh, từng ly kem trà xanh ngát thấm đẫm hương thơm của chè, vị ngọt của đường đã trở thành món “đinh”, điểm nhấn khó phai trong lòng thực khách.

O-cha và trà đạo Việt ảnh 5
Những ẩm khách quen thuộc của O-cha.

Với bà, “bán văn hóa” là một lĩnh vực khó, kén người có tâm. “Đối với người khác, vốn có thể đổ vào kinh doanh vàng, chứng khoán để đem về những lợi nhuận cao, trở nên giàu có về mặt vật chất. Riêng tôi, kinh doanh trà không đơn thuần là làm lợi cho bản thân mình mà quan trọng hơn, nó là một thú vui, một cách làm giàu tâm hồn, văn hóa Việt Nam”, bà tâm sự.

Một lần thưởng thức chén trà nóng hổi chủ quán tự tay pha, cảm nhận vị đắng chát trên đầu lưỡi, vị ngọt thanh bất tận hòa quyện với hương thơm nồng nàn mà thấy ấm áp cõi lòng. Chia tay bà trong chiều đông lạnh giá, biển hiệu O-cha khuất dần sau cánh cổng làng, suy nghĩ trong mỗi chúng tôi vẫn chưa dứt. Phải chăng, những người như bà là "hạt bụi vàng” đang ngày đêm âm thầm vun đắp văn hóa cho mảnh đất Thăng Long này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày